Trong những năm gần đây, thị trường đồ nội thất khá chuộng xu hướng phong cách Nhật Bản, với đặc điểm là các món đồ thấp sát mặt sàn. Nhưng liệu những món đồ này có thực sự phù hợp với những ngôi nhà Việt? Hãy cùng LeLa Journal điểm qua một số chi tiết trong dự án ngôi nhà trong rừng keo lá tràm tại Quế Sơn, Quảng Nam để tìm hiểu về đồ nội thất thấp và 4 lưu ý khi sử dụng nhé.
Phổ biến nhất hiện nay có lẽ là phong cách nội thất Japandi, pha trộn giữa triết lý wabi-sabi của Nhật Bản và lối sống hygge của người Scandinavi. Phong cách Japandi rất hợp cho những người tìm kiếm vẻ thoải mái, ấm cúng, an lạc và hạnh phúc tại tư gia (1).
Nhắc tới nội thất Nhật Bản, chúng ta không thể không nhắc tới những món đồ thấp, gần như sát mặt sàn. Nhưng liệu phong cách này có thực sự hợp với người Việt Nam chúng ta? Và nếu muốn áp dụng thì chúng ta nên làm thế nào?
Tới với công trình nhà trong rừng lá tràm tại Quế Sơn, Quảng Nam với diện tích xây dựng là 150m² và độ phủ mái lên tới 250m², chúng ta dễ dàng bắt gặp những món đồ nội thất chân thấp.
Dễ nhận thấy đây là căn nhà có nhiều thế hệ sinh sống.
Thực tế, người Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung, từ xưa tới nay thường dùng đồ nội thất khá cao, mà có lẽ vật dụng thấp phổ biến nhất chỉ là những sập gỗ. Thông thường, các ông, các bà trong gia đình thường kê chiếu nghỉ, ghế dài thấp ngoài hiên, còn các vật dụng trong nhà hầu như đều cao, vì hai lý do chính sau đây:
Lũ lụt: Người dân miền Trung và các tỉnh thành hay bị ngập lụt, triều cường thường ưa chuộng đồ nội thất cao, đề phòng nước lên nhanh.
Bảo vệ sức khỏe khớp gối: Người già hoặc người có khớp gối yếu không nên sử dụng đồ nội thất chân thấp, tránh việc dồn quá nhiều lực vào gối khi đứng lên, ngồi xuống.
Do đó, có thể nói rằng xu hướng nội thất Nhật Bản hoặc cụ thể là phong cách Japandi không hoàn toàn phù hợp với người Việt. Bởi lẽ, như đã nhắc tới ở bài trước, do giá nhà đất tại Nhật Bản cao nên quỹ đất nhà ở thường khá "eo hẹp". Đồ nội thất thấp sát sàn sẽ giúp căn nhà trông lớn hơn, và đặc biệt là trong trường hợp gặp động đất - điều diễn ra khá phổ biến ở quốc gia này - nội thất như vậy sẽ tiện dụng và bảo đảm an toàn cho người dân hơn.
Tại Việt Nam, nếu ưa thích sử dụng đồ nội thất như vậy, bạn và gia đình cần cân nhắc một số điều sau:
Khu vực sinh sống hoặc nơi sử dụng: Nội thất chân thấp hợp cho người ở vùng không chịu ngập lụt, người ở căn hộ chung cư hoặc chỉ hợp trong những căn phòng ở tầng cao khô ráo.
Người sử dụng món đồ: Chiều cao của người Việt đã có sự thay đổi, với nữ giới trung bình từ 152,3 cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6 cm (năm 2020) và nam giới trung bình từ 162,3cm (năm 2000) đã tăng lên 168,1 cm (2020) (2). Do đó, để bảo vệ sức khỏe, chúng ta cần cân nhắc chiều cao của từng món nội thất sao cho phù hợp với chiều cao và sức khỏe của người trẻ, người có tuổi...
Tổng thể không gian ngôi nhà: Nếu tổng thể ngôi nhà của bạn có trần thấp, việc sử dụng nội thất cao có thể khiến không gian thêm phần "bí bách".
Phân loại theo mục đích sử dụng: Khi trong nhà có "mỗi người mỗi ý" cũng như có nhiều mục đích sử dụng, gia chủ có thể cân nhắc sử dụng nhiều món đồ với chiều cao khác nhau, tùy vào mục đích hướng tới.
Chẳng hạn, ngôi nhà tại Quế Sơn đã đặt một bộ bàn ăn có chiều cao hợp lý cho mọi thành viên trong gia đình, cũng như sắp xếp những "góc" nghỉ ngơi riêng cho từng thành viên mỗi khi muốn có "me time" ngay trong chính ngôi nhà rộng lớn với nhiều người.
Về tổng thể, trong dự án này, khối mái lớn 250m² bao phủ lên toàn bộ công trình, liên kết không gian trong ngoài thành một thể thống nhất. Độ dày mái cũng đã được tính toán kỹ lưỡng, tạo ra khoảng không cách nhiệt tốt, hàng hiên mái che với độ mở lớn giúp công trình luôn được có bóng râm mát mẻ, hạn chế sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung.
Bên cạnh đó, thềm nhà đủ cao và đủ khô ráo để gia chủ có thể lựa chọn được món đồ nội thất ưng ý mà không phải e ngại thời tiết.
Hình ảnh mặt tiền căn nhà trong ba buổi sáng, chiều và tối.
Khi đã khắc phục xong những vấn đề kể trên, ta có thể thấy rằng đồ nội thất thấp thực sự giúp căn nhà... rộng càng thêm rộng.
Hệ trần phẳng có cao độ thấp, trải rộng phía dưới khối mái tạo nên một áp lực vô hình, để tầm mắt luôn có sự tập trung theo phương ngang, từ đó, tạo ra những "bức tranh" sân vườn thông qua những khoảng trống, cô đọng và tĩnh lặng, chỉ có con người thư giãn cùng thiên nhiên.
Khi ai cũng có góc riêng với những món đồ tiện dụng và phù hợp, mọi thành viên sẽ được thoải mái quây quần bên những bữa ăn chung vui, đầm ấm và góc bếp luôn thơm mùi thức ăn ngon.
Với nếp sinh hoạt của ngôi nhà cũ, bếp là nơi các thành viên trong gia đình thường xuyên quây quần ăn uống, trò chuyện bên nhau.
Tùy vào sở thích của gia chủ và điều kiện về diện tích không gian, một đảo bếp có thể được cân nhắc sử dụng để thuận tiện cho người nấu. Nhưng nếu có tới hơn hai người cùng "vào bếp" thì đảo bếp có thể gây "ách tắc giao thông".
Hy vọng rằng với những gợi ý trên đây của LeLa Journal, các độc giả có thể tìm được món nội thất Japandi ưng ý và tiện dụng cho bản thân và gia đình, tránh trường hợp "chín người mười ý" trong cùng một không gian sống.
Thông tin về đơn vị thiết kế và hoàn thiện công trình BOW.Atelier & KAN Studio |
Comments