top of page
Tìm kiếm

Yêu nhưng khoan... cưới, nếu chưa hỏi nhau 9 câu này

Bản chất của hôn nhân không chỉ bao gồm tình yêu, sự gắn kết thiêng liêng hay lời thề hứa "bên nhau đến bạc đầu", mà còn có những ràng buộc vô hình cần được tháo gỡ thẳng thắn trước khi "rước nàng về dinh". Khi đã có sự thống nhất về một số vấn đề quan trọng, vợ chồng sẽ tránh được những mâu thuẫn không cần thiết, tạo nền tảng vững chắc cho một mối quan hệ lâu dài.


LeLa Journal viết bài "Yêu nhưng khoan... cưới, nếu chưa hỏi nhau 9 câu này" để những ai sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân có thể cân nhắc thật kỹ trước ngày hỉ sự của đời mình.


Yêu nhưng khoan... cưới, nếu chưa hỏi nhau 9 câu

1. Chúng ta sẽ kết hợp tài chính như thế nào?


Vấn đề liên quan đến tài chính chưa bao giờ là chủ đề dễ dàng cởi mở với các cặp đôi. Tuy nhiên, đây không phải là hành động "thiếu lãng mạn" mà còn vô cùng quan trọng vì có thể sẽ ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống sau này. Chính vì thế, trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, cả hai nên ngồi xuống để bàn bạc về tình hình tài chính của nhau và lập kế hoạch chi tiêu cho số tiền mà hai vợ chồng sẽ kiếm được khi về chung nhà.


Bên cạnh tài khoản riêng cần có của mỗi người, một "kho dự trữ chung" mà cả hai sẽ cùng góp vào mỗi tháng là một thỏa thuận cần thiết (tùy thuộc vào mức thu nhập và thoả thuận ở hai người).

Việc này sẽ giúp cả hai hình dung được "bức tranh tài chính" trong tương lai ra sao và đảm bảo vợ chồng sẽ luôn đồng hành trên cùng một hướng bằng cách vạch rõ những mục tiêu chung cần đạt được. Bên cạnh đó, một điều đáng để cân nhắc nữa là nên có sự thống nhất từ trước về những tình huống nào mới được sử dụng món tiền từ "kho dự trữ chung".


Việc lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm còn là chuyện vô cùng hệ trọng, một phần là để tránh khỏi những bấp bênh tài chính khi về già. Trong xã hội hiện đại, không ít người trẻ đã hoạch định từ trước cho kế hoạch nghỉ hưu, thế nên nếu cặp đôi muốn sống với nhau đến "răng long đầu bạc" thì cũng cần bàn bạc và lên kế hoạch tiết kiệm hợp lý khi về già, bao gồm các chi phí về y tế, sức khỏe, người chăm sóc, hoặc tìm chỗ vui thú điền viên...


2. Vợ chồng mình sẽ sống ở đâu?


Việc chọn nơi "an cư lạc nghiệp" tưởng chừng là một điều hiển nhiên, nhưng nhiều người lại quên bàn tính cụ thể, dễ dẫn tới chuyện... chưng hửng sau khi kết hôn vì ngộ nhận "Em tưởng là/ Anh tưởng là...". Sẽ ra sao nếu bạn mong muốn sống giữa trung tâm thành phố sầm uất nhưng bạn đời lại mơ ước một căn nhà yên bình ở ngoại ô? Hay bạn lựa chọn một căn hộ chung cư trong khi nửa kia lại chỉ quen sống trong nhà phố mặt đất? Và hơn hết, khi cả hai đều là con trưởng hoặc con một, thì sẽ ra sao nếu cả hai bên song thân đều một mực khăng khăng muốn "vợ chồng dọn về sống chung với bố mẹ" để vui vầy sum họp? Chính vì vậy, việc chia sẻ nguyện vọng, cùng nhau thống nhất về chỗ ở sau khi kết hôn là việc không thể thiếu để ngăn ngừa những bất đồng trong tương lai.


3. Công việc nhà chia sẻ ra sao?


Việc nhà cũng là một chủ đề "tưởng không khó, mà lại khó không tưởng" khi chúng chính là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn không mong muốn của các cặp dâu rể mới cưới.


Cuộc khảo sát gần đây nhất từ Yelp đã chỉ ra rằng: “80% trong số 2.000 người Mỹ được hỏi cho biết việc nhà gây ra những bất đồng và căng thẳng trong mối quan hệ” (1). Có lẽ điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, trung bình, phụ nữ có xu hướng “gánh vác” việc nhà nhiều hơn: "Nếu như nam giới dành 18 giờ đồng hồ để làm việc nhà thì nữ giới dành tới 26 giờ trong một tuần" (2).

Đã bao giờ hai bạn có một cuộc trò chuyện nghiêm túc về vấn đề phân chia việc nhà hay chưa? Thực tế có rất nhiều cặp đôi bỏ qua "thủ tục" tưởng chừng "chuyện bé xé to" này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là một điều rất cần thiết và các cặp đôi nên ngồi xuống cùng lên kế hoạch phân chia việc nhà. Việc này đảm bảo mỗi người sẽ đảm nhận những nhiệm vụ và trách nhiệm riêng, được xác định rõ ràng và tách biệt nhằm đảm bảo giảm thiểu mức độ căng thẳng cho nhau.


Yêu nhưng khoan... cưới, nếu chưa hỏi nhau 9 câu

4. Khoản nợ chính xác của anh/em là bao nhiêu?


Ở các nước Châu Âu có một thỏa thuận pháp lý liên quan đến vấn đề tài sản trước khi cưới của các cặp đôi được gọi là "prenuptial agreement" - hợp đồng tiền hôn nhân (viết tắt là "prenup"). Các tài sản bao gồm tài sản chung, tài khoản riêng, các khoản nợ và thu nhập thường xuyên sẽ được đề cập trong thỏa thuận này, nhằm giúp các cặp vợ chồng tránh được bất kỳ "cú sốc" tài chính nào trong tương lai.


Việc xác nhận các khoản nợ của đối phương là điều cần thiết trong giai đoạn tiền hôn nhân để tránh một trong hai rơi vào cảm giác “bị phản bội hoặc dắt mũi". Dĩ nhiên, chẳng ai thích bị "phục kích" bằng các khoản nợ bất ngờ của người đầu ấp tay gối khi vừa mới kết hôn. Niềm tin là nguồn sống bền bỉ của bất kỳ mối quan hệ nào. Đừng để việc này ảnh hưởng đến niềm tin của bạn ở đối phương vì suy cho cùng, chúng ta không thể giấu giếm mãi "cây kim trong bọc" và người bạn đời cũng không nên ảo tưởng về những tô vẽ phù phiếm mà chúng ta chắp vá tạo nên. Thành thật với nhau về các khoản nợ dù có thể là một chuyện đáng xấu hổ và làm tổn thương lòng tự tôn cá nhân, nhưng đây là cách duy nhất để củng cố thêm lòng tin cho hôn nhân bền vững, đồng thời giúp cả hai sớm lên kế hoạch xử lý các khoản nợ một cách hợp lý.


5. Ước mơ và kế hoạch tương lai là gì?


"Anh/em hình dung cuộc sống của mình sẽ như thế nào sau 10, 20 thậm chí là 30 năm nữa?". Câu hỏi này giúp cả hai định hình trước về cuộc sống cùng nhau trong tương lai và đảm bảo sẽ đồng lòng chung hướng. Mỗi người có tốc độ phát triển tư duy và nhận thức khác nhau, đôi khi, nguyện vọng của bạn có thể sẽ không phù hợp với quan niệm lý tưởng của đối phương về một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Chính vì vậy, việc lập kế hoạch sẽ tạo nền móng kỹ lưỡng cho các cặp đôi trẻ tự tin vào quyết định chọn lựa bạn đời.


Tuy nhiên, cuộc đời con người có nhiều cột mốc 10 năm. Mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ chỉ tương thích với từng kế hoạch riêng, thế nên, việc luôn biết cách lên kế hoạch tiếp tục cho những lần 10 năm sau nữa của hai vợ chồng là điều tất yếu. Để giải quyết triệt để những thay đổi theo từng chu kỳ cuộc sống, cả hai cần phán đoán và xem xét về việc thay đổi lộ trình sao cho phù hợp nhất với từng giai đoạn hôn nhân để cùng vững tay vững lòng đi đến tương lai.



6. Liệu có tiền sử bệnh thể chất hay sức khỏe tâm thần nào không?


Ngày nay, các chuyên gia khuyến khích các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi chính thức về chung một nhà. Việc này nhằm mang lại cho đôi bên cái nhìn tổng quan về thể trạng lẫn tâm trạng của mỗi người, đảm bảo đời sống hôn nhân và tình dục lành mạnh cho vợ chồng. Đồng thời, đây cũng được xem là quá trình chuẩn bị tâm lý để cả hai cân nhắc về khả năng và ý định có em bé sau này.


Theo các chuyên gia y tế, thời điểm thích hợp nhất để khám sức khỏe tiền hôn nhân là từ ba đến sáu tháng trước khi kết hôn. Bên cạnh kiểm tra sức khỏe sinh sản, các cặp đôi còn được kiểm tra sức khỏe tổng quát như huyết áp, tim mạch, kiểm tra chức năng gan, thận, công thức máu, phân tích nước tiểu... cũng như tầm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Ngoài ra, quy trình này cũng giúp xem xét tiền sử bệnh của cả hai người trước đây như đã mắc các căn bệnh nào, đã có những phẫu thuật lớn nhỏ ra sao, các tai nạn, thương tích và bệnh sử gia đình, có những nguy cơ rối loạn về tâm thần hay biến chứng thể chất gì không...


Khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể được thực hiện tại các khoa sản phụ của bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, hay ở một số Trung tâm Y tế dự phòng và một số phòng khám tư nhân được cấp phép thực hiện. Chi phí cho việc thăm khám này tùy thuộc vào cơ sở vật chất, dịch vụ và từng gói khám mà bạn lựa chọn, dao động khoảng từ 800.000 – 2 triệu đồng/người tại các bệnh viên và từ 1,5 – 3 triệu đồng/người tại các cơ sở tư nhân hợp pháp.


7. Chúng ta muốn dành bao nhiêu thời gian cho nhau?


Trước khi cưới, các cặp đôi có thể chỉ gặp nhau vài lần trong một tuần, và dành thời gian còn lại cho bản thân. Sau khi cưới, cả hai sẽ sống cùng nhau trong cùng nhà, đồng nghĩa với việc thời gian ở bên nhau và gặp gỡ nhau cũng nhiều hơn đáng kể. Tuy nhiên, hôn nhân không có nghĩa là các cặp đôi dành toàn bộ thời gian 24/7 cho nhau.


Nhà triết học Arthur Schopenhauer đã giải thích về tình huống khó xử này như sau: "Hai con nhím cố gắng giữ ấm cho nhau bằng cách tiến lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, khi chúng đến quá gần, gai của chúng sẽ đâm vào nhau". Điều tương tự cũng xảy ra trong mối quan hệ hôn nhân của con người, chúng ta muốn sự gần gũi nhưng cũng cần không gian riêng tư. Lúc nào cũng vậy, dù kết hôn hay chưa thì ai cũng cần một khoảng không riêng và một khoảng lặng trong ngày. Vì vậy, trao đổi với nhau về không gian hay thời gian riêng tư là điều cần thiết để cả hai hiểu rõ những mong muốn của đối phương, từ đó thích nghi và tôn trọng nhu cầu cá nhân lẫn nhau.


Yêu nhưng khoan... cưới, nếu chưa hỏi nhau 9 câu

8. Kế hoạch sinh con của chúng ta ra sao?


Không phải ai khi kết hôn cũng muốn sinh con. Đừng quên thảo luận xem cả hai có muốn có con hay không hoặc mong muốn có con vào thời điểm nào. Ngày nay, xu hướng không muốn sinh con ngày càng tăng ở người trẻ vì nhiều lý do, từ sức khoẻ, thu nhập tài chính, công việc và thời gian không đảm bảo…


Theo kết quả khảo sát từ Viện Phát triển Hàn Quốc, 52,4% người trẻ độc thân ở độ tuổi 20 cho rằng họ không có kế hoạch sinh con sau khi kết hôn.

Việc sinh con hay không dường như không còn là điều hiển nhiên trong một mối quan hệ, mà là sự lựa chọn riêng tư cần được tôn trọng giữa hai vợ chồng. Các cặp đôi nên thẳng thắn trao đổi với nhau để đảm bảo rằng cả hai đều đã thấu hiểu thông suốt về chuyện con cái và đưa ra một quyết định chung trước khi quyết định gắn kết lâu dài.


Và ngay khi cả hai vợ chồng đều muốn có con, vẫn có những điều khác cần thảo luận. Chẳng hạn như chuẩn bị tài chính, phân chia công việc khi mang thai hay cách nuôi dạy con, kỷ luật con như thế nào…


9. Sẽ thế nào nếu chúng ta không thể có con?


Đối với một số người, việc sinh con đẻ cái gần như là một điều bắt buộc. Vì vậy, nếu vì bất kỳ lý do nào đó mà một cặp vợ chồng không thể sinh con, họ cần phải thật lòng giải bày những tâm tư giấu kín, cũng như suy nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Nhiều người khi rơi vào trường hợp này có thể sẽ suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng lo âu khiến cuộc sống vợ chồng càng thêm nặng nề, căng thẳng. Vợ chồng cần trung thực với nhau, đồng sức đồng lòng để đưa ra hướng giải quyết. Dù cho giải pháp trong tình huống tệ nhất là điều không ai mong muốn, nhưng có sự chuẩn bị tâm lý và trấn an nhau từ trước thì người trong cuộc cũng đỡ phần nào hụt hẫng, chênh vênh. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp tiên tiến giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn có thể có con như mang thai hộ, thực hiện IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), hoặc nhận con nuôi…


Tình yêu là khởi nguồn trong trẻo và thiêng liêng nhất để tiến đến hôn nhân. Nhưng để duy trì hôn nhân hạnh phúc thì chỉ yêu thôi chưa đủ. Chín câu hỏi trước khi cưới này chỉ là một vài trong số rất nhiều băn khoăn, trăn trở của các cặp đôi trước ngày bước vào lễ đường, trao nhẫn và nói "I do". Mong cho những ai đang yêu đều có thể tự hỏi lòng và hỏi người mình yêu những vấn đề thật sự thiết yếu để tìm ra tiếng nói chung trước khi gọi nhau hai tiếng "bạn đời".

Comentarios


bottom of page