Deadline, kỳ thi, công việc, học tập… dù lý do là gì thì stress vẫn chưa bao giờ là điều chúng ta mong đợi.
Cách mà cơ thể phản ứng tiêu cực như đau đầu, mất ngủ, cáu bẳn… trước những áp lực khiến chúng ta căm ghét sự căng thẳng. Căng thẳng là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, tâm lý bất ổn và cảm xúc bị xáo trộn. Vì lẽ đó, chúng ta gắn liền căng thẳng với tiêu cực và tìm mọi cách để giải tỏa.
Thế nhưng, có một sự thật là bạn không cần phải gạt bỏ căng thẳng mới có thể sống hạnh phúc và trọn vẹn. Thậm chí, sự căng thẳng còn giúp chúng ta khỏe mạnh, phát triển và kiên cường hơn.
Căng thẳng: một cơ chế tự vệ hữu ích
Thực tế là, đôi khi càng cố gắng loại bỏ những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực bạn càng bị mắc kẹt vào vòng xoáy căng thẳng. Thay vào đó, bạn nên nhìn thấy một mặt khác lớn hơn của vấn đề: căng thẳng cũng là điều có lợi. Về mặt tiến hóa, căng thẳng là một "vũ khí tự vệ" khiến bạn chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn, thấy rõ hơn, suy nghĩ nhanh hơn và sống sót trước các tình huống rủi ro.
Khi rơi vào tình trạng lo lắng, cơ thể chúng ta cũng chuẩn bị cho "trận chiến". Các vấn đề tiêu hóa và một số chức năng khác trong cơ thể bắt đầu giảm tốc hoặc ngừng hẳn. Mức dự trữ năng lượng tăng lên. Adrenaline đánh thức các giác quan của chúng ta, đồng tử giãn ra để đón nhiều ánh sáng và thính giác trở nên nhạy bén hơn.
Nếu gặp một trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, cơ thể chúng ta sẽ thắt chặt các mạch máu để tránh dẫn đến tình trạng mất máu, tăng cường hệ thống kháng viêm và huy động các tế bào miễn dịch để chữa lành nhanh chóng khi bị thương. Nói chung, cơ thể lường trước những tổn hại và giúp ta sống sót khi rơi vào tình huống nguy cấp (1).
Cho dù cố gắng đến đâu, bạn cũng không thể "tắt" cơ chế tự vệ này vì chúng ta cần nó để sinh tồn và căng thẳng có hại hay không còn tùy thuộc vào cách lý giải.
Dưới đây là một số lợi ích căng thẳng mang lại cho chúng ta và cách tận dụng chúng:
1. Sẵn sàng đối diện thử thách
Các liệu pháp rũ bỏ gánh nặng như yoga, thiền, hít thở, chia sẻ và kết nối… được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thế nhưng, có một giải pháp đơn giản mà nhiều người thường bỏ qua, là nghĩ khác đi một chút.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2006 đã phát hiện ra rằng mức độ căng thẳng cao làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 43% (2). Thế nhưng, điều này chỉ xảy ra ở những người tin rằng căng thẳng gây hại. Những người không tin rằng căng thẳng có thể tác động xấu đến họ lại có nguy cơ tử vong thấp nhất trong tất cả những người tham gia khảo sát.
Với nhiều người, căng thẳng là rào cản, là chướng ngại vật phải vật lộn đấu tranh để chiến thắng. Với số ít còn lại, căng thẳng chỉ như một ngọn sóng, bạn lướt trên đầu ngọn sóng để tiến về phía trước, sóng càng lớn bạn lướt càng nhanh. Suy cho cùng, căng thẳng là cản trở hay cơ hội đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ của bạn.
Trong một nghiên cứu, giáo sư Alison Wood Brooks của Trường Kinh doanh Harvard, đã yêu cầu một nhóm sinh viên nói "Tôi bình tĩnh", nhóm khác sẽ nói "Tôi rất phấn khích" trước khi chuẩn bị thuyết trình (3).
Kết quả là nhóm thứ hai cảm thấy tự tin hơn khi thuyết trình, biết cách xử lý áp lực khéo léo hơn và được đánh giá là có khả năng thuyết trình tốt hơn so với nhóm thứ nhất. Chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, nhóm thứ hai đã biến sự lo lắng thành năng lượng giúp thúc đẩy hiệu quả công việc.
"Sự căng thẳng của bạn như một cơ chế kích thích được tích hợp sẵn, nó giúp bạn chuẩn bị cho những tình huống thử thách và tiến về phía trước thay vì bị sa lầy. Khi tim bắt đầu đập nhanh và lòng bàn tay đổ mồ hôi, hãy cảm ơn cơ thể của bạn: Giờ đây, bạn có thể bước vào cuộc họp và sẵn sàng trước bất cứ điều gì sẽ xảy ra" - nhà tâm lý học Susan David nói (4).
2. Giúp đào sâu vào bản thân
Để hiểu vì sao stress lại tìm đến với mình, chúng ta phải truy về nguồn cơn của sự căng thẳng: Ai là người đã gây ra tình trạng này? Quá khứ của bạn có dính dáng gì đến những trải nghiệm này không? Tại sao bạn chỉ gặp căng thẳng trong một vài tình huống nhất định? Càng lần về đầu dây mối nhợ, chúng ta sẽ càng hiểu thêm về chính mình và chuẩn bị tốt tâm thế trước những tình huống tiếp theo.
Hiểu về căng thẳng cũng sẽ giúp chúng ta quản trị mối quan hệ xung quanh. Hãy nhớ lại ứng xử của bạn mọi người khi bạn đang gặp tình huống khó khăn. Nếu nhận thấy cách mình nói chuyện gây ra những tổn hại đến cấp trên, đồng nghiệp, bạn nên chuẩn bị trước một số mẫu câu để nói với mọi người hoặc đơn giản hơn, bạn có thể bày tỏ rằng mình đang gặp căng thẳng. Việc nói ra suy nghĩ sẽ giúp chúng ta giải tỏa những bí bách trong lòng và theo đó, đối phương cũng sẽ giảm bớt áp lực.
3. Thắt chặt mối quan hệ
Khi bạn thổ lộ những áp lực vô hình mình đang hứng chịu, cơ thể sẽ giải phóng oxytocin - hormone liên quan đến sự đồng cảm, đồng thời ức chế trung tâm sợ hãi của não (5).
Đôi khi thể hiện sự quan tâm đến ai đó cũng là cách thức biến nỗi sợ hãi thành hy vọng. Một nghiên cứu năm 2012 của Giáo sư tâm lý Naomi I. Eisenberger đã thể hiện điều này (6). Theo đó, những người tham gia nghiên cứu được thông báo rằng người thân của họ sẽ bị sốc điện đau đớn. Có hai cách để lựa chọn: bóp một quả bóng giảm căng thẳng hoặc nắm tay người thân.
Hành động nắm tay được chứng minh là làm tăng hoạt động ở trung tâm khen thưởng và chăm sóc của não, đồng thời làm giảm hoạt động ở hạch hạnh nhân - một trung tâm chịu trách nhiệm về sự sợ hãi và trốn tránh. Trong khi đó, quả bóng giảm căng thẳng lại chẳng hề ảnh hưởng đến hạch hạnh nhân. Điều này cho thấy rằng hầu hết các hành vi tránh né không thể xua tan sự đau khổ hoặc lo lắng.
Căng thẳng không phải lúc nào cũng gây hại. Ngay cả những phản ứng sinh học khi căng thẳng cũng giúp chúng ta thắt chặt các mối quan hệ, gia tăng sự tự tin và tăng cường khả năng phục hồi. Nếu chẳng may rơi vào tình huống nặng nề, trước hết, hãy bình tâm, hít thở và tự đặt câu hỏi: Làm thế nào có thể tận dụng tốt sự căng thẳng này?
Comentários