top of page
Tìm kiếm

Ngủ chung với con nhỏ: Nên hay không nên?

Ngủ cùng con cái được xem là sự gắn kết cực kỳ thân mật giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em của các nước Á đông. Tuy nhiên, việc ngủ chung với trẻ vẫn còn nhiều tranh cãi, dựa trên độ tuổi, giới tính hoặc tùy vào nền văn hoá địa phương. Nếu phụ huynh cân nhắc quan sát và có lựa chọn phù hợp thì việc ngủ cùng con hoàn toàn có thể giúp trẻ phát triển thể chất lẫn tinh thần toàn diện.


Việc cho con ngủ cùng cha mẹ, cho đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi vì những khác biệt về văn hoá, độ tuổi, quan niệm sống. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể tham khảo một vài nghiên cứu khoa học mà LeLa Journal tổng hợp sau đây để xác định thời gian, không gian phù hợp cho việc ngủ chung và ngủ riêng với trẻ.



Lợi ích từ việc ngủ chung với trẻ

1. Sự gắn kết gia đình

Dễ dàng nhận ra rằng trẻ càng lớn, nhu cầu có không gian cá nhân càng cao, chính vì thế, giai đoạn trẻ còn nhỏ và chịu gắn kết cùng bố mẹ thông qua việc ngủ chung là vô cùng đáng quý. Nhiều bố mẹ bận rộn với công việc chiếm hết thời gian trong ngày thì ngủ chung được xem là thời gian gắn kết gần gũi duy nhất có thể có được với nhau (1). Nghiên cứu của Onepoll trên 2.000 phụ huynh chỉ ra rằng 88% cha mẹ ưu tiên việc ngủ cùng con vì nó khiến họ gắn kết với con cái nhiều hơn (2).

2. Hạn chế căng thẳng cho trẻ

Không khác gì người lớn, nhiều trẻ em bước vào độ tuổi tập đi thường trải qua giai đoạn căng thẳng khi ngủ (cảm giác của sự trống vắng hay hụt hẫng). Chính bé cũng không muốn tách khỏi sự gần gũi vỗ về của cha mẹ. Ngủ chung sẽ tạo cho bé cảm giác về sự an toàn và bảo vệ (1). Cũng trong nghiên cứu của Onepoll, 62% phụ huynh cho biết họ muốn con mình có được cảm giác yên tâm khi ngủ cùng bố mẹ (2).

3. Đảm bảo việc bú mẹ

Đối với trẻ em đang bú mẹ, việc này sẽ diễn ra dễ dàng hơn vào nửa đêm hoặc lúc về sáng, mẹ cũng có thêm thời gian cho con bú. Đặc biệt, nếu ở gần con, hoạt động này sẽ diễn ra khá thuận lợi và yên tĩnh (1). Giáo sư tiến sĩ Nhân chủng học James McKenna từ đại học Notre Dame lưu ý rằng cách an toàn nhất để ngủ chung với trẻ là cho con bú hoặc “ngủ bú" (breastsleeping) – một thuật ngữ chỉ việc kết hợp giữa cho bú và ngủ chung mà ông gọi trong nghiên cứu của mình (3).



Những hạn chế tồn tại song song

1. Giảm chất lượng giấc ngủ

Việc này là không thể tránh khỏi. Chân tay của những em bé đang tập đi vẫn có khả năng hoạt động vào ban đêm như "những vũ công đang tập dượt lại các động tác". Nghe thì có vẻ đáng yêu, nhưng cũng có thể gây rắc rối và tác động tới giấc ngủ của bạn nếu trẻ vung vẩy quá đà.


Một nghiên cứu năm 2015 thực hiện trên 153 gia đình với ghi nhận thời gian từ tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ kéo dài cho đến tháng thứ 6 sau khi trẻ chào đời. Các bà mẹ được yêu cầu theo dõi giấc ngủ của họ và trẻ sơ sinh bằng cách ghi chép nhật ký. Kết quả chỉ ra rằng những bà mẹ có trẻ ngủ chung cho biết họ thức giấc nhiều hơn vào ban đêm và ngủ kém hơn so với những bà mẹ có trẻ ngủ riêng. Những bà mẹ ngủ chung có nhiều rối loạn giấc ngủ với lý do khách quan và chủ quan hơn so với những bà mẹ trong nhóm ngủ một mình (1) (4) (5).


2. Những hệ quả về tâm lý

Thiếu ngủ và sức khỏe tinh thần luôn đi đôi với nhau. Việc thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ dẫn đến những căng thẳng không chỉ về thể chất mà còn là tinh thần. Đối với cả những ông bố đi làm, điều này cũng khiến chất lượng công việc sụt giảm. Một nghiên cứu năm 2018 của tạp chí về phát triển và hành vi nhi khoa chỉ ra cho thấy những bà mẹ ngủ chung với trẻ mới biết đi thường xuyên thức giấc hoặc di chuyển lung tung, mất ngủ trung bình 51 phút/đêm và có mức độ lo lắng, căng thẳng và trầm cảm cao hơn (1).

3. Không có nhiều thời gian cho bản thân

Nhiều phụ nữ dành thời gian cả ngày để chăm sóc con, vì thế, nếu đến lúc ngủ cũng phải ngủ cùng con, họ sẽ không còn thời gian cho riêng mình hoặc những khoảnh khắc riêng tư, thân mật với chồng (1). Việc có một khoảng không gian và thời gian riêng dành cho bản thân để tái tạo năng lượng là điều cần thiết nhưng việc này rất dễ bị ảnh hưởng nếu ngủ chung cùng con cái.

4. Mối bận tâm về sự đánh giá của xã hội

Theo những tiêu chí phương Tây, việc ngủ chung với trẻ được xem như một sự lựa chọn sai lầm. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì sợ bị soi mói, đánh giá nếu như không thể tập cho con mình ngủ riêng (1).

5. Sự nguy hiểm cho trẻ

Đối với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, ngủ chung tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bé có khả năng bị đè bởi cơ thể người lớn, tăng nguy cơ mắc kẹt, ngạt thở và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) (1). Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng phản đối mạnh mẽ việc ngủ chung với trẻ dưới 1 tuổi để làm giảm nguy cơ đột tử này.


Những tranh cãi bên lề: Nên hay không nên?

Tiến sĩ Nils Bergman - làm việc tại đại học Cape Town (Nam Phi) từng tạo tranh cãi khi đưa ra nghiên cứu trẻ nên ngủ cùng cha mẹ trong những giai đoạn đầu đời để không ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa mẹ và bé. Trong nghiên cứu, ông đã theo dõi 16 trẻ. Ông phát hiện tim của những đứa trẻ ngủ một mình trong cũi có khả năng bị căng thẳng cao gấp ba lần trẻ được ngủ cạnh mẹ. Ông cũng thấy sự gián đoạn chu kỳ ngủ của não ở các bé ngủ trong cũi. Đây là yếu tố vốn rất quan trọng trong sự phát triển của cơ thể (6). Tiến sĩ có đề xuất là trẻ em nên ngủ với mẹ cho đến khi chúng lên ba hoặc thậm chí bốn tuổi. Tất nhiên, điều này không dễ nhận được phản hồi tích cực.


Trong khi đó, NHS (Dịch vụ Thông tin Sức khỏe Quốc gia của Scotland) khuyến khích những cặp cha mẹ mới nên đặt con trong cũi 6 tháng đầu, bởi những nguy cơ mà việc ngủ chung có thể mang lại như hội chứng đột tử ở trẻ vì quá nóng, hay việc cha mẹ dễ đè lên con hoặc trẻ lăn lộn nên rơi xuống giường (7). Tổ chức National Childbirth Trust lại ủng hộ việc ngủ chung giường, miễn là cha mẹ không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy và không bị béo phì, ốm yếu hoặc quá mệt mỏi (6).


Tiến sĩ James J. McKenna, nhà nhân chủng học và là tác giả cuốn sách "Giấc ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh" cho biết: "Trong phần lớn lịch sử loài người, cha mẹ ngủ gần con để giữ an toàn và bảo vệ chúng, cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho con bú và ngủ ngon giấc". Tiến sĩ còn nhấn mạnh vào những tháng đầu đời, việc ngủ chung tạo cơ hội cho người chăm sóc dễ theo dõi trẻ sơ sinh và trẻ cũng có thể điều chỉnh nhịp thở của mình cho phù hợp với người lớn (3) (4).


Không ít bậc cha mẹ ngày nay bối rối về khả năng ngủ chung còn là vì ảnh hưởng về mặt văn hoá. Ở các nước phương Tây, việc ngủ chung không phải là quy chuẩn và hầu hết trẻ em đều ngủ phòng riêng ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, trong văn hoá phương Đông, việc trẻ em ngủ chung với cha mẹ cho đến lúc sáu hoặc bảy tuổi được chấp nhận về mặt xã hội. Bác sĩ – Tiến sĩ nhi khoa N.V.S. Krishnan từ Bengaluru (Ấn Độ) cũng nhận định việc ngủ chung đã trở thành nhu cầu thiết yếu ở một số hộ gia đình Ấn Độ vì hạn chế về không gian. Cụ thể, nhà ở Ấn Độ có diện tích trung bình khoảng 46m², sự eo hẹp về điều kiện sống buộc hầu hết các bậc cha mẹ phải ngủ cùng con cái (4).



Làm sao tìm giải pháp phù hợp?

1. Cân nhắc về độ tuổi

Thường thì giai đoạn phát triển của trẻ em sẽ tập trung vào hai giai đoạn chính là sơ sinh (1 -12 tháng tuổi) và biết đi (hơn 12 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi).


Khi trẻ bắt đầu lên một tuổi, việc ngủ chung được cân nhắc là khá an toàn. Trên thực tế, trẻ càng lớn thì càng ít rủi ro hơn vì chúng có thể dễ dàng di chuyển, lăn lộn và thoát khỏi sự kiềm chế. Mặt khác, ngủ chung với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Em bé khó thể tự thoát ra khỏi sức nặng từ cơ thể người lớn hoặc bị đè ngộp do gối nệm, do đó dễ dẫn đến nguy cơ bị mắc kẹt, ngạt thở và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) như đã nói ở trên (1).


2. Cân nhắc về sức khỏe tinh thần của con


Việc ngủ chung hay bắt đầu ngủ riêng còn dựa trên việc quan sát thái độ và cảm nhận của con. Nhà nghiên cứu Preethi Anne Ninan đề nghị: “Các bậc cha mẹ nên thực hiện quá trình tách ra ngủ riêng một cách chậm rãi và từ từ. Đầu tiên, hãy tạo một không gian ngủ riêng tư và ấm cúng cho trẻ trong chính căn phòng của bố mẹ. Sau đó, dần dần chuyển đồ đạc của trẻ vào phòng của chúng trong khi vẫn thảo luận hằng ngày về những lợi ích của việc trẻ có phòng riêng. Tạo cho chúng một thói quen đi ngủ đều đặn để mang lại cảm giác có thể đoán trước và ổn định. Giống như mọi khía cạnh khác của việc nuôi dạy con cái, tính nhất quán là chìa khóa quan trọng nhất”.


“Chẳng có gì sai nếu cha mẹ vẫn ôm ấp đứa con tám tuổi trên giường. Hoặc trong nhiều dịp, chúng ta có thể ngủ chung với con khi chúng cảm thấy căng thẳng hoặc bị ốm” - Phó giáo sư tâm lý Janet Morrison từ Toronto (Canada) nhận định (8).


Ngoài ra, sức khỏe tinh thần của phụ huynh cũng đáng lưu ý. Trong nhiều khuyến cáo, phụ huynh có dấu hiệu dùng các chất gây nghiện hoặc bia rượu thường nên tránh ngủ chung với trẻ, vì có khả năng làm đau hoặc va chạm đến trẻ (1) (4).

3. Cân nhắc về ngủ chung phòng


Nhiều người chọn việc chia sẻ phòng cùng con. Trẻ không nhất thiết phải ngủ cùng giường với cha mẹ mà có thể nằm ở giường riêng, nhưng vẫn hiện diện trong cùng một không gian chung, mang lại cảm giác an tâm và được che chở. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị cho trẻ ngủ chung phòng cho đến khi trẻ được ít nhất sáu tháng tuổi (tốt nhất là một tuổi) để cha mẹ có thể theo dõi sát sao trẻ.

Bác sĩ – Tiến sĩ nhi khoa N.V.S. Krishnan nói rằng ở Ấn Độ, việc ở chung phòng giữa mẹ và trẻ sơ sinh cũng được khuyến khích vì: "Chung phòng là một thực hành được khuyến nghị bởi chính phủ, bác sĩ sản khoa và bác sĩ nhi khoa. Ngay sau khi sinh, trẻ sơ sinh được đặt trong cũi ở cùng phòng với mẹ. Trước đó, trẻ sơ sinh sẽ được giữ trong nhà trẻ của bệnh viện và được mang đến cho bú mẹ”. Tiến sĩ cũng cho biết việc ở chung phòng thúc đẩy sự gắn kết giữa mẹ và con và thúc đẩy việc cho con bú (4).


4. Bắt đầu luyện tập việc có không gian riêng


Đến một độ tuổi nhất định, trẻ hoặc cha mẹ đều có nhu cầu về một không gian riêng. Tuy nhiên, sự chuyển đổi về không gian này nên diễn ra từng bước một và cần sự kiên nhẫn. Ban đầu, cha mẹ có thể cùng ngủ với con trong không gian riêng của con, hướng dẫn con cách tìm đến mình vào đêm muộn khi con cảm thấy không an toàn (9).


Các chuyên gia khuyên cha mẹ không nên ép con ngủ riêng phòng và đảm bảo rằng họ luôn ở bên cạnh để dỗ dành con. Quá trình chuyển sang ngủ một mình có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, đòi hỏi cha mẹ cần phải kiên nhẫn (4).


Bên cạnh đó, việc thiết lập một thói quen để con đi ngủ đúng giờ bằng những trình tự đã được thiết lập như đọc truyện, ca hát, hoặc ôm hôn con, để ý thức của trẻ dần thích nghi với những thói quen quán tính và dễ chìm vào giấc ngủ.




Comments


bottom of page