top of page
Tìm kiếm

Mạng xã hội: "Mạng nhện" giăng bẫy tâm lý con người

Bạn có biết những đặc điểm thiết kế của các ứng dụng mạng xã hội đều được cài đặt một số cơ chế khiến chúng ta dễ bị nghiện và ưu tiên nó trong cuộc sống hằng ngày? Hãy cùng LeLa Journal tìm ra những cách thức sử dụng mạng xã hội chủ động và tích cực hơn.


Từ trước đến nay, mạng xã hội luôn là một công cụ tuyệt vời để kết nối mọi người dù ở bất kỳ không gian cách trở về địa lý ra sao. Mạng xã hội còn là cầu nối giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn tìm được các nhà hảo tâm, vận động các chiến dịch vì cộng đồng hoặc quảng cáo những sản phẩm hữu ích đến với công chúng… Đó luôn là một nơi giúp chúng ta chia sẻ các giá trị tốt đẹp và truyền cảm hứng tích cực cho nhau.


Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt trái của mạng xã hội đang ngày càng mở rộng, tác động lên không chỉ một vài cá nhân mà sâu xa hơn là cả toàn xã hội. Phân tích và công nhận những mặt tiêu cực này không phải để chỉ trích công nghệ, mà là cùng hướng đến những giải pháp hiệu quả hơn, để người dùng sử dụng mạng xã hội một cách hữu hiệu và các nhà sản xuất cũng có thể cải thiện công nghệ theo tiêu chí vì lợi ích cộng đồng.


Tại sao mạng xã hội dễ gây nghiện?


Ảnh: Brett Jordan

Các nền tảng phổ biến hiện nay như Facebook, Twitter, Instagram và TikTok thường được phát triển dựa trên mục đích giành lấy sự chú ý của người dùng càng nhiều càng tốt. Vậy nên, họ cần thiết kế làm sao để chúng ta khó có thể rời khỏi mạng xã hội. Chẳng hạn như thiết kế dấu chấm đỏ cho thông báo của ứng dụng thay vì dùng màu xanh lá cây, vì chúng ta phản ứng khẩn cấp theo bản năng với màu đỏ. Điều đó tương tự với các chức năng rung, đèn nhấp nháy… Đây là những tín hiệu kích hoạt đầu tiên khiến ta mở ứng dụng. Chức năng bình luận, lượt thích, lượt xem… tạo cảm giác bắt buộc phải theo dõi liên tục các cập nhật và khuyến khích chúng ta tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài như một phần thưởng ca tụng, tán dương. Bộ não con người có thể tiến hóa để “khao khát” sự chấp thuận từ xã hội, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên nhận nó cách 5 phút một lần khi cứ liên tục kiểm tra mục "bạn có 1 thông báo mới".


Công nghệ của mạng xã hội luôn được cập nhật để nhắm vào tâm lý con người và hướng chúng ta đến một số hành vi nhất định.

Các nhà sáng lập mạng xã hội thiết kế sản phẩm dựa trên những đặc trưng cơ bản của tâm lý con người. Một ví dụ điển hình là phần não liên quan đến sự mong muốn, khao khát hoặc nhu cầu tìm kiếm sẽ mạnh hơn nhiều so với phần não liên quan đến sự hài lòng (1). Mạng xã hội tận dụng điều này để cung cấp các tính năng như lướt/cuộn/kéo vô hạn để xem nội dung liên tục (infinite scroll), đề xuất (recommendations) và vuốt sang/lên/xuống để đọc tin tức mới… nhằm khuyến khích sự tìm kiếm liên tục và giữ chân chúng ta trong hàng chục phút hay hàng giờ đồng hồ.


Nghiên cứu cũng cho thấy thông tin tiêu cực được chú ý nhiều hơn và định hình cảm xúc, hành vi của chúng ta nhiều hơn các thông tin tích cực (2). Để đảm bảo an toàn, bộ não con người cần xử lý thông tin tiêu cực - đặc biệt là khi nó gây ra sự sợ hãi - một cách nhanh chóng và triệt để. Vậy nên các bài viết đánh vào tâm lý sợ hãi, tức giận hoặc ghê tởm sẽ có mức độ tương tác cao hơn và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thêm vào đó, các thuật toán thường được khuyến khích chia sẻ những thứ phổ biến trong cộng đồng, nên càng làm nhân rộng các nội dung mang tính độc hại trên mạng xã hội, bởi hệ thống tự động xem đây là nội dung đang được quan tâm. Tuy nhiên, mức độ phổ biến không đồng nghĩa với tính hữu ích, khoa học hay sự thật.


Ảnh: George Pagan

Một báo cáo đã chỉ ra trẻ em dưới 13 tuổi thường được gợi ý các nội dung độc hại sau khi tạo tài khoản trong vòng 24 giờ, bao gồm các chủ đề rối loạn ăn uống, chế độ ăn kiêng cực đoan, hình ảnh khiêu dâm, tự làm hại bản thân hoặc tự tử… (3).


Nguy cơ dẫn đến tự tử đã tăng lên 66% ở những bé gái tuổi teen dành hơn 5 giờ mỗi ngày (so với mức 1 giờ) trên mạng xã hội (4).

Mỗi yếu tố gây nghiện từ các ứng dụng, thoạt trông, có vẻ không đáng kể, nhưng kết hợp lại dần dà theo thời gian sẽ gây nên những tác động lớn đến cá nhân và xã hội. Dựa theo tổng hợp nghiên cứu từ Trung tâm Công nghệ Nhân đạo (Center for Humane Technology) (5), mạng xã hội có những tác động cụ thể vào tâm lý con người như sau:

Hao tổn chất xám

Tình trạng nghiện Facebook càng nặng, khối lượng não của một người càng giảm đi. Ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hiện tượng giảm đáng kể chất xám trong hạch hạnh nhân có liên quan đến mức độ nghiện Facebook. Việc mất đi khối lượng chất xám này tương tự với sự mất đi các tế bào ở người nghiện cocaine (6).

Suy giảm niềm tin

Tin giả lan truyền trên mạng xã hội nhanh gấp 6 lần tin thật (7). Chỉ sau 2 phút tiếp xúc với một video rao giảng thuyết âm mưu trên mạng xã hội thì thái độ ủng hộ xã hội của người xem sẽ bị giảm xuống, cùng với đó là việc giảm niềm tin vào các sự thật khoa học đã được kiểm chứng (8).

Ảnh hưởng trí nhớ và sự tập trung

Phân tích tổng hợp của hàng chục nghiên cứu phát hiện rằng, tần suất chuyển đổi qua lại giữa các kênh truyền thông cao có liên quan đến sự suy giảm trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Ngày càng nhiều nền tảng mạng xã hội cạnh tranh với nhau để thu hút sự chú ý của chúng ta, đồng nghĩa với việc những năng lực cơ bản của con người như ghi nhớ, tập trung… sẽ càng bị ảnh hưởng (9).

Lượt thích "ảo" & sự tư ti ngoài đời thật

Lượng người thích trên tài khoản Instagram của người nổi tiếng có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Một nghiên cứu cho thấy, khi phụ nữ xem hình ảnh trên Instagram của người nổi tiếng, họ tự chấm điểm cho khuôn mặt của mình thấp đi, và sự tự ti này tỷ lệ thuận với số lượt thích của các hình ảnh mà họ nhìn thấy (10).

Trầm cảm

Nghiên cứu trên vài nghìn thanh thiếu niên đã chỉ ra, mức độ sử dụng mạng xã hội là một yếu tố dự báo quan trọng về tình trạng trầm cảm của một người trong vòng 4 năm kế tiếp. Cứ thêm 1 giờ sử dụng mạng xã hội, triệu chứng trầm cảm của các thanh niên này tăng thêm 2% (11).

Mức độ hạnh phúc

1 tháng rời khỏi Facebook sẽ giúp cải thiện đáng kể mức độ hạnh phúc. Nghiên cứu trên 1600 người Mỹ trưởng thành (thường dùng Facebook tối đa 1 giờ/ngày) cho biết, việc vô hiệu hóa tài khoản Facebook (deactivate) đã mang lại cảm giác hạnh phúc thường trực hơn và giảm mức độ cảm thấy cô đơn cho người dùng (12).

Hạn chế sử dụng mạng xã hội: Khó hay dễ?


Ảnh: Lilartsy

Mạng xã hội vẫn là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho chúng ta kết nối với người thân, bạn bè và đồng nghiệp, cùng với đó là truyền tải những thông điệp ý nghĩa, tích cực đến cho cộng đồng. Biết cách hạn chế và sử dụng chủ động sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, tập trung vào những điều quan trọng khác, đồng thời có một sức khỏe tinh thần lành mạnh và tận dụng được tối đa các lợi ích của công nghệ. LeLa Journal sẽ liệt kê các cách đơn giản giúp độc giả dễ dàng “thanh lọc đời sống tinh thần” khỏi việc sử dụng mạng xã hội quá đà.


  • Hiểu rõ động cơ “Tại sao?”:

Hãy nghĩ về lý do tại sao bạn muốn hạn chế dùng mạng xã hội? Điều đó có tác động như thế nào đến bạn? Lý do bạn cần sử dụng mạng xã hội là gì? Liệu có những phương tiện hợp lý nào khác để thay thế không? Những mục tiêu nào trong cuộc sống đang cần nhiều thời gian và năng lượng của bạn hơn? Bạn có đang muốn cải thiện hành vi hay mối quan hệ nào trong cuộc sống của mình không?...


  • Đặt ra mục tiêu thực tế và có thể đạt được:

Tùy vào tình hình sử dụng và lý do tại sao, bạn có thể đặt mục tiêu khác nhau như: hạn chế một khoảng thời gian nhất định (không sử dụng vào ngày Chủ nhật), hoặc một nền tảng cụ thể (tắt thông báo Instagram), loại bỏ hoàn toàn (xóa ứng dụng TikTok khỏi điện thoại), thử nghiệm và rèn luyện (vô hiệu hóa tài khoản Facebook trong 2 tuần)... Sau đó, bạn hãy xem xét phương án tốt nhất và phù hợp về lâu dài.


  • Kiểm soát việc sử dụng:

Tắt thông báo: Như đã phân tích, màu đỏ kích hoạt sự chú ý của chúng ta ngay lập tức. Vì thế, hãy tắt các chấm đỏ thông báo trên biểu tượng ứng dụng, hoặc tắt hết thông báo của các ứng dụng không mong muốn.


Xóa ứng dụng độc hại: Xóa các ứng dụng dễ thu hút sự chú ý, làm mất tập trung hoặc gây nghiện. Có thể tải các công cụ hữu ích khác thay thế như: Tide (theo dõi thời gian tập trung), Insight Timer (thực hành chánh niệm), BlockSite (chặn truy cập các website hoặc ứng dụng cụ thể)...


Ngắt kết nối: Đặt ranh giới cho các khung giờ không sử dụng mạng xã hội trong ngày như bữa ăn sáng hoặc buổi tối… Đồng thời, bạn có thể ngắt kết nối với mạng xã hội hoàn toàn một ngày mỗi tuần và tập kết nối lại với chính mình cùng người thân.


Chọn môi trường: Nếu thói quen sử dụng MXH ở bàn học, bàn làm việc khiến bạn mất tập trung trong thời gian dài, hãy thử đặt ra quy tắc chỉ sử dụng điện thoại ở phòng khách hoặc nơi nào khác cụ thể. Trí nhớ ngắn hạn và khả năng giải quyết vấn đề có thể bị giảm đáng kể nếu chúng ta cứ đặt điện thoại trên bàn dù đã tắt, so với việc mang chúng cất trong phòng khác (13). Để hạn chế tối đa, hãy đặt điện thoại sang không gian khác, khuất tầm mắt mỗi khi bạn cần tập trung.


Mới đây vào ngày 14/8/2022, ngôi sao phim Người nhện của Marvel - Tom Holland cho biết anh đang tránh xa mạng xã hội vì những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Anh đã xóa dứng dụng Twitter và Instagram khỏi điện thoại vì cảm thấy chúng “gây căng thẳng” và “quá sức nặng nề”, đồng thời không có ý định đăng bài trong thời gian tới. Tom Holland chia sẻ: “Tôi bị cuốn vào những tin tức về bản thân trên mạng xã hội và nó gây bất lợi cho tinh thần của tôi. Vậy nên tôi quyết định tách mình khỏi thế giới mạng và xóa các ứng dụng”.


Trước đó, ca sĩ Shawn Mendes cũng cho biết anh cực kỳ nghiện mạng xã hội và cảm thấy mình cần phải cân bằng lại. Shawn Mendes đã rời TikTok một lần vào tháng 10/2021, sau đó vào tháng 12/2021, anh chia sẻ với những người theo dõi mình trên Instagram rằng: “Tôi đang có một khoảng thời gian khá khó khăn với mạng xã hội”. Thậm chí, trong tháng 8/2022, anh đã viết tâm thư trên Instagram thông báo hủy bỏ các tour diễn đã lên lịch, đồng thời xin phép khán giả cho mình "nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe tinh thần" khỏi những áp lực của hào quang và mạng xã hội.




Comentarios


bottom of page