top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Những điều mà người lớn có thể học được từ trẻ nhỏ

Bên cạnh tình yêu thương vô điều kiện, trẻ em còn sở hữu rất nhiều bài học thuộc về bản năng có thể "dạy" cho người lớn để chúng ta có lại một cuộc sống tốt đẹp và nhiều niềm vui như chúng ta đã từng. Và trên "chuyến tàu đi về tuổi thơ", chúng ta sẽ dùng những kiến thức khoa học bổ ích để làm "tấm vé" cho cuộc hành trình này.



Điều gì ở trẻ mà người lớn có thể học?


1. Không ngần ngại đặt câu hỏi


Lẽ thường, trẻ em chưa có nhiều kinh nghiệm lẫn kiến thức nên thường xuyên hỏi han về mọi thứ vì chúng muốn biết câu trả lời cho tất cả vấn đề gặp phải. Việc đặt rất nhiều câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn về thế giới xung quanh nhiều khi còn được mọi người cho là "dễ thương". Tuy nhiên, khi trưởng thành, chúng ta sẽ không mấy vui vẻ khi bị coi là thiếu hiểu biết, càng không thích bị chỉ trích hay phán xét. Và rồi chúng ta càng ngày càng ít đưa ra câu hỏi hơn, trí tò mò cũng vì thế mà giảm đi.


Richard Saul Wurman, nhà đồng sáng lập của nền tảng nổi tiếng TED Talk đã nếu ra một ý kiến thú vị về điều này khi quan sát các hệ thống giáo dục trên khắp thế giới. Ông nhận xét rằng: "Ở trường, chúng ta được khen thưởng vì có câu trả lời chứ không phải vì đặt một câu hỏi hay". Điều này phần nào giải thích tại sao trẻ em từng đặt ra vô số câu hỏi rồi dần dần ít hơn khi chúng lớn lên. Có một số người cho rằng khi trưởng thành thì chúng ta sẽ hiểu biết hơn và không còn tò mò về nhiều thứ như trẻ nữa. Tuy nhiên, nếu cho rằng kiến thức của mình là rộng lớn, thì hãy nhớ lời nhắc nhở của nhà sử gia Will Durant rằng "kiến thức của chúng ta cũng chỉ như một ảo ảnh đang lớn dần giữa một sa mạc ngày càng mở rộng bởi sự hiểu biết".


Nếu như trong bài đăng trước, LeLa Journal đã giới thiệu cách để các bậc phụ huynh đối diện với những câu hỏi "vì sao" không ngớt của trẻ thơ thì chính người trưởng thành đôi lúc cũng cần phải học cách khơi dậy trí tò mò đã ngủ quên của mình.


2. Hạnh phúc mà không cần lý do


Paulo Coelho, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Nhà giả kim” từng nói: "Một đứa trẻ có thể dạy cho người lớn ba điều: Hạnh phúc mà không cần lý do, luôn bận rộn với một việc gì đó và biết cách đạt được những điều mong muốn bằng tất cả khả năng".

Việc trẻ em hạnh phúc mà không cần lý do được thể hiện rõ nhất qua quan điểm của nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng Jean Piaget. Lý thuyết về sự phát triển nhận thức của ông cho thấy rằng suy nghĩ và nhận thức của trẻ em về thế giới sẽ dần phát triển khi chúng lớn lên, vì vậy mà trẻ nhỏ có một cái nhìn cụ thể và vị kỷ (egocentric) hơn về thế giới. Cách nhìn này cho phép trẻ em sống trong thời điểm hiện tại và ít quan tâm đến kết quả trong tương lai hoặc các sự kiện xảy ra trong quá khứ. Ngoài ra, ông cũng cho rằng một phần lý do của việc trẻ dễ dàng cảm thấy hạnh phúc vì chúng ít bận rộn hay lo lắng và không phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Bộ não của trẻ cũng được kết nối để tìm kiếm những trải nghiệm và cảm xúc tích cực, giúp chúng tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong các hoạt động diễn ra hàng ngày.


Hạnh phúc có thể được định nghĩa khác nhau dựa trên quan niệm của mỗi người và hầu hết chúng ta đều đang trên hành trình đi tìm kiếm điều đó. Thế nhưng nếu nhận ra và cảm thấy điều này dễ dàng như những đứa trẻ, ta sẽ thấy hành trình này thật thoải mái biết bao.


3. Quên nhanh và tha thứ cũng rất nhanh


Việc trẻ em sống trong thời điểm hiểm tại nhiều hơn quá khứ và tương lai cũng góp phần làm cho trẻ có một điều mà rất nhiều người lớn khao khát, đó là "lòng vị tha".


Tha thứ là một khái niệm đã có từ xa xưa, xuất hiện trong hầu hết các tôn giáo lớn và là dấu hiệu của lòng trắc ẩn, tình yêu thương cũng như sự quan tâm. Ở đó, sự tha thứ được xem như là khởi đầu của quá trình chữa lành mà lợi ích mang lại rất lớn. Hiện nay có rất nhiều nhà khoa học quan tâm đến điều này mà đáng kể nhất là nghiên cứu của Tiến sĩ Everett L. Worthington. Theo ông việc tha thứ sẽ mang lại những lợi ích như: Cải thiện sức khỏe thể chất, tăng cường sức khỏe tinh thần, hàn gắn các mối quan hệ, gia tăng hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống.


Cũng theo Tiến sĩ Worthington, để học cách tha thứ, chúng ta cần một chiến lược với năm bước để buông bỏ tổn thương đối với mình: Một là nhận ra tổn thương, hai là ít nhớ đến chúng, ba là hàn gắn mối quan hệ nếu có thể, bốn là thay đổi cách nghĩ về người đã làm mình tổn thương và năm là buông bỏ (1).


Nhà thơ nổi tiếng Rumi của trường phái Sufi đã sáng tác rất nhiều bài thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng vị tha và hi vọng. (Sufi là một nhánh nhỏ của Hồi giáo, họ tin rằng có thể kết nối với Thượng Đế thông qua các hình thức nghệ thuật như làm thơ, nhảy múa và ca hát). Trong bài "Forgiveness is gift", Rumi đã viết: "Tha thứ là một món quà mà bạn dành cho bản thân, bởi nó giải phóng chính mình khỏi nhà tù của thù hằn và giận dữ".


4. Không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình


Người lớn thường quan tâm đến cách nhìn của người khác dành cho họ vì điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, sự nghiệp và những mối quan hệ. Tuy nhiên, quan tâm thái quá đến hình ảnh của bản thân trong mắt người khác sẽ mang lại rất nhiều tác hại như: Giảm lòng tự trọng, căng thẳng và lo âu, đánh mất cá tính và khó đưa ra quyết định (2).

Xét về khía cạnh này, chúng ta phải học từ trẻ nhỏ. Trẻ em có xu hướng không quan tâm nhiều đến những gì người khác nghĩ về mình vì chúng vẫn đang trong quá trình phát triển ý thức về bản thân và lòng tự trọng. Chúng đang loay hoay với những câu hỏi kiểu như chúng là ai và chúng quan tâm điều gì... Và vì trẻ quan tâm đến rất nhiều kiến thức xung quanh để giải đáp trí tò mò của bản thân nên ít có khả năng (lẫn thời gian) để ý đến những ý kiến của mọi người.


5. Lạc quan


Bằng những lập luận sắc sảo, thần đồng Adora Svitak trong một buổi nói chuyện của mình trên TED Talk đã cho rằng thế giới cần học cách tư duy như trẻ thơ bằng "ý tưởng táo bạo, óc sáng tạo và đặc biệt là sự lạc quan". Cô nhấn mạnh rằng trẻ em thường có tinh thần lạc quan và niềm hy vọng bẩm sinh, chúng không ngại mơ ước lớn lao và tưởng tượng về một tương lai tốt đẹp. Bằng cách nắm lấy cảm giác lạc quan như trẻ thơ, người lớn có thể trở nên kiên cường hơn, có động lực và được truyền cảm hứng hơn để tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống và thế giới xung quanh mình. Adora khuyến khích người lớn trau dồi cảm giác ngạc nhiên và hy vọng, đồng thời tiếp cận cuộc sống với cái nhìn tích cực và thái độ có thể làm được.


Một nghiên cứu của Tiến sĩ Howard Tennen cũng đã đồng ý với điều này khi chỉ ra những lợi ích của sự lạc quan. Ông đã phát hiện ra rằng những người lạc quan có xu hướng có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn, thành công hơn trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp cũng như có các mối quan hệ viên mãn hơn. Những người lạc quan có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống và coi những thách thức là cơ hội để trưởng thành và phát triển. Điều này có thể giúp họ đối phó tốt hơn với căng thẳng và nghịch cảnh, đồng thời duy trì được cảm giác an lạc ngay cả khi đối mặt với thử thách (3).


Khái niệm "đứa trẻ bên trong": Chìa khóa để học cách sống như một đứa trẻ


Khái niệm "đứa trẻ bên trong" được định nghĩa trong từ điển Cambridge là: "Một phẩn tính cách của con người khi vẫn cảm thấy và phản ứng như một đứa trẻ". Khái niệm này bắt nguồn từ lý thuyết Phân tâm học, đặc biệt là trong công trình nhà nghiên cứu tâm lý nổi tiếng của trường phái Phân tâm Carl Gustav Jung. Tuy nhiên, bản thân thuật ngữ "đứa trẻ bên trong" lại được phổ biến hơn vào cuối thế kỷ XX bởi nhà tâm lý học người Mỹ John Bradshaw.


John Bradshaw được biết đến nhiều nhất với những công trình của ông về phục hồi và chữa lành đứa trẻ bên trong. Thông qua các hoạt động trị liệu và nghiên cứu của mình, ông đã phát triển khái niệm "đứa trẻ bên trong" và đem nó đến gần đại chúng, tác động đến việc định hình lĩnh vực tâm lý học và tự chữa lành.


Ngày nay, khái niệm “đứa trẻ bên trong” đã được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng chăm sóc sức khỏe tinh thần như một công cụ hữu ích để chuyển đổi những khuôn mẫu và hành động vô thức có thể cản trở chúng ta trong cuộc sống. Và nó cũng giúp ích rất nhiều trong việc lấy lại những phẩm chất đáng quý của trẻ em mà chúng ta đã lãng quên khi trưởng thành. Theo Bradshaw, chìa khóa để làm được điều này chính là chữa lành những vết thương tình cảm và tổn thương thời thơ ấu, ông đề xuất các bước sau:

  1. Thừa nhận sự tồn tại của đứa trẻ bên trong: Nhận ra rằng bạn có một "đứa trẻ bên trong" và "đứa trẻ" này của bạn cần được chữa lành và chú ý.

  2. Suy ngẫm về thời thơ ấu: Hãy dành thời gian để suy nghĩ về những trải nghiệm thời thơ ấu, cả mặt tích cực và tiêu cực. Xác định những cảm xúc và ký ức xuất hiện trong bạn và viết chúng ra.

  3. Khám phá cảm xúc của bạn: Cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc liên quan đến trải nghiệm thời thơ ấu của bạn, chẳng hạn như tức giận, buồn bã hoặc sợ hãi. Điều này có thể giúp bạn hiểu được gốc rễ của các kiểu mẫu và hành vi tiêu cực của mình.

  4. Rèn luyện lòng trắc ẩn: Đối xử tử tế và thấu hiểu với bản thân, đồng thời nỗ lực có ý thức để ngừng chỉ trích hoặc phán xét chính bản thân mình.

  5. Kết nối với "đứa trẻ bên trong": Tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui và sự tươi mới cho cuộc sống chẳng hạn như sáng tạo nghệ thuật, chơi nhạc cụ hoặc dành thời gian cho thiên nhiên. Trong những năm gần đây, thực hành chánh niệm có thể xem như một phương pháp rất hữu hiệu trong việc này. Tổ chức quốc tế CPTSD (Rối loạn căng thẳng sau chấn thương) đã công nhận thực hành chánh niệm như một phương pháp để kết nối và chữa lành đứa trẻ bên trong của mỗi người (4).

Năm bước trên là những gợi ý cơ bản của Bradshaw, điều quan trọng cần ghi nhớ là việc chữa lành "đứa trẻ bên trong" có thể là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự cam kết và kiên trì. Tuy nhiên, theo Bradshaw, phần thưởng của việc phục hồi "đứa trẻ bên trong" là rất đáng để bỏ công sức. Lela Journal hy vọng qua những nghiên cứu khoa học và quan điểm từ các chuyên gia, chúng ta sẽ có nhiều động lực hơn để thực hành nuôi dưỡng "đứa trẻ bên trong" mỗi người và tìm thấy ý nghĩa giản đơn của hạnh phúc như những đứa trẻ vô tư quanh mình.

Comments


bottom of page