Làm thế nào để giúp một người vượt qua lo âu bệnh tật?
- Tuyết Nhi
- 13 thg 4, 2023
- 4 phút đọc
Đã cập nhật: 15 thg 8, 2023
Khi một người đối diện với bệnh tật, ngoại trừ sức mạnh nội tại và khả năng chấp nhận nghịch cảnh của bản thân thì người bên cạnh đóng vai trò rất quan trọng để giúp tâm lý bệnh nhân được lạc quan, giảm lo âu. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu một số cách để giúp một người gặp phải vấn đề sức khỏe nhé.
Dù là một căn bệnh mãn tính hoặc chấn thương nhất thời thì những chẩn đoán xấu về sức khỏe đều ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm sinh lý của một người. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào một số khía cạnh như điều kiện sinh hoạt, sức khỏe tinh thần của bệnh nhân cũng như tác động của môi trường xã hội xung quanh. Người bệnh thường gặp những trở ngại trong tâm lý như khó mở lòng hơn, tiêu cực, nhạy cảm và mất niềm tin vào bản thân mình. Chính vì vậy, khi đồng hành cùng một người đang có vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, chúng ta cần hết sức thận trọng, biết điều gì nên làm và không nên làm để giúp họ vượt qua nỗi lo lắng tiêu cực.

Với kinh nghiệm 30 năm tiếp xúc cùng bệnh nhân ung thư tại cơ sở nghiên cứu về ung thư mang tên UCSF Helen Diller Family Comprehensive Cancer Center (Mỹ), Cynthia Perlis - tác giả quyển sách "Bedside Manners: What to say and what not to say when someone is ill" - đã chia sẻ một số điều cần lưu ý, bao gồm (1):
Học cách lắng nghe và giao tiếp: Tác giả Perlis khuyên mọi người nên học cách lắng nghe mong muốn và cảm xúc của bệnh nhân vì mỗi người sẽ có cách đối diện vấn đề khác nhau. Chúng ta thường có xu hướng mong muốn mọi người tốt lên bằng cách vội vàng đưa ra lời khuyên hoặc giải pháp mang tính chủ quan. Tuy nhiên, Perlis cho rằng thay vì thuyết phục bệnh nhân rằng mọi chuyện sẽ ổn, chúng ta nên học cách chấp nhận cảm xúc của họ mà không phán xét, không đưa ra quan điểm. Ngoài ra, theo nhà tâm lý Tracy Livecchi, khi trò chuyện cùng bệnh nhân chúng ta không nên ép họ nói ra những điều họ chưa sẵn sàng. Trong trường hợp bạn hỏi người thân hay bạn bè về kết quả chẩn đoán y khoa vừa nhận được, họ có thể chưa trả lời ngay được, mà cần thời gian bình tĩnh để tiếp nhận thông tin. Vì vậy, đừng quá nóng lòng mà thúc giục bệnh nhân chia sẻ.

Luôn bên cạnh đồng hành: Tác giả Perlis kể rằng có rất nhiều bạn bè túc trực bên cạnh an ủi bệnh nhân sau vài tuần nhận chẩn đoán về bệnh tình, nhưng sau đó lại biến mất vì nhiều lý do khác nhau. Cô khuyên mọi người cho dù không biết làm gì thêm cho bệnh nhân hoặc khó mở lời chia sẻ thì cũng hãy im lặng và bên cạnh họ, đừng rời đi. Đó là điều ý nghĩa nhất mà ta có thể làm cho người bệnh trong hoàn cảnh này.
Về việc đồng hành cùng người bệnh, nhà tâm lý Tracy Livecchi có một cách rất hữu ích đó là hãy thường xuyên thăm nom, hỏi han về tình hình của bệnh nhân để họ biết rằng bạn vẫn luôn bên cạnh và quan tâm.
Nhiều người có thể bị áp lực hoặc thấy bản thân thừa thãi khi ở bên cạnh người bệnh mà không biết nói gì hoặc làm gì hữu ích, nhưng đôi khi chỉ cần cùng xem một bộ phim, nghe một bản nhạc, bạn đã khiến họ an lòng, vững tâm hơn khi có người bên cạnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có lịch trình điều trị dài hạn, bạn có thể cùng họ đi đến những buổi tái khám định kỳ. Điều này sẽ là động lực rất lớn giúp những người đang mang gánh nặng tâm lý vì bệnh tật có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn (2).

Giúp đỡ họ làm những điều nhỏ nhặt: Hãy từ tốn và kiên nhẫn hỏi xem người bệnh có cần hoặc muốn gì không, vì đôi lúc chính họ cũng không nhớ ra hết những điều phải làm giữa lúc tâm trạng ngổn ngang, rối bời. Khi ấy, bạn chỉ cần lặng lẽ bên cạnh giúp đỡ họ làm những điều nhỏ nhặt như giặt đồ, dọn dẹp, nấu một bữa ăn ngon... Nhà tâm lý trị liệu Tracy Livecchi cũng đưa ra lời khuyên rằng bệnh nhân thường không có năng lượng và tâm trí để dò xét lại những thứ họ cần. Vì vậy, thay vì hỏi "Tôi có thể giúp gì cho bạn", hãy chủ động giúp họ làm những việc thường nhật như chăm sóc thú cưng, đưa họ đi dạo bộ.

Cho họ cảm nhận sự ấm áp thay vì lòng thương hại: Tác giả Perlis khuyên mọi người hãy dành cho bệnh nhân những cái ôm ấm áp và chân thành. Khi đó, hãy gạt bỏ những nỗi lo lắng hoặc cảm giác tiêu cực cá nhân sang một bên, tránh khiến họ cảm thấy bản thân đang nhận sự thương hại. Khi an ủi người bệnh, chúng ta cần phân biệt giữa sự thương cảm và thương hại. Chúng ta nên thấu hiểu cảm xúc của bệnh nhân và cho họ sự giúp đỡ thiết yếu thay vì chỉ quan tâm theo kiểu giao đãi, hỏi han khách sáo. Vì thương hại không giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, mà chỉ khiến họ thêm mặc cảm, tự ti với căn bệnh của mình.

Comentarios