top of page
Tìm kiếm

Phân biệt thiền định và chánh niệm - tỉnh giác

Sự nhầm lẫn giữa thiền định và chánh niệm - tỉnh giác (còn gọi là thiền Vipassana, thiền minh sát hay giới-định-tuệ) ngày càng lớn dẫn đến việc thực hành có nguy cơ sai lệch. Thông qua bài viết này, LeLa Journal hy vọng có thể làm rõ nguyên lý của thiền định là gì và khác với nguyên lý chánh niệm - tỉnh giác ra sao.



Ngày nay, nhiều người dễ dàng tiếp cận thiền, nhưng vì nguồn thông tin quá khổng lồ nên cũng dễ bị "ngụp lặn" trong biển kiến thức, hoặc đụng phải kiến thức một chiều rồi thực hành một cách cục bộ. Một hiểu lầm phổ biến chính là người mới bắt đầu tìm hiểu về thiền sẽ dễ mặc định rằng thiền là thiền định. Nhiều tờ báo, bài viết, thậm chí sách cũng thường dịch "meditation" hay "meditate" thành thiền định thay vì "thiền", dẫn đến sự nhầm lẫn này càng lớn hơn.


Vì thế, thật cảm kích vì trong hai thế kỷ nay, nhiều bậc thầy dạy về thiền nổi tiếng như Jiddu Krishnamurti, Thích Nhất Hạnh, Eckhart Tolle... đã dùng những cụm từ khác đi để diễn giải. Jiddu Krishnamurti dùng "sự quan sát, nhận biết", Thích Nhất Hạnh dùng "chánh niệm", còn Eckhart Tolle dùng "hiện diện với thực tại; chú tâm, quan sát vào phút giây hiện tại"...


Dù họ dùng các cụm từ khác nhau, nhưng nguyên lý dạy thiền của các bậc hiền nhân này đều không phải là dạy thiền định, mà là thiền Vipassana - nguyên lý thiền chánh niệm để có sự tỉnh thức - giải thoát.

Nguyên lý của thiền định



Khi thiền định, tức là ta sẽ hướng sự tập trung vào một điểm (có thể là giữa trán), lúc này chúng ta sẽ trải qua cảm giác đắm chìm vào thực tại, mọi phiền não bị đẩy lùi vào tiềm thức, từ đây trạng thái thanh thản bỗng xuất hiện. Cũng vì thế nên rất nhiều người yêu chuộng thiền định vì pháp môn này giúp họ an lạc một cách dễ dàng hơn. Nhưng họ lại không hề nhận ra rằng, cảm giác ấy chỉ là do ép tâm dẫn đến ảo tưởng về một trạng thái an lạc bề mặt.

Có thể nói, thiền định giống như một giấc ngủ ngon lành. Bạn không biết chuyện gì đang diễn ra xung quanh, bạn không rõ biết thân - tâm - cảnh lúc ấy như thế nào. Mọi thứ đều biến dịch, nhưng một người hành thiền định không sáng suốt biết được điều đó. Họ say mê trong sự an lạc mà mình đang tưởng ra. Và họ lầm tưởng rằng sự an lạc đó là giải thoát. Nhưng thực chất, sự an lạc đó cũng vô thường.


Trong cuốn sách "Tự do đầu tiên và cuối cùng", bậc thầy tâm linh lỗi lạc J. Krishnamurti nói rằng thiền định chỉ thuần túy là bồi dưỡng, vun đắp cho sự kháng cự, cho sự tập trung riêng vào một ý niệm mà chúng ta lựa chọn. Bạn xây dựng một bức tường ngăn cách bằng việc tập trung vào một tư tưởng mà bạn chọn rồi tránh né tất cả các tư tưởng khác. Việc chọn an lạc trong thiền định rồi tống khứ tất cả những thứ khác, chỉ tạo ra xung đột, kìm nén và xích mích. Điều này cũng được thiền sư Viên Minh giảng giải rõ ràng trong pháp thoại "Những hiểm lầm khi tu" (1).

Cũng lưu ý rằng, dù thiền định không phải là pháp môn cho sự giác ngộ (thấy ra chân lý), nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi trải qua thực hành này nhận ra rằng thiền định ở một mức độ vừa phải cũng có lợi ích là giúp tâm con người ổn định, có thể dùng như một pháp đối trị (tức khi thực sự cần thiết, như trong thời điểm tâm bị quá loạn).

Dù trong cuộc sống, bạn đang thực hành pháp thiền nào, thì bạn cũng cần hiểu ra nguyên lý của pháp thiền đó. Nếu pháp thiền đó chỉ giúp bạn trụ tâm vào một điểm mà bạn không hề biết rõ những gì đang diễn ra trên thân - tâm - cảnh, thì đó chỉ là đang thực hành thiền định.

Nguyên lý của chánh niệm - tỉnh giác


Chánh niệm - tỉnh giác là sự nhận biết đúng đắn những gì đang diễn ra như nó đang hiện hữu. Trong khi thiền định lại không hề cho bạn sự nhận biết này, mà chỉ là công cụ giúp bạn đắm chìm trong sự bình thản để tìm thấy an lạc.

Có một số người hỏi rằng vậy định trong "giới - định - tuệ" có phải thiền định không? Câu trả lời là hoàn toàn không phải. Định ở đây là sự định tĩnh tự nhiên của tâm. Khi tâm định tĩnh tự nhiên (tức không dùng ý thức để đạt định), ta có thể dễ dàng quan sát những gì đang diễn ra trên thân, trên tâm và ngoại cảnh, từ đó không bị dính mắc vào chúng. Khi ta không bị đồng hóa mình vào những gì đang diễn ra, ấy chính là giải thoát. Thiền sư Ajahn Chah cũng nói rõ điều này trong cuốn "Tâm tĩnh lặng", rằng giới - định - tuệ không tách rời, mà là một. Bạn không thể tách rời hay đi bừng bước theo giai đoạn, như giữ giới rồi mới đến định, rồi mới đến tuệ (tức thấy biết như thật).

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhận ra để có sự tỉnh thức, con người cần có sự nhận biết đúng (tức là thấy ra vô thường - anitya và vô ngã - anattā). Dù một người đạt an lạc trong thiền định nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ nhận biết đúng. An lạc là trạng thái, nhận biết đúng thuộc về nhận thức hay thái độ. Như vậy, nguyên lý của chánh niệm - tỉnh giác nằm ở thái độ luôn hiện diện hoặc có mặt ở thực tại để không dính mắc vào bất cứ điều gì. Bằng cách này, họ sẽ cảm nghiệm sự thật sâu sắc vốn luôn có sẵn bên trong mình, chứ không phải là một an lạc do tưởng tạo ra trong thiền định.

LeLa Journal cũng đã có bài viết "Chánh niệm - tỉnh giác: Liệu pháp cân bằng cho cuộc sống vội vã", bạn có thể đọc chi tiết tại đây.

Chọn thiền định hay chánh niệm?


Nhiều người sau khi biết đến hai khái niệm "thiền định" và "chánh niệm" liền có câu hỏi: Liệu có nên thiền định tầm 30 phút mỗi ngày để tâm an ổn không, hay là dừng thiền định để chọn chánh niệm - tỉnh giác?

Với những người mà tâm đang bị loạn, có quá nhiều suy nghĩ hỗn loạn, bất an, thì nên ứng dụng phương pháp niệm Buddho để định tâm (bạn có thể đọc thêm về niệm Buddho tại đây). Hoặc nếu chọn thiền định thì cần có một sự vững vàng về phương pháp thiền định để không dụng tâm quá sức, dẫn đến căng thẳng thần kinh. Khi tâm định tự nhiên, việc có mặt trọn vẹn với thân - tâm - cảnh ở thực tại, biết rõ mọi thứ như nó đang hiện hữu trong sinh hoạt hằng ngày sẽ dẫn đường cho bạn đến chánh niệm - tỉnh giác. Bạn không cần ngồi xuống để chánh niệm - tỉnh giác, mà đi đứng nằm ngồi gì cũng luôn thận trọng - chú tâm - quan sát lại mình.

Cũng cần nhấn mạnh rằng chúng ta đang làm rõ nguyên lý của hai pháp thiền này chứ không thực hiện so sánh hơn thua giữa chúng. Cả hai pháp thiền không tốt, không xấu, mà điều đó phụ thuộc vào cách ứng dụng và nhận thức riêng của mỗi người. Với người có nhận thức về giác ngộ (thấy ra sự thật/chân lý), họ sẽ chọn chánh niệm - tỉnh giác. Với người đang mong cầu đạt an lạc, họ có thể tìm đến thiền định. Và dù chọn pháp thiền nào, thì đó đều là bài học riêng phù hợp với mỗi người.

Comments


bottom of page