top of page
Tìm kiếm

6 vấn đề phổ biến trong mối quan hệ: Giải pháp từ các "quân sư tình yêu"

Những năm vừa qua là khoảng thời gian biến động không chỉ với kinh tế mà còn với đời sống tinh thần, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm. LeLa Journal tổng hợp 6 vấn đề phổ biến mà các cặp thường gặp phải trong năm 2023 kèm theo những giải pháp hữu ích từ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới.



1. Cãi vã liên tục nhưng nhỏ nhặt đều có nguyên nhân sâu xa


Tình trạng không gặp mặt thì thấy nhớ nhung mà ở gần thì cãi vã liên tục bắt gặp rất nhiều ở các đôi tình nhân và thậm chí là cả vợ chồng. Cứ tưởng không nghiêm trọng, thế nhưng, đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn tăng hơn 95% - theo báo cáo từ một số quốc gia trong đại dịch vừa qua (1). Trong khi việc ở nhà cùng nhau 24/7 đã khiến căng thẳng bùng phát, thì cuộc cãi vã từ những điều nhỏ nhặt càng khiến cuộc sống chung đôi trở nên bức bối.


Phức tạp hơn, nguyên nhân của những cuộc cãi vã hằng ngày giữa các đôi khá khó xác định và bắt rễ từ những yếu tố sâu xa khác. Tiến sĩ, nhà trị liệu mối quan hệ Jason N. Linder cho rằng có ba lý do khiến cho điều này xảy ra, bao gồm (2):

  • Ảnh hưởng từ cha mẹ: Có thể chúng ta đã vô tình "học" được việc tranh cãi với người bạn đời, bởi đó là những gì mà cha mẹ chúng ta đã làm. Khi bất đồng quan điểm, cả hai đều tự cho là mình đúng, thay vì cố gắng hiểu và thỏa hiệp với nhau.

  • Cơ chế phòng vệ: Tức giận là một cách để những hai người bảo vệ cái tôi khi nó bị đe dọa. Điều này thường xảy ra lúc cãi nhau, khi cả hai thấy cảm thấy tội lỗi, tổn thương và sợ hãi.

  • Đến từ bản chất khác nhau của hai luồng quan điểm và tư duy: Đây là vấn đề muôn thuở trong mối quan hệ, vì theo Giáo sư John Gottman, đến 69% các vấn đề giữa hai người đều vào trường hợp này - vấn đề không giải quyết được (3).



Vậy giải pháp là gì?


Giáo sư John Gottman, chuyên gia trị liệu hôn nhân hàng đầu trên thế giới, đã gợi ý rằng khi đối diện với những cuộc cãi vã không có hồi kết như vậy, hai người nên chủ động làm dịu không khí rồi đối thoại nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, dù có thể giải quyết được hay không, tránh im lặng cho qua chuyện hoặc khiến không khí căng thẳng leo thang (4).


Một điều tốt là không phải bản chất của xung đột, mà chính cách giải quyết xung đột sẽ giúp bảo đảm sự thành công của một mối quan hệ.

Mời độc giả đọc thêm về cách xử lý khi gặp phải các xung đột trong bài viết đã được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề 90% cặp đôi hạnh phúc đến "răng long đầu bạc" đều có chung 7 đặc điểm này.



2. Suy diễn về suy nghĩ của nửa kia


Đây cũng là một trong những vấn đề phổ biến, được các chuyên gia quan tâm. Nhà trị liệu Terrence Real là gọi đây là "thói quen phá hoại mối quan hệ". Trong một cuốn sách, Terrence Real đã chia sẻ rằng (5):


"Thay vì đưa ra những giả định có thể không đúng sự thật, mọi người nên chia sẻ những điều mà mình cảm nhận bằng cách sử dụng một công cụ trị liệu được gọi là vòng quay phản hồi (the feedback wheel)".

Vòng quay phản hồi (the feedback wheel) bao gồm bốn lời nói nhẹ nhàng mà bạn có thể gửi tới đối phương để tránh tự suy diễn, thực hiện khi cả hai đang không ở trạng thái căng thẳng (5):

  1. Đây là những gì anh/em đã thấy hoặc nghe.

  2. Đây là những gì anh/em đã nghĩ về nó.

  3. Đây là cảm giác của anh/em.

  4. Đây là điều sẽ giúp anh/em cảm thấy tốt hơn.


Điều cuối cùng rất quan trọng, bởi thực tế là chúng ta phải đưa ra yêu cầu thì sau này mới có thể... phàn nàn về nó. Việc không thể áp dụng được phương pháp giao tiếp này, đặc biệt là điều cuối cùng, thường dẫn tới việc hai người trong một mối quan hệ luôn tranh cãi mà... không đi đến đâu.


"Bây giờ em phải làm gì?", "Giờ em muốn anh phải thế nào?", "Tôi phải làm sao thì anh/em mới vui lòng?"... đều là những câu nói khá phổ biến khi cả hai đã tranh cãi đến kiệt sức và đành phải "gào" lên trong vô vọng.

Nhà trị liệu Terrence Real cũng cho biết thêm rằng, tiến trình này có thể giúp chúng ta chuyển từ trạng thái tức giận sang dễ bị tổn thương (vulnerability), qua đó giao tiếp một cách tôn trọng đối phương mà tránh được việc đổ lỗi.



3. Làm gì khi người yêu đang buồn?


Rất nhiều người quan tâm đến việc giúp đỡ tinh thần và xoa dịu nỗi buồn cho người yêu. Và câu trả lời đã nằm trong một bài viết từng được đăng tải trên LeLa Journal với tựa đề 3H: Câu "thần chú" an ủi khi người yêu đang buồn, với 3H chính là:

  1. Ôm (Hug).

  2. Lắng nghe (Hear).

  3. Giúp đỡ (Help).

Độc giả có thể đọc kỹ hơn về 3 chữ H này tại đây.



4. Cẩn thận với việc chúi mũi vào điện thoại (phubbing)


Chúi mũi vào điện thoại là một thực trạng phổ biến trong đời sống hiện đại, đến nỗi có hẳn một từ lóng dành riêng cho nó là "phubbing" - một từ ghép giữa "phone" (nghĩa là "điện thoại") và "snubbing" (nghĩa là "hắt hủi", "lạnh nhạt", "làm mất mặt"...). Như vậy, "phubbing" chính là hành động chúi mũi vào điện thoại và "làm lơ" người yêu hoặc người vợ/chồng.


Một loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng phubbing rất phổ biến và đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong các mối quan hệ, cụ thể như sau:

  • Một nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ phubbing cao hơn có liên quan đến sự không hài lòng trong hôn nhân (6).

  • Nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy phubbing có thể dẫn đến cảm giác không tin tưởng hoặc là cảm giác bản thân bị bỏ rơi (7).

  • Một nghiên cứu khác cho thấy người bị phubbing nhiều có khả năng sẽ làm theo, từ đó cũng thực hiện phubbing nhiều hơn, nghĩa là phubbing có tính lây lan (8).


Vì vậy nên theo các chuyên gia, điều đơn giản mà dễ thực hiện là hãy nghĩ xem việc chúi mũi vào điện thoại sẽ gây tổn thương cho nửa kia của mình như thế nào. Và nếu cần thiết, chúng ta có thể đặt ra các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng điện thoại, như là thiết lập các khu vực không có điện thoại như bàn ăn, bếp, phòng ngủ...



5. Làm sao để trò chuyện về tình dục


Nhà trị liệu tình dục Vanessa Marin từng chia sẻ trong một cuốn sách rằng (9):


"Hầu hết mọi người hiếm khi nói về tình dục với đối tác của mình. Hoặc, họ chỉ thảo luận về chủ đề này khi có chuyện gì đó nghiêm trọng đã xảy ra" (10).

Marin tin rằng giao tiếp là nền tảng của đời sống tình dục viên mãn và đây là kỹ năng cần được học trong mọi mối quan hệ. Marin cũng cho rằng chúng ta nên bắt đầu bằng những lời khen ngợi, có thể là về ngoại hình của đối tác hoặc về cảm giác của mình. Những lời khen tưởng như nhỏ bé này lại có thể làm tăng sự gần gũi và giúp chúng ta dễ dàng trò chuyện "thân mật" hơn.



6. Quá bế tắc trong một mối quan hệ


Quá bế tắc mà không có giải pháp cũng là một tình trạng khá phổ biến. Trong loạt phim tài liệu "Liệu pháp cặp đôi" của Showtime, nhà tâm lý học lâm sàng Orna Guralnik đã cho biết rằng:


"Nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc gặp bác sĩ trị liệu cho đến khi họ mắc kẹt trong những khuôn mẫu đã bị chai sạn (calcified). Vào thời điểm đó, tình cảm có thể đã cạn kiệt".

Vào những lúc này, hai người thực sự nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia trị liệu có uy tín. Khi gặp các chuyên gia, đừng ngần ngại đặt những câu hỏi sơ bộ cho nhà trị liệu của mình như như: Trị liệu cặp sẽ được tiến hành như thế nào? Chuyên gia đã giải quyết vấn đề tương tự như của tôi trước đây chưa? Vấn đề này có thể giải quyết được đúng không?...


Trên thực tế, các nhà trị liệu rất hoan nghênh những câu hỏi như vậy, bởi đó là một bước tiến trọng việc đưa mối quan hệ giữa thân chủ-tâm lý gia lên một bước mới, chính là tin tưởng lẫn nhau.

Comments


bottom of page