top of page
Tìm kiếm
Mai Thụy

Nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh: "Trước khi sống vì mình, hãy học cách sống cho người khác"

32 năm cầm máy ảnh cũng là bấy nhiêu năm trăn trở của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh dành cho nghề nhiếp ảnh, cho con đường phụng sự nghệ thuật và gần đây là dành để suy nghiệm về sự thấu cảm giữa người với người. Anh đã dành cho LeLa Journal một cuộc trò chuyện cởi mở để giãi bày những tâm sự trước thềm năm mới.


Từ một người chụp ảnh dạo thích đi đây đó để tìm kiếm chân-thiện-mỹ trong đời sống thường nhật, nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế FIAP phong tặng tước hiệu Bậc thầy (Master) năm 2011 và là nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên được Hội Nhiếp ảnh Mỹ - PSA vinh danh Hạng Nhất thế giới thể loại ảnh in đen-trắng vào năm 2005. Đó là những giấc mơ rất đẹp đã thành hiện thực, không chỉ với riêng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh, mà còn của rất nhiều người làm nghệ thuật chân chính. Nhưng con đường phụng sự của người nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở những danh hiệu hay giải thưởng, mà còn ở những câu chuyện "chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".


32 năm cầm máy ảnh cũng là bấy nhiêu năm trăn trở của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh dành cho nghề nhiếp ảnh, cho con đường phụng sự nghệ thuật và gần đây là dành để suy nghiệm về sự thấu cảm giữa người với người. Anh đã dành cho LeLa Journal một cuộc trò chuyện cởi mở để giãi bày những tâm sự trước thềm năm mới.
"Nhà nhiếp ảnh chụp ảnh bằng cái đầu, chứ không chỉ bằng máy ảnh" (Tranh của họa sĩ NOP vẽ tặng nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh)

Còn nhớ vào đầu những năm 2000, báo đài thường gọi anh với cái tên “sát thủ giải thưởng quốc tế” vì những thành tích đạt được. Thế nhưng, vì sao trong nhiều năm trở lại đây, anh ít tham dự các giải quốc tế?


Vào năm 2005, tôi được xác lập kỷ lục là nghệ sĩ nhiếp ảnh đạt nhiều giải thưởng nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh Việt Nam vào năm 2010, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về chuyện danh hiệu và giải thưởng. Đã 500 giải thưởng quốc tế rồi, bây giờ có 600, 700 hay thậm chí 1.000 giải thì vẫn chẳng mang lại ý nghĩa gì hơn. Bây giờ ở cương vị mới, mình phải dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa, lan tỏa tình yêu với các tay máy trẻ Việt Nam để thêm nhiều nhà nhiếp ảnh đạt giải quốc tế thì số lượng giải thưởng sẽ lớn hơn và giá trị hơn so với chỉ mình tôi.


Gần đây, một số tổ chức nhiếp ảnh mời tôi làm giám khảo quốc tế. Nếu mình không tham dự các cuộc thi ảnh trên thế giới thì sẽ khó nắm bắt được các xu hướng sáng tác ảnh lẫn phương thức chấm giải thưởng hiện nay như thế nào. Do đó, tôi đã thi ảnh trở lại. Tính riêng năm nay, tôi đạt 200 giải thưởng ở 12 quốc gia (Mỹ, Hồng Kông, đảo Síp, Ý, Thuỵ Sĩ, Hungary, Rumani, Ấn Độ…). Trong đó, đặc biệt có 61 giải ảnh báo chí với 28 huy chương vàng.


Từng là phóng viên ảnh, song song đó anh vẫn duy trì chụp ảnh nghệ thuật. Vậy ảnh thời sự hay ảnh nghệ thuật là nơi cho anh không gian để bộc lộ cảm xúc nhiều hơn?


Thành thực mà nói, ban đầu tôi đến với báo chí để tìm nguồn thu nhập nuôi đam mê sáng tạo cái đẹp. Tôi còn đi chụp thêm ảnh dịch vụ, chụp những có thể để kiếm sống, kể cả chụp ảnh trong công viên. Khi trở thành phóng viên ảnh, tôi đào sâu vào tìm hiểu nguyên tắc chụp ảnh báo chí. Quãng thời gian này đã ảnh hưởng lớn đến tôi trong lối tư duy đề tài và cách thể hiện tác phẩm. Tôi thường chụp ảnh trong sự vận động khách quan và chớp được khoảnh khắc cao trào của sự vật. Bên cạnh đó, tôi còn học hỏi công tác lưu trữ tư liệu trong báo chí và chú ý hơn đến câu chuyện của mỗi bức ảnh.


Ảnh báo chí cũng có thể trở thành nghệ thuật, nếu chúng ta không tầm thường cách nhìn, cách thể hiện, chú ý hơn về hình thức nghệ thuật của một bức ảnh như bố cục, ánh sáng,… gây cảm xúc cho người xem, ảnh có nội dung, thông điệp để người xem phải suy ngẫm, buồn vui cùng nhân vật trong ảnh.


Báo chí và nghệ thuật đều mở cho tôi cánh cửa để khám phá và nhận thức cuộc sống sâu sắc hơn. Tôi vẫn thích chụp những gì chân chất, mộc mạc nhưng phải có cảm xúc trong ấy. Có lẽ vì vậy mà tôi khá thành công với đề tài chân dung con người.

32 năm cầm máy ảnh cũng là bấy nhiêu năm trăn trở của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh dành cho nghề nhiếp ảnh, cho con đường phụng sự nghệ thuật và gần đây là dành để suy nghiệm về sự thấu cảm giữa người với người. Anh đã dành cho LeLa Journal một cuộc trò chuyện cởi mở để giãi bày những tâm sự trước thềm năm mới.
Tác phẩm "Hồn nhiên" - Ảnh chụp trắng đen của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh (Ảnh: NVCC)

Tác phẩm của anh thường là ảnh trắng–đen. Đây có phải là cách để anh thể hiện nhân sinh quan của mình về cuộc đời?


Vào những năm thập niên 1990 của thế kỷ trước, cả đất nước đều khó khăn. Chọn ảnh màu rất tốn kém, trong khi đó ảnh trắng-đen lại rẻ hơn. Người chơi ảnh trắng-đen có thể tự làm ảnh của mình từ khâu đầu đến khâu cuối: chụp ảnh, tráng phim, rọi ảnh...


Ngày càng đi sâu hơn, tôi nhận ra mình có một tình yêu đặc biệt với gam màu này. Trắng-đen tựa hai mặt đối lập của cuộc sống, có đúng-sai, sáng-tối, giàu-nghèo, vui-buồn… Một người có hiểu biết sẽ luôn nhận ra tính hai mặt của cuộc sống. Giữa trắng-đen còn có một dải màu xám, trung hoà giữa hai thái cực. Nếu thấy được vẻ đẹp của màu xám, giống như thấy được sự trung dung, hài hoà trong cuộc sống.


Trong ảnh trắng-đen của tôi, màu xám là chủ đạo. Khi làm ảnh, nếu trắng quá hay đen quá dễ bị mất hết chi tiết, coi như hỏng. Chính dải xám chứa nhiều chi tiết, thông tin, vẻ đẹp rất riêng của một bức ảnh trắng-đen.


Nhiều tay máy trẻ lúc còn trẻ cũng muốn đi tìm chất riêng, nhưng đến một độ tuổi nào đó, người ta lại sợ bị rập khuôn chính mình. Liệu anh đã từng có một nỗi sợ như vậy chăng?


Hồi trẻ, ai cũng mơ ước về phong cách hay cá tính riêng trong nghệ thuật. Để người nghe thưởng thức một bản nhạc mà biết ngay đó là Trịnh Công Sơn, hay để một bức tranh toát ra cái thủ pháp đặc trưng của họa sĩ Bùi Xuân Phái là không dễ. Nghệ thuật vốn khắt khe, bởi đây là nghề đặc biệt, nghề của sự sáng tạo chứ không phải nghề tạo ra những sản phẩm giống nhau, càng không có đại trà trong nghệ thuật được. Không phải ai cũng có khả năng làm nghệ thuật.


Nếu là viên ngọc thì mài mới sáng được. Giả như không phải ngọc mà chỉ là cục đất sét thì làm sao mài giũa? Do đó đừng ngộ nhận, phải biết mình có năng khiếu hay không. Nếu không có mà cứ lao vào thì chỉ được vài cái giải cấp khu phố, cấp tỉnh. Hoặc nếu may mắn hơn thì “ngáp” được vài cái huy chương rồi tưởng mình là ngôi sao.

Đối với người sáng tạo thì tác phẩm là trên hết. Làm sao để tạo ra được một bức ảnh tốt mới là quan trọng. Và bởi vậy, khi công chúng nhớ đến người nghệ sĩ nghĩa là họ nhớ đến tác phẩm của mình chứ không phải là những chức danh, bảng vàng, huy chương lóng lánh. Người xem có thể mến mộ một nghệ sĩ ngay cả khi họ chỉ xem tác phẩm chứ không cần gặp mặt, hay nói nôm na "văn kỳ thanh bất biến kỳ hình".


32 năm cầm máy ảnh cũng là bấy nhiêu năm trăn trở của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh dành cho nghề nhiếp ảnh, cho con đường phụng sự nghệ thuật và gần đây là dành để suy nghiệm về sự thấu cảm giữa người với người. Anh đã dành cho LeLa Journal một cuộc trò chuyện cởi mở để giãi bày những tâm sự trước thềm năm mới.
Tác phẩm "Ngóng mẹ" (Ảnh: NVCC)

Thường xuyên nói chuyện và làm việc với các tay máy trẻ, anh thấy họ cần trang bị những gì trong bối cảnh đời sống nhiếp ảnh đương đại?


Lớp trẻ hiện nay đi đâu cũng được nghe câu nói “bạn hãy là chính mình”. Các bạn được khuyến khích thể hiện bản thân ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng theo lý triết gia Hegel, phải trải qua giai đoạn tồn tại cho người khác rồi mới tồn tại cho chính mình. Lấy trường hợp nhiếp ảnh, khi bạn mua một chiếc ảnh về chụp làm sao ra cái riêng của bạn ngay được. Bạn chụp bất cứ cái gì, nếu không giống người này cũng giống người nọ, đó là sự tồn tại cho người khác. Sau khi bạn chụp thật nhiều rồi với bao nỗ lực, tìm tòi thì cái chất riêng của bạn mới có cơ may lộ dần ra. Lúc ấy bạn mới tồn tại được cho chính mình và vì mình.


Không ít nhiếp ảnh gia trẻ bây giờ bố cục cơ bản chưa xong đã muốn phá bố cục và cho rằng như vậy mới là cá tính. Đến Picasso trước khi vẽ lập thể cũng phải kinh qua nhiều năm tả thực, căn bản cao rồi mới đến sáng tạo chứ không thể làm trái khoáy được.


Đứng trước cái đẹp, mình phải đẹp. Bởi vì cái đẹp chỉ có thể phản chiếu bên trong một tâm hồn đẹp.

32 năm cầm máy ảnh cũng là bấy nhiêu năm trăn trở của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh dành cho nghề nhiếp ảnh, cho con đường phụng sự nghệ thuật và gần đây là dành để suy nghiệm về sự thấu cảm giữa người với người. Anh đã dành cho LeLa Journal một cuộc trò chuyện cởi mở để giãi bày những tâm sự trước thềm năm mới.
Tác phẩm "Hai trạng thái cảm xúc" (Ảnh: NVCC)

Đầu tiên, phải mời gọi cái đẹp từ trong tâm hồn mình ra, lúc đó mới cảm nhận được cái đẹp bên ngoài của đất trời, cuộc sống. Nhà nhiếp ảnh không cần quá thể hiện cái tôi, đẳng cấp. Cái tôi càng lớn sẽ bó cái tâm nhỏ lại. Người trẻ cố gắng giữ tâm bình an, không quá cay cú ăn thua trong cuộc thi ảnh. Đạo làm người, làm nghệ sĩ cần được đặt cao hơn những danh xưng, tước hiệu, giải thưởng… Bản thân người nghệ sĩ phải là một tác phẩm - cần phải hoàn thiện suốt đời - để sáng tạo ra những tác phẩm khác có giá trị.


Khi chụp ảnh, bạn cần tâm hồn của nhà thơ, mắt nhìn của hoạ sĩ và kiến thức của nhà văn hoá... Ngày nay, với sự phát triển cao của khoa học công nghệ giúp tốc độ bấm máy (Shutter) nhanh đến 1/8000 giây… và trong tương lai sẽ còn nhanh hơn thế nữa. Nhưng khoảnh khắc bấm máy đó không đơn thuần là vật lý (cơ học và điện tử) mà kết tinh từ mọi thứ trên đời, tình yêu, cảm xúc, sự hiểu biết, trải nghiệm… của nhà nhiếp ảnh.


Máy ảnh, công nghệ thôi thì chưa đủ để phát hiện được cái đẹp, chỉ có độ nhạy cảm của con người mới nhìn thấy và sáng tạo cái đẹp. Tâm hồn là loại ống kính tốt nhất mà nhà nhiếp ảnh phải gìn giữ sự trong sáng của nó.

32 năm cầm máy ảnh cũng là bấy nhiêu năm trăn trở của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh dành cho nghề nhiếp ảnh, cho con đường phụng sự nghệ thuật và gần đây là dành để suy nghiệm về sự thấu cảm giữa người với người. Anh đã dành cho LeLa Journal một cuộc trò chuyện cởi mở để giãi bày những tâm sự trước thềm năm mới.
Tác phẩm "Mặt trời của Mẹ" chính là hình ảnh ái nữ và cháu ngoại của nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh được anh chụp ngẫu hứng vào những ngày cuối năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Trong một cuộc phỏng vấn, anh Lê Hồng Linh từng trích câu nói của đại văn hào Dostoyevsky “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Ở góc độ cá nhân, nhiếp ảnh đã “cứu rỗi” anh như thế nào?


Bản thân nghệ thuật có năng lực đánh thức, khơi gợi cái đẹp, cái thiện trong mỗi con người để những giá trị đó được bước ra cuộc sống. Nhiếp ảnh cho tôi niềm đam mê tích cực và lành mạnh để sống và sống có ý nghĩa hơn.


Nếu dùng từ “cứu rỗi” một cách đích xác nhất, nhiếp ảnh đã giúp tôi vượt qua một cơn trầm cảm kéo lê gần hai năm trời từ 2014 đến 2016. Thậm chí, tôi những tưởng mình sẽ đi đến cái chết và còn nói với cha mình: “Chắc con không qua được lần này”. Mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, vợ lại chở tôi qua nhà cha mẹ để tôi ở bên đó cho có người trò chuyện. Cả hai năm trời, chữa trị bao nhiêu chỗ, uống bao nhiêu thuốc vẫn không ngớt được. Tôi nhớ có một bác sĩ đã khuyên tôi hãy viết di chúc đi. Mọi thứ lúc đó gần như bế tắc. Nhưng rồi nhiếp ảnh đã giúp tôi dần lấy lại niềm tin cuộc sống. Tôi bắt đầu quay về thiên nhiên, đi đây đó chụp ảnh để tìm kiếm cái đẹp và mời gọi cái đẹp từ trong chính mình bước ra, từ đó dần thấy ánh sáng sau một đoạn đường đằng đẵng.


Do vậy, trong năm 2020 và 2022, tôi đã mở liên tục hai triển lãm cá nhân dù trước đó chưa tổ chức lần nào trong suốt 32 năm cầm máy.


Tôi hy vọng những chia sẻ và ngôn ngữ nghệ thuật của mình có thể tác động tích cực đến thế hệ trẻ đang trong giai đoạn trầm uất vì dịch COVID-19. Suốt cả tuần lễ diễn ra triển lãm Thấu cảm vào năm 2020, ngày nào tôi cũng túc trực ở đấy, mở những buổi workshop trò chuyện với các bạn trẻ, cùng giúp nhau vượt qua những ngày khó khăn.

Xin cảm ơn nhiếp ảnh gia Lê Hồng Linh vì những chia sẻ chân thành và những bài học quý giá về làm nghề - làm người.


Comments


bottom of page