top of page
Tìm kiếm

Không phải "động lực", mà chính "kỷ luật" mới giúp ta thành công và... mau giàu

Không thể phủ nhận vai trò của động lực trong hành trình hoàn thiện bản thân, nhưng dù sao nó cũng chỉ là nhân tố mang tính nhất thời và thiếu ràng buộc. Vậy đâu mới là điều quyết định sự thành công và giúp ta đạt được kết quả mong muốn? Đó chính là tính kỷ luật - yếu tố gắn liền với sự cam kết dài hạn.



Chính tính kỷ luật đã giúp Warren Buffett trở thành tỷ phú


Tỷ phú Warren Buffett nổi tiếng là một nhà đầu tư luôn kiên trì với các nguyên tắc đã đề ra. Hiệu ứng "hòn tuyết lăn" của ông nhấn mạnh giá trị từ việc đặt mục tiêu và áp dụng tính kỷ luật trong quá trình ra quyết định.


Vào những năm 1950 của thế kỷ trước, khi thị trường cổ phiếu đang tăng trưởng nóng, thay vì chạy theo đám đông thì Warren Buffett vẫn đầu tư nhất quán vào những công ty đang bị định giá thấp. Vào năm 1956, tỷ suất lợi nhuận của ông chỉ khoảng 4%, nhưng đến năm 1957, con số này lên 10% và vào cuối năm 1960 lợi nhuận đã tăng trưởng 29%. "Nhà tiên tri xứ Omaha" đã kiên trì đẩy những hòn tuyết nhỏ và chờ đợi đến lúc chúng hợp thành một khối tuyết khổng lồ (1).


Bên cạnh đó, ông cũng tuân thủ nguyên tắc không đầu tư vào những doanh nghiệp mình không thực sự hiểu rõ. Chiến lược này đã giúp ông tránh được những cú sụp đổ của thị trường và đem lại khối tài sản hơn 105 tỷ USD (2).



Trong cuộc sống, nếu động lực là thứ có thể dễ dàng sinh ra và mất đi thì tính kỷ luật khi đã được tu dưỡng sẽ trở thành nếp sống lâu dài. Để rèn luyện bản thân tuân theo kỷ luật, đòi hỏi chúng ta sự kiên định, bền bỉ và hun đúc ý chí quyết tâm. Thực ra, sẽ đến lúc bạn nhận thấy rằng cách để đạt được những ước mơ, tham vọng hầu hết đều nhờ vào tính kỷ luật.


"Kỷ luật là chìa khóa của thành công. Những người thành công phấn đấu bất kể họ cảm thấy thế nào bằng cách vận dụng ý chí của mình để vượt qua sự thờ ơ, nghi ngờ hoặc sợ hãi" - Dan Millman, tác giả cuốn sách "Chiến binh hòa bình", chia sẻ.

Có lẽ bạn từng có đôi lần quyết tâm đạt được KPI trong công việc hoặc xây dựng thói quen lành mạnh, nhưng thường không kéo dài được bao lâu. Điều ấy không có gì lạ cả. Ý chí khởi phát chỉ cho bạn một lượng adrenaline nhất định để bắt đầu. Nếu bạn muốn duy trì những thói quen này, kỷ luật là điều bắt buộc bạn phải có.


Các nhà khoa học đã nghiên cứu về tính kỷ luật cách đây nhiều năm và đã có hàng loạt kết quả chỉ ra những mặt tích cực mà đức tính này mang đến cho con người, chẳng hạn như giúp ta cải thiện cuộc sống và có khả năng đương đầu với khó khăn (3).


Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn cho rằng tính kỷ luật quan trọng hơn chỉ số IQ trong công việc, nhất là với những nhà lãnh đạo, bởi họ sẽ truyền cảm hứng cho nhân viên và thúc đẩy cấp dưới phát triển (4) (5).

Mỗi người chúng ta nên học cách rèn luyện tính kỷ luật để giúp bản thân hoàn thiện và đạt được thành tựu. Dĩ nhiên, duy trì sự kỷ luật không hề dễ dàng chút nào, thậm chí đôi khi bạn sẽ muốn từ bỏ giữa chừng. Thế nhưng, hãy yên tâm, LeLa Journal sẽ tiết lộ cho bạn bí quyết để đạt được sự kỷ luật ngay sau đây.


Rèn luyện tính kỷ luật như thế nào?



1. Đặt mục tiêu


Trước khi bắt đầu thực hiện một việc gì, bạn cần phải xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Bạn muốn thăng chức? Muốn trả nợ khoản vay ngân hàng? Hãy xác định đích đến của mình trước khi bắt tay vào hành động.


Cần lưu ý, mục tiêu nên gắn liền thực tế và phù hợp với năng lực của bạn. Nếu bạn đưa ra một tham vọng quá duy ý chí, xa vời thì nó sẽ nhanh chóng khiến bạn chùn bước và nản lòng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đặt mốc thời gian thực hiện phù hợp với từng mục tiêu.


2. Lên kế hoạch


Kế hoạch là thứ giúp bạn có thể đạt được thành quả nhanh chóng. Kế hoạch càng chi tiết, tỉ mỉ, con đường của bạn càng dễ dàng và tránh được tình huống hoang mang, lưỡng lự không biết nên làm gì tiếp theo.


Một mẹo nhỏ cho bạn là thay vì đặt ra đích ngắm cuối cùng và xăm xăm bước tới thì hãy chia chúng ra thành những mục tiêu ngắn hạn hơn. Chẳng hạn, nếu bạn ra mục tiêu tăng trưởng dài hạn trên 15%/năm cho các khoản đầu tư thì trước hết bạn nên đặt mốc 8% cho năm đầu tiên (hoặc nhỉnh hơn một chút so với lãi suất trung bình của ngân hàng). Sau khi khoản đầu tư của bạn đã tăng trưởng ổn định, bạn phân bổ lại cơ cấu tài sản và cải thiện tốc độ tăng trưởng.



Hãy ghi chú lại kết quả và so sánh vào cuối mỗi giai đoạn. Thành tựu của những bước nhỏ sẽ giúp bạn tự tin và có thêm động lực để đạt mục tiêu xa hơn (6). Quan trọng hơn hết, bạn phải tập theo dõi chặt chẽ danh mục đầu tư để điều chỉnh kịp thời nếu có biến động lớn, đó cũng là một dạng kỷ luật.

3. Duy trì thói quen


Con người thường có xu hướng hành động theo quán tính. Vì vậy, tính kỷ luật nên được áp dụng và phát triển thành một thói quen có lợi cho chúng ta. Khi đã quen với việc dậy sớm để tránh tắc đường và đi làm đúng giờ, bạn nên duy trì nó mỗi ngày và thậm chí là sớm hơn nếu như có cuộc họp hoặc gặp gỡ đối tác. Đừng để những băn khoăn về việc sáng nay có nên dậy sớm hay không trở thành một "chiếc bóng" ám lên tâm trí, mà hãy thực hiện thói quen tốt một cách đều đặn. Kết quả mỹ mãn nhất thường là những "trái ngọt" được gieo trồng và nảy sinh từ sự bền vững.



Theo nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Phillippa Lally, chúng ta phải mất từ 18 đến 254 ngày để hình thành một thói quen mới. Biên độ dao động lớn giữa hai con số cho thấy mỗi người đều có nhịp độ riêng trong hành trình cải thiện bản thân mình (7).

Mặt khác, tuân thủ kỷ luật không có nghĩa rằng bạn phải bỏ qua mức năng lượng hay nhu cầu cá nhân. Có thể sẽ có những ngày bạn đạt được ít hơn mục tiêu đã đề ra. Điều đó không sao cả, miễn là bạn duy trì được tính liên tục và không ngừng từ bỏ đích đến. Hãy nhớ rằng, bạn mới là người quyết định tốc độ cho kế hoạch của mình. Vậy nên đừng vội nản lòng khi bạn chậm hơn tiến độ một chút. Bạn hoàn toàn có thể bù đắp vào một ngày khác khi cảm thấy bản thân ổn hơn.


Doanh nhân người Mỹ Jim Rohn từng nhận định: "Thành công là một vài kỷ luật nho nhỏ, được thực hiện mỗi ngày; trong khi thất bại chỉ đơn giản là vài lỗi sai trong phán đoán, cũng được lặp lại hằng ngày. Chính tác động cộng dồn của những kỷ luật đúng đắn và phán đoán sai lần sẽ dẫn đường cho ta tới sự thịnh vượng hoặc thất bại".


4. Tự thưởng cho bản thân


Cứ tán dương chính mình khi đạt được một mục tiêu nào đó. Rèn luyện tính kỷ luật là một hành trình dài và khó khăn. Vì vậy, hãy cho phép bản thân tận hưởng phần thưởng của sự cố gắng. Bất cứ thứ gì bạn thích, dù là một bộ phim yêu thích, một ngày nghỉ, một buổi đi dạo… đều xứng đáng với nỗ lực bền bỉ của bạn.


Và cũng đừng ngần ngại tưởng thưởng bản thân mỗi khi bạn cần sự động viên hay cổ vũ. Đây là một mẹo giúp bạn có thêm niềm hào hứng và động lực tiếp tục hoàn thành mục tiêu.



Hy vọng các bạn sẽ thấy được sự quan trọng và những lợi ích mà tính kỷ luật mang lại trong đời sống. Sẽ có lúc bạn nản lòng nhưng đừng quá khắt khe với bản thân nhé. Hãy kiên trì và tích cực, mọi thứ đều tương xứng với những gì mà bạn bỏ ra.

Comments


bottom of page