top of page
Tìm kiếm

Nàng Mona Lisa có thật sự đang cười? Bí ẩn "hack não" của hội họa thế giới

Hàng trăm năm đã trôi qua nhưng giữa những người yêu hội họa trên khắp thế giới vẫn nổ ra tranh cãi, xoay quanh nét cười tự nhiên nhưng đầy bí ẩn trong bức tranh Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci. Trong khi một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng bức tranh đã khắc họa rõ nét mặt phụ nữ đang cười, nhưng một số khác lại khăng khăng rằng đây là một vẻ đăm chiêu đượm buồn. Khoa học thị giác hiện đại đã chứng minh (tuy không thể kết luận 100%) rằng không có ý kiến đúng hay sai trong cuộc tranh luận này, vấn đề chỉ nằm ở… đôi mắt người thưởng tranh mà thôi!


Bức họa 'Mona Lisa' (1503) của danh họa Leonardo da Vinci

Xác định nụ cười qua cấu trúc cơ mặt: Người cười chân thực – kẻ cười gượng ép


Trên thực tế, các nghiên cứu xoay quanh bí ẩn nụ cười của Mona Lisa có liên quan tới việc giải phẫu cấu trúc các cơ và xương trên gương mặt, cũng cách đôi mắt con người truyền hình ảnh đến bộ não để phân tích và kết luận thông tin.


Thông qua việc quan sát gương mặt của đối phương, chúng ta có thể đánh giá nụ cười của họ là chân thực hay gượng ép bằng cách để ý sự thay đổi của các nhóm cơ.

Để nghiên cứu hiện tượng này, nhà khoa học người Pháp là Guillaume Duchenne de Boulogne đã tiến hành một loạt các thí nghiệm đối với những người tình nguyện để xác định tính chất nụ cười của họ (1), (2).


Kết quả cho thấy khi nở một nụ cười giả tạo, những cơ chính trên miệng hay cơ gò má lớn (zygomatic major) kéo khóe môi lên để tạo ra nụ cười. Chính vì không chứa đựng cảm xúc thực sự để "giãn cơ mặt" một cách chân thật, nụ cười "giả trân" (gượng ép) thường mang tính thương mại.


Kiểu cười giả này đã được các nhà khoa học gọi là "nụ cười Pan America" – hình ảnh gắn với sự thân thiện của các nữ tiếp viên hàng không đến từ hãng bay cùng tên (mà hãng này đã chấm dứt hoạt động vào cuối năm 1991) (1), (3).

Nụ cười chân thực không chỉ có sự hoạt động của cơ gò má mà còn liên quan đến cơ vòng mi mắt (orbicularis oculi muscles) chạy vòng quanh mỗi mắt. Khi một người cười vì tâm trạng vui vẻ, những cơ này căng ra, kéo lông mày xuống và đẩy má lên, tạo ra những nếp nhăn xung quanh đuôi mắt – điều này gần như nằm ngoài sự kiểm soát của ý chí và chỉ diễn ra khi có yếu tố cảm xúc thực tác động. Sau khi nghiên cứu này được công bố, giới học giả đã quyết định đặt tên cho nụ cười chân thực là "nụ cười Duchenne" - đặt theo tên của nhà khoa học Pháp đã tiến hành công trình thực nghiệm (4).


"Nghệ thuật không có kết thúc mà chỉ bị ruồng bỏ" - Leonardo da Vinci (1452 - 1519). Không biết Leonardo da Vinci sẽ cảm thấy thế nào khi biết rằng kể cả khi ông đã kết thúc sáng tác thêm họa phẩm, chúng ta vẫn không ruồng bỏ tác phẩm của ông, tiêu biểu là Mona Lisa.

Bản nhiếp ảnh tái tạo lại bức 'Mona Lisa', bởi La Joconde (Goupil & Cie, vào khoảng 1870), lưu giữ tại The J. Paul Getty Museum (Los Angeles, Hoa Kỳ)


Nàng Mona Lisa đang cười hay đang buồn?


Lấy nền móng là nghiên cứu của Duchenne, Giáo sư Margaret Livingstone chuyên nghiên cứu về Khoa học Thần kinh tại Đại học Harvard đã cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn về nụ cười trứ danh của nàng Mona Lisa. Cách tiếp cận của Giáo sư Livingstone mang nhiều tính xây dựng cho khoa học thị giác.


Nghiên cứu của bà được tiến hành vào năm 2003, với những người quan sát gương mặt của Mona Lisa nhận định rằng nụ cười của nàng xuất hiện rõ hơn khi chúng ta nhìn vào mắt của nàng, nhưng nụ cười đó dường như biến mất khi chúng ta nhìn thẳng vào môi nàng.


Có thể nói đây chính là bản chất sự bí ẩn của bức tranh mà Leonardo da Vinci đã họa ra, nhưng chưa ai tìm ra được cách để giải thích xem: Bằng cách nào đại danh họa đã áp dụng thành công hiệu ứng kỳ lạ đó?

Giáo sư Livingstone cũng giải thích rằng ảo giác này xảy ra do mắt của con người tập trung vào sự vật theo cách khác nhau. Khi chúng ta nhìn trực tiếp vào vật, ánh sáng rơi vào phần giữa võng mạc được gọi là fovea (tạm dịch là "hố trung tâm"). Phần này của mắt hoạt động rất tốt khi mắt nhìn vào những vật thể tương đối sáng, chẳng hạn như các đồ vật được ánh sáng ban ngày chiếu vào. Ngược lại, khi chúng ta nhìn vào một vật nằm ngoài tầm - tức là không nhìn trực tiếp, ánh sáng rơi vào phần ngoại vi của võng mạc, phần này hoạt động hiệu quả hơn khi mắt nhìn những vật "tranh tối tranh sáng".

Nguồn ảnh: Alamy

Giáo sư Livingstone khám phá ra rằng tranh của Da Vinci sử dụng "cách vận hành" giữa hai phần võng mạc để đánh lừa đôi mắt người nhìn. Từ góc độ hội họa, danh họa này đã sử dụng bóng đổ một cách tinh tế từ xương gò má của Mona Lisa để khiến phần miệng của nàng tối hơn những phần còn lại của gương mặt. Vì vậy, nụ cười của Mona Lisa hiện rõ hơn khi người xem tranh nhìn vào đôi mắt của nàng, vì lúc này, chúng ta quan sát nó trong tầm nhìn ngoại biên.


Tầm nhìn thông thường của mắt là 200 độ, khi dùng cả hai mắt để quan sát thì sẽ nhìn được 120 độ, trong khi mỗi mắt nhìn độc lập sẽ bao quát thêm một góc 40 độ và phần đó được gọi là tầm nhìn ngoại biên.

Thay vào đó, nếu mọi người nhìn trực tiếp vào miệng của Mona Lisa, chúng ta sẽ thấy mảng tối của bức tranh rõ ràng hơn do hoạt động của võng mạc, do đó sẽ khó nhận ra nụ cười của nàng hơn (5).


Còn bạn, bạn thấy nàng Mona Lisa đang nở nụ cười quý phái hay đang trầm tư trong nỗi buồn?


1 comentario


Invitado
25 ago 2023

Nói thật là từ ngày đầu tiên thấy bức tranh Mona Lisa mình vẫn nghĩ là bà ấy...lườm ai đó chứ không phải cười đâu :v

Me gusta
bottom of page