top of page
Tìm kiếm

Xử lý khéo léo tình huống chó cắn phá đồ đạc trong nhà

Chó ở mọi lứa tuổi đều có thể cắn phá đồ đạc trong nhà, đặc biệt khi chúng chưa được huấn luyện về kỷ luật.


Vì sao cún cưng cắn phá đồ đạc?


Chó cắn phá đồ đạc và cây trồng vì một số lý do chính như sau:


- Chó đang trong thời kỳ thay răng sẽ thường xuyên cắn phá đồ vật và cây trồng. Giai đoạn thay răng của chó diễn ra từ 3 đến 6 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian này, chúng sẽ gặm nhấm những thứ có thể để giải tỏa cảm giác ngứa nướu răng.


- Chó cắn phá vì chúng đang dư năng lượng. Chó là loài động vật được thuần hóa để giúp con người làm những việc như chăn bò, săn thú, hoặc vận chuyển vật phẩm. Vì thế, năng lượng của chúng thường dồi dào và phải sử dụng hàng ngày.


- Chó bị nhốt trong nhà một mình cả ngày sẽ thường có thói quen cắn phá. Vì là loài động vật sống bầy đàn nên chúng cần sự hiện diện của người chủ hoặc đồng loại để nô đùa, vật lộn, và rượt bắt. Khi bị cô lập trong nhà, nó có thể nảy sinh trạng thái lo âu dẫn đến việc cắn phá cửa để tìm đường thoát ra ngoài, hoặc cắn phá đồ vật để "xả stress".


- Chó có vấn đề về răng miệng sẽ gặm nhấm đồ vật trong nhà hoặc cây cảnh để làm sạch răng. Tương tự như loài sói sống trong thiên nhiên, chúng gặm xương không chỉ để bổ sung canxi mà còn giúp chúng chà vôi răng.


6 cách huấn luyện để chó ngưng cắn phá đồ đạc


Khi nắm rõ những vấn đề trên cùng kế hoạch huấn luyện nhất quán, bạn có thể dạy cún cưng ngưng việc cắn phá đồ trong nhà và ngoài vườn. Dưới đây là 6 cách cơ bản:


Cách 1: Dạy chó mệnh lệnh "không"


Đây là một mệnh lệnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Dạy chó thuần thạo mệnh lệnh "không" vừa giúp bạn ngăn chó cắn phá đồ bừa bãi vừa ngăn những hành vi tiêu cực khác như khi chó sủa dai dẳng, nhảy chồm lên người khách, hoặc cắn chân bạn... Để tìm hiểu cách dạy mệnh lệnh "không" bạn có thể đọc thêm tại đây.


Cách 2: Mua đồ chơi cho chó


Khi chó có những món đồ chơi, chúng sẽ tập trung cắn phá món đồ của mình. Ngoài ra, chó cũng có thể chà vôi răng khi cắn xé món đồ chơi và hạn chế những vấn đề về răng miệng.


Cách 3 - Dùng nước xịt chống chó nhai đồ vật


Bạn có thể sử dụng nước xịt chống chó nhai đồ của Nature's Miracle. Loại nước xịt này có vị đắng và cay, do đó sẽ ngăn cản chó liếm, gặm, cắn phá đồ đạc trong nhà. Ngoài ra, sản phẩm cũng được pha chế với mùi hương đặc biệt giúp chó bình tĩnh, giảm căng thẳng để giảm nhu cầu cắn phá bừa bãi.



Cách 4: Cho chó đi bộ


Đi bộ từ 20 đến 30 phút là giải pháp tốt cho bạn và cún cưng vì cả hai cùng có cơ hội đốt bớt năng lượng dư thừa.


Cách 5: Cho chó khám răng miệng


Hãy kiểm tra nướu và răng của chó thường xuyên và cho chó khám răng miệng nếu bạn phát hiện những dấu hiệu bất thường như nứt hoặc sâu răng, sưng hoặc chảy máu nướu, có máu trong miệng hoặc trong nước bọt.


Cách 6: Tìm không gian đủ rộng để nhốt chó khi bạn vắng nhà


Tùy vào kích cỡ của loại chó bạn đang nuôi mà chúng sẽ cần không gian phù hợp. Nếu cần giữ chó trong nhà, Lela Journal khuyên bạn nên tìm không gian tối thiểu là 4m2 hạn chế nhốt chó trong chuồng nhỏ chật.


Nhốt chó trong chuồng có nguy cơ phát sinh những căn bệnh tâm lý cho chó, bao gồm phấn khích quá mức, dễ mất bình tĩnh, rên rỉ hoặc sủa không ngừng,... Ngoài ra, chó bị nhốt trong chuồng quá lâu sẽ thường đi vệ sinh ngay chỗ nó đang nằm, dẫn đến bệnh da liễu, bệnh đường ruột và làm mất vệ sinh chung cho căn nhà.


Comments


bottom of page