top of page
Tìm kiếm

Nhân ngày Cá tháng Tư: Tác hại của lời nói dối dưới góc nhìn khoa học

Theo một khảo sát tại đại học Wisconsin (Mỹ), 75% người được hỏi cho biết đã từng nói dối (1). Ngoài trừ những lời nói dối vô hại (white lies) hoặc họa hoằn tán gẫu "nói dóc" cho vui với bạn bè thì mức độ nghiêm trọng của việc "nói dối như Cuội" đã được các nhà tâm lý học xác thực thông qua các nghiên cứu sau đây.


Trong bộ phim "Liar Liar", Jim Carrey thủ vai một nhân vật "nói dối như Cuội" đã phải rất chật vật khi học cách thành thật

Giảm sút chức năng não, tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần


Theo một nghiên cứu cho thấy, việc nói dối ban đầu sẽ dẫn đến cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo lắng. Những cảm xúc tiêu cực này kích hoạt phản ứng trong cơ thể và sản sinh ra cortisol (2), (3). Với liều lượng nhỏ, cortisol có thể hữu ích trong việc kiểm soát căng thẳng. Tuy nhiên, khi nồng độ cortisol duy trì ở mức cao trong thời gian dài, nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực lên não như thu nhỏ vùng hồi hải mã, tác động xấu đến việc ghi nhớ và học tập (4).


Nhưng việc nói dối nguy hiểm hơn ở chỗ, nó khiến cho bộ não của chúng ta ngày càng quen với những cảm xúc này và dẫn đến việc chúng ta không cảm thấy có vấn đề khi trở nên không thành thật.


Tương tự như việc sử dụng một loại nước hoa, ban đầu chúng ta dễ dàng phát hiện ra mùi đặc trưng của nó chỉ với một lượng nhỏ, nhưng sau khi tiếp xúc nhiều lần thì không còn cảm nhận rõ mùi hương đó nữa và có xu hướng tăng dần số lần xịt mỗi khi dùng. Sự không trung thực cũng vậy, nó làm cảm giác tội lỗi ngày càng mất đi và việc nói dối diễn ra ngày càng thường xuyên như thói quen, quán tính với mức độ cũng trở nên ngày càng nghiêm trọng (5).

Đó cũng là một phần lý do tại sao nhiều người không hề cảm thấy ăn năn, tội lỗi khi đơm đặt, bịa chuyện một cách trắng trợn. Cũng như "ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt", việc sống chung với những lời nói dối khiến họ thản nhiên dựng chuyện mà vẫn giữ thái độ dửng dưng vì họ tin rằng lời nói dối của mình chính là sự thật. Một vài nghiên cứu đã chứng minh lạm dụng nói dối một cách thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần (6), (7).



Phá hủy các mối quan hệ tốt đẹp


Khi mọi chuyện vỡ lở, chắc chắn một kết cục không mấy tốt đẹp sẽ đến với những ai trót "chém gió" quá đà. Tuy nhiên, kể cả khi không bị phát hiện hay có là một bậc thầy về nói dối, chất lượng các mối quan hệ của những người này đều không cao.


Theo một nghiên cứu thống kê trên 1.313 thanh thiếu niên ở Canada trong hơn một năm, các nhà khoa học đã tìm hiểu sự liên quan giữa mức độ nói dối và chất lượng tình bạn. Kết quả cho thấy ở những đứa trẻ thường xuyên nói dối, chúng có mối quan hệ không được tốt với bạn bè và người thân, ngay cả khi không ai nhận ra điều đó (8).

Mặc dù chứa nhiều tác động tiêu cực, sự không trung thực có thể được chấp nhận trong một số trường hợp nhất định như những lời nói dối vô hại (white lies) để xoa dịu cảm xúc, tránh làm tổn thương hay bảo vệ ai đó khác bản thân. Ngược lại, nói dối thường xuyên, liên tục và không có bất kỳ lý do nào cụ thể thì có thể là biểu hiện của chứng bệnh lý thuộc nhóm rối loạn nhân cách tên là “pseudologia fantastica” (9).



Đánh mất giá trị của bản thân


Nói dối được thúc đẩy bởi nhiều lý do, chẳng hạn như sợ bị trừng phạt, mong muốn gây ấn tượng với người khác hoặc cần che giấu điều gì đó đáng xấu hổ. Chúng ta nói dối trong những trường hợp này không vì lý do gì khác ngoài việc muốn xoa dịu cái "tôi" tự ti của mình, nhưng cứ mỗi lần như vậy, ta lại đánh mất đi giá trị của bản thân (10).


Khi không thành thật với chính mình, sự tự tin và những giá trị mà chúng ta dành cho bản thân sẽ bị xói mòn theo thời gian. Không chỉ thế, nó làm mất cảm giác kết nối và không tin tưởng vào các mối quan hệ, điều này dẫn đến sự sụt giảm lòng tự trọng - yếu tố chính góp phần kiến tạo nên một cuộc sống hạnh phúc (11).

Mỗi năm chỉ có một ngày Cá tháng Tư để mọi người "lừa nhau cho vui" hòng có thêm những tiếng cười thoải mái, nhưng những lời nói dối dù vô hại hay có hại vẫn được nhiều người vô tình hoặc cố ý nói ra mỗi ngày. Nghiền ngẫm lại những nghiên cứu khoa học trên đây của các chuyên gia tâm lý về hành vi nói dối mới thấy ông bà ta nói chẳng sai: "Thật thà là cha gian dối".


Comments


bottom of page