top of page
Tìm kiếm
Trần Anh Thư

Những trường phái ăn chay phổ biến hiện nay


Ăn chay đang dần trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn vì các lý do khác nhau, từ sức khỏe cho đến vấn đề đạo đức, tôn giáo,... Mỗi người có thể lựa chọn ăn chay trường hay ăn chay gián đoạn tùy vào quan điểm của mình. Hãy cùng LeLa tìm hiểu về các hình thức ăn chay phổ biến nhất trong bài viết này.



Phân loại ăn chay theo nguyên nhân


Ăn chay vì lý do sức khỏe


Nhiều người lựa chọn ăn chay vì họ tin rằng chế độ ăn nhiều thực vật, hạn chế ăn các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ giúp hạn chế các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường và ung thư. Nhất là với ngành công nghiệp chăn nuôi, vật nuôi thường phải sử dụng kháng sinh, hormone tăng trưởng để tăng sản lượng. Việc ăn chay sẽ phần nào hạn chế được những tác động xấu từ các loại sản phẩm này đến sức khỏe con người.


Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm động vật còn góp phần nuôi dưỡng hệ vi sinh có lợi cho đường ruột, giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (1).


Thêm vào đó, tác dụng không thể bỏ qua của ăn chay đó là khả năng giúp khống chế cân nặng. Chế độ ăn chay hỗ trợ mọi người giảm cân hiệu quả. Những người ăn chay cũng được chứng minh có ít nguy cơ bị béo phì hơn người ăn thịt thông thường (2). Nhóm ăn chay vì sức khỏe sẽ hạn chế không ăn thịt các loài động vật nhưng họ vẫn có thể lựa chọn sử dụng những chế phẩm khác từ động vật như sữa, trứng, mật ong,...


Tuy nhiên, việc ăn chay cũng khiến cơ thể bị thiếu hụt một số nhóm dưỡng chất nhất định. Có thể kể đến như vitamin B12, vitamin D, canxi,...(3) Do đó, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, chúng ta cần ăn chay theo kế hoạch cụ thể và nên có sự tham vấn từ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.


Ăn chay vì lý do đạo đức


Một lý do khác khiến nhiều người lựa chọn ăn chay đó là nhận định về đạo đức. Họ tin rằng tất cả động vật trên trái đất này đều có quyền sống và quyền tự do. Tất cả các con vật đều có ý thức, có cảm xúc. Do vậy chúng cần được đối xử như con người, tránh những đau đớn và khổ sở (4).


Nhóm người ăn chay vì lý do đạo đức phản đối việc giết mổ con vật để lấy thịt hoặc lấy lông. Họ cũng không đồng tình với việc nuôi động vật để giết thịt bằng cách nhốt vào chuồng hoặc lồng nhỏ, khiến chúng bị căng thẳng về tâm lý và thể chất.


Vậy nên, nhóm ăn chay này không sử dụng bất kỳ một loại sản phẩm nào có nguồn gốc từ động vật kể cả mật ong, sữa, trứng, len,... Bởi họ tin rằng những sản phẩm này có vai trò riêng của chúng, không phải để phục vụ đời sống của con người.


Ăn chay vì môi trường


Một nghiên cứu đã tiến hành so sánh mức độ tác động đến môi trường của 3 chế độ ăn: ăn chay một phần, ăn chay hoàn toàn và ăn tạp. Kết quả chỉ ra rằng ăn chay hoàn toàn (thuần chay) gây ra ít tác động có hại đến môi trường nhất và có tính bền vững nhất (5).


Nhóm này tin rằng, lượng nguyên liệu sử dụng để làm thức ăn cho động vật lớn hơn rất nhiều so với thực vật, từ đất, nước đến các chất dinh dưỡng. Nếu chúng ta không thay đổi, đến năm 2050 lượng thực phẩm phục vụ con người sẽ vượt quá khả năng cung cấp của hành tinh. Việc ăn chay sẽ giúp trì hoãn tình trạng này (6).


Phân loại ăn chay theo nhóm thực phẩm



Người ăn chay lacto-ovo


Chế độ ăn chay lacto-ovo là một chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật, không bao gồm thịt, cá và gia cầm nhưng có sữa và trứng.


Nhiều người áp dụng chế độ ăn chay lacto-ovo để giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm động vật vì lý do đạo đức, môi trường hoặc sức khỏe.


Thông thường, chế độ ăn chay lacto -ovo bao gồm:

  • Trái cây: táo, chuối, cam, dâu tây, đào, dưa.

  • Rau: bông cải xanh, cải xoăn, ớt chuông, rau bina, nấm, cà tím.

  • Ngũ cốc nguyên hạt: quinoa, lúa mạch, rau dền, yến mạch, kiều mạch.

  • Trứng: toàn bộ trứng, bao gồm cả lòng trắng và lòng đỏ.

  • Các sản phẩm từ sữa: sữa, sữa chua, pho mát, bơ.

  • Đậu và các loại đậu: đậu, đậu Hà Lan, đậu phộng, đậu lăng.

  • Các loại hạt, hạt và bơ hạt: hạt điều, hạnh nhân, quả óc chó, hạt bí ngô, hạt lanh, bơ đậu phộng.

  • Chất béo lành mạnh: bơ, dầu ô liu, ô liu, quả hạch, hạt.

  • Protein chay: đậu phụ, seitan, tempeh và bột protein chay.


Người ăn chay Ovo


Chế độ ăn chay ovo loại trừ tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật ngoại trừ trứng. Thịt, gia cầm, cá hoặc các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và pho mát đều bị loại bỏ nhưng vẫn được phép sử dụng trứng nguyên quả, lòng trắng trứng và các thực phẩm có chứa trứng như mayonnaise, mì trứng và một số loại bánh nướng nhất định.


Trên thực tế, một số người sẽ đưa trứng vào chế độ ăn không có động vật nếu họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng khi áp dụng chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt.


Trứng nguyên quả vừa có giá cả phải chăng vừa bổ dưỡng, làm cho chúng trở thành thực phẩm bổ sung tuyệt vời cho hầu hết mọi chế độ ăn kiêng. Trứng đóng vai trò như một nguồn cung cấp protein chất lượng cao, cùng với vitamin B và các hợp chất chống viêm (7).


Người ăn chay lacto


Tương tự như nhóm ăn chay ovo, người ăn chay lacto không sử dụng tất cả mọi thực phẩm từ động vật trừ sữa. Nghĩa là họ không sử dụng các loại thực phẩm bao gồm thịt, gia cầm, hải sản và trứng nhưng vẫn dùng sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát,...


Việc ăn chay theo chế độ lacto giúp người ăn chay hạn chế được việc thiếu hụt một số nhóm chất dinh dưỡng nhất định mà vẫn đảm bảo duy trì quan điểm về môi trường hoặc đạo đức.


Người ăn chay hoàn toàn (thuần chay)


Nhóm người ăn chay hoàn toàn (thuần chay) không sử dụng tất cả mọi sản phẩm từ động vật từ thịt, cá, trứng, sữa đến các loại áo da, ví da, khăn lông,... Theo định nghĩa mới nhất của Hiệp hội thuần chay, thuần chay là “một triết lý và cách sống tìm cách loại trừ - càng nhiều càng tốt - tất cả các hình thức bóc lột tàn ác đối với động vật để làm thức ăn, quần áo hoặc bất kỳ các mục đích nào khác.”


Những người xác định ăn chay hoàn toàn thường có mục đích loại trừ việc bóc lột hoặc tàn ác động vật trong mọi khía cạnh cuộc sống, bao gồm quần áo họ mặc, mỹ phẩm họ sử dụng và các hoạt động giải trí mà họ tham gia (8).


Do đó, nhiều người ăn chay trường tránh mua áo khoác len, đồ nội thất bằng da hoặc gối và chăn bông. Họ thường chọn đến thăm các khu bảo tồn động vật thay vì đến sở thú, rạp xiếc hoặc trang trại nuôi dưỡng động vật.


Vậy những người theo chế độ thuần chay có thể ăn những gì? Họ ăn được tất cả các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm:

  • Các loại đậu: đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đen, đậu nành và các chế phẩm từ đậu như sữa đậu nành, đậu phụ, tempeh, natto,...

  • Các loại hạt như lạc, hạnh nhân, hạt điều, các loại sữa và bơ từ chúng.

  • Ngũ cốc nguyên hạt: chẳng hạn như hạt quinoa, lúa mì nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt và gạo lứt hoặc gạo nguyên hạt, cũng như các sản phẩm làm từ những thực phẩm này, chẳng hạn như bánh mì nguyên hạt, bánh quy giòn và mì ống.

  • Các loại rau củ như rau cải, rau muống, khoai tây, cà rốt, cà chua. Có thể ăn đồ tươi sống hoặc những sản phẩm đóng hộp, sấy khô của các loại rau này.

  • Trái cây: táo, lê, cam, chuối, trái cây tươi, các loại nước ép, hoa quả sấy, đồ đông lạnh, đồ đóng hộp,...

  • Các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác: tảo, men dinh dưỡng, sữa chua và sữa thực vật tăng cường, và si-rô cây phong,...

Nhóm thuần chay sẽ không tiêu thụ tất cả mọi loại sản phẩm từ động vật. Có thể kể đến như:

  • Thịt và cá: chẳng hạn như thịt bò, gà, vịt, cá và động vật có vỏ.

  • Trứng: toàn bộ trứng và thực phẩm có chứa chúng, chẳng hạn như các sản phẩm bánh mì.

  • Sữa: sữa, pho mát, bơ và kem, cũng như các loại thực phẩm được làm từ các nguyên liệu này.

  • Các thành phần có nguồn gốc động vật khác: chẳng hạn như mật ong, albumin, casein, carmine, gelatin, pepsin, shellac, isinglass và whey.

  • Các loại áo lông thú, da thú, len,... có nguồn gốc động vật.

  • Các loại sản phẩm được thử nghiệm trên động vật.


Ăn chay Pescatarians


Đây là một trường phái ăn chay có thể ăn cá hoặc động vật có vỏ. Cũng giống như các nhóm khác, họ tiêu thụ sản phẩm từ thực vật, nhưng ngoài ra, những người Pescatarians còn ăn thêm cá và các loại hải sản khác.


Lợi ích của Chế độ ăn kiêng Pescatarian là gì?


Một số người tin rằng chế độ ăn nhiều thịt có hại cho môi trường. Họ cảm thấy việc động vật trên cạn được nuôi để làm thực phẩm sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm. Nhiều người lựa chọn kế hoạch ăn uống dựa trên cá này vì lợi ích sức khỏe của họ.


Chế độ ăn uống tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cá và hải sản mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cá, giống như thịt, là một nguồn cung cấp protein dồi dào. Tuy nhiên, khác với thịt đỏ, cá chứa ít chất béo bão hòa và thường giàu axit béo omega-3 lành mạnh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ăn ít thịt đỏ, hoặc không ăn thịt đỏ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp cao. Đồng thời, ăn hai khẩu phần cá mỗi tuần có thể giúp ích cho tim của bạn. (8)


Các axit omega-3 trong cá béo như cá hồi và cá thu làm giảm mảng bám tích tụ trong động mạch và giảm tỷ lệ mắc chứng tim đập không đều (loạn nhịp tim). Omega-3 cũng giúp giảm lượng chất béo trung tính trong máu của bạn, một lợi ích khác cho sức khỏe tim mạch. Chất béo lành mạnh thậm chí có thể có tác động tích cực đến huyết áp. (9)


Phân loại ăn chay theo hình thức


Ăn chay kỳ


Ăn chay kỳ là hình thức ăn chay giãn cách thời gian theo những ngày nhất định. Thay vì ăn chay hàng ngày như nhóm ăn chay trường, nhóm ăn chay kỳ sẽ lựa chọn những ngày nhất định trong tháng hay trong tuần để ăn chay.


Nhóm ăn chay kỳ vừa đảm bảo được chất lượng sức khỏe tốt, vừa góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế sát sinh (vấn đề đạo đức), đồng thời vẫn khắc phục được những rủi ro sức khỏe như nhóm ăn chay trường.


Ăn chay trường


Ăn chay trường là hình thức ăn chay hàng ngày, đều đặn tất cả các ngày trong tháng. Nhóm này thường có nguy cơ cao thiếu một số nhóm chất dinh dưỡng do chế độ ăn không có thực phẩm từ động vật. Do vậy, nhóm ăn chay trường nên lưu ý xây dựng chế độ ăn khoa học và kết hợp uống các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo một sức khỏe tốt nhất. Bạn có thể đọc thêm bài "Căn bản về chế độ ăn chay" để hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng này.


Trên đây Lela đã giới thiệu tới bạn một số hình thức ăn chay phổ biến. Mỗi trường phái ăn chay sẽ có những ưu nhược điểm nhất định. Nếu bạn có ý định ăn chay, hãy cân nhắc và lựa chọn cách thức phù hợp nhất với mình nhé!

Comments


bottom of page