top of page
Tìm kiếm

Nam giới cũng mắc chứng "trầm cảm sau sinh"

Từng bị xem là một hiểu lầm sai lệch, nhưng hiện nay, "trầm cảm sau sinh" ở nam giới đã được nhìn nhận như một vấn đề tâm lý cần được quan tâm và thấu hiểu. Mang nhiều nét tương đồng về mặt triệu chứng và nguyên nhân với chứng trầm cảm sau sinh ở nữ giới, tuy nhiên, tình trạng ở nam giới có những khác biệt cần được hiểu đúng để tránh ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và tác động tiêu cực lên con cái.

"Trầm cảm sau sinh" ở nam giới: Chuyện thật, không đùa!

Một báo cáo trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy 10% đàn ông trên toàn thế giới có dấu hiệu trầm cảm từ ba tháng đầu thai kỳ của vợ đến sáu tháng sau khi đứa trẻ được sinh ra. Con số này tăng vọt nhanh chóng lên 26% trong khoảng thời gian từ ba tháng đến sáu tháng sau khi em bé chào đời (1).

Tác giả chính trong cuộc khảo sát này - Tiến sĩ, Phó Giáo sư ngành Tâm lý học James F. Paulson tại Đại học Old Dominion ở Norfolk (bang Virginia, Mỹ) nhận định tỷ lệ này gấp đôi tỷ lệ trầm cảm thường thấy ở nam giới và thường bị các bác sĩ hoặc các dịch vụ sức khỏe tâm thần bỏ qua.

Tình trạng trầm cảm này không chỉ diễn ra ở giai đoạn sáu tháng đầu khi làm cha mà còn kéo dài trong cả quá trình trước và sau khi có con. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Pediatrics (Mỹ) cho thấy, trong năm năm đầu tiên khi có con, tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở các ông bố tăng 68%. Nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu và Điều trị ở Mỹ cũng chỉ ra rằng, người đàn ông có thể có dấu hiệu trầm cảm ngay khi vợ họ đang mang thai (1).



Nguyên nhân đa chiều dẫn đến trầm cảm sau sinh

Nếu ở nữ giới, nguyên nhân nằm ở sự biến động của nội tiết tố thì ở nam giới, lý do cũng đến từ điều tương tự. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong giai đoạn này, mức độ testosterone của nam giới giảm xuống, mức độ estrogen và cortisol (hormone gây căng thẳng) tăng lên, mức độ vasopressin (hormone điều chỉnh giấc ngủ) cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Một số người thậm chí còn xuất hiện cả dấu hiệu buồn nôn và tăng cân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Will Courtenay - người sáng lập trang web postpartummen.com và là tác giả của cuốn sách Dying to be men - cũng cho rằng sự biến động về hormone kết hợp với những thay đổi hoá thần kinh xảy ra khi thiếu ngủ cũng là nguyên nhân gây ra chứng "trầm cảm sau sinh" ở nam giới (1).

Ngoài ra, các nguyên nhân dễ thấy khác dẫn đến tình trạng này bao gồm tiền sử mắc bệnh, tâm lý không ổn định, áp lực từ việc làm, tài chính hoặc đến từ việc con không khoẻ mạnh, sinh non... Những người đàn ông từng trải qua sự mất mát người thân yêu trong những năm trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh "trầm cảm sau sinh" cao hơn.


Tiến sĩ Courtenay nhấn mạnh rằng một lý do quan trọng thường bị bỏ quên là việc “một nửa trong số những người đàn ông có vợ đang trải qua chứng trầm cảm sau sinh cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự và tình trạng trầm cảm ở cả bố lẫn mẹ có thể dẫn đến một hậu quả nặng nề cho chính mối quan hệ gia đình - đặc biệt là đứa trẻ mới được sinh ra”.

Song song đó, một yếu tố cũng cần lưu ý trong việc nhìn nhận chứng "trầm cảm sau sinh" ở nam giới chính là định kiến của xã hội. Tiến sĩ Courtenay chỉ ra rằng xã hội hiện đại vẫn còn tuân theo những niềm tin truyền thống rằng người đàn ông phải khắc kỷ và cứng rắn. Vì vậy, khi phái mạnh bắt đầu cảm thấy lo lắng, trống rỗng hoặc mất kiểm soát, họ không dám nhờ người ngoài giúp đỡ. Ngược lại, phụ nữ lại có xu hướng kết nối với những người làm mẹ khác để chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ.



Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) và rối loạn cảm xúc khi vừa lên chức "bố bỉm sữa" (Daddy Blues) có khác nhau?


Thông thường, hai khái niệm này dễ bị hiểu nhầm bởi có nhiều nét tương đồng trong triệu chứng. Tuy nhiên, chúng vẫn có sự khác biệt đáng kể mà các ông bố bà mẹ cần lưu ý để có sự thích ứng phù hợp.


Daddy blues (tạm dịch: nỗi buồn chán, hoảng loạn của những người mới làm bố) thường bao gồm những căng thẳng dễ bắt gặp trong đời sống thường nhật và chỉ kéo dài trong hai hoặc ba tuần. Người đàn ông có thể cải thiện tâm trạng này bằng việc tăng thời gian ngủ nghỉ, tập thể dục hoăc tương tác với bạn bè. Còn những ông bố rơi vào trầm cảm thường có những triệu chứng nghiêm trọng hơn, có thể kể đến:

  • Dễ buồn bã, dễ cáu giận, dễ bị kích động và thường xuyên giận dữ.

  • Cảm thấy vô dụng hoặc không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.

  • Khó ngủ hoặc hoàn toàn mất ngủ.

  • Mất hứng thú với đời sống tình dục hoặc các hoạt động từng mang lại niềm vui trước đó.

  • Lạm dụng các chất gây nghiện, rượu hoặc ma tuý, cờ bạc và dễ có mối quan hệ ngoài hôn nhân.

  • Gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định quan trọng.

  • Có ý định tự tử.

  • Gặp khó khăn trong việc kết nối với con cái.

Các triệu chứng có khuynh hướng kéo dài từ hàng tuần đến hàng tháng nếu bị ngó lơ và không có phương pháp điều trị phù hợp. Điều này dẫn đến việc các ông bố mắc chứng trầm cảm thường ít quan tâm đến con cái và gia đình. Ngoài ra, nó còn khiến người đàn ông dễ hành động xốc nổi, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.


Chuẩn bị tinh thần đối diện với trầm cảm sau sinh

Nghiên cứu cho thấy liệu pháp trò chuyện rất hiệu quả trong điều trị trầm cảm và có thể được kết hợp chữa cùng với thuốc. Tiến sĩ Courtenay nói: “Điều quan trọng là một người đàn ông cũng cần được giúp đỡ, tốt nhất là từ một chuyên gia sức khỏe tâm thần được cấp phép và một người chuyên làm việc với nam giới.”


LeLa Journal đưa ra vài gợi ý sau đây, không chỉ giúp nam giới vượt qua những căng thẳng tâm lý, mà hy vọng có thể hỗ trợ các bậc cha mẹ an tâm hơn trong quá trình con trẻ vừa chào đời (2):

  • Chuẩn bị trước về tài chính, nhà cửa để không bị choáng ngợp bởi những chi phí liên quan đến việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái.

  • Giải quyết mâu thuẫn vợ chồng trước khi em bé chào đời.

  • Nếu có tiền sử về trầm cảm, các bậc cha mẹ nên có kế hoạch chi tiết để theo dõi tình trạng sức khỏe tinh thần và điều trị kịp thời nếu tình trạng chuyển biến nặng hơn sau khi có em bé.

  • Tham gia các lớp học tiền sản, các lớp học về nuôi dạy con cái (trực tuyến hoặc trực tiếp) để chuẩn bị tinh thần về hành trình làm cha mẹ.

  • Kết nối và xây dựng một mạng lưới hỗ trợ với gia đình, bạn bè, những người sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần.

  • Học cách chia sẻ, lắng nghe với người đồng hành (vợ/chồng) trong quá trình sau khi sinh con là điều vô cùng quan trọng để giảm bớt áp lực lên cả hai phía.




Comments


bottom of page