top of page
Tìm kiếm

"Hôn nhân là mồ chôn tình yêu": Liệu có đúng dưới góc nhìn tâm lý học?

Khi nhắc đến hôn nhân, nhiều người thường "tự động" cho rằng hôn nhân phải đi kèm với tình yêu, cũng như ít nhiều thắc mắc về việc tại sao lại tồn tại hôn nhân mà không có tình yêu. Vậy rốt cuộc thì hôn nhân không tình yêu là gì? Trong các cuộc hôn nhân đó, những cuộc tình "vỡ mộng" sau khi kết hôn hoặc tình yêu "mất lửa" theo năm tháng, hình thái của mối quan hệ vợ-chồng là gì?


Có lẽ một trong những điều đáng tiếc nhất trong hôn nhân chính là khi hai người đã đánh mất đi cảm xúc lãng mạn của tình yêu buổi ban đầu. Trong bài viết này, LeLa Journal sẽ tập trung nhìn nhận hai lý do chính như sau:

  • Vỡ mộng trong tình yêu khi bước vào đời sống hôn nhân.

  • Mất lửa tình yêu sau thời gian dài của đời sống hôn nhân.



Tại sao lại tồn tại khái niệm "hôn nhân không tình yêu"?


Có rất nhiều cách để định nghĩa hôn nhân không tình yêu. "Không tình yêu" (loveless) vốn là một cụm từ mơ hồ và khái niệm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.


Một trong những lý thuyết nổi tiếng nhất về đề tài này là Thuyết Tam giác Tình yêu của Robert J. Sternberg, cho thấy rằng các hình thái của tình yêu được cấu thành từ ba yếu tố khác nhau (1).

Ba yếu tố đó tương ứng với ba đỉnh của một tam giác, bao gồm:

  • Sự đam mê/say đắm (passion) là sự lôi cuốn, hấp dẫn về ngoại hình, thể xác và dẫn đến sự thỏa mãn về mặt tình dục.

  • Sự thân mật (intimacy) là cảm giác gần gũi và gắn kết với đối phương.

  • Tận tuỵ/Cam kết (commitment) là quyết định ở lại bên cạnh "nửa kia" và cùng hướng tới những mục tiêu chung.


Đặc biệt, có đôi lúc chúng ta dễ nhầm lẫn sự đam mê và sự thân mật. Trên thực tế, sự thân mật trong tình yêu không hẳn là sự gần gũi về mặt thể xác (điều này vốn thuộc về sự đam mê), mà chính là cảm giác rằng chúng ta có thể chia sẻ cùng "nửa kia" những chuyện mà mình gần như không thể chia sẻ cho bất kỳ ai khác (1). Nếu chúng ta không làm được điều này, mối quan hệ vẫn bị xem như thiếu đi sự thân mật.



Từ ba yếu tố trên, Sternberg đã liệt kê ra 8 loại hình tình yêu, mà đặc biệt trong đó, một tình yêu hội tụ đủ ba yếu tố là tình yêu lý tưởng, hay tình yêu trọn vẹn (consumate love) và khi giữa hai người không có bất kỳ yếu tố nào để cấu thành tình yêu, mối quan hệ được xem như không có tình yêu, hay vô ái (non-love). Vậy theo lý thuyết của Sternberg, đâu mới là cuộc hôn nhân không tình yêu?


Trên thực tế, điều này còn tùy vào định nghĩa của chúng ta. "Những gia đình hạnh phúc thì đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh thì lại mỗi nhà mỗi cảnh" - Leo Tolstoy.

Đối với hôn nhân, chúng ta chỉ có thể xác định được một yếu tố cố định là sự cam kết của hai người. Đây chính là tiền đề để hình thành cuộc hôn nhân. Việc thiếu vắng yếu tố đam mê hoặc thân mật đều có thể dẫn đến kết cục hôn nhân không tình yêu. Như vậy, ngoại trừ các cuộc hôn nhân với tình yêu trọn vẹn, bất kể hình thái cuộc hôn nhân có là bầu bạn, cuồng dại hay trống rỗng thì chúng ta đều có thể hiểu đó là cuộc hôn nhân không tình yêu.


Hôn nhân không tình yêu, xét theo Thuyết Tam giác Tình yêu của Sternberg, xuất hiện khi hai người đồng lòng cam kết về việc kết hôn với nhau, mà lại thiếu đi một hoặc nhiều yếu tố khác cấu thành nên tình yêu trọn vẹn.

Vỡ mộng khi bước vào đời sống hôn nhân


Dù một tình yêu cuồng dại là sự kết hợp giữa đam mê và cam kết của hai người dành cho nhau, nhưng một khi cả hai gắn bó mà không thể cùng chia sẻ những bí mật và tâm tư sâu nhất, thì dù sớm hay muộn, tình yêu cũng có thể có dấu hiệu "đổ bể".


Việc "vỡ mộng" có thể xuất phát từ những kỳ vọng của một người dành cho người phối ngẫu - đã xuất hiện khi cả hai chưa tiến đến hôn nhân - nhưng khi vào đời sống hôn nhân thì lại không được đáp ứng.

Một biểu hiện dễ thấy của sự thay đổi trước và sau hôn nhân là cách mỗi người bộc lộ tình yêu với đối phương. Theo lý thuyết về 5 ngôn ngữ tình yêu của Gary Chapman, mỗi người sẽ giao tiếp ngôn ngữ tình yêu của riêng mình tới những nửa kia và ngược lại (2).


Trước khi kết hôn, khi tình yêu lãng mạn (với hai yếu tố là đam mê và thân mật) còn nồng cháy, chúng ta sẵn sàng nói tiếng yêu của nửa kia để bộc lộ tình yêu của mình tới họ, hay nói cách khác, chúng ta thoải mái với phương thức thể hiện sự thân mật của nhau. Khi yêu và nhận lại được tình yêu mà mình mong muốn, bộ não chúng ta sản sinh ra rất nhiều dopamine - hormone khiến mỗi người cảm thấy thoải mái (3). Chắc chắn, chúng ta ít nhiều mong muốn rằng mình và người ấy vẫn có thể tiếp tục... hạnh phúc mãi mãi về sau.


Tuy nhiên, sau khi đã kết hôn, khi trách nhiệm và nghĩa vụ lên tiếng, cả hai đã an phận với danh nghĩa mới, nửa kia không cần phải bộc lộ tình yêu với ta để chúng ta thêm yêu họ nữa. Thế là, tình yêu lãng mạn mà cả hai đã có trước hôn nhân giờ đã không còn.


Việc kết hôn khiến một trong hai người, hoặc cả hai người, nhận ra sự khác biệt về những khía cạnh mà chỉ khi sống chung mới nhận thấy được. Lúc còn yêu nồng cháy, ai cũng cố gắng trông chỉn chu và hoàn mỹ, nhưng khi sống chung, những điểm "xấu" nhất của một người được một người khác nhìn thấy, và không phải lúc nào, ai cũng sẵn sàng chấp nhận.


Mất lửa tình yêu sau thời gian dài của đời sống hôn nhân


Trong nhiều trường hợp mà qua thời gian, một hoặc cả hai người mất dần lửa tình yêu, không còn nồng nàn như trước khi kết hôn. Đến một lúc, đời sống hôn nhân không còn chút nào yêu thương.


Một nhân tố quan trọng trong hôn nhân giữa hai người chính là con cái. Khi con cái xuất hiện, tình yêu giữa hai người xuất hiện thêm trách nhiệm và nghĩa vụ với chúng. Đồng nghĩa, tương tác giữa hai người sẽ thường là vì con và gia đình nói chung chứ không phải vì nhau nữa.


Khi tình yêu không còn cuồng nhiệt khi lúc mới hẹn hò, chúng ta ít đam mê và cũng ít thân mật với nhau hơn. Nếu không "bồi đắp" thêm cho những yếu tố này, chúng ta rất dễ sa vào tình trạng hôn nhân trống rỗng, tức là chỉ có cam kết từ đôi bên.


Tiến sĩ Gottman, vào năm 1992, đã thực hiện một nghiên cứu tìm ra sự khác biệt giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc và không hạnh phúc khi tương tác và giải quyết mâu thuẫn (4). Kết quả nghiên cứu cho thấy, những cặp hạnh phúc có thể cân bằng tương tác tiêu cực và tích cực tốt hơn, theo tỷ lệ 1:5 - đây còn được gọi là "tỷ lệ kỳ diệu" (magic ratio). Bởi lẽ, các cặp làm được điều này cũng là những cặp biểu hiện rõ sự kết nối sâu và thân mật cao.


Nhiều cặp vợ chồng khi về già không còn yêu cuồng nhiệt, thậm chí là ngủ phòng riêng và không có tương tác liên quan tới tình dục, vẫn cam kết sống cùng nhau và chia sẻ với nhau được nhiều điều trong cuộc sống. Dạng hôn nhân bầu bạn này có thể được xem như tình yêu trong suy nghĩ người này, nhưng lại là hôn nhân không tình yêu theo quan điểm của người khác. Và nếu vậy thì liệu chúng ta còn dạng hôn nhân không tình yêu nào nữa không?


Sự thật đáng buồn là ngay trong xã hội hiện đại, chúng ta vẫn có thể bắt gặp tình trạng hôn nhân sắp đặt - tình yêu trống rỗng không có đam mê và thân mật - để thỏa mãn "yêu cầu" từ gia đình hoặc để cùng chống lại áp lực xung quanh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể bắt gặp tình huống mà các cặp vợ chồng, do đã quá chán nản, thậm chí còn không muốn cam kết đồng hành cùng nhau, tức là một kiểu hôn nhân hoàn toàn vô ái.


Rời đi hay ở lại hôn nhân không tình yêu?


Bên cạnh các hình thái tình yêu kể trên, chúng ta cần chú ý rằng: sau khi kết hôn, chất lượng của cuộc hôn nhân (marital quality) những đánh giá chủ quan về mối quan hệ của cặp vợ chồng, dựa trên một số khía cạnh khác nhau; sự điều chỉnh trong hôn nhân (marital adjustment) là mức độ mà người vợ và người chồng thích nghi với nhau sau một khoảng thời gian nhất định; sự hài lòng trong hôn nhân (marital satisfaction) là sự đánh giá khái quát của một người về cuộc hôn nhân của chính người đó (5).


Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng đánh giá chủ quan của mỗi người là vô cùng quan trọng. Để trả lời cho câu hỏi về việc đi-hay-ở trong một cuộc hôn nhân không tình yêu, điểm mấu chốt mà chúng ta cần cân nhắc là trải nghiệm của người trong cuộc. Họ thấy chất lượng của cuộc hôn nhân thế nào? Hai người điều chỉnh ra sao? Họ tự đánh giá thấy bản thân hài lòng tới đâu?

Nếu những người trong cuộc chưa muốn rời đi, mà vẫn muốn thử "đặt cược" vào việc hâm nóng tình yêu để nâng cao chất lượng và kéo dài tuổi thọ của cuộc hôn nhân, LeLa Journal xin gợi ý một số cách đã được các nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả cao (6). Tuy nhiên, xin lưu ý rằng các cách sau đây chỉ là gợi ý và không thể có tác dụng với tất cả mọi người, trong mọi trường hợp hay hoàn cảnh.

  • Dành thời gian cho mối quan hệ/cuộc hôn nhân một cách có chất lượng và đặc biệt ưu tiên mối quan hệ này

  • Cho người phối ngẫu thấy tình yêu của mình (có thể thông qua năm ngôn ngữ yêu thương)

  • Hiện diện khi vợ/chồng có chuyện cần

  • Giao tiếp tích cực và mang tính xây dựng về các vấn đề trong cuộc hôn nhân, cùng nhìn lại một cách khách quan để chúng không còn xảy ra trong tương lai

  • Quan tâm tới cuộc sống của vợ/chồng

  • Tin tưởng vào người phối ngẫu

  • Tha thứ cho những "chuyện mếch lòng" nhỏ nhặt nhưng cố gắng để hiểu về những chuyện lớn hơn

  • Tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia



Comments


bottom of page