top of page
Tìm kiếm

Nội dung ngắn: "Thức ăn nhanh" trong kỷ nguyên 4.0

TikTok, Reel và YouTube Shorts được thiết kế với các thuật toán "gây nghiện" để khiến người dùng nán lại trên ứng dụng càng lâu càng tốt, đồng thời có xu hướng thích xem nội dung ngắn vì dễ tiếp nhận thông tin, ít tốn thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, điều này cũng giống như một dạng "thức ăn nhanh" cho não bộ - tiện lợi và nhanh nhưng tác hại thì lâu dài.



Sức lan tỏa của nội dung ngắn


Trong thời đại công nghệ số, các ứng dụng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram... là một phần trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người (1) và cũng là công cụ để người trẻ giảm bớt căng thẳng (2). Từ năm 2016 đến nay, ngành công nghiệp nội dung ngắn (short-form video), bao gồm các bài đăng trên blog, bài đăng trên các ứng dụng xã hội và các video dạng ngắn đã phát triển nhanh chóng. Để thu hút khách hàng, các thuật toán được thiết kế để phân tích sở thích và hành vi của người dùng bằng các nội dung ngắn khiến bạn thích thú và tò mò.


Hành vi của người dùng thường được phản ánh thông qua thời gian xem nội dung và việc bạn có tương tác bằng cách chia sẻ hoặc lưu về nội dung đó hay không.

Thuật toán của TikTok, Facebook, Youtube... không chỉ đề xuất nội dung ngắn bạn thích mà còn đề xuất nội dung mà người dùng tạo ra (3). Khi "vuốt" tay trên ứng dụng và xem các video ngắn này, chúng ta cảm thấy thích thú vì não bộ tiết ra dopamine - một loại "hormone hạnh phúc" giúp tâm trạng dễ chịu (4). Dẫn đến việc bạn ngày càng say mê TikTok, cuộn qua Instagram hay lướt Facebook mỗi khi có thời gian rảnh. Nội dung ngắn này làm ta ngày càng chìm đắm, tương tự như "nghiện" một "món ăn nhanh" cho não bộ - thứ thực phẩm giàu calo, tiện lợi nhưng thực tế thì lại nghèo chất dinh dưỡng (5) và tác hại thì kéo dài.


Mặt tối của nội dung ngắn


Cùng với sự lan rộng của nội dung ngắn, chúng ta ngày càng lãng phí hàng giờ, hàng ngày khi lướt mạng xã hội. Các nhà khoa học sử dụng dopamine để đo lường "tiềm năng gây nghiện của bất kỳ trải nghiệm nào". Dopamine càng được giải phóng nhiều, trải nghiệm đó càng gây nghiện. Việc lạm dụng, tiêu thụ quá nhiều "thức ăn nhanh gây nghiện" này dẫn đến các hệ quả:

  • Giảm khả năng tập trung, thiếu kiên nhẫn, dẫn đến thói quen suy nghĩ nông (shallow-thinking): Hoạt động của dopamine trong não được tiết ra mang lại cảm giác vui thích, dễ chịu nhất thời trước những thông tin vô thưởng vô phạt, khiến chúng ta mất đi sự tập trung hoàn thành những việc quan trọng.

  • Thiếu kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp thực tế: Khi quá phụ thuộc vào sự tiện lợi của ứng dụng mạng xã hội, giới trẻ có xu hướng sử dụng từ lóng, biểu tượng cảm xúc. Dần dần, bạn trẻ mất đi kỹ năng đọc nội dung dài, phân tích vấn đề do thói quen nhận thông tin thụ động. Trên thực tế, những dấu hiệu này đã tồn tại từ đầu thế kỷ XIX - khi chúng ta mới sử dụng Yahoo chat - nhưng đang ngày càng trở nên trầm trọng. Đây cũng có thể là một phần lý do mà chúng ta có những định kiến về giới trẻ, Gen Z ngày nay.

  • Kiến thức thu được thường là bề mặt mà ai cũng dễ dàng có được và mau chóng quên. Bởi vì, nội dung ngắn "dễ tiêu hóa", giúp chúng ta biết một cách nhanh chóng nhưng không thể giúp chúng ta hiểu biết một cách sâu sắc.

  • Nguy cơ gặp phải thông tin giả: Tin giả thường xuất hiện tràn lan trên các nền tảng nội dung ngắn, và có thể lan truyền nhanh gấp 10 lần so với tin chính thống (6).


"Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật" - Ngạn ngữ phương Tây.

Dần dần, khi phải đọc và xem các nội dung dài, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và nhanh chóng bỏ cuộc (7). Kết quả, chúng ta chỉ thích tìm đến những nội dung ngắn mà bộ não ghi nhớ.



Vậy nội dung ngắn có lợi gì không?


Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà "thức ăn nhanh" này mang lại, cụ thể như sau:

  • Với doanh nghiệp, nội dung ngắn là cách tiếp thị giúp sản phẩm/dịch vụ tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng và có sức lan truyền mạnh mẽ. Đặc biệt là video ngắn thu hút lượt xem cao hơn tới 48% so với các định dạng khác trên social media (8). Các nhãn hàng thường hợp tác với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencers, KOL...) để bán hàng và tăng doanh thu.

  • Các tổ chức, người làm giáo dục đã tham gia dự án #LearnOnTikTok, #LearnWithMe, #FinanceTikTok… các thẻ (tag) phân loại này đã trở thành xu hướng giáo dục bổ ích từ thời điểm cách ly do COVID-19. "Thức ăn nhanh" này gần gũi, có thể học mọi lúc, mọi nơi… từ bác sĩ da liễu, giáo viên, nhà báo, nhà khoa học… Do đó, đây là kiến thức đã được kiểm chứng, thông tin "thật". Nếu chúng ta tỉnh táo thì chúng ta cũng có thể học vô số thông tin bổ ích từ nội dung ngắn.

  • Đối với người tiêu thụ nội dung ngắn, bạn hoàn toàn có thể trở thành một biên tập viên hoặc thiết kế đồ hòa nghiệp dư khi tự học kỹ năng quay phim, chỉnh sửa video và ảnh, hoặc ở nhiều lĩnh vực khác có liên quan. Chúng ta tiếp thu kiến thức từ nội dung ngắn, sau đó, sáng tạo ra nội dung của riêng mình. Ngoài ra, bạn có thể tận dụng các ứng dụng xã hội để giúp bạn rèn luyện bản thân thêm tự tin nhờ luyện nói trước ống kính, hay tận dụng tính năng podcast. "Thức ăn nhanh" cung cấp cho bạn năng lượng và động lực. Chính vì thế, hãy tận dụng những ý tưởng có được khi xem để biến chúng thành các nội dung ngắn của bạn; biết đâu bạn có thể tạo thêm nguồn thu nhập cho chính mình nhờ các ý tưởng được đăng tải.



Sau đây là một số cách để chúng ta có thể học tập kiến thức từ các nền tảng có nội dung ngắn.

  1. Quản lý thời gian: bạn có thể áp dụng quy luật 80/20- PARETO PRINCIPLE (9), Luật Parkinson (10)

  2. Chắt lọc thông tin bằng cách double check, nghĩa là kiểm chứng lại xem nguồn gốc thông tin có rõ ràng không. Điều này có nghĩa là chúng ta cũng đang rèn luyện tư duy phản biện với những thông tin thu được.

  3. Xây dựng tinh thần học hỏi và trao đổi với mọi người để nhớ được lâu hơn và củng cố lỗ hổng kiến thức nếu có.

  4. Sẵn sàng bấm "not interested" và vuốt qua khi gặp những nội dung thiếu tính giáo dục hoặc đưa thông tin sai sự thật...


Việc bấm vào những nút từ chối xem nội dung chính là một cách để "đào thải những thức ăn xấu và biến chất" khỏi trang mạng xã hội của bạn, đồng thời đưa ra cho các nền tảng sử dụng thuật toán một thông điệp rằng: Tôi từ chối tiếp nhận những nội dung độc hại này, đừng cho tôi xem chúng nữa.

Cách tiêu thụ "thức ăn nhanh" một cách hợp lý



Có thể thấy, vấn đề của nội dung ngắn không chỉ nằm ở các nền tảng sử dụng thuật toán, mà còn ở cách chúng ta và các nhà sáng tạo sử dụng chúng vì mục đích gì. Do đó, đã đến lúc bạn phải khó tính hơn với thời gian và sự chú tâm của mình dành cho nội dung ngắn, thông qua vài gợi ý sau nhé:


1. Các quy tắc "cai nghiện" nội dung ngắn

  • Hủy đăng ký các kênh không cung cấp thông tin bổ ích. Xóa các ứng dụng mạng xã hội khỏi điện thoại, chỉ kiểm tra tin nhắn hoặc thông báo từ máy tính để bàn.

  • Tắt thông báo dạng biểu ngữ/ cửa sổ bật lên (pop-up) /âm thanh trên các ứng dụng mạng xã hội. Với hệ điều hành IOS, chế độ "không làm phiền" (do not disturb) giúp bạn tập trung hơn khi làm việc, học tập.

  • Tập gym, chạy bộ hoặc học một kỹ năng khác như nấu ăn, trồng cây, chăm sóc thú cưng, chơi một loại nhạc cụ mới… để tạo và duy trì thói quen mới. Đây cũng là một cách để giải phóng dopamine cho bạn.

  • Thêm thời gian cho các hoạt động nhàn rỗi bổ ích cũng là một cách giảm thời gian tiêu thụ "thức ăn nhanh" - lướt xem nội dung ngắn.


2. Cân bằng giữa nội dung ngắn và nội dung dài


Các nhà sáng tạo nội dung ngắn chất lượng và chỉn chu đều dành nhiều thời gian nghiên cứu và tiếp thu các nội dung dài. Chẳng hạn như: đọc sách, nghe podcast, xem phim tài liệu, dự hội thảo và học các khóa học để nâng cao chuyên môn. Trong đó, sách là hình thức lưu trữ tri thức và giải trí được sử dụng rộng rãi nhất (11); và là sự ưu tiên hàng đầu của các nhà sáng tạo nội dung chân chính. Bởi sách nghiên cứu sâu sắc vào chủ đề cụ thể mà các dạng nội dung dài khác khó mà diễn đạt đầy đủ được.


3. Thử sáng tạo nội dung ngắn


Hãy thử truyền tải thông tin từ một nội dung dài mà bạn đã biết để tạo thành một nội dung ngắn chất lượng. Bạn sẽ nhớ kiến thức đã học được lâu hơn, bằng cách giải thích lại cho chính mình và cho người khác. Chúng ta có thể bắt đầu với việc viết blog, sản xuất podcast…



Chúng ta cần bao lâu để lấy lại sự tập trung? Theo nghiên cứu của Đại học California tại thành phố Irvine (Mỹ), sau khi não bộ bị phân tán sự tập trung, chúng ta cần trung bình 23 phút 15 giây để trở lại đúng hướng suy nghĩ như trạng thái ban đầu (12).

Nội dung ngắn trên mạng xã hội là một dạng "thức ăn nhanh", rất "ngon" và khiến chúng ta dễ vui nhưng gây hại đến sức khỏe nếu sa đà và lạm dụng. Vì vậy, đừng xem nội dung ngắn như là một "món ăn chính" cho não bộ, mà hãy nạp thông tin một cách điều độ và hợp lý.

1 Comment


Dao Yen
Dao Yen
Jul 09, 2023

Một bài viết rất lý thú mà mình nghĩ đại đa số các bạn trẻ thời nay nên đọc. Cá nhân mình không dùng Tiktok nhưng thỉnh thoảng có lướt Reels trên Facebook và thấy nó ngốn thời gian nhiều khủng khiếp trong khi mình không ý thức được điều nay. Thức ăn nhanh thì không bao giờ đảm bảo sức khỏe bền vững cả, chống đói trong chốc lát nhưng ăn nhiều thì mập ú nên phải tập cai thôi.

Like
bottom of page