Thành tích không chỉ là được vinh danh với thứ hạng cao ở một cuộc thi, mà nó còn là ở quá trình trẻ biết cách đặt mục tiêu và quyết tâm hoàn thành. Trẻ em nên được sống đúng độ tuổi của chúng, để học tập, vui chơi, kết giao bạn bè, thỏa sức sáng tạo. Đừng gán ép những áp lực mà người lớn đang đối mặt lên con trẻ, cũng như buộc con cái trở thành "bản sao" của cha mẹ, vì như vậy không chỉ khiến trẻ phải căng thẳng mà ngay chính các bậc phụ huynh cũng mất đi niềm vui trong quá trình trưởng thành cùng con.
Vì sao bố mẹ mong muốn con mình có tính cạnh tranh?
Một nghiên cứu thú vị của Tiến sĩ Hillary Friedman tại trường Đại học Princeton có tựa đề: “Chơi để chiến thắng: Nuôi dạy trẻ em trong nền văn hóa cạnh tranh” (1). Ở đó, bà cho biết rằng hằng năm có rất nhiều bậc phụ huynh đã tốn một khoảng tiền lớn để đưa con mình đến các lớp học võ, trung tâm cờ vua, khiêu vũ hay là câu lạc bộ đóng đá.
Friedman lý giải: “Cha mẹ tin rằng sự cạnh tranh gay gắt là bước đệm tốt cho tuổi trưởng thành. Họ nghĩ chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều áp lực và sức ép, nên con đường đến thành công không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn mà còn nhiều yếu tố khác và thành tích là một trong những điều cần phải có”. Vô hình trung, điều đó dẫn đến ham muốn nhìn thấy con cái phải chiến thắng bằng mọi giá và đánh đổi một số khía cạnh nhất định khác của cuộc sống để có thể giành được chiến thắng.
“Đối với hầu hết những người làm cha mẹ, lĩnh vực hoạt động mà con họ thi đấu không quan trọng lắm. Họ không mong muốn con mình trở thành những vận động viên cờ vua, vũ công hay cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, mà cái họ quan tâm chỉ là sự thăng tiến về sau của trẻ" - Tiến sĩ Friedman đúc kết.
Họ muốn cho trẻ biết rằng để đạt được thành công thì phải biết học hỏi và kiên nhẫn. Họ cũng tin rằng sự cạnh tranh sẽ giúp ích cho con cái trong các hoạt động trong tương lai. Chẳng hạn như vào được một trường đại học top đầu, kiếm một công việc lương cao và dễ dàng thăng tiến.
Để khích lệ tinh thần chiến thắng, nhiều gia đình đã thưởng cho con mình những phần thưởng vật chất vượt xa giá trị so với những chiếc cúp và ruy băng do ban tổ chức sự kiện cung cấp. Cũng chính vì thế mà bà cho rằng dù cố ý hay không thì cha mẹ cũng đang áp đặt căn bệnh thành tích lên những đứa trẻ của mình.
Những món quà khích lệ tinh thần là con dao hai lưỡi, vì vậy nên thận trọng khi sử dụng chúng (Ảnh: Pinterest)
Trong các cuộc phỏng vấn của tiến sĩ với trẻ em, Friedman chia sẻ bọn trẻ thường ít quan tâm đến chiến thắng như cha mẹ, mặc dù chúng lại rất thích phần thưởng khích lệ. Nhiều em cho biết điều mà bản thân thích nhất ở các cuộc thi là có cơ hội kết bạn với những người khác. Một số thậm chí còn nói rằng sẽ cảm thấy tồi tệ nếu đánh bại một người bạn, vì điều đó có nghĩa là người bạn đó đã thua cuộc. Hiếm khi bọn trẻ nói về chính bản chất của hoạt động mang tính hơn thua đó, hoàn toàn ngược lại với ý định cố hữu của cha mẹ.
Trẻ em thích kết bạn và chỉ mong muốn đoàn kết giúp nhau, nhưng người lớn lại vô tình thúc ép bọn trẻ phải cạnh tranh.
Tiến sĩ Friedman từng là nhân viên tại các khu vui chơi giải trí khi còn là sinh viên nên bà đã có hàng trăm giờ quan sát và rút ra được kết luận: "Trẻ em chơi một cách tự nhiên, không thích có sự giám sát hay can thiệp của người lớn, và hiếm khi chơi các trò mang tính cạnh tranh. Ngay cả khi tụi nhỏ đang chơi một trò chơi được cho là cạnh tranh, bọn trẻ thường quan tâm nhiều hơn đến việc kết bạn, vui vẻ và đảm bảo rằng bạn cùng chơi sẽ vui vẻ hơn là chiến thắng. Thông thường, chúng sẽ không quan tâm đến điểm số”.
Bà đưa ra ví dụ là môn thể thao quần vợt, trong đó mục tiêu không phải là giành chiến thắng mà là giữ cho bóng di chuyển qua lại trên lưới nhiều lần nhất có thể. Bà nhớ lại: “Khi còn nhỏ, tôi là những người bạn của mình sẽ gặp nhau ở một bãi đất trống, không có người lớn xung quanh. Mục tiêu chính của chúng tôi là chơi đùa vui vẻ, nhưng để làm được điều đó, cả đám trẻ phải đảm bảo những người khác, kể cả những người trong đội đối thủ cũng phải đang vui vẻ cả làng. Vì vậy, chúng tôi học được cách sáng tạo và nâng cao khả năng của mình, cố gắng hết sức trong bối cảnh của trò chơi quần vợt, để tìm ra những cách đánh bóng và đấm bóng mới mẻ để duy trì trò chơi lâu nhất có thể”.
Dĩ nhiên, trẻ em cũng biết nổi giận, thậm chí bắt nạt và đánh nhau. Chúng không phải lúc nào cũng là những "thiên thần nhỏ", cũng như người lớn không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Nhưng học cách đối phó với tất cả những cảm xúc tiêu cực khi thua cuộc mà không bị người lớn can thiệp quá mức hay thúc ép chúng phải ăn thua đủ là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành.
Cách mà người lớn áp đặt lên con trẻ
Đáng buồn khi phải nói ra điều này, nhưng đã có nhiều gia đình xem con cái là một công cụ để họ có thể tự hào, thỏa mãn. Trong cuộc sống hối hả hiện nay, không khó để bắt gặp cụm từ "con nhà người ta", vậy thì "con nhà người ta" có phải là những đứa trẻ tự muốn trở thành như thế, hay chỉ là sự chỉ định đơn phương từ bố mẹ? Niềm vui thật sự đã không còn mà giờ đây chỉ là những áp lực buộc phải chiến thắng, nhận được lời khen ngợi hoặc là thua cuộc, gánh chịu sự thất vọng. Từ thấp lên cao, chiến thắng sau phải hơn chiến thắng trước, nếu không sẽ được coi là sự thụt lùi tệ hại.
Và đáng ngại hơn cả là chúng ta lại đang áp dụng điều này lên cả nền giáo dục. Trẻ em là những người học hỏi một cách tự nhiên. Chúng liên tục khám phá thế giới xung quanh và luôn muốn kết thân với nhau để "có bạn có bè" trong các hoạt động này. Trẻ em thường cùng bạn bè khám phá và hào hứng chia sẻ cho nhau những phát hiện mới. Nhưng ở trường học, nơi người lớn giữ vai trò phụ trách, hầu như tất cả đều quy về sự cạnh tranh, được thúc đẩy bởi phần thưởng và lời khen ngợi dành cho những người chiến thắng và đánh giá thấp những người thua cuộc.
Từ đó, có thể thấy chính người lớn đang tạo ra tiền lệ xấu cho trẻ, vì đứa trẻ chiến thắng buộc phải liên tục tiến lên để giữ phong độ không phải vì hứng thú thực sự với những gì đang làm mà đôi lúc chỉ vì thích được hò reo trong vinh quang.
Vậy người lớn có nên dạy trẻ cạnh tranh để có tầm nhìn xa về tương lai hay không?
Theo kinh nghiệm từ Tiến sĩ Peter Grey, người đang giảng dạy bộ môn Tâm lý học tại trường Đại học Boston cho rằng: “Những người thực sự thành công trong cuộc sống, có địa vị ngoài xã hội và gia đình hạnh phúc đều là những người hướng tới việc hợp tác hơn là cạnh tranh” (2).
(Tiến sĩ Peter Grey, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về tâm lý học giáo dục. Ảnh: Psychologytoday)
Không ai thực sự thành công nếu chỉ sống một mình. Chúng ta chiến thắng bởi vì chúng ta được người khác giúp đỡ trên đường đi. Họ giúp chúng ta vì họ có cảm tình với cá tính gần gũi, chia sẻ của chúng ta cũng như vì lẽ chúng ta không cố gắng đánh bại hoặc "ăn thua đủ" với họ.
Hãy để con bạn chơi đùa một cách hồn nhiên cùng bạn bè, để chúng cùng nhau gắn kết và sống đúng lứa tuổi mà "mẹ thiên nhiên" đã dành cho chúng. Có như vậy thì trên bước đường trưởng thành của những mầm non tương lai mới luôn ngập tràn màu sắc an vui, có những cung bậc trải nghiệm và bài học khác nhau chứ không chỉ riêng thành tích và chiến thắng.
Comments