top of page
Tìm kiếm

Nhạc cổ điển giúp giảm đau và xoa dịu tâm trí như thế nào?

Âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển hay nhạc không lời, từ lâu đã được xem như một liệu pháp tinh thần tuyệt vời dành cho con người. Không chỉ giúp gắn kết các mối liên hệ xã hội, âm nhạc còn có tác dụng tương tự như thiền, yoga, tập thể dục và thậm chí là thuốc giảm đau, xoa dịu căng thẳng lo âu, hỗ trợ huyết áp ổn định cũng như giúp chúng ta thông minh hơn.


Theo Giáo sư, tác giả sách James Goodwin, trải qua hơn 1,5 triệu năm tiến hóa, não bộ con người đã được củng cố ba chức năng chính quan trọng, đó là: chức năng điều hành (khả năng suy nghĩ và lập luận); nhận thức xã hội (tạo dựng mối quan hệ thành công) và điều tiết cảm xúc (thứ mà qua đó chúng ta tạo ra cảm giác hạnh phúc) (1).


Âm nhạc lại là công cụ duy nhất có thể thu hút đồng thời nhiều vùng não một lúc, hơn bất kỳ hoạt động nào khác trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến các phần não phụ trách ngôn ngữ, cảm xúc, trí nhớ, kỹ năng tư duy, sự tập trung chú ý…, từ đó giúp cải thiện chức năng điều hành, nhận thức xã hội và điều tiết cảm xúc của não.


Vì sao nhạc cổ điển có nhiều ảnh hưởng lên não bộ?



Đầu tiên, nghe nhạc cổ điển sẽ làm giảm lượng cortisol (hormone cơ thể giải phóng khi gặp stress) và thúc đẩy sản sinh hormone tình yêu oxytocin - giúp bạn tăng tốc độ chữa lành vết thương, giảm căng thẳng tâm lý và phát triển hệ thống miễn dịch (2). Một nghiên cứu từ Thụy Điển cho thấy, những bệnh nhân nghe nhạc cổ điển trong giai đoạn hồi phục sau phẫu thuật đã có mức độ căng thẳng thấp hơn đáng kể, nồng độ cortisol trong máu giảm xuống và có lượng oxytocin cao hơn, so với nhóm không nghe nhạc (3).


Nhiều nghiên cứu chỉ ra, âm nhạc cổ điển hoạt động như một tác nhân làm dịu tâm trí và cơ thể. Nó thu hút tâm trí và đánh lạc hướng chúng ta khỏi những suy nghĩ tiêu cực bằng cách giúp não bộ tập trung vào việc lắng nghe các giai điệu không lời, đưa tâm trí trở về hiện tại để tập trung hơn vào từng khoảnh khắc.


Thí nghiệm đã cho thấy những người nghe nhạc Mozart và Strauss có huyết áp cũng như nhịp tim thấp hơn rõ rệt (4). “Việc chú trọng lắng nghe giai điệu và nhịp điệu của nhạc cổ điển sẽ chuyển tâm trí chúng ta về một trạng thái bình tĩnh, từ đó làm giảm huyết áp và căng thẳng” - Nhà thần kinh học Michael Schneck giải thích (5).

Trong một nghiên cứu với những người sợ độ cao, các nhà khoa học đã phát hiện những đối tượng nghe nhạc không lời có thể hồi phục và giảm lo lắng nhanh chóng sau một trải nghiệm thực tế ảo về độ cao (6). Âm nhạc cổ điển còn giúp giảm các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân (7). Do đó, đây có thể là một phương pháp bổ sung hiệu quả cho quá trình điều trị lo âu và trầm cảm.



Nhạc buồn là không thể thiếu


Chúng ta có xu hướng tìm kiếm âm nhạc theo tâm trạng, điều này có thể hữu ích mỗi khi bạn cần xử lý nỗi buồn. Theo liệu pháp Chấp nhận và Cam kết trong tâm lý học (Acceptance and Commitment therapy), việc ngồi lại và chấp nhận những cảm xúc khó khăn là bước quan trọng trước khi tiến đến những thay đổi tích cực (8). Giáo sư Steven C. Hayes, người phát triển liệu pháp này từng nhận định: “Các cảm xúc đau khổ là một phần thiết yếu, không thể tránh khỏi của con người. Chúng mang lại cho ta cảm giác hài lòng khi không chạy trốn khỏi những gì chúng ta sợ hãi” (9).


Âm nhạc cổ điển giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ, an ủi, thậm chí giảm đau về mặt tinh thần và thể chất. Khi cần ngồi lại và tìm cách lành mạnh để xử lý cảm xúc, nghe nhạc cổ điển cho phép bạn cảm nhận các cảm xúc của mình cũng như hiểu rõ hơn cảm xúc người khác, nhờ đó gia tăng sự tự nhận thức và đồng cảm, tạo một không gian ổn định cho tinh thần.


Ngay cả trẻ sơ sinh cũng được hưởng lợi từ công dụng này. Một nghiên cứu ở Ý cho biết, nhạc cổ điển - cụ thể là bản Sonata for Two Pianos của Mozart và Moonlight Sonata của Beethoven - có khả năng làm giảm nhận thức về cơn đau ở trẻ sơ sinh, đồng thời giảm nhịp tim, cải thiện độ bão hòa oxy, dẫn đến phục hồi sau căng thẳng nhanh hơn (10).

Bạn có thông minh hơn khi nghe nhạc cổ điển?


Dù nghiên cứu về vấn đề này chưa nhiều, vẫn có một số kết luận đáng lưu ý liên quan đến nhạc cổ điển và trí thông minh. Nghiên cứu đến từ Đại học Oxford Brookes cho thấy, những người thích nhạc không lời có xu hướng thông minh hơn (điểm số cao hơn trong bài kiểm tra trí thông minh). Họ tìm kiếm nhiều trải nghiệm mới lạ trong âm nhạc hơn so với những đối tượng khác - bằng việc nghe nhạc jazz, cổ điển và nhạc không lời (11).



Các nhà khoa học cũng tin rằng âm nhạc khiến sinh viên dễ tiếp thu thông tin hơn, lưu trữ và ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn. Khi giáo viên giảng bài trong lớp học có mở nhạc cổ điển, các học sinh đã đạt điểm cao hơn đáng kể trong bài kiểm tra so với nhóm nghe giảng không có nhạc (12).


Tiến sĩ Michael Schneck cho rằng: “Ngoài việc chỉ lắng nghe đơn thuần, các bài học về âm nhạc hoặc việc thực hành bất kỳ nhạc cụ nào đều cải thiện được tính linh hoạt của não và phát triển mạng lưới thần kinh, giúp nâng cao trí tuệ cùng khả năng học tập, ghi nhớ, đặc biệt là với nhạc cổ điển” (5).

Lưu ý rằng, nếu cần nghe nhạc cổ điển để thư giãn tinh thần, chúng ta nên chọn những bài nhạc mà khi nghe có cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng, tránh mở âm thanh quá lớn sẽ gây tác dụng trái ngược.


Bạn có thể bắt đầu nghe nhạc cổ điển và nhạc không lời trên các nền tảng mạng xã hội hoặc tham dự các buổi hòa nhạc để tận hưởng trực tiếp những tác phẩm tuyệt vời nhất. Một số nhà soạn nhạc thiên tài nổi tiếng qua hàng thế kỷ để độc giả tham khảo chính là: Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Johann Sebastian Bach, Frédéric Chopin, Robert Schumann, Claude Debussy…





Comments


bottom of page