top of page
Tìm kiếm

Nghịch lý khi làm bài kiểm tra tính cách

Cứ mỗi năm lại có 2 triệu người thực hiện bài kiểm tra tính cách MBTI (Myers–Briggs Type Indicator). Đồng thời, hơn 10.000 doanh nghiệp tại Mỹ đã bổ sung các phân loại tính cách vào tiêu chí tuyển dụng. Thế là việc kiểm tra tính cách đã "chính thức gia nhập" danh sách những ngành công nghiệp triệu đô. Nhóm tính cách đã trở thành một cách nhận diện của chúng ta, nhưng có một sự thật đáng thất vọng là: Không một bài kiểm tra tính cách nào có thể cho ra đáp án chính xác hoàn toàn. Vì sao lại như vậy? Bạn có chắc chắn rằng bạn và những người xung quanh có thể đánh giá đúng được tính cách của bạn không?



Kiểm tra tính cách là kiểm tra điều gì?


MBTI được xây dựng và phát triển bởi hai mẹ con Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers. Cũng như nhiều bài kiểm tra tính cách chuẩn hóa khác, MBTI dựa trên thuyết về các kiểu tính cách của Carl Jung, hay cụ thể hơn là MBTI là bài trắc nghiệm kiểm tra các đặc điểm tính cách (trait) của chúng ta.


Đặc điểm tính cách (trait) là các đặc điểm liên quan tới tính cách cá nhân (cá tính - tức là "personality"). Các đặc điểm tính cách mô tả hoặc giúp xác định hành vi của mỗi cá nhân trong nhiều tình huống - theo định nghĩa của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) (1).

Trong khi đó, tính cách của chúng ta không chỉ bao gồm các đặc điểm tính cách (trait) mà còn bao gồm cả sở thích, xung năng, giá trị, năng lực... (2). Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, những điều này "cắm rễ" sâu trong mỗi người thành bản tính, đến mức "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời".


Chính vì sự phức tạp đó mà tính cách còn có thể ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sự an lạc trong đời sống và cả nguy cơ tử vong (3), (4). Xuyên suốt cuộc đời của một người, tính cách chi phối mọi cột mốc quan trọng, từ những thành tựu trên ghế nhà trường đến lựa chọn nghề nghiệp tương lai, hay từ chuyện tình cảm lứa đôi đến mối quan hệ vợ chồng (5), (6).


Trong quá trình tìm lời giải cho dấu hỏi lớn mang tên tính cách, con người đã sáng tạo ra những lĩnh vực mới như chiêm tinh học, tướng số... Khởi nguồn của phương pháp đánh giá tính cách bằng hệ thống câu hỏi nằm trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, khi Quân đội Mỹ thiết kế một Bảng dữ liệu cá nhân chuyên dùng để nghiên cứu về tính cách và hành vi của những người lính thông qua phản ứng "sốc vỏ đạn" (shell shock) của họ sau những cuộc tấn công đẫm máu của kẻ thù (7).


Tới nay, việc "kiểm tra tính cách" đã trở thành một xu hướng chung trong cuộc sống với nhiều hình thức từ những câu đố ngắn gọn, vui nhộn đến những bài liệt kê nhiều câu hỏi có quy định thời gian... Thông thường, người dùng sẽ cần trả thêm một khoản phí từ vài trăm đến vài triệu đồng để đọc phần phân tích chi tiết và dự đoán, đề xuất hướng đi cho tương lai.


Bạn có thể ồ lên thích thú khi thấy kết quả quá giống với mình, hoặc nhíu mày nghi ngờ vì một kết luận mơ hồ và chung chung.

Mấu chốt nằm ở câu hỏi: Liệu những bài kiểm tra có thực sự phản ánh chính xác tính cách và con người của chúng ta? Đáp án là KHÔNG.



Nghịch lý trong những bài kiểm tra tính cách


Nếu bạn tìm đến các phân loại tính cách với mong muốn "khai phá" tiềm năng ẩn giấu hay vẽ ra đường đi nước bước đến thành công, bạn sẽ không được như ý, bởi chính các bài kiểm tra tính cách đã chứa tới ba nghịch lý.



Nghịch lý 1: Bài kiểm tra tính cách chỉ cho bạn biết những gì bạn đã biết về mình, hoặc những gì mà bạn nghĩ là bạn biết


Nếu một bài trắc nghiệm tính cách hỏi bạn sẽ làm gì trong một tình huống cụ thể. Câu trả lời mà bạn đưa ra chưa chắc đã hợp với tính cách thật của bạn, vì biết đâu trong thực tế, bạn sẽ hành động khác.


Ví dụ, khi bài kiểm tra yêu cầu bạn chọn một ô cửa theo hình dáng mà bạn thích, bạn có thể lựa chọn ô cửa chữ nhật (vì nhà bạn dùng cửa hình chữ nhật). Tuy nhiên, sau đó, gia đình và bạn bè của bạn lại xác nhận rằng thực tế là bạn thích ô cửa hình vuông vì bạn luôn có xu hướng sử dụng các đồ vật có hình dáng này. Thậm chí, khi trưởng thành, bạn cũng sửa nhà và đổi các ô cửa sang hình vuông. Như vậy, kết quả của bài kiểm tra ban đầu không hề chính xác.

Tựa như một tấm gương, những bài kiểm tra tính cách phản chiếu những hiểu biết của bạn về bản thân thông qua những đáp án bạn lựa chọn. Phân loại tính cách cuối cùng có thể là cách bạn đang tự nhìn nhận chính mình, hoặc một hình mẫu lý tưởng mà bạn hướng đến. Mức độ chính xác của bài kiểm tra tính cách phụ thuộc hoàn toàn vào sự thành thật và khả năng hiểu bản thân của chúng ta. Thậm chí, kể cả khi con người thật bạn có phần nhạy cảm và vụng về, bạn vẫn có thể nhận được kết quả phân loại tính cách là lý trí và chỉn chu, chỉ đơn giản vì đó là hình tượng bạn muốn theo đuổi hoặc bạn nghĩ mình là mình có các nét tính cách đó.



Nghịch lý 2: Tính cách không phải một "nhãn dán" cố định


Bên cạnh chuyện bản tính khó dời, có một sự thật khác là chúng ta của hôm nay khác với chúng ta của hôm qua và ngày mai, bởi lẽ "không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" (Heraclitus). Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy tính cách thay đổi tùy vào tình huống, tâm trạng và cả những người bạn trò chuyện hoặc làm việc cùng. Minh chứng điển hình là một người phụ nữ ngày thường được đánh giá là rất lý trí và điềm đạm, vẫn có thể trở nên cáu bẳn, đa sầu đa cảm và dễ mất bình tĩnh khi bước vào kỳ "rụng dâu".


Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có đến 50% người thực hiện bài kiểm tra MBTI nhận được một kết quả khác ở lần thử thứ hai, đôi khi chỉ cách lần đầu tiên vỏn vẹn 5 tuần (8). Về bản chất, tính cách con người rất phức tạp, không thể bị gói gọn trong một số ký tự, hình ảnh, con số, tính từ mô tả... Vì vậy, khi các bài kiểm tra (dù là chuẩn hóa hay không) chỉ có thể phân loại con người theo các đặc điểm tính cách, thì các bài kiểm tra đó không có khả năng phân tích một cách toàn diện và chuẩn xác về một cá nhân ở mọi thời điểm. Điều này cũng có nghĩa là những kết quả liên hệ giữa tính cách của chúng ta và quyết định công việc, nửa kia phù hợp... cũng chỉ mang tính gợi ý.


Ví dụ, bạn luôn nhận được kết quả kiểm tra tính cách là người có chỉ số hướng ngoại cao, nhưng bạn thường dành nhiều thời gian trong môi trường công sở và gia đình, những nơi mà bạn ít giao tiếp vì không có người nói chuyện hợp ý hoặc không có nhiều chủ đề thú vị. Do đó, bạn thường bị gia đình và đồng nghiệp đánh giá là người vô cùng hướng nội.


Nghịch lý 3: "Tính cách" trong các bài kiểm tra thường thiếu tính khách quan và khoa học


Không phải toàn bộ, nhưng phần lớn các bài kiểm tra tính cách đều ít nhiều bị chi phối bởi cảm xúc và kinh nghiệm của riêng tác giả. Bài kiểm tra nổi tiếng MBTI, còn được biết đến với tên gọi 16 loại tính cách hay Myer-Briggs, vốn không được chứng minh bằng khoa học thực nghiệm mà do mẹ con nhà Briggs phát triển dựa trên các giả thuyết về tính cách của nhà tâm lý học Carl Jung. Các nghiên cứu sau này đã "vạch trần" những khuyết điểm của mô hình MBTI, rằng nó không đúng sự thật, không có tính xác thực và còn tồn tại nhiều mâu thuẫn (9). Sự phổ biến của MBTI đã thổi lên cơn giận dữ trong giới học thuật, khi không ít chuyên gia đã thẳng thừng chê những câu hỏi trong bài kiểm tra này quá nhàm chán, khó hiểu và thậm chí là "tệ hại đến mức khó tin" (10).


Ngoài ra, nghi vấn về tính khách quan của các bài kiểm tra tính cách còn được đặt ra do những suy luận dựa trên các mối tương quan, điển hình là danh sách công việc phù hợp với từng nhóm tính cách. Nếu chúng ta cứ miệt mài liên kết thông tin nhằm tìm kiếm một kết luận có giá trị, chúng ta dễ sa vào những suy diễn chủ quan và thiếu căn cứ.


Chẳng hạn, việc một người hướng ngoại có thể bán được nhiều hàng hơn không đồng nghĩa với việc một người hướng nội sẽ không thể trở thành một nhân viên kinh doanh giỏi. Sẽ thế nào nếu một người hướng nội, nhờ vào khả năng xây dựng kết nối với người khác, lại giỏi bán các gói doanh nghiệp (B2B) và liên tiếp kiếm được hợp đồng? Và liệu điều này có cho thấy chuyện ngược lại, rằng người hướng ngoại không có khả năng xây dựng và giữ gìn kết nối hay không? Chúng ta gần như không thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Tất cả những nghịch lý trên đã khẳng định sự thật rằng không bài kiểm tra tính cách nào có thể giúp bạn hiểu được chính xác hay khám phá ra điều gì mới mẻ về chính mình. Nhưng đừng thất vọng, bởi vẫn có một số biện pháp giúp bạn tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc về tính cách của bản thân.



Làm sao để "vặn" nghịch lý?


Không nhất thiết phải từ bỏ hoàn toàn hoặc nghi ngờ mọi bài kiểm tra tính cách, bạn vẫn có thể tìm ra đáp án gần nhất với "bản ngã chân thật" của mình bằng cách:

  • Làm một bài kiểm tra nhiều lần (khác nhau về thời gian, tâm trạng hoặc tình huống)

  • Làm nhiều bài kiểm tra cùng lúc


Nếu kết quả của các lần kiểm tra có điểm tương đồng, khả năng cao là bạn thực sự có những nét tính cách được liệt kê (11). Một hình thức kiểm tra mà bạn có thể thử là mô hình Big-5 (còn được gọi là OCEAN) với năm dải đặc điểm tính cách: cởi mở/sẵn sàng trải nghiệm (openness), tận tâm (conscientiousness), hướng ngoại (extraversion), dễ chịu (agreeableness) và nhiễu tâm (neuroticism). Mô hình này được đánh giá cao bởi tính đơn giản và trực diện, không phân loại nhóm người hay suy luận tương lai, mà chỉ đơn thuần diễn giải những nét tính cách đặc trưng của một cá nhân.



Song song với các bài kiểm tra, để tránh nghịch lý thứ nhất và thứ ba, bạn có thể hỏi xin nhận xét từ người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp gần gũi về tính tình của bản thân để tự so sánh và phản tư. Tuy nhiên, để tránh nghịch lý thứ hai, bạn hãy chỉ xem những ý kiến nhận xét đó như những lời gợi ý. Bạn không cần phải đặt trọn niềm tin vào các bài kiểm tra tính cách, càng không cần phải đưa ra lựa chọn nghề nghiệp, bạn đời dựa trên kết quả từ những câu hỏi chung chung dành cho tất cả mọi người.

Opmerkingen


bottom of page