top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảIen Dao

Nhà văn Phan Ý Yên: "Cứ yêu, cứ mưu cầu hạnh phúc, nhưng đừng làm khổ mình vì nó"

Từng ghi dấu ấn trong lòng độc giả với những tâm sự chạm đến trái tim nhiều độc giả trong gần 15 năm qua, nữ tác giả Phan Ý Yên dường như đã trở thành cây bút nói lên nỗi lòng của biết bao cô gái trẻ. Nhận lời mời phỏng vấn của LeLa Journal cận ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chị đã chia sẻ những góc nhìn đa chiều về sự nghiệp và quan điểm hạnh phúc của phụ nữ hiện đại, để độc giả có thể cảm nhận một Phan Ý Yên trầm lắng và sâu sắc hơn sau nhiều năm vắng bóng tao đàn.

​Nhà văn Phan Ý Yên từng là một cây bút chuyên viết về những tác phẩm mang dấu ấn tản văn khá phổ biến trên nền tảng Blog Yahoo! 360 và có các truyện ngắn được yêu thích đăng trên tuần báo học trò. Một số cuốn sách tiêu biểu của cô là Em là để yêu; Người lớn cô đơn, Tình yêu là không ai muốn bỏ đi; Yêu, dại dột, yêu; Không xinh, không thông minh, không bất bình thế giới… Hiện cô còn được biết đến với vai trò là một KOL được nhiều nhãn hàng biết đến, cũng như thử sức với những công việc sáng tạo nội dung khác.


Nữ quyền là quyền được sử dụng tính nữ


Đọc những tác phẩm của Phan Ý Yên, người đọc cảm thấy như đang đọc những lời tự sự chắt chiu từ trái tim của một người phụ nữ thủ thỉ tâm tình. Chị có thể chia sẻ thêm về nguồn cảm hứng để viết nên những trang sách đa sầu đa cảm đó không?


Tôi đã ra mắt 9 cuốn sách, nhưng chất liệu để viết không chỉ được lấy từ những trải nghiệm của bản thân trong tình yêu, mà còn đến từ những câu chuyện tôi được bạn bè, người thân hay độc giả chia sẻ trực tiếp hoặc qua các kênh mạng xã hội. Chứ chuyện của mình tôi thì sao đủ làm nguyên liệu cho "chữ" chứ (cười). Khi đọc sách của tôi, các bạn sẽ thấy tôi hay đề cập đến cô bạn nọ, cô em kia... nhưng không bao giờ mô tả sâu để tránh người khác suy diễn về những người quen trong "network" của mình.


Câu chuyện của mọi người đã truyền cảm hứng cho tôi viết và do đó, tôi luôn muốn dành cho những nhân vật của mình sự tôn trọng vì đã tin tưởng, gửi gắm tâm sự đến tôi.

Sau ngần ấy năm viết sách và rất nhiều câu chuyện được nghe rồi kể lại trong 9 tác phẩm, quan niệm của người phụ nữ từng trải Phan Ý Yên hiện giờ về "hạnh phúc và gia đình", về "độc thân và đồng hành" có gì thay đổi so với nữ tác giả Phan Ý Yên của hơn 10 năm trước? Nói cách khác, "lăng kính nhìn đời" của chị có còn lãng mạn hay đã thực tế hơn nhiều?


Tôi nghĩ là khác đi nhiều chứ. Mọi người nói với tôi, và bản thân tôi cũng nhận thấy, mình đã trở nên "nền tính" hơn. Giai đoạn tôi chăm viết và xuất bản sách cũng là thời tôi đắm mình vào tình yêu mãnh liệt và thể hiện cảm xúc cũng mãnh liệt không kém. Lúc đó, người ta có làm tôi giận xíu thôi là tôi sẵn sàng kéo họ ra để phân trần cho "ra ngô ra khoai" rõ ràng, mất cả ngày mà trong lòng vẫn ấm ức, chứ giờ thì khác rồi.


Giờ đây, tôi đã qua cái thời để cảm xúc của mình trỗi dậy như sóng trào rồi (cười).

Tôi vẫn yêu, vẫn mưu cầu hạnh phúc, vẫn mong có người đồng hành bên mình, nhưng tôi học cách yêu thương bản thân và vỗ về cảm xúc của mình trước mọi chuyện. Hay nói cách khác, tôi tìm về bên trong nội tâm của mình nhiều hơn. Tôi vẫn thích sự lãng mạn, nhưng không còn làm khổ mình vì nó. Trải qua những thăng trầm của thời gian, tôi nhận ra không có việc gì thực sự nghiêm trọng như chúng ta nghĩ cả, và vì thế, tôi thấy bình yên hơn.



Những năm gần đây, xã hội nhắc nhiều đến khái niệm "nữ quyền", là một người phụ nữ thời hiện đại và một cây bút thường có những tuyên ngôn vừa nữ tính vừa cá tính trên mạng xã hội, chị nhận định về vấn đề này như thế nào?


Có nhiều cách hiểu về nữ quyền, nhưng tôi nghĩ hãy hiểu theo cách đơn giản nhất rằng nữ quyền là quyền được sử dụng tính nữ. Phụ nữ khác với đàn ông vì chúng ta có những tính nữ rất đặc trưng, đó là sự dịu dàng, sự yếu đuối, sự mềm mại, sự nhẹ nhàng trong hành động, trong lời ăn tiếng nói.


Không phải cứ gồng mình lên thể hiện rằng "tôi độc lập, tôi kiếm tiền giỏi, tôi có học vấn, tôi không cần đàn ông..." thì mới là chứng tỏ mình có... nữ quyền.

Trước đây tôi cũng từng nghĩ "mình mạnh mẽ mà". Việc gì mình cũng làm được, nhà có cái bóng đèn cháy, tôi cũng xắn tay áo, trèo ghế leo lên để thay. Nhưng giờ tôi hiểu là mình cũng cần tận dụng tính nữ của mình chứ, tôi thỏ thẻ nhờ cánh mày râu giúp và chưa bao giờ họ từ chối tôi.


Theo chị thì phụ nữ hiện đại có lợi thế như thế nào khi thể hiện tính nữ của mình trước cánh mày râu?


Các bạn có thể thấy tính nữ hiện hữu trong mọi mặt cuộc sống, đơn cử như trong công việc. Cùng một giải pháp đưa ra bởi một nhân viên nam và một nhân viên nữ, nhưng cách diễn đạt mềm mỏng của phái yếu bao giờ cũng được lòng số đông hơn.


Bản tính của đàn ông mang sắc thái lãnh đạo, "con đầu đàn", não bộ của họ được lập trình để làm việc và ra quyết định, bởi thế mà những công việc tưởng chừng là của phụ nữ như đầu bếp, chuyên gia trang điểm... thì đàn ông lại làm tốt hơn. Song, họ chỉ có thể tập trung vào công việc đơn nhiệm. Phụ nữ thì khác, tính nữ khiến chúng ta có xu hướng tìm kiếm sự che chở từ phái mạnh và chúng ta có thể đảm đương nhiều công việc cùng lúc mà không bị "loạn", nhờ cơ chế làm việc đa nhiệm.


Bởi vậy, nếu ví não bộ của con người là một căn nhà có nhiều phòng, thì não bộ đàn ông là những căn phòng mà ra khỏi phòng nào thì họ sẽ đóng cửa phòng ấy, còn não bộ phụ nữ thì sẽ có những căn phòng thông nhau hoặc lúc nào cũng mở cửa.

Nếu phái đẹp chúng ta hiểu đúng về nữ quyền và tận dụng nó một cách khôn khéo, chẳng phải cuộc sống của phụ nữ sẽ dễ thở hơn nhiều sao?



Chị nghĩ phụ nữ hiện đại có quyền lựa chọn và có nên lựa chọn giữa sự nghiệp và hôn nhân hay không? Nếu chọn không kết hôn, không sinh con, không ở nhà làm nội trợ... liệu phụ nữ vẫn có thể hạnh phúc chứ?


Theo tôi thì ai cũng có quyền lựa chọn, nhưng sự lựa chọn nó sẽ chỉ có giá trị trong thời điểm nào đó chứ không theo chúng ta cả đời. Có những lựa chọn đúng với người này nhưng không đúng với người kia, lại có những lựa chọn phù hợp tại thời điểm này nhưng lại là sai lầm tại thời điểm khác.


Mỗi cá nhân có hài lòng với lựa chọn của mình hay không thì chỉ có duy nhất người ấy cảm nhận được.

Tôi vẫn nhớ trong một cuốn sách, mình có viết rằng "…chỉ khi màn đêm buông xuống, người phụ nữ rũ bỏ lớp trang điểm và ngồi soi mình trong gương, lúc đó ta mới biết ta cần gì…". Ngay cả trong tình yêu, nếu hôm qua người ta có thể thề thốt yêu mình đến "chết đi sống lại" thì nay họ sẵn sàng nói lời chia tay. Nhưng đó không phải vì họ đã lừa dối hay xấu xa, mà chỉ đơn giản là trạng thái đã thay đổi, tình yêu đã hết, và người phụ nữ cũng nên học cách chấp nhận những điều không mong muốn xảy đến với lựa chọn của mình.


Tôi nghĩ điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho những người chị, người bạn, người em của mình trước mỗi lựa chọn sự nghiệp và hôn nhân là tôn trọng quyết định của họ.


Hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang có cái nhìn lệch lạc về vấn đề nữ quyền, dẫn đến những biểu hiện của "nữ quyền cực đoan" hay "nữ quyền độc hại". Theo chị, tại sao điều này lại xảy ra?


Tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ Gen Z, tôi nhận thấy nhiều bạn có xu hướng "dán nhãn" lên mọi thứ quanh mình và từ đó càng có những hiểu nhầm tai hại về nữ quyền. Tôi nghĩ điều này không đáng lên án, chỉ là ai cũng cần thay đổi góc nhìn đa chiều hơn để tránh chỉ thấy hời hợt ở bề nông của vấn đề.


Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa của hiện tượng "nữ quyền cực đoan" hay "nữ quyền độc hại" nằm ở việc các bạn trẻ bị quá tải lượng thông tin tiếp nhận dẫn đến việc không đào sâu tìm hiểu và bị định hướng lệch lạc. Có thể các bạn đã nghe nói về nữ quyền, nhưng chưa hiểu đủ sâu về khái niệm này và những biểu hiện của nó, dẫn đến việc các bạn mặc định rằng phải "cào bằng" vai trò của phụ nữ và đàn ông trong mọi việc, rồi "dán nhãn" nữ quyền lên những hành động mà các bạn cho là thiếu sự tôn trọng hay phân biệt đối xử với chị em.


Thời tôi bằng tuổi các bạn bây giờ chỉ có Yahoo Messenger, Blog Yahoo! 360 hay Tumblr để chia sẻ thông tin và liên lạc với nhau ở mức độ hạn chế, trong khi các bạn trẻ hiện nay sở hữu nhiều ứng dụng khác nhau từ Facebook, TikTok, Instagram, Youtube, Zalo... Tất cả nằm trong cùng một chiếc smartphone, mà mỗi kênh của các bạn lại truyền tải nội dung ở những khía cạnh khác nhau.


Nếu không có tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề, người trẻ rất dễ bị các nội dung độc hại định hướng tư tưởng sai lệch về bình đẳng giới.


Tác phẩm đầu tay của chị xuất bản vào hơn 10 năm trước mang tên Em là để yêu. Còn bây giờ, sau nhiều năm trải nghiệm và chứng kiến thêm nhiều thay khác của đời sống, chị còn nghĩ "Em" - tức phụ nữ nói chung - là để yêu, hay còn để làm gì khác nữa không?


"Em" lúc nào mà chẳng là để yêu (cười).

Thời nào thì vẫn thế thôi, nhưng cái "yêu" này ngoài ý nghĩa về tình yêu, còn bao hàm thêm cả những yêu chiều, tôn trọng, "hình phạt" rồi dạy dỗ... Từ "yêu" có phạm vi truyền tải rất rộng, bởi vậy nói "Em là để yêu" nhiều khi còn có nghĩa là phụ nữ được quyền đòi hỏi người ấy nâng niu, trân trọng và chiều chuộng mình nữa. Còn họ có đồng ý hay không thì... còn tùy.


Nhưng kể cả khi những đòi hỏi của mình có được phái mạnh đáp ứng hay không thì mình cũng không vì thế mà phải hờn dỗi hay thấy tổn thương.



Công việc freelance không mang màu hồng như truyền thông tô vẽ


Được biết ngoài công việc viết lách, hiện chị cũng đang làm việc như một freelancer - một nghề đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn và hướng đến?


Nhiều năm nay tôi đã rẽ hướng sang làm freelancer toàn thời gian và cũng không còn tập trung viết sách như trước nữa. Tuy nhiên, những công việc tôi theo đuổi hiện giờ ít nhiều đều gắn bó với việc sáng tạo nội dung.


Công việc freelance của tôi khá đa dạng, từ copywriter (người viết nội dung quảng cáo/marketing), đôi lúc là KOL... Có thể coi đây là những trải nghiệm công việc viết lách trong thời đại số của tôi.


Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, giới trẻ bắt đầu cởi mở hơn với việc làm việc từ xa (online & work from home). Nhiều người cũng lựa chọn chuyển sang làm freelancer thay vì gắn bó với công việc toàn thời gian như trước. Cũng là một freelancer, chị Yên nghĩ loại hình làm việc này có những ưu - nhược điểm gì?


Gắn bó với những công việc freelance trong nhiều năm, tôi nghĩ đây là xu hướng tất yếu của hoạt động quản trị doanh nghiệp. Một chủ công ty lựa chọn thuê nhân sự làm việc theo hình thức freelance hoặc hybrid (mô hình kết hợp làm online và làm tại văn phòng) sẽ giảm thiểu được các khoản phúc lợi cho nhân viên cùng chi phí vận hành. Điều này giúp tối ưu hóa quỹ ngân sách của doanh nghiệp. Freelancer được hưởng nhiều lợi ích từ môi trường làm việc tự do, như là thời gian linh hoạt, tiết kiệm chi phí di chuyển và chi tiêu tại văn phòng, tránh những mối quan hệ phức tạp với sếp và đồng nghiệp tại nơi công sở, đồng thời có cơ hội trải nghiệm nhiều loại hình công việc khác nhau.


Thế nhưng, "tự do" cũng có nghĩa là "tự lo".

Một freelancer không được hưởng chính sách bảo hiểm và lương hưu như nhân viên toàn thời gian (full-time). Các dự án freelance thường được thực hiện trong ngắn hạn nên kết thúc dự án này là phải có dự án khác thay thế để đảm bảo thu nhập.


Còn một điểm trừ nữa liên quan đến việc nâng cao nghiệp vụ. Môi trường full-time sẽ đào tạo nhân viên liên tục để chuyên môn và kỹ năng mềm của họ được rèn giũa theo tuổi nghề, nhưng không có ai dạy các bạn làm freelance cả. Các bạn freelancer phải tự mình cập nhật và trau dồi những kiến thức mới để "sống sót" trong thị trường lao động. Do đó, nhìn chung thì các công việc freelance mang tính bấp bênh, và để bám trụ với nghề, freelancer phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn.



Vậy chị nghĩ người trẻ cần chuẩn bị kiến thức, tư duy và kỹ năng như thế nào để sống được với nghề freelancer, hay nói rộng ra là để có thể làm chủ đời sống thân - tâm của chính mình?


Trong những năm gần đây, do tính chất công việc, tôi có cơ hội làm việc nhóm cùng nhiều bạn trẻ Gen Z, từ đó, tôi cũng hiểu được phần nào định hướng nghề nghiệp của các bạn.


Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ cần ý thức được rằng công việc freelance không mang màu hồng như truyền thông vẫn tô vẽ, rằng chúng ta có thể ngủ đến trưa mới dậy đi làm, hoặc có thể tha thẩn ngồi quán cà phê tới chiều mà không sợ sếp la.

So với hình thức làm việc fulltime, công việc freelance đòi hỏi tính kỷ luật rất cao ở bản thân người lao động để hoàn thành công việc đúng thời hạn (deadline) mà khách hàng yêu cầu. Ngoài ra, như đã nhắc tới ở trên, kỹ năng tự học cũng là điều rất quan trọng giúp freelancer giành được lợi thế trong nghề thông qua việc nâng cao kỹ năng (upskilling).


Các bạn làm freelance phải luôn cập nhật các xu hướng mới, hiểu thị hiếu khách hàng và đáp ứng được những thay đổi trong yêu cầu công việc. Đặc biệt, tôi vẫn nghĩ các em nên chú tâm vào việc học các kỹ năng chuyên môn từ trong trường đại học, vì không có kiến thức được dạy nào là thừa thãi cả. Chúng sẽ được áp dụng ở một thời điểm nào đó trong nghề.


Trước khi dấn thân vào con đường làm freelancer, các bạn trẻ đừng ngại gắn bó với những công việc văn phòng trong một vài năm. Bởi lẽ, chỉ có môi trường đó mới cho các bạn những bài học vỡ lòng về kỹ năng làm việc, về các mối quan hệ xã hội, cũng như cho bạn nếm trải những cung bậc khác nhau của đời sống công sở.

Từ đó, các bạn sẽ học được cách đứng độc lập khi bứt ra làm chủ sự nghiệp freelance của mình, từ việc đàm phán thù lao khi hợp tác với nhiều khách hàng, cho đến cách kết nối với mọi người trong "network" của mình. Có như thế thì các bạn mới thích nghi được với phong cách làm việc "tự do – tự lo" của một freelancer.



Chị có lời nhắn nhủ nào dành cho các nữ độc giả trẻ của mình với tư cách là một người "tự do và tự lo" đang đi trên con đường của riêng mình không?


Trong cuộc sống, có những lúc tôi nghe được tâm sự của nhiều cô gái trẻ mà thấy lo lắng thay cho các em, khi mà các em nói mình "ngại tìm hiểu", "sợ yêu", "sợ kết hôn" vì xung quanh mình toàn cảnh gia đình trẻ chia tay vì những lừa dối.


Tôi mong các em sẽ trải nghiệm tình yêu bằng sự chân thành vốn có, hãy mở lòng và đón nhận tình cảm của đối phương cũng như thừa nhận cảm xúc của chính mình.

Đừng tự dựng lên tấm rào chắn trước ngưỡng cửa của trái tim khi bản thân còn chưa dám bước ra ngoài để yêu. Tuổi trẻ rất đẹp nhưng ngắn ngủi lắm, tình yêu ở tuổi của các em bây giờ và của những phụ nữ ở tuổi của tôi cũng khác nhau nhiều lắm. Vậy nên, các em hãy mở lòng để cảm nhận đủ cung bậc cảm xúc của tình yêu! Thế thôi.


Cảm ơn nhà văn Phan Ý Yên về cuộc trò chuyện này.

4 Kommentare


Gast
20. Okt. 2023

Tôi ấn tượng với câu: "Nữ quyền là quyền được sử dụng tính nữ". Nó giúp tôi có cái nhìn đa màu về nữ quyền. Trước đó, tôi nghĩ nữ quyền là phụ nữ phải gồng mình đòi quyền bình đẳng với nam giới hay phải đạt được 1 thành công lớn lao mà số đông công nhận.😊 Cảm ơn Lela đã mang đến một bài phỏng vấn nhẹ nhàng như cuộc trò chuyện tâm sự, chia sẻ cảm xúc về chủ đề 'Nữ quyền" với những người bạn thân thường!😘



Bearbeitet
Gefällt mir
Gast
22. Okt. 2023
Antwort an

Mình cũng thích cách diễn đạt này của chị Ý Yên, dễ hiểu và gọn ghẽ. Bấy lâu nay, những đặc điểm của "tính nữ" luôn bị mang hàm ý ngốc nghếch, yếu đuối, hèn kém, và thường nhắm đến những người thuộc giới tính nữ. Định kiến này không chỉ bất lợi cho các chị em phụ nữ, mà còn gây khổ sở cho cánh đàn ông, những người mà mình tin rằng, ở mức độ nào đó, cũng sở hữu chút "tính nữ" mà lại phải quay ra khinh ghét và phủ nhận một phần thuộc bản ngã của mình. Đối với mình, "tính nữ" là sự dịu dàng, bao dung, thấu hiểu, hòa hợp, những tính chất…

Gefällt mir

Gast
20. Okt. 2023

Đọc cuốn "Không xinh, không thông minh, không bất bình thế giới" của chị Yên mà thấy như chương nào cũng nói về mình ở phiên bản quá khứ hoặc hiện tại. Chẳng biết bao giờ chị mới ra sách mới.

Gefällt mir
bottom of page