top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Nấu ăn: Từ sở thích trong bếp trở thành liệu pháp nâng cao lòng tự trọng

Nếu được chuyên gia tâm lý tham vấn và gợi ý nấu nướng thêm ở nhà để cải thiện sức khỏe tinh thần thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên, bởi điều này đã được chứng minh về cả lý thuyết lẫn thực tế.



Mối liên quan giữa nấu nướng và lòng tự trọng


Nấu ăn đang được sử dụng như một liệu pháp để can thiệp tâm lý, tên đầy đủ của phương pháp thú vị này là liệu pháp nghệ thuật ẩm thực (culinary art therapy), hoặc có khi còn được gọi là nấu ăn trị liệu (culinary therapy) hay chánh niệm ẩm thực (mindfulness culinary) (1).


Theo Julie Ohana - người sáng lập liệu pháp nghệ thuật ẩm thực - nấu nướng trong trị liệu đòi hỏi chúng ta tập trung cao độ và thúc đẩy sự kiên nhẫn, sáng tạo cũng như giải phóng bản thân, qua đó giúp nâng cao lòng tự trọng của con người. Vì lúc này, chúng ta cảm thấy hài lòng khi làm được điều gì đó tích cực cho chính mình, gia đình hoặc những người thân yêu xung quanh.

Còn theo các học giả khác, việc vào bếp nấu ăn giúp chúng ta xây dựng lòng tự trọng và quá trình này làm hạn chế suy nghĩ tiêu cực (2). Trên thực tế, hiện nay nhiều nơi đang áp dụng hình thức trị liệu này như Trung tâm Tâm thần Đại học học New Mexico (Mỹ), Trung tâm Điều trị dành cho thanh thiếu niên ở Bethlehem tiểu bang Connecticut thuộc Học viện Newport (Mỹ) (3)... Vào năm 2018, một đánh giá có hệ thống dựa trên 11 báo cáo đạt yêu cầu cho thấy ngoài giá trị về dinh dưỡng, nấu ăn còn mang lại nhiều giá trị về tinh thần (4).


Vậy lỡ nấu ăn dở có sao không? Đây là câu hỏi được nhiều người nhắc đến, khi chúng ta dành nhiều thời gian để chế biến một món ăn ngon cho gia đình nhưng không may lại thành "thảm họa". Thế nhưng, đó không phải là vấn đề. Bởi nếu xem nấu ăn là một liệu pháp thì điều mà chúng ta quan tâm là quá trình trước, sau đó mới đến kết quả. Đó là chưa kể việc thực hành nấu nướng nhiều lần chắc chắn sẽ cải thiện tay nghề bếp núc.


Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điều là nấu ăn không phải là một sự thay thế hoàn toàn trong trị liệu tâm lý. Nếu đang đối mặt với các vấn đề lớn về sức khỏe tinh thần, lời khuyên tốt nhất vẫn là liên hệ với những người có đủ chuyên môn.


Vào bếp nấu nướng mang lại điều gì?


Ngoài việc tay nghề nấu nướng sẽ thành thạo theo thời gian, khoa học đã chứng minh việc vào bếp đều đặn còn mang lại những giá trị sau:


1. Cảm giác viên mãn (feelings of accomplishment)


Khi nấu ăn cho chính mình hoặc người khác, chúng ta đang đặt ra một mục tiêu có thể đạt được. Điều này phù hợp với một loại trị liệu gọi là "kích hoạt hành vi" (behavioral activation) - vốn được sử dụng trong các trường hợp điều trị trầm cảm, lo âu. Những người rơi vào trạng thái này thường thiếu hụt mối liên quan giữa hành động và "phần thưởng", nên việc nấu ăn có thể giúp củng cố khía cạnh này (5).


2. Thúc đẩy khả năng sáng tạo


"Nấu ăn là một môn nghệ thuật và người đầu bếp là một nghệ sĩ".

Đây không chỉ là một câu nói nhằm ca ngợi việc bếp núc, một nghiên cứu năm 2016 trên 658 người trường thành trong vòng 13 ngày cho thấy những người tham gia vào các hoạt động sáng tạo như viết lách, vẽ nguệch ngoạc, ca hát, nấu ăn có thể có cuộc sống hạnh phúc hơn (6).


Nấu ăn tại nhà mang đến cơ hội thử nghiệm trong bếp và khám phá vai trò của từng nguyên liệu. Ngay cả khi bạn đang nấu một món ăn dựa theo công thức sẵn có, hãy thử thay đổi một chút, ví dụ như phối hợp các món ăn Việt Nam với những nguyện liệu bổ dưỡng từ nước ngoài (tempeh) để cải thiện hương vị cho bữa ăn. Những đầu bếp giỏi nhất cũng cho rằng việc thay đổi công thức nấu nướng hoàn toàn tùy thuộc vào sự sáng tạo của chúng ta (7).



3. Rèn luyện tính kiên nhẫn


Tiến sĩ Judith Orloff, bác sĩ tâm thần và là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy trên New York Times viết rằng: "Kiên nhẫn không có nghĩa là thụ động hay cam chịu, mà chính là quyền lực. Đó là cách thực hành bằng cảm xúc để chờ đợi, quan sát và biết khi nào nên hành động" (8).


Nấu ăn tại nhà cho gia đình thật sự là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn trải qua nhiều công đoạn từ việc đi chợ, chế biến thực phẩm, nấu nướng đến bày biện món ăn. Tất cả quá trình này cần phải được thực hiện một cách bài bản và tập trung bởi chẳng ai muốn lãng phí thực phẩm và thời gian cả.


4. Cải thiện kỹ năng tổ chức, sắp xếp


Khi đã nắm vững những kiến thức bếp núc cơ bản, nấu ăn ở nhà còn giúp chúng ta cải thiện thêm về kỹ năng tổ chức và dự trù cho công việc. Thông qua cách xem xét, cân nhắc những gì đã có trong tủ lạnh trước khi lên ý tưởng cho bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, chúng ta đang rèn luyện khả năng sắp xếp và hoạch định.


Dọn dẹp sau khi nấu ăn cũng là một điều cần thiết để bản thân và những thành viên trong gia đình kết nối vui vẻ và lành mạnh với nhau, chẳng hạn như phân chia công việc người này nấu ăn thì người kia rửa chén, người này thu dọn bàn ăn thì người kia lau dọn bếp núc.


5. Khỏe mạnh hơn


Khi đặt mục tiêu về sức khỏe, hãy thử nấu ăn ở nhà vài tối mỗi tuần. Theo một nghiên cứu vào năm 2014 trên tạp chí Public Health Nutrition, những người nấu ăn tại nhà có xu hướng ăn uống lành mạnh hơn những người ra ngoài ăn hàng quán (9). Một nghiên cứu khác vào năm 2017 cũng cho thấy kết quả tương tự (10). Việc nấu nướng tại nhà cũng được nhiều chuyên gia dinh dưỡng tin rằng sẽ giúp phòng ngừa vi khuẩn HP - một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau bao tử và nghiêm trọng hơn là viêm loét dạ dày cho nhiều người Việt hiện nay (11).

Comments


bottom of page