top of page
Tìm kiếm

Phát hiện thú vị: Chim, chuột, chó, mèo đều biết "mơ"

Chúng ta không phải giống loài duy nhất có khả năng ghi nhớ và học hỏi qua giấc mơ. Nhiều phát hiện cho thấy, các loài động vật như chuột, chó, mèo, chim… đều có khả năng mơ về những gì đã xảy ra trong cuộc sống của chúng.



Giấc ngủ REM - cách thức trị liệu qua đêm, củng cố bộ nhớ


Giấc ngủ được chia làm hai giai đoạn chính, thứ nhất là NREM (non-rapid eye movement: giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh), thứ hai là REM (rapid eye movement: giấc ngủ mắt chuyển động nhanh). Trong đó, REM chính là giai đoạn mà con người hay mơ, hoạt động như một cách thức “trị liệu qua đêm” - có thể xoa dịu những ký ức đau buồn và hỗ trợ chúng ta vượt qua những sự kiện khó khăn trong cuộc sống (1).


Đồng thời, mọi thứ chúng ta thấy, mọi cuộc trò chuyện và thông tin chúng ta có trong ngày sẽ được xử lý và lọc lại trong quá trình mơ - nói cách khác REM giúp bộ não tách những ký ức quan trọng khỏi những thứ không quan trọng, duy trì những thông tin bổ ích và xóa đi những thứ không cần thiết (2), (3). Và không chỉ riêng con người, động vật cũng được tiến hóa với khả năng này để có thể “hiểu rõ” hơn về thế giới xung quanh.


Chim và chuột mơ thấy những gì?


Chim vốn là một loài vật yêu thích việc ca hát, chúng hót vào bất cứ lúc nào trong ngày nhưng sống động và thường xuyên hơn vào sáng sớm. Buổi biểu diễn này có tên gọi “điệp khúc bình minh”, bắt đầu sớm nhất khoảng 4 giờ sáng, kéo dài vài tiếng cho đến khi mặt trời mọc và nhiệt độ ấm dần lên (4).


Điều đặc biệt là chim không phải những ca sĩ bẩm sinh. Chúng phải học bằng cách lắng nghe, luyện tập và thậm chí qua giấc mơ (5).

Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy khi hát một bài hát, phần não trước của loài chim phát ra một mô hình riêng biệt. Trong khi chúng ngủ, bộ não tái tạo lại mô hình tương tự, sao chép lại bài hát chúng đã thực hiện trong ngày để giúp các chú chim ghi nhớ.


Chim sẻ đặc biệt được xem là loài có cấu trúc giấc ngủ tương tự như con người, bao gồm cả giai đoạn REM (6). Chúng có khả năng cử động phần cơ thanh âm để khớp với “âm nhạc” đang phát ra trong não khi ngủ mơ. Đồng thời, chim sẻ cũng sáng tác được các phiên bản mới cho bài hát nhờ việc thu thập thông tin khi tỉnh táo và trải qua trạng thái “học hành” khi đang mơ này (7).



Khi con người nhìn vào một bức tranh, một mô hình cụ thể trong não sẽ xuất hiện. Nếu các nhà khoa học nhìn thấy hình ảnh mô hình này khi bạn ngủ, nghĩa là bạn cũng đang nhìn thấy bức tranh đó trong giấc mơ của mình.


Điều này cũng giống với việc chuột nhớ lại ký ức về mê cung. Sau khi tìm đường và chạy quanh một mê cung vào ban ngày, hồi mải mã của chuột (phần não chịu trách nhiệm tạo và lưu trữ ký ức) sẽ ghi nhớ các mô hình thần kinh liên quan đến việc điều hướng mê cung. Khi chuột mơ ngủ, mô hình này sẽ xuất hiện một lần nữa trong não của chúng, chứng tỏ chúng đang mơ về mê cung đã chạy trong ngày (8).


Giấc mơ giúp động vật và con người tìm hiểu về thế giới



Trong giấc ngủ REM này, cả người lẫn động vật thường có xu hướng tưởng tượng ra mọi thứ và tạo nên những kết nối bất thường. Giả sử, các chú chuột sẽ mơ về việc chạy từ điểm này sang điểm khác - giống như đang “dịch chuyển tức thời” qua các phần khác nhau của mê cung. Ngựa có xu hướng chạy trong giấc ngủ và đôi khi, chúng ta có thể thấy được chân của chúng di chuyển (9).


Mèo có khả năng sống trong giấc mơ như thể đang thức, chúng thực hiện các hành động săn mồi, nhảy, chải chuốt hoặc phòng vệ trước các mối nguy hiểm trong khi cơ thể vẫn bất động (10). Những chú chó có thể mơ thấy cảnh đang chuyển mình trên chiếc ghế dài ở bãi biển. Các yếu tố trong giấc mơ sẽ bao gồm cả những thứ chúng ta thích và không thích, chẳng hạn như chó mơ thấy cảnh này vì nó đang cố gắng hiểu tại sao chủ nhân lại “nổi điên” khi nó nhảy lên ghế sofa trong nhà (11).


Khi chó đang ở trong giai đoạn REM, não bộ của chúng chạy qua các liên kết tích cực đã từng được hình thành. Ví dụ, chó biết rằng nếu nó ngồi, nó sẽ được người chủ thưởng thức ăn và đây là một điều rất dễ chịu. Việc ngủ mơ trong REM giúp chó tổng hợp lại những thứ đã học được: “chủ nhân thực sự muốn gì?”, “làm thế nào để có mối quan hệ tốt với anh ta/cô ta?”, “nếu tôi lại nhảy lên ghế sofa thì sao!”...



Giáo sư, nhà sinh học thần kinh Matthew A. Wilson đã nhận định như sau: “Tôi nghĩ câu hỏi thú vị là, tại sao chúng ta và các loài động vật lại mơ? Tôi không nghĩ các giấc mơ mang tính ngẫu nhiên, nó đều có mục đích nào đó, có thể là giúp con người và động vật hiểu rõ hơn về thế giới rộng lớn mà mình đang sống”.

Chúng ta học một điều gì đó vào ban ngày và ban đêm não bộ sẽ phát lại, chọn lọc, ghi nhớ những sự kiện đó, củng cố thông tin sẵn có và đưa ra những kết luận mới để giúp mỗi người giải quyết các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn. Đó là lý do vì sao việc ngủ đủ, ngủ sâu, đặc biệt là bảo toàn trọn vẹn giấc ngủ REM là điều rất quan trọng đối với não bộ cũng như sức khỏe tổng thể.


Nếu bạn chưa biết việc ngủ đóng góp những gì cho cơ thể và tuổi thọ, hoặc ở độ tuổi của bạn cần ngủ bao lâu, ngủ như thế nào cho tốt, hãy tham khảo bài viết về giấc ngủ tại đây.

Comments


bottom of page