top of page
Tìm kiếm

Mô hình PERMA là gì và tại sao nó giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn?

Hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng và khó nắm bắt. Có người xem hạnh phúc đơn thuần là một trạng thái cảm xúc nhất thời, có người lại xem nó là đích đến của cuộc sống. Hầu hết mọi định nghĩa về hạnh phúc đều xoay quanh sự hưng thịnh giàu có, viên mãn ấm êm, hoặc khi ước mơ thành hiện thực. Nhưng có thật đó là tất cả những gì con người cần, hay chỉ là một trò rượt đuổi, chỉ khiến người ta kiệt sức mà vẫn chưa chạm tay đến hạnh phúc?


Có một nghịch lý là cuộc sống ngày càng đủ đầy với rất nhiều phúc lợi về vật chất và tiện nghi, thì các số liệu lại cho thấy con người ngày càng cảm thấy thiếu hy vọng, cô đơn và lạc lõng. Đôi khi chúng ta bị ám ảnh bởi khái niệm "hạnh phúc" mà không biết làm sao để đạt được điều đó. Nếu bạn cũng đang loay hoay tìm kiếm sự hài lòng trong cuộc sống thì hãy để Lela Journal mách bạn cách nhìn của tâm lý học tích cực thông qua mô hình PERMA của nhà tâm lý học Martin Seligman.



PERMA là gì?


Nhà tâm lý học Martin Seligman (nguyên chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ) đã đề cập đến tâm lý học tích cực - một nhánh tâm lý không chỉ tập trung vào các khía cạnh bệnh lý của tâm thần và hành vi mà còn quan tâm đến các yếu tố khiến cuộc đời đáng sống hơn. Ông đã phát minh ra mô hình PERMA bao gồm 5 yếu tố giúp con người theo đuổi một cuộc đời đáng sống bao gồm: Cảm xúc tích cực (Positive emotion), Sự hòa mình gắn kết (Engagement), Các mối quan hệ tích cực (Relationships), Ý Nghĩa sống (Meaning) Thành tựu (Accomplishment).


Điều thú vị là các yếu tố này gắn bó mật thiết với nhau, giúp củng cố sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, sự hài lòng trong công việc và cuộc sống. PERMA cũng là một “máy dò tìm” trong việc dự báo về những bất ổn tâm lý, qua đó giúp cải thiện sức khỏe, giảm thiểu lo lắng...



Cảm xúc tích cực (Positive emotion)


Chúng ta ao ước tích cóp càng nhiều khoảnh khắc hạnh phúc càng tốt, nhưng cũng phải thừa nhận là trạng thái cảm xúc này vốn ngắn ngủi và khó có thể là tất cả. Cuộc sống còn nhiều thứ hơn ngoài “hạnh phúc”, chẳng hạn như sự hài lòng, lòng trắc ẩn, tình yêu, niềm tự hào, sự thích thú... Nhà tâm lý học Seligman gọi tất cả những điều đó là những cảm xúc tích cực (1).


Một nhà tâm lý học khác là Fredrickson cũng vạch ra hai khuynh hướng hành động của con người khi họ rơi vào cảm xúc tiêu cực và tích cực. Theo bà, nếu cảm xúc tiêu cực khiến các cá nhân đưa ra hành động lập tức và dứt khoát trong các tình huống nguy hiểm đến tính mạng (bỏ chạy, tấn công, phản kháng), thì cảm xúc tích cực mang lại những lợi ích thích ứng gián tiếp và lâu dài (2). Ví dụ khi một người nuôi nấng cảm xúc tích cực hằng ngày như sống lạc quan, có lòng trắc ẩn... tức là họ đang tích lũy nguồn lực nội tại lâu dài và dự trữ sức mạnh, từ đó trở nên kiên cường hơn với các tình huống khó khăn. So với các cá nhân khác, họ dễ dàng vượt qua các cảm xúc tiêu cực, cũng như có khả năng phục hồi trước nghịch cảnh cao hơn. Fredrickson gọi đó là một vòng xoáy đi lên.


LeLa Journal gợi ý một vài cách giúp bạn thực hành cảm xúc tích cực:

  • Dành thời gian cho những người ta quan tâm.

  • Tham gia các hoạt động yêu thích và tận hưởng các sở thích của mình.

  • Nghe những bài hát truyền cảm hứng hoặc có tần số giúp nâng đỡ tâm trạng.

  • Suy ngẫm về những điều bạn biết ơn hoặc những điều tốt đẹp trong cuộc sống.



Sự hòa mình gắn kết (Engagement)


Có bao giờ bạn tập trung toàn bộ sự quan tâm vào một điều gì đó, đến nỗi quên mất thời gian và quên mất bản thân mình? Đó chính là sự tham gia gắn kết mà Seligman đã đề cập đến trong mô hình PERMA. Khái niệm về sự tương tác một cách “hết lòng hết dạ” này cũng tương tự như những gì Csikszentmihalyi nói đến trong Lý thuyết Dòng chảy (Theory of Flow) vào những năm 1960 của thế kỷ trước: “Một khi ta hoàn toàn đắm chìm và tập trung làm điều gì đó tại một thời điểm nhất định, cũng như cảm nhận niềm thích thú khi tham gia vào hoạt động đó, thì đó là lúc ta đạt trạng thái tinh thần tích cực” (3).


Làm những điều mình yêu thích có thể giúp ta khám phá ý nghĩa cuộc sống. Thêm vào đó, việc đặt ra những mục tiêu ngắn hạn cũng là một cách xác định mức độ tiến bộ của bản thân, giúp ta ít bị lãng phí thời gian dành cho những lo lắng không chân thực và phù phiếm (3).


Ngoài ra, nghiên cứu của Seligman cũng phát hiện ra rằng những cá nhân cố gắng sử dụng thế mạnh bản thân theo những cách mới mẻ sẽ hạnh phúc hơn và ít trầm cảm hơn sau sáu tháng (1).


Những cách kích hoạt sự tập trung có thể kể đến:

  • Tham gia vào các hoạt động mà bạn thực sự yêu thích và không tốn quá nhiều thời gian để thực hiện chúng.

  • Thực hành cách sống hết mình trong thời điểm hiện tại (chánh niệm), ngay từ trong các hoạt động thường nhật hoặc các công việc bình thường.

  • Dành thời gian khám phá thiên nhiên, quan sát, lắng nghe những gì xảy ra xung quanh bạn.

  • Xác định và tìm hiểu thế mạnh tính cách cá nhân cũng như làm những việc mà bạn cảm thấy bản thân có thể làm tốt nhất.



Những mối quan hệ tích cực (Relationships)


Nên nhớ rằng con người là sinh vật xã hội, có nghĩa là chúng ta không thể sống đơn lẻ, tách bạch khỏi những mối quan hệ. Trong cuộc sống, người ta buộc phải luôn kết nối trong các mối quan hệ như bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, yêu đương hoặc đối với cộng đồng. Điều này càng trở nên quan trọng khi chúng ta già đi (1).


Nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng việc chia sẻ tin vui hoặc ăn mừng thành công sẽ thúc đẩy mối quan hệ bền chặt và giữ các mối quan hệ tốt đẹp hơn (4). Ngoài ra, khi cư xử một cách nhiệt tình với người khác, đặc biệt là trong các mối quan hệ gần gũi hoặc thân thiết, cũng sẽ gia tăng cảm giác hạnh phúc và hài lòng trong chính nội tâm chúng ta. Sự cởi mở đó có thể giúp bạn yêu cuộc sống này hơn, giống như câu hát “Khi bạn yêu cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ yêu bạn đắm say”.


Vậy làm sao để cải thiện những mối quan hệ và giúp chúng trở nên tích cực hơn? Thử áp dụng các cách sau đây nhé:

  • Tham gia một lớp học hoặc một hội nhóm mà bạn quan tâm.

  • Đặt câu hỏi cho những người bạn không biết rõ để tìm hiểu thêm về họ.

  • Gắn kết và thắt chặt tình bạn với những người bạn quen biết và có cùng chí hướng, mối quan tâm, quan điểm sống...

  • Liên lạc với những người mà bạn đã không còn nói chuyện hoặc mất kết nối trong một thời gian.



Tìm thấy ý nghĩa sống (Meaning)


Chúng ta luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và có nhu cầu ý thức về giá trị của bản thân. Không có ý nghĩa sống cũng giống như tham gia một cuộc đua không có vạch đích, và mọi cố gắng chỉ làm bạn kiệt sức.


Cũng phải nhắc lại rằng ý nghĩa hoặc mục đích sống của mỗi người là khác nhau. Có người tìm thấy ý nghĩa khi theo đuổi một công việc lao động chân tay, có người lại muốn dấn thân vào một sự nghiệp xã hội hoặc chính trị, người khác lại muốn nỗ lực sáng tạo hoặc hướng đến niềm tin tôn giáo/tâm linh...


Dù mục đích sống mỗi người khác nhau thì các nghiên cứu đều thống nhất rằng những người có mục đích sống sẽ sống lâu hơn, hài lòng hơn với cuộc sống và ít vấn đề về sức khỏe hơn. Theo đó, sự hài lòng trong cuộc sống được đánh giá xuyên suốt đời người chứ không chỉ đơn giản là niềm hạnh phúc tại một thời điểm nhất định (1).


Để có thể tìm thấy mục đích sống của mình, bạn nên áp dụng những cách sau:

  • Tham gia vào một mục tiêu hoặc một tổ chức/đội/nhóm có ý nghĩa quan trọng đối với bạn.

  • Hãy thử các hoạt động mới, sáng tạo để tìm kiếm những điều giúp bạn cảm thấy có sự gần gũi, kết nối, thấu hiểu.

  • Hãy nghĩ về cách bạn có thể sử dụng niềm đam mê của mình để giúp đỡ người khác.

  • Dành thời gian bên cạnh những người bạn thực sự quan tâm.



Đạt được thành tựu (Accomplishment)


Cảm giác hoàn thành là kết quả của quá trình đặt và đạt được mục tiêu. Lên kế hoạch và phấn đấu làm việc để hướng đến mục tiêu giúp chúng ta xây dựng hy vọng về tương lai. Đây là một cách hiệu quả để ghi nhận bản thân cũng như nhìn lại quá khứ.


Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ giữa động lực nội tâm và tác động ngoại cảnh khi xác định mục tiêu, vì nếu nhầm lẫn nó có thể khiến bạn chẳng vui vẻ gì ngay cả khi đã đạt được kết quả. Cụ thể, động lực bên trong là những điều thuộc về nội tâm, kết nối tinh thần, niềm yêu thích phát triển bản thân, ý nghĩa sống... trong khi động lực bên ngoài lại là những điều hữu hình như tiền bạc, danh vọng hay thể diện.


Làm sao để đạt được thành tựu cho mình? LeLa Journal gợi ý một vài cách thức cụ thể như:

  • Đặt mục tiêu theo chỉ tiêu SMART, nghĩa là phải đáp ứng đủ các yếu tố: cụ thể (Specific), có thể đo lường (Measurable), có thể đạt được (Achievable), thực tế (Realistic) và có giới hạn thời gian (Time).

  • Suy ngẫm về những thành công trong quá khứ.

  • Tìm kiếm những cách sáng tạo để ăn mừng thành tích sẽ đạt được của mình.


Hạnh phúc là một trải nghiệm đến và đi trong khoảnh khắc, mặc dù mang đến cảm xúc thú vị nhưng cuối cùng cũng là phù du và vô thường. Một cuộc sống lành mạnh chắc chắn bao gồm những khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng hạnh phúc nếu chỉ đứng đơn lẻ sẽ không thể tạo nên một cuộc sống viên mãn. Bạn có thể ứng dụng qua mô hình PERMA với 5 phương cách kể trên nhằm cải thiện đời sống tinh thần và thể chất của mình.

1 Comment


Guest
Nov 16, 2022

bài viết rất hay.

Like
bottom of page