top of page
Tìm kiếm

"Nghệ thuật... cãi vã" trong tình yêu: Từ bất đồng đối phương thành hợp tác song phương

Cãi nhau là một vấn đề muôn thuở của các cặp đôi. Các cuộc cãi vã thường mang lại sự tức giận và đôi khi là... bất lực cho cả hai phía. Vậy liệu có cách nào để những cuộc tranh cãi có thể mang lại những kết quả tốt đẹp?



Khi cãi nhau, thông thường chúng ta đều cho rằng mình là người đúng, ít nhất là tại khoảnh khắc ấy. Điều này khiến mỗi người khó mở lòng để nhìn nhận ý kiến của đối phương một cách khách quan.


Thiên kiến tư vị: Nguồn cơn của hầu hết cuộc cãi vã


Trên thực tế, mỗi người trong chúng ta đều có ít nhiều thiên kiến tư vị (self-serving bias). Đây là một hình thức thiên vị bản thân, khi chúng ta có xu hướng tin rằng thành công của bản thân là do ta tự đạt được (tức là yếu tố chủ quan), còn những thất bại đều bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân bên ngoài (tức là yếu tố khách quan) (1).


Vì tâm lý này mà nhiều cuộc tranh cãi thường không đi đến hồi kết vì không ai chịu nhận phần sai về mình, bởi mỗi người đều tin rằng cái sai là do xui rủi chứ nào phải từ bản thân.

Chẳng hạn, khi bị trễ giờ máy bay, một người thường có xu hướng cho rằng "mình không phải người hay đi trễ" hay "trước giờ mình chẳng bao giờ trễ", tức là phủ nhận khía cạnh chủ quan. Đồng thời, người này có thể cho rằng "đi trễ là do tắc đường", "đi trễ là do người kia chậm chạp", "đi trễ là do người kia không giục mình đi sớm hơn"... tức là gán lên những nguyên nhân khách quan.



Từ tâm lý này, có thể thấy mỗi cặp đôi có rất nhiều lý do để tranh cãi. Để xác định rõ tình trạng thiên vị bản thân này, hãy thử xem những biểu hiện sau đây có phải là mấu chốt vấn đề tranh cãi của bạn và người ấy không nhé. Nếu đúng, có thể một trong hai người, hoặc cả hai, đang rơi vào bẫy "thiên vị bản thân" quá đà.

  • Biến nhiều tình huống thành một cuộc cạnh tranh, như là trong những cuộc đi mua sắm bình thường, cả hai liên tục tranh cãi về những món đồ cần mua, để rồi biến đó thành những "cuộc chiến" phí hơi sức của đôi bên.

  • Nhận "công sức" vốn không phải của mình. Chẳng hạn, chỉ có một người chăm nuôi thú cưng nhưng người kia đi đâu cũng nhận rằng mình mới là người chăm sóc thú cưng.

  • Thao túng tâm lý đối phương. Có tới 11 chiến thuật thao túng và bất kỳ hình thức "lạm dụng" nào cũng có thể khiến đôi bên có những khúc mắc không thể giải quyết, dẫn tới những cuộc tranh cãi bất tận.

  • Vẽ nên hình ảnh bản thân tốt đẹp quá mức nhưng thực tế lại không như vậy. Điều này có liên hệ với cách mỗi người tự nhìn nhận bản thân.

  • Đổ lỗi cho người khác khi mọi thứ không đi đúng hướng mà mình mong muốn.


Vậy cần làm gì khi ta đang trong "trận chiến"?



Có thể nói rằng thiên vị bản thân là một cơ chế để mỗi người tự bảo vệ cái tôi (2). Giải pháp tốt nhất cho những cặp đôi đang cãi nhau là hạ cái tôi xuống và tạm lược bỏ đi những suy nghĩ thiên vị bản thân.


Khi đó cả hai mới có thể mở lòng để lắng nghe người khác.

Dự án Better Argument đưa ra 5 nguyên tắc bạn cần lưu ý khi tranh cãi (3), (4):


1. Chú ý đến bối cảnh: Hãy nghĩ đến yếu tố xung quanh mà bạn đang "đổ lỗi", xem nó có thật sự là yếu tố gây ảnh hưởng đến mối quan hệ như bạn hằng nghĩ hay không.


2. Đừng chỉ nghĩ đến chuyện "cãi thắng": Trong một mối quan hệ, mục tiêu là giải quyết vấn đề chứ không phải thắng một cuộc tranh cãi. Chẳng hạn, khi cả hai đang đi trên đường cao tốc mà lại bỏ lỡ mất đoạn rẽ ra khỏi đó, hai việc quan trọng cần làm là tiếp tục giữ tốc độ để tránh ảnh hưởng tới dòng xe cộ và tìm lối ra gần nhất, chứ không phải là... cãi nhau xem lỗi do ai.


Bởi lẽ, nếu chỉ cố gắng cãi thắng thì đôi bên sẽ tiếp tục kẹt trên cao tốc mà không tìm được lối ra.

3. Đặt mối quan hệ lên hàng đầu và lắng nghe đối phương: Khi bạn đặt mối quan hệ lên hàng đầu, hẳn bạn sẽ mong muốn giữ gìn mối quan hệ với nửa kia. Lắng nghe nhau chính là một cách giúp bảo vệ mối quan hệ này. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, việc học cách lắng nghe thường mang tới nhiều khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức. Do đó, khi chưa có thói quen lắng nghe một cách chủ động và thấu hiểu đối phương, bạn chỉ cần bắt đầu thực hành lắng nghe ý kiến của người khác, tức là lắng nghe và chấp nhận (rằng họ có suy nghĩ, cảm xúc, quan điểm đó) chứ chưa cần phải cố gắng cảm thông sâu sắc với họ.


Học cách thấu hiểu và cảm thông là một hành trình dài mà chúng ta có thể bắt đầu từ bước đơn giản là học cách lắng nghe.

4. Chấp nhận mặt yếu đuối của bản thân: Tất nhiên, khi không đặt nặng chuyện phải thắng cuộc cãi vã, bạn cũng chấp nhận rằng có những cuộc tranh cãi mà bạn... sai hoặc thua về lý. Đứng trước người yêu, bạn có thể thấy mình nhỏ bé, yếu đuối và dễ bị tổn thương. Đây có lẽ là một bước khó thực hiện vì ít ai chịu chấp nhận sự sai sót và vẻ yếu đuối của mình, khiến nhiều mối quan hệ rơi vào lối mòn tranh cãi từ ngày này qua tháng nọ.


5. Cởi mở trong việc thay đổi: Từ việc chấp nhận bản thân có sai sót, chúng ta sẽ đi đến bước sửa đổi. Bạn có thể hỏi đối phương về sai lầm của bạn và khắc phục dựa trên góp ý mang tính xây dựng.


Dù vậy, bạn cũng đừng tránh né vấn đề giữa cả hai, cũng đừng để đối phương một mình đối mặt với vấn đề và bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mang tên "silent treatment" (5).


Ai cũng mong tránh những cuộc cãi vã, nhưng nhìn theo một mặt tích cực nào đó, đây là cơ hội để bạn có thể hiểu thêm về đối phương, đồng thời là lúc bạn có thể tiếp thu thêm kiến thức, bỏ đi những suy nghĩ lạc hậu... Thế nên, đôi bên hãy thử thực hành một số điều trên để cuộc cãi nhau trở nên có ý nghĩa, cũng là để cả hai từ đối phương biến thành sự hợp tác song phương.

Comments


bottom of page