top of page
Tìm kiếm

Ở nhà với trẻ thì chơi trò gì? Phần 1: Các trò chơi vận động

Một phần nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ là do người lớn không có thời gian để chơi cùng trẻ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mặc dù rảnh rỗi nhưng các bậc phụ huynh cũng không biết những trò chơi giải trí trong nhà nào phù hợp với trẻ, để rồi lại phó mặc con em chăm chăm nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại.



Thấu hiểu những khó khăn trên, LeLa Journal thực hiện chuỗi bài viết gợi ý các trò chơi thú vị dành cho trẻ em để các bậc phụ huynh có thể cùng con em giải trí tại nhà. Đây là những hoạt động không chỉ giúp trẻ vui đùa thỏa thích, mà còn cải thiện và phát triển mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.


Trong bài viết Phần 1: Các trò chơi vận động, LeLa Journal sẽ tập trung giới thiệu các trò chơi vận động trong nhà, phù hợp với những đứa trẻ hoạt bát, có sở thích chạy nhảy hoặc đơn giản là không chịu ngồi yên một chỗ.


1. Thợ săn kho báu


Đây là một trò chơi nổi tiếng, không xa lạ gì với mọi người vì sự quen thuộc và độ hấp dẫn của nó. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm cho trò chơi này thú vị hơn bằng việc thêm thắt một vài tình tiết như sau:

  • Chuẩn bị: Chỉ cần một vài món đồ chơi nhỏ, một món ăn ngon hoặc đơn giản là một món quà gì đó mà trẻ yêu thích để làm kho báu, kèm theo một cây bút và một vài mẩu giấy để ghi những gợi ý và manh mối.

  • Hướng dẫn: Phụ huynh sẽ tìm một vài địa điểm thú vị nào đó trong nhà để giấu những manh mối. Các manh mối là những tờ giấy nhỏ được đánh số theo thứ tự có ghi thông tin về vị trí tiếp theo. Rồi cứ thế dẫn đến một địa điểm cuối cùng chính là kho báu trong căn nhà.

  • Lưu ý về trò chơi:

    • Dành cho trẻ từ 4 đến 12 tuổi. Với trẻ nhỏ hơn thì có thể thay đổi luật chơi đơn giản hơn để phù hợp với trẻ.

    • Vị trí cất giấu những manh mối càng bất ngờ thì càng tốt (ví dụ như những nơi mà trẻ thường lui tới trong nhà nhưng ít quan sát cụ thể chi tiết đồ vật tại đó).

    • Các manh mối có thể là những câu đố hoặc một bài toán, bài thơ nào đó để tăng thêm phần thú vị và tính giáo dục của trò chơi.

Hãy thử tượng tượng một ngày cuối tuần trời mưa tầm tã, con bạn thức dậy và cảm thấy buồn vì không được đi ra ngoài chơi thì phát hiện trên bàn là một tấm bản đồ khó báu. Chắc hẳn đó sẽ là một kỷ niệm thú vị cho trẻ.

2. Đóng băng



Đây là trò chơi không xa lạ gì ở các hội trại, những lớp học đông người hay vừa rồi là trong loạt phim truyền hình Squid Game ăn khách của Netflix. Tuy nhiên, với không gian trong nhà và số lượng người tham gia hạn chế thì các bậc phụ huynh có thể đơn giản hóa luật chơi để phù hợp với trẻ.

  • Chuẩn bị: Yêu cầu tối thiểu hai người tham gia và một hình thức khen thưởng hoặc phạt để tăng tính giải trí.

  • Hướng dẫn: Mọi người có thể thay phiên nhau làm quản trò. Hãy bật một bài nhạc yêu thích lên và yêu cầu những người còn lại phải nhảy theo nhịp. Cho nhạc dừng bất ngờ và yêu cầu người đang nhảy phải giữ nguyên tư thế của mình trong một khoảng thời gian.

  • Lưu ý:

    • Độ tuổi: Phù hợp với trẻ từ 2 tuổi đến các "bé bự" ngoài 30 tuổi, vậy nên phụ huynh và các thành viên trong nhà hoàn toàn có thể tham gia cùng bé, càng đông càng vui. Trong đó, trẻ mới biết đi đặc biệt yêu thích trò chơi này.

    • Có thể tăng tính thử thách của trò chơi bằng việc yêu cầu đứa trẻ lúc đóng băng tạo hình các loài vật, các chữ cái hoặc các tư thế Yoga.



3. Sờ vật đoán tên


Hầu hết các trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đều thấy phấn khích mỗi khi cô giáo mang hộp trò chơi đoán vật bên trong này ra, vậy nên không cần phải bàn cãi nhiều về sự thú vị của trò này. Ngoài ra, đây còn là một trò chơi rất tốt trong việc phát triển các giác quan, tăng khả năng làm việc và xử lý thông tin của não bộ. Một trò giải trí nhưng mang nhiều tính giáo dục cho trẻ.

  • Chuẩn bị: Tìm một cái hộp bất kỳ miễn là có nắp trên đó, khoét một lỗ vừa với tay của bé nhà bạn. Sau đó là tìm những món đồ càng mới lạ càng tốt. Chuẩn bị xong thì bắt đầu chơi thôi.

  • Hướng dẫn: Đặt sẵn một đồ vật bất kỳ bên trong hộp và để trẻ thò tay vào sờ rồi đoán tên vật đó. Những người còn lại có thể ở ngoài cổ vũ hoặc gợi ý thêm. Khán giả sẽ đóng vai trò quan trọng cho tính giải trí của trò chơi này.

  • Lưu ý:

    • Độ tuổi: Trẻ em mẫu giáo rất thích trò này, đối với những đứa lớn tuổi hơn thì có thể bày thêm trò trang trí cái hộp bằng những hình vẽ, những miếng dán để lũ trẻ thỏa sức sáng tạo.

    • Nếu như câu trả lời quá khó với trẻ thì có thể cho bé đặt câu hỏi hoặc đưa ra gợi ý cho đáp án.



4. Nghe âm đoán vật


Đây là một trò chơi giúp trẻ tăng cường sự chú ý của bản thân với môi trường xung quanh, đặc biệt là về các âm thanh. Mặc dù đòi hỏi độ tập trung cao nhưng trò chơi này cũng không kém phần giải trí.

  • Chuẩn bị: Các vật dụng sẵn có trong gia đình.

  • Hướng dẫn: Đầu tiên đưa hết các đồ vật mà bạn muốn trẻ đoán ra cho chúng xem rồi cất chúng đi. Sau đó, lần lượt từng đứa sẽ lên che mắt lại trong lúc bạn tạo âm thanh với một món đồ vật bất kỳ. Nhiệm vụ của chúng sẽ là phải đoán ra tên của đồ vật đó.

  • Lưu ý:

    • Độ tuổi từ 2 - 5 tuổi rất phù hợp để vừa chơi vừa học.

    • Hãy chọn những đồ vật thú vị một chút, ví dụ như nếu như lấy cái ly thì bạn có thể gõ vào nó, với cái lược thì hãy vuốt các răng lược, các món đồ chơi mà trẻ thường chơi, bình nước, chìa khóa, các vật dụng ăn uống...

    • Bạn cũng có thể hoán đổi vị trí, để cho trẻ tự do sáng tạo bằng cách tạo ra tiếng động nhưng không được nói ra và bắt bạn đoán tên vật dụng. Như vậy, trò chơi sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều với trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ.



5. Trốn tìm


Kinh điển! Đây là hai từ phù hợp nhất để diên tả trò chơi xưa nhưng chưa bao giờ cũ này. Phù hợp với tất cả trẻ em hoặc người lớn muốn được làm trẻ em. Tuy nhiên vẫn có một vài điều cần quan tâm như sau:

  • Lưu ý:

    • Trò chơi sẽ thú vị hơn trong đêm tối và thật tuyệt vời nếu không có ánh điện. Đây là trò chơi rất được ưa thích của những thế hệ xưa khi ban đêm thường xuyên chịu cảnh cúp điện.

    • Nên đảm bảo tính an toàn cho trò chơi bằng cách dọn dẹp nhà cửa để tránh côn trùng hay động vật gây hại và hạn chế những đồ dùng nguy hiểm, sắc nhọn để xung quanh nhà.


6. Một số gợi ý trò chơi tương tự

  • Người gương: Mọi người sẽ bắt chước các hành động của nhau. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho các bậc phụ huynh vừa muốn vui chơi và giáo dục con trẻ. Có thể yêu cầu trẻ bắt chước bản thân đang trong một vài tư thế tập thể dục hoặc Yoga nào đó. Trẻ sẽ có hứng thú chơi ngay mà không nghĩ rằng mình đang “phải” học hoặc "bị ép" vận động. LeLa Journal cũng từng có bài viết về 3 cách đơn giản để khuyến khích trẻ tập thể dục có thể đọc thêm tại đây.

  • Thổi bong bóng nước: Chỉ cần đưa cho một đứa trẻ một lọ nước xà phòng kèm một cái ống hút để thổi thì bạn hoàn toàn có thể đổi được chiếc smartphone trên tay của bé. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên chuẩn bị tinh thần rằng bé sẽ chạy khắp nhà và có thể làm ướt mọi thứ bằng món đồ chơi "hand-made" này đấy nhé.

  • Súng nước: Tương tự như thổi bong bóng nhưng chắc chắn mức độ bừa bộn của căn nhà sẽ còn "kinh hoàng" hơn.

  • Cắm trại trong nhà: Sử dụng các chất liệu sẵn có trong gia đình như chăn, ga, gối, mền… để sáng tạo nên những căn lều ấm cúng và phá cách cùng với trẻ. Đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời.





Comments


bottom of page