top of page
Tìm kiếm

Đi tìm "một nửa định mệnh" trong tình yêu: Là mơ mộng viển vông hay vun vén thực tế?

Tỷ lệ độc thân tại Việt Nam đang tăng nhanh trong những năm gần đây (từ 2,5% vào năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019) (1). Có nhiều lý do dẫn đến điều này, nhưng liệu có phần nào là tới từ sự khác biệt trong niềm tin của chúng ta về "một nửa định mệnh" hay không? Và nếu gặp được một nửa đó, chúng ta nên làm thế nào?



"Một nửa định mệnh" liệu có có tồn tại?


Khái niệm này bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, khi Zeus - vì lo ngại sự hoàn hảo của loài người sẽ đe dọa đến khả năng thống trị của thần linh - nên đã chia linh hồn con người thành hai nửa và khiến nửa này đi tìm kiếm nửa kia suốt cả cuộc đời (2). Niềm tin rằng mỗi người chúng ta đều có "một nửa định mệnh" được các nhà tâm lý học gọi là niềm tin vào định mệnh (destiny belief) (3).


Theo nghiên cứu vào năm 2011, những người tin vào "một nửa" này thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố lãng mạn trong văn học và phim ảnh. Họ thường cho rằng tình yêu đến qua cái nhìn đầu tiên (tình yêu sét đánh), nửa kia phải là người cực kỳ phù hợp với bản thân và nếu như có trục trặc xảy ra trong mối quan hệ thì nguyên nhân chỉ đơn giản là "chúng ta không thuộc về nhau" (4), (5).

Song song với niềm tin vào định mệnh là niềm tin vào sự phát triển (growth belief). Đây là hai khái niệm được giới thiệu lần đầu vào năm 1998 bởi Giáo sư, Tiến sĩ Raymond Knee (6). Từ đó tới nơi, qua hơn 25 năm, các nghiên cứu vẫn tiếp tục chứng minh được rằng hệ thống hai niềm tin này có sức ảnh hưởng lớn tới con người và đặc biệt là cách chúng ta tương tác trong các mối quan hệ tình cảm.



Thực tế cho thấy những người đang nuôi dưỡng "niềm tin định mệnh" sẽ phải đối mặt với một số thách thức sau:


1. Tình yêu sét đánh hiếm khi xảy ra: Việc được "yêu từ cái nhìn đầu tiên" là một trong những điều lãng mạn và đáng trân trọng nhất trong tình yêu. Tuy nhiên, cũng tồn tại nguy cơ là chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy "giả dạng tình yêu sét đánh" với một số yếu tố rủi ro như:

  • Yêu phải người ái kỷ: Như đã từng đề cập tới, cách yêu của người ái kỷ có thể ảnh hưởng tiêu cực và để lại hậu quả nghiêm trọng tới đối phương, nhưng đáng lo ngại là việc những người ái kỷ thường dễ chiếm được tình cảm của người khác ngay từ lần đầu gặp gỡ.

  • Yêu vì sự hấp dẫn ngoại hình: Một nghiên cứu năm 2013 đã đánh giá các đôi trong ba bối cảnh là trực tuyến, trong phòng thí nghiệm và khi đi hẹn hò. Các chuyên gia phát hiện ra rằng "yêu từ cái nhìn đầu tiên" chỉ là kết quả có thể dự đoán từ trước, dựa trên sức hấp dẫn về ngoại hình (7).



2. Mâu thuẫn không được giải quyết triệt để: Khi xảy ra những vấn đề phát sinh mâu thuẫn, người mang niềm tin vào định mệnh sẽ cho rằng có thể hai người không dành cho nhau, cũng từ đó, họ ít đối diện và xử lý mâu thuẫn triệt để.


Nếu chúng ta ngay lập tức "đổ lỗi" cho định mệnh khi chưa hiểu rõ về mâu thuẫn trong một mối quan hệ, có thể chúng ta sẽ liên tục gặp lại những vấn đề tương tự. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta rời bỏ người đó để tìm người phù hợp hơn thì vấn đề đó vẫn có thể trở lại. Trên thực tế, quản lý mâu thuẫn cũng là một yếu tố quan trọng, giúp mối quan hệ của hai người trở nên bền lâu hơn (8).


Như vậy, có thể thấy rằng niềm tin vào định mệnh không phải một lối suy nghĩ sai lạc nhưng cũng tồn tại rất nhiều rủi ro. Để tránh những rủi ro này, chúng ta có thể củng cố cho bản thân một niềm tin khác, cụ thể là niềm tin vào sự phát triển (growth belief). Những người tin vào sự phát triển thường cho rằng các mối quan hệ sẽ phát triển theo thời gian, do đó, họ có thêm nhiều động lực để xử lý các vấn đề trong mối quan hệ (3), (5), (9).

Hiểu và xây dựng niềm tin


Tuy hai niềm tin trên nghe có vẻ trái ngược, nhưng sự thật là chúng ta có thể cùng lúc giữ cả hai niềm tin. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu của Giáo sư, Tiến sĩ Raymond Knee và các cộng sự tại Đại học Houston vào các năm 2001 và 2013 đã chỉ ra rằng trong các mối quan hệ tình cảm, chúng ta có thể linh hoạt áp dụng các niềm tin này trong cách xét đoán - nhận diện vấn đề (diagnosed), cân nhắc tình hình, cũng như cách duy trì mối quan hệ (5), (9). Sự kết hợp niềm tin này tạo thành một ma trận về bốn trạng thái, bao gồm các mối quan hệ:

  • Vô phương cứu chữa (niềm tin thấp).

  • Có thể cải thiện, hay còn gọi là sự hàm dưỡng (có niềm tin vào sự phát triển nhưng ít niềm tin vào định mệnh).

  • Cần được xem xét và đánh giá lại (vì đặt nhiều niềm tin vào định mệnh nhưng lại ít niềm tin cho sự phát triển).

  • Hoàn thiện hóa (nhiều niềm tin).


Các trạng thái này được trình bày trong ma trận như sau:


Chúng ta có thể thấy rằng nếu một cá nhân không hề đặt niềm tin vào định mệnh và sự phát triển, dù có gặp và hẹn hò với người được xem là "một nửa định mệnh" thì mối quan hệ cũng sẽ sớm đi vào bế tắc và vô phương cứu chữa. Bên cạnh đó, nếu một người chỉ tin vào sự phát triển mà không tin vào định mệnh thì dù các mâu thuẫn được giải quyết, tổng quan tình trạng của mối quan hệ vẫn chỉ "dậm chân tại chỗ" mà thôi.


Như vậy, xét theo một góc độ nào đó, "tình yêu sét đánh" hay "một nửa định mệnh" đều có thể tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, nhưng để nắm giữ được những tình cảm trân quý đó và tận hưởng được niềm hạnh phúc viên mãn, chúng ta vẫn cần tới sự vun vén để "tối ưu hóa" được định mệnh này.


Comments


bottom of page