top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTú-Anh Nguyễn

Ly hôn văn minh: Cha mẹ làm sao giúp con phát triển tâm lý bình thường?

Khi gia đình tan vỡ (bố mẹ chia tay, ly thân, ly hôn…) việc đảm bảo nếp sinh hoạt hằng ngày để ổn định về mặt tâm lý cho con trẻ nên là ưu tiên hàng đầu. Đau khổ, bất đồng, cãi vã, tranh chấp… tất cả những vấn đề của người lớn rồi sẽ đến thời điểm lắng dịu, nhưng sự phát triển và tương tác xã hội của con là quá trình tiếp diễn liên tục không ngừng.


Nếu đã không thể tiếp tục cuộc hôn nhân cùng nhau, cha mẹ có thể làm gì để đảm bảo tốt nhất cho các nhu cầu kết nối gia đình theo từng giai đoạn phát triển của con? Bài viết này được nghiên cứu dựa trên điều kiện lý tưởng nhất là khi cha mẹ đồng thuận vượt qua xung đột và cùng chung tay nuôi dạy con. Dù đã ở riêng 2 nhà khác nhau nhưng khi cha mẹ giữ được hòa khí vui vẻ, con trẻ sẽ vẫn sẽ cảm nhận được hạnh phúc trong quá trình phát triển tâm lý suốt giai đoạn lớn lên.



0-12 tháng: Phát triển niềm tin


- Điều con cần: Cảm giác an toàn, nề nếp sinh hoạt ăn ngủ nhất quán, tất cả các nhu cầu thiết yếu phải được đáp ứng kịp thời.


- Người lớn nên: Duy trì việc gặp gỡ con thường xuyên với khoảng thời gian vừa đủ để không ảnh hưởng đến nề nếp sinh hoạt của con (1-2 giờ/lần; 2-3 lần/tuần). Cần lưu ý đến các thay đổi trong sinh hoạt thường ngày để không làm gián đoạn lịch trình ăn ngủ của con.


12-24 tháng: Phát triển khả năng ngôn ngữ và trí nhớ


- Điều con cần: Phát triển kết nối cảm xúc và tình cảm chặt chẽ với 1 - 2 người chăm sóc thân thiết nhất.


- Người lớn nên: Giữ tần suất gặp con không cách lâu hơn quá 3 ngày/lần gặp. Nên có một món đồ quen thuộc để kết nối thân thiết với con (thú bông, chăn gối...) để giảm thiểu lo âu vì xa cách.


24-36 tháng: Thiết lập kết nối với nhiều người chăm sóc khác nhau


- Điều con cần: Có thể thể hiện sự kháng cự khi phải rời xa người chăm sóc chính. Sự phản kháng có thể nhiều đến mức khóc la, bực tức.


- Người lớn nên: Thực hiện việc đưa đón (bàn giao) con càng nhanh gọn càng tốt để giảm thiểu việc bùng nổ cảm xúc tiêu cực và khủng hoảng xa cách. Trong giai đoạn này, dù đã ly hôn nhưng cha mẹ rất cần thể hiện cho con thấy như thể hai người đang ở cùng một "chiến tuyến", nhằm tạo cảm giác an toàn và an tâm cho con.


3-5 tuổi: Phát triển kỹ năng xã hội


- Điều con cần: Học theo và bắt chước hành động, cách cư xử của người lớn. Phát triển nhận thức về khái niệm thời gian, giờ giấc, ngôn ngữ giao tiếp và nhận định về các mối quan hệ.


- Người lớn nên: Khuyến khích cảm giác tích cực về thời gian con ở cùng người cha/mẹ kia. Không để con chứng kiến bất đồng và xung đột nếu có giữa hai người. Ghi nhận và công nhận các cảm xúc đang bùng nổ hoặc những khó khăn của con. Hãy nhẹ nhàng nói cho con nghe rằng cha/mẹ hiểu con cảm thấy như vậy và sẵn lòng hỗ trợ con. Nếu con nói rằng con nhớ người kia thì hãy tạo điều kiện để con được trò chuyện hoặc gặp gỡ với đối phương thường xuyên hơn.


6-12 tuổi: Phát triển các mối quan hệ


- Điều con cần: Bắt đầu quan tâm hoặc suy nghĩ nhiều về việc cân bằng thời gian mà con ở với cha và mẹ.


- Người lớn nên: Tạo điều kiện để con thường xuyên liên lạc với cả cha và mẹ. Có thể kết hợp cùng việc con ở cùng cha/mẹ và có bạn bè đến chơi cùng. Khi con càng lớn, khoảng thời gian con ở cũng mỗi bên cha/mẹ có thể dài hơn và việc thay đổi từ nhà này sang nhà khác có thể ít thường xuyên hơn.


13-17 tuổi: Gia tăng sự độc lập


- Điều con cần: Bắt đầu quá trình tách dần ra khỏi cha mẹ. Có thể thể hiện sự kháng cự khi cha mẹ có những sắp xếp quá cứng nhắc. Muốn tựđưa ra những quyết định riêng cho bản thân.


- Người lớn nên: Biết rằng con có thể muốn dành thời gian với bạn bè nhiều hơn là với cha mẹ.



​Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn, với chuyên môn Tâm lý Trẻ em - Cha mẹ, là nhà thực hành tham vấn tâm lý, cung cấp các chương trình Đào tạo Cha mẹ Nuôi dạy con, Quản lý hành vi và giao tiếp, Cải thiện Năng lực cảm xúc và chất lượng tình cảm - gắn kết gia đình


Tốt nghiệp 3.97 GPA Thạc sĩ Tâm lý Trẻ em & Thanh thiếu niên tại trường The Chicago School of Professional Psychology.

Chứng chỉ sau Cao học về Giáo dục và Đào tạo Cha mẹ tại trường Adelphi University New York.

Giảng viên đào tạo các chương trình quốc tế làm cha mẹ và nuôi dạy con hiệu quả theo các nghiên cứu, dẫn chứng khoa học.

Parent Educator & Parent Counsellor: Tư vấn phụ huynh, hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ nuôi dạy con tích cực.

Nhà cung cấp các chương trình tư vấn - đào tạo cho các tổ chức và nhãn hàng.

Diễn giả cho các hội thảo với chủ đề nuôi dạy trẻ theo kỷ luật tích cực.

Nhà sáng lập dự án Happy Parenting.





Comments


bottom of page