Niềm tin và sự linh ứng trong các hình thức bói toán vốn không nằm ở những vì sao, cung mệnh, những hình thù của bã trà, sự "phối ngẫu" của những hòn đá... Mà có lẽ, chúng ta đi xem bói toán chỉ để nghe lời xác nhận những mong đợi trong vô thức và để an ủi bằng những lý giải về các biến cố.
Trong nhiều loại hình bói toán, chúng ta phó mặc quyết định cho sự ngẫu nhiên thông qua các nghi thức. Có thể nói rằng bói toán là các con người "hợp lý hóa" những lựa chọn và mong đợi của mình.
Tiếp nối bài viết có tựa đề Chiêm tinh dưới góc nhìn khoa học: Vì sao "chuyện tâm linh không đùa được đâu"?, bài viết sau đây của LeLa Journal không bàn luận đến tính khoa học của bói toán hay phản chứng bói toán, mà ngược lại, tìm hiểu vì sao chúng ta lại đi xem và tin vào bói toán dựa trên những cơ chế tâm lý.
Bói toán là gì?
Bói toán (divination), nhìn chung, là phương pháp đưa ra một sự kiến giải hoặc dự đoán về cuộc đời của một cá nhân dựa trên những dấu hiệu của tự nhiên, của sự ngẫu nhiên khi gieo quẻ, hoặc dựa trên đặc điểm sinh học. Về mặt phạm vi, bói toán khá giống với tiên tri (fortune telling). Sự khác biệt ở đây là bói toán thường mang tính nghi lễ, tôn giáo, nhằm cầu khẩn các vị thần hoặc linh hồn, trong khi tiên tri ám chỉ tiên đoán, thường phổ biến trong văn hóa đại chúng và ít mang tính thực hành, khuyên bảo hoặc xác nhận.
Có nhiều phương pháp bói toán đa dạng, trải dài qua nhiều nền văn hóa, bao gồm chiêm tinh, đọc vị con lắc (pendulum reading), cầu cơ (spiritual board), đọc vị (mental reading), đọc bã trà trong cốc (tasseography), bói bài, gieo quẻ, xin xăm, đọc vị bằng quả cầu pha lê (crystallomancy), đọc chỉ tay (chiromancy), giải mộng (dream interpretation), thần số học (numerology), bói Kiều, gọi hồn hay "tham vấn tâm linh" (spiritual consultation),...
Tuy đa dạng, nhưng điểm chung của các công cụ này là:
Đánh giá nhân cách và số mệnh của cá nhân bằng những nhận định phổ quát, (nghe có vẻ) hợp lý.
Đưa ra tiên đoán về cuộc sống dựa trên khuôn mẫu hành vi.
Xóa bỏ sự mơ hồ của một tương lai bất định.
Hóa giải hoặc giải thích những bất lợi trong cuộc sống, những hiện tượng siêu nhiên.
Vậy vì sao ta xem bói?
Không ít lần chúng ta trầm trồ về sự "đúng đắn" hoặc những mô tả "phù hợp" về tính cách, trải nghiệm hiện tại khi xem bói. Những lần bốc quẻ, rút xăm, đọc tướng số, xem vận mệnh hay dự đoán tương lai luôn đưa ra được lời giải thích phù hợp cho tình trạng của ta.
Song, chuyện các phép thực hành bói toán có căn cứ hay không thì cũng... chẳng phải vấn đề. Bởi suy đến cùng, bói toán cũng chỉ là một công cụ để chúng ta thực hiện 3 nhu cầu:
Hiện tại: cắt nghĩa các khái niệm về bản thân (self-concept), tự ứng nghiệm (self-fulfillment) mong đợi trong quá khứ.
Tương lai: dự đoán tương lai, lý giải sự kiện hiện tại để gợi ý tương lai.
Quá khứ: lý giải biến cố tiêu cực, trải nghiệm siêu nhiên hoặc xem vận mệnh.
Bói toán như một phép cắt nghĩa bản thân và tự ứng nghiệm lời tiên tri trong quá khứ
Một khía cạnh khác khi xem xét bói toán như một cách cắt nghĩa khái niệm bản thân liên quan đến lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy). Nghiên cứu của Naci Mocan và Han Yu về niềm tin vào hệ thống con giáp ảnh hưởng lên hiệu quả học tập ở trẻ (1).
Cụ thể, kết quả cho thấy rằng trẻ tuổi Rồng có xu hướng cạnh tranh về thành tích và có hiệu quả học tập cao hơn các trẻ khác cùng độ tuổi nhưng khác con giáp.
Điều này được hai nhà nghiên cứu lý giải là hệ quả của lời tiên tri tự ứng nghiệm từ cha mẹ. Cha mẹ kỳ vọng đứa con tuổi Rồng sẽ thành công sau này nên đặt nhiều kỳ vọng và định hướng con trẻ – một dạng ám thị. Hiệu ứng này vẫn đúng ở trường hợp cha mẹ tuổi Rồng, bởi họ cũng có sự cạnh tranh cao giữa các phụ huynh khác trong việc chăm sóc và dạy dỗ cao.
Bói toán như một phép lý giải các biến cố, trải nghiệm siêu nhiên và để đối đầu với sự bất định
Thêm vào đó, ngoài việc soi sáng ý nghĩa và giá trị cá nhân, giá trị của việc đi xem bói còn nằm ở việc xem bói giúp tăng khả năng đối phó với áp lực và các biến cố tiêu cực trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu về chiêm tinh học đã chỉ ra rằng khi mức độ mơ hồ trong trải nghiệm siêu nhiên càng cao và/hoặc trải nghiệm biến cố tiêu cực càng nhiều, con người càng tìm đến chiêm tinh học và các phép bói toán khác.
Trong một nghiên cứu khác, Outi Lillqvist và Marjaana Linderman, Giáo sư Khoa Tâm lý học thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan), nhận định rằng niềm tin vào chiêm tinh học là một chiến lược tâm lý nhằm để hiểu bản thân và để đương đầu với các sự kiện tiêu cực xảy ra trong đời (2). Tương tự như vậy, nghiên cứu năm 1993 của nhà nghiên cứu Han Yu Chiu giải thích rằng con người có thôi thúc mạnh mẽ tìm đến tiên tri/bói toán là vì cảm giác bất định (sense of uncertainty) (3).
Khi sống trong những điều kiện bất định (những sự kiện khiến ta nghi hoặc về nhân sinh quan, thế giới quan, hoặc vượt quá tầm lý giải), chúng ta có xu hướng thực hành bói toán. Bởi lẽ, các nghi thức tâm linh và tôn giáo này xoa dịu được sự bất an hoặc sự e ngại gây ra bởi tương lai bất định đó (4).
Vì sao xem bói lại thấy... đúng?
Việc chúng ta cảm thấy đúng khi xem bói, bỏ qua các chiều kích siêu nhiên và siêu hình, là ảnh hưởng của hiệu ứng mong đợi (expectancy confirmation) – hay còn được biết đến với những thuật ngữ như hiệu ứng Barnum hay hiệu ứng Bà Dì Fanny (Aunt Fanny effect) – và thiên kiến về nhận thức (5).
Theo định nghĩa, hiệu ứng Barnum - hay hiệu ứng Bà Dì Fanny, là "hệ quả của niềm tin rằng những mô tả mơ hồ về nhân cách thật sự mô tả đúng về một người, trong khi mô tả đó có thể áp dụng cho hầu hết mọi người" (6).
Hiệu ứng Barnum hay hiệu ứng Bà Dì Fanny nói lên một nhu cầu cố hữu của con người là cắt nghĩa bản thân và cắt nghĩa thế giới. Thật vậy, từ các hình thức ngụy khoa học (sinh trắc học vân tay), khoa học nguyên thủy (kinh dịch) cho đến những công cụ đánh giá dựa trên khoa học như Big Five, hay thậm chí cả những bộ công cụ gây tranh cãi như MBTI, con người luôn muốn cắt nghĩa, gọi tên, dán nhãn cho bản thân mình và mọi người xung quanh.
Bên cạnh đó, niềm tin vào bói toán nói chung được cho là có liên quan đến các thiên kiến về nhận thức (cognitive bias) và nhu cầu làm rõ những thuật ngữ mơ hồ như "tham vọng", "bao dung" bằng những liên hệ với sự kiện trong đời. Song, chúng ta có xu hướng chấp nhận những kiến giải tích cực mà xã hội mong đợi và tin rằng những tuyên bố về bản thân từ chiêm tinh là đúng. Đôi khi, ta có thể cho rằng nó đúng hơn cả các mô tả nhân cách từ các hệ thống đánh giá khoa học (7), (8), (9).
Tựu trung, nhiều người trong chúng ta chẳng mảy may để ý đến việc các hình thức bói toán có thực sự đúng đắn về mặt khoa học về lý thuyết và thực hành hay không.
Bởi lẽ, điều chúng ta thực sự cần thỏa mãn là sự củng cố mong đợi của một niềm tin nào đó trong bản thân, cũng như để "đổ lỗi cho những vì sao" đã gây ra những trải nghiệm tồi tệ mà phận người không thể cải vận. Theo nét nghĩa đó, bói toán giống như một hình thức xoa dịu, giống như cái cách chúng ta hay nói rằng "có bệnh thì vái tứ phương".
Có thể rằng, sâu trong tâm khảm của những người xem bói, họ biết rằng niềm tin của họ có nhiều kẽ hở về lý luận, nhưng giá trị mà họ nhận được từ việc đi xem bói cao hơn kết luận của phép thực hành bói toán mà họ thực hiện. Và cho đến khi con người hiện đại có thể cung cấp một cách thức kiến giải khả dĩ và đúng đắn về mặt khoa học hơn cho những điều bất định và siêu nhiên, bói toán vẫn tồn tại như một cách thức để hiểu bản thân, để chữa lành và để định hướng cuộc sống.
Comments