top of page
Tìm kiếm

Nhạy cảm quá đà: Là món quà hay sự nghiệt ngã?

Nếu một người có những biểu hiện như: dễ cảm thấy choáng ngợp trước đám đông, dễ hoảng loạn với cường độ ánh sáng và âm thanh mạnh, dễ rơi vào trạng thái quá tải khi bị áp lực bủa vây hoặc dễ bị chi phối bởi cảm xúc của người khác... thì rất có thể người ấy là một trong số những người cực kỳ nhạy cảm (Highly Sensitive Person - HSP). Những đặc điểm tính cách "không giống ai" đã khiến các cá thể này bối rối trong việc nhận diện bản thân và thường xuyên hoang mang tự đặt câu hỏi “Tại sao mình lại dị biệt như vậy?”, “Liệu mình có vấn đề về tâm lý gì không?...


Người nhạy cảm cao: Người ấy là ai?


Theo các chuyên gia tâm lý, người nhạy cảm cao/người cực kỳ nhạy cảm (Highly Sensitive Person - HSP) là những cá thể từ khi sinh ra đã có khả năng tiếp nhận thông tin nhiều hơn những người khác. Những trải nghiệm trong cuộc sống của họ có độ nhạy cao và phản ứng tốt hơn với các kích thích từ môi trường và xã hội, hoặc họ phải chịu những tác động đó trong thời gian kéo dài hơn so với những người có mức độ nhạy cảm thấp (1). Ví dụ như tiếng ồn trên đường phố có thể khiến người nhạy cảm cao cảm thấy khó chịu, họ cũng trở nên hoảng loạn trước áp lực thời gian, dễ kiệt sức và ghét cay đắng phim bạo lực, kinh dị...


Những điều này làm người ta nhớ đến một đặc điểm tâm lý có cách đây hơn 150 năm, vào thời Victoria. Các bác sĩ thần kinh thời bấy giờ cũng đã đề cập đến đặc điểm này như một vấn đề về cảm giác - cảm xúc, với một tên gọi khác là “chứng cuồng loạn” (Hysteria) (2). Tuy nhiên, đến khi lý thuyết về người nhạy cảm của nhà tâm lý học Elaine N. Aron ra đời vào 100 năm sau, khái niệm về người nhạy cảm có độ nhạy cảm cao mới được tách biệt và định nghĩa rõ ràng, nhờ đó giúp người nhạy cảm hiểu hơn về chính mình. Kể từ đó, càng có nhiều người nhận mình là người nhạy cảm.


Chính vì những đặc điểm tính cách khác biệt đã khiến những người nhạy cảm quá mức luôn thấy lạc lõng, thậm chí bị rất dễ bị hiểu lầm là người khó gần, yếu đuối hoặc tiêu cực. Ngoài ra một hệ thần kinh “nhạy” với tất cả các kích thích từ môi trường xung quanh luôn khiến họ cảm thấy mệt mỏi hoặc tự oán trách bản thân mình.



Trên thực tế, nhạy cảm (cho dù ở mức độ nào) cũng là một đặc điểm tâm lý bình thường và luôn tồn tại bên trong mỗi người. Các nhà tâm lý phân chia độ nhạy trong xử lý cảm giác của con người theo các loài hoa (3):

  • Người có độ nhạy đặc biệt thấp: hoa bồ công anh (chiếm 29%)

  • Người có độ nhạy trung bình: hoa tulip (chiếm 40%)

  • Người có độ nhạy cao: hoa lan (chiếm 31%).


Độ nhạy cảm cao không phải là biểu hiện của sự bất ổn tâm lý. Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018, mức độ nhạy cảm cao khác biệt với các rối loạn lâm sàng như tự kỷ hay tâm thần phân liệt, vốn cũng có những triệu chứng tương tự như nhạy cảm đối với môi trường, tăng hoặc giảm phản ứng với các kích thích tác động từ bên ngoài (1).


Chẳng qua, tần số rung động cao của sự nhạy cảm được quy định trong một gene có chức năng điều chỉnh lượng hormone norepinephrine - loại hormone hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh trong não có khả năng châm ngòi sự chú ý và phản hồi. Nó cũng có sự liên quan đến oxytocin - loại hormone chịu trách nhiệm cho cảm xúc yêu thương và liên kết với người khác, có thể làm khởi phát sự nhạy cảm, giúp chúng ta nhanh nhạy hơn trong việc nhận diện ngay cả những tín hiệu nhỏ nhất.


Tuy nhiên, khác với chứng cuồng loạn vào giữa những năm 1800, những người nhạy cảm cao thời nay đang bắt đầu thoát khỏi nhu cầu được chữa khỏi. Các nghiên cứu về HSP ngụ ý rằng thay vì xem họ là bất thường về tâm lý và cần được "chạy chữa" thì xã hội ngày nay muốn hiểu và ủng hộ sự nhạy cảm của họ. Do đó, thay vì trốn tránh, chán ghét hay che giấu những điều thuộc về bản thân, người nhạy cảm có thể thoải mái chấp nhận con người mình.


Để hạn chế những phiền phức không đáng có, những người cực kỳ nhạy cảm có thể giữ cho bản thân bình tĩnh bằng việc đắm chìm trong không gian bình yên hơn hoặc tránh xa những kích thích có thể ảnh hưởng đến tâm trạng.


Nhạy cảm cũng là một món quà


Nhà tâm lý học Elaine N. Aron viết trong cuốn "Người nhạy cảm: Món quà hay lời nguyền" rằng: “Chính sự nhầm lẫn giữa nhạy cảm và tâm lý bất ổn cùng tác động của chấn thương thời thơ ấu là một trong những lý do dẫn tới định kiến tiêu cực về người nhạy cảm.” Theo bà, nhạy cảm cũng chỉ là một đặc điểm tâm lý và mức độ nhạy cảm của mỗi người phụ thuộc vào gen di truyền, sự ảnh hưởng của quá trình trưởng thành cùng những trải nghiệm cá nhân.


Vì thế, thay vì chỉ chăm chăm vào những "khác thường" trong tính cách, người nhạy cảm có thể chú ý đến những “món quà” mà đặc điểm tâm lý này mang đến "trao tặng". Các nghiên cứu đều thống nhất rằng người nhạy cảm đều có thể làm tốt các công việc liên quan đến sáng tạo, cũng như có một khả năng thấu cảm tuyệt vời và một cái nhìn tinh tế.

Nếu nhìn ở góc độ tích cực, người nhạy cảm cao có khả năng nhận ra những thay đổi rất nhỏ từ bên ngoài và nhờ đó, họ không bỏ qua những chi tiết mà người khác thường ít để ý tới. Ngoài ra, vì thế giới nội tâm của họ phát triển vô cùng phong phú, nên người nhạy cảm cũng thường có trực giác tốt, sức sáng tạo mạnh mẽ, sự kết nối sâu sắc và phong phú với các mối quan hệ cá nhân bền chắc, đồng thời họ có sự thẩm định, đánh giá cao hơn đối với vẻ đẹp (5).


Phát huy tố chất nhạy cảm như một phần tất yếu của cuộc sống


Người nhạy cảm cao là những kẻ giàu mơ mộng, thường độc thoại nội tâm và tìm thấy niềm vui thích tuyệt vời trong nghệ thuật, âm nhạc, kết nối con người, nhưng họ cũng phải trả giá cho các đặc điểm tâm lý "khó hiểu, khó chịu, khó chiều" của mình.



Tuy nhiên, với một vài biện pháp hỗ trợ thích hợp và sự công nhận về điểm mạnh lẫn điểm yếu, những người có độ nhạy cảm cao quá mức có thể thiết lập môi trường mà bản thân có thể phát triển (5). LeLa Journal gợi ý một số cách thức phát huy thế mạnh, phát triển bản thân dành cho những người HSP như sau:

  • Hiểu bản thân: Nếu bạn bẩm sinh là một người nhạy cảm, bạn phải chấp nhận rằng điều đó là tự nhiên và là một phần con người bạn. Bạn có thể tập luyện cách phản ứng với cảm xúc của mình theo hướng tốt hơn nhưng bạn không bao giờ trở thành một con người hoàn toàn khác và bạn cũng không nên làm thế. Chỉ cần trở thành một phiên bản tốt nhất của bản thân là đủ. Để xác định mức độ nhạy cảm của mình, bạn có thể làm bài trắc nghiệm tại đây.

  • Viết nhật ký: Ghi chép lại cảm xúc hằng ngày có thể giúp bạn nhận ra điều gì châm ngòi/kích ứng/khởi phát cho một phản ứng hoặc thái độ quá khích của mình. Qua đó, bạn cũng sẽ có cái nhìn toàn diện và học được cách phản ứng phù hợp hơn.

  • Tránh mặc định, "dán nhãn" bản thân hoặc để người khác định hình bạn là ai: Bạn cần ý thức rằng bản thân là một cá thể độc lập và chỉ thi thoảng rơi vào một vài tình thế khiến bạn xúc động quá mức so với người bình thường. Đừng mặc cảm, tự ti hoặc cũng đừng ỷ lại, dựa dẫm... mà nên cân bằng cuộc sống như một lẽ tất yếu với mọi cung bậc thăng trầm.

  • Sống chậm lại và dành thời gian cho cảm xúc của mình: Xã hội hiện đại quay cuồng đến chóng mặt cùng với các kích thích từ môi trường xung quanh và áp lực ngày càng nặng gánh có thể là thách thức lớn với người nhạy cảm cao. Vì lẽ đó, nên dành thời gian cho phép bản thân thư thả, không phải làm gì và để cho tâm trí được "lười biếng" nghỉ ngơi.



Comments


bottom of page