Khi trời nóng nực, chúng ta có những biểu hiện dễ nhận thấy như đổ mồ hôi, khát nước... và sự thật là sự gia tăng nhiệt độ trong môi trường sống đang tác động đa chiều đến cơ thể con người, thậm chí là từ bên trong. Các nhà sinh vật học và chuyên gia y tế toàn cầu đã lên tiếng cảnh báo về một viễn cảnh không mấy khả quan sẽ xảy đến với loài người khi một số cơ quan hay chức năng trong cơ thể chúng ta sẽ thay đổi theo hướng bất lợi trước hiện tượng tăng nền nhiệt của Trái Đất. Vậy chúng ta có thể làm gì với cơ thể mình?
Mối liên hệ giữa khí hậu và cơ thể người
Theo các thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới, năm 2023 được dự đoán sẽ tiếp tục trở thành năm nóng kỷ lục được ghi nhận dưới ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng và hiện tượng El Niño xảy ra tự nhiên (1).
Biến đổi khí hậu ở mức này đồng nghĩa với việc các sinh vật sống cũng phải đối mặt nhanh hơn với tiến trình tiến hóa để kịp thích nghi với điều kiện sống mới, hoặc sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn như nhiều giống loài mà lịch sử đã ghi nhận về hàng triệu năm qua.
Khoa học hiện đại đã chứng minh rằng những ảnh hưởng của khí hậu đã tác động đến khuynh hướng tiến hóa của loài người từ thời sơ khai, đồng thời khảo cứu lại những đặc điểm thay đổi trên cơ thể con người, thông qua các di tích, di chỉ khảo cổ cũng như phân tích các mẫu vật còn sót lại bằng công nghệ tối tân.
Đáng chú ý, các nhà cổ sinh vật học (paleoanthropologist) tại Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên Smithsonian phát hiện ra rằng các giai đoạn tiến hóa của loài người tương đồng với sự thay đổi môi trường, bao gồm sự biến động thời tiết từ lạnh, khô, cho đến các hình thái nền nhiệt khác.
Nhà nhân loại học Rick Potts từ Chương trình Nghiên cứu Nguồn gốc Nhân loài của Bảo tàng cũng đề xuất Lý thuyết Lựa chọn Biến động (Variability Selection Hypothesis) cho rằng trong suốt thời gian tồn tại trên Trái Đất, tổ tiên loài người không ngừng nâng cao khả năng đối phó với sự thay đổi môi trường sống để thích nghi với nhiều loại hình khí hậu, mà trong đó, phổ biến nhất là sự tiến hóa về cấu trúc cơ thể và hành vi (evolution in structure and behavior) và thích nghi di truyền (genetic adaptation) (3).
Qua các kết quả khảo cứu và phân tích, lý thuyết của Potts đã được chứng minh là đúng đắn và trở thành kim chỉ nam cho các nghiên cứu gần đây về sự thay đổi của cơ thể con người trước hiện tượng trái đất nóng lên qua từng năm.
Vậy các nhà khoa học đã phát hiện ra những thay đổi nào có thể xảy ra trong cơ thể con người trong tương lai?
Cơ thể thay đổi khi thế giới thay đổi
1. Kích thước não bộ con người trở nên nhỏ hơn
Nhà khoa học Jeff Morgan Stibel – một nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên California – đã công bố trên "Tạp chí về Não bộ, Hành vi và Tiến hóa" rằng ông đã khám phá ra mối liên hệ mật thiết giữa sự giảm kích cỡ của bộ não người và quá trình biến đổi khí hậu. Cụ thể, Stibel tiến hành nghiên cứu trên 298 mẫu vật của chủng người Homo sapiens ("giống người tinh khôn" hay chính là con người chúng ta) trong 50.000 năm qua (4).
Kết quả cho thấy rằng trên các hồ sơ ghi nhận tình hình thay đổi khí hậu trên các khu vực và toàn cầu, kích thước bộ não ở chủng người Homo sapiens nhỏ hơn đáng kể trong thời kỳ khí hậu ấm lên so với những giai đoạn các khu vực sống của họ mát mẻ hơn (4).
Đây có thể được coi là một phản ứng mang tính thích nghi của bộ não trước sự thay đổi bất lợi của thời tiết. Stibel cũng cho hay việc bộ não nhỏ lại không có nghĩa là chức năng nhận thức của con người sẽ theo đó mà kém hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động đáng kể đến sinh lý học cơ thể, theo cách nào đó mà khoa học chưa nghiên cứu ra.
2. Tốc độ làm mát của cơ thể chậm đi - Hiện tượng "nhiệt độ bầu ướt"
Khi nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ của da, da của chúng ta sẽ giải phóng nhiệt bên trong thông qua cơ chế đổ mồ hôi để làm mát (5).
Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhiệt độ tăng cao kỷ lục vào mùa hè tại nhiều nơi trên Trái Đất với nền nhiệt được ghi nhận ngoài trời dao động trong khoảng 40 - 55 °C – ngưỡng nhiệt độ cao hơn nhiều do với nhiệt độ trung bình cơ thể con người.
Đáng lưu ý ở đây là nền nhiệt gia tăng đi kèm với độ ẩm cao, và nhiệt độ thấp nhất mà cơ thể chấp nhận được để tự làm mát đến khi độ ẩm bốc hơi hết được gọi là nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb temperature). Nhiệt độ bầu ướt càng cao, cơ thể càng khó làm mát thông qua cơ chế đổ mồ hôi. Điều này nghĩa là mồ hôi không thể bay hơi do bị giữ dưới da, gây ra rối loạn tiết mồ hôi (sweating disorder) (6).
Nếu khí hậu vẫn tiếp tục nóng lên, phản ứng và tốc độ tiết mồ hôi của cơ thể sẽ chậm dần, rồi đến một thời điểm nào đó, chức năng tiết mồ hôi ở làn da của con người sẽ bị vô hiệu hóa. Mối nguy hại về sức khỏe là không thể tránh khỏi (6).
3. Hoạt động của phổi kém đi – Gia tăng các chứng bệnh đường hô hấp
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (United States Environmental Protection Agency) cho biết rằng qua các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã khẳng định rằng nhiệt độ gia tăng do Trái Đất nóng lên cũng sẽ gây lên tình trạng tăng ozone. Do đó, sẽ có thêm nhiều ngày mà nồng độ ozone trên mặt đất (ground-level ozone) tăng cao, với tần suất xuất hiện dày đặc hơn trong năm.
Điều này sẽ khiến cho phổi của con người đối mặt với nguy cơ một số chức năng bị thoái hóa và gây ảnh hưởng đến dung tích toàn phổi. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa xác định được hướng tiến hóa của phổi và các cơ quan hô hấp khác để thích nghi với hiện tượng tăng ozone trên mặt đất.
Làm gì để giúp cơ thể ứng phó với hiện tượng Trái đất nóng lên?
Con người không thể dự đoán chính xác hướng tiến hóa của giống nòi mình trong vài trăm năm tới, nhưng có thể làm chậm tốc độ hoạt động của hiện tượng này để hạn chế tối đa những ảnh tưởng tiêu cực lên cơ thể chúng ta (9).
LeLa Journal gợi ý một số biện pháp giúp độc giả giữ gìn và nâng cao sức khỏe thể chất trong những ngày nắng nóng cận kề, cụ thể như sau:
1. Uống nhiều nước: Thời tiết nắng nóng khiến chúng ta bị mất nước do da kích hoạt cơ chế làm mát bằng việc tiết mồ hôi, do đó cần thường xuyên bù nước qua nhiều hình thức, như uống nước lọc, ăn trái cây mọng nước và khoáng chất...
2. Hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ: Tuy việc sinh hoạt trong không gian có gắn điều hòa sẽ khiến cơ thể chúng ta thấy mát mẻ, song về lâu dài điều này không tốt cho cả hệ hô hấp và sự bài tiết mồ hôi (10). Cách sử dụng hợp lý và tốt cho sức khỏe nhất là kết hợp điều hòa với các hình thức làm mát khác như quạt, gió tự nhiên và uống nước theo chế độ: Bật điều hòa trong 1-2 tiếng để làm mát, sau đó chuyển sang các loại quạt điện công suất lớn/nhỏ tùy theo diện tích phòng.
3. Tránh các địa điểm tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ bên ngoài: Vào những ngày trời nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn nên dễ dẫn đến hiện tượng mất nước, đồng thời các cơ quan y tế cũng ghi nhận nhiều vấn đề suy giảm sức khỏe nghiêm trọng do tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao trong những ngày này (11). Do đó, bạn nên tránh có mặt tại những địa điểm ngoài trời với diện tích rộng và ít bóng râm, như sân vận động, bãi đỗ xe...
Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý là TRÁNH đột ngột di chuyển từ nơi có nhiệt độ thấp (như phòng điều hòa) đến nơi có nhiệt độ cao (ngoài trời) mà nên dành 10-15 phút hoạt động nhẹ nhàng hoặc chờ tại địa điểm tiếp giáp hai môi trường này để đảm bảo cơ thể có đủ thời gian thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ.
4. Tăng cường sức khỏe thể chất: Một cơ thể dẻo dai và hệ miễn dịch khỏe mạnh là chìa khóa để phòng chống bệnh tật và hạn chế tối đa nguy cơ biến đổi bất lợi tác động tới hoạt động của các hệ cơ quan. Ngoài việc bổ sung đủ dinh dưỡng, bạn cũng nên duy trì vận động hằng ngày, vào những khung giờ mà trời mát mẻ, như chiều muộn hoặc tối... với các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, đá bóng, gym, yoga...
5. Duy trì lối sống xanh để làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu: Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể sống xanh thông qua việc thực hiện những điều đơn giản như tiết kiệm điện – nước, hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng phương tiện công cộng... Chung tay chống lại sự biến đổi khí hậu cần đến ý thức của cả cộng đồng và không khó để mỗi cá nhân trong cộng đồng bắt tay vào thực hiện lối sống xanh phù hợp với mình.
Không chỉ thời tiết nóng lên khiến cơ thể chúng ta thay đổi đâu, còn nhiều yếu tố khác nữa. Mình đã từng cân nhắc mua máy lọc không khí để lắp trong nhà hay không, nhưng suy cho cùng thì nếu chúng ta chỉ sạch khi ở nhà mà ra đường vẫn tiếp xúc khói xăng xe và bụi mịn thì bao nhiêu máy lọc không khí cũng không lại được.