top of page
Tìm kiếm

"Phe ta - Phe chúng": Để cảm tình cá nhân không thành sự thiên vị

Đôi khi, chúng ta gặp một người xa lạ nhưng lại "bồ kết" họ ngay tắp lự, có thể vì những lý do rất nhỏ như là cùng quê, cùng trường, cùng hâm mộ idol... Điều này khiến chúng ta mặc định mình và đối phương thuộc về một "phe" và nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ dễ bị cảm tình ban đầu "che mắt" để rồi thiên vị cho đối phương trong một số tình huống. Theo Tâm lý học Xã hội thì chuyện này cũng bình thường thôi, nhưng thử phân tích kỹ hơn xem sao nhé.



Bảo vệ bầy đàn – bài xích kẻ địch: Bản năng đã được truyền lại


Tổ tiên loài người từ xa xưa đã hình thành tâm lý "cùng bầy", "cùng nhóm", "cùng phe", sau đó là quan hệ thị tộc. Trong bối cảnh đó, các cá nhân sẽ hình thành sự ưu ái dành cho những người mà họ nghĩ là thành viên trong cùng một bầy hay thị tộc, từ đó hỗ trợ những người này trong tiến trình săn bắt hái lượm để tìm kiếm thức ăn và duy trì sự sống. Sự ưu tiên dành cho người cùng bầy, cùng thị tộc hình thành được truyền qua các thế hệ và dần trở thành một đặc điểm của con người ngày nay.


Tương tự như thế, tổ tiên chúng ta cũng ý thức được sự phòng bị đối với kẻ địch, bất kể đó là con người ở những bầy, thị tộc khác hay là thú dữ đe dọa tính mạng. Bởi vậy, loài người sớm đã có "thái độ" bài xích và chống lại những người không cùng cộng đồng với mình. Nếu không có bản năng này, loài người từ thời sơ khai đã sớm đối mặt với sự diệt vong do thiếu đi động lực giúp đỡ người xung quanh hoặc rơi vào cảnh bị kẻ địch lấn át về số lượng (1), (2). Cho đến nay, loài người vẫn tiếp tục duy trì bản năng này, cụ thể hơn, chúng ta có xu hướng thích những người mà chúng ta cho là có điểm tương đồng với mình.


Về hiện tượng xã hội này, khoa học nghiên cứu đã đặt ra khái niệm "phe ta" - những con người trong cùng một nhóm (in-group) - và "phe chúng" - những người ngoài nhóm (out-group). Hai khái niệm này có liên quan tới tới căn tính (identity) và tâm lý xã hội của con người.


Ưu ái người cùng phe


Dưới góc nhìn khoa học thực nghiệm, một nghiên cứu nổi tiếng từ năm 1971 đã đưa ra kết luận về cách một cá nhân thay đổi quan điểm khi tin rằng mình đang thuộc về một nhóm nhất định (3).


Cụ thể, nhóm nghiên cứu mời một số học sinh cấp ba tới phòng thí nghiệm để tham gia một buổi đánh giá, tìm hiểu "thị hiếu nghệ thuật". Trong đó, những học sinh này ngắm một loạt các tác phẩm nghệ thuật của hai nghệ sĩ trừu tượng đương đại là Paul Klee và Wassily Kandinsky. Sau đó, các em được chia thành hai nhóm. Nghiên cứu thực sự bắt đầu khi hai nhóm học sinh được yêu cầu chấm điểm cho một loạt các bạn trong và ngoài nhóm của mình.


Kết quả chấm điểm cho thấy những em học sinh này đều thể hiện sự ưu ái rõ ràng đối với những người bạn được tính là cùng nhóm, cụ thể là chấm điểm cho những người này cao hơn những người ngoài nhóm (3), (4).

Mặc dù nhóm học sinh chỉ được phân nhóm vài phút trước khi chấm điểm, các em vẫn ý thức được về nhóm của mình và có xu hướng thiên vị những người này, đồng thời tỏ ra phân biệt hơn, bớt ưu ái hơn với người ngoài nhóm. Điều này dẫn tới một kết luận quan trọng về cách thức vận hành của xã hội.


Một nhóm chỉ tồn tại khi các cá nhân nhận thức được sự tồn tại của nhóm đó.


Tâm lý thiên vị người "cùng phe"


Sự ý thức về căn tính trong nhóm/cộng đồng lại gắn với sự ưu ái cho người cùng nhóm, đồng thời tạo nên tâm lý phân biệt đối xử với người ngoài nhóm.


Đây là tình trạng "thiên kiến phe ta" (in-group bias), tức là thiên vị người cùng nhóm, cũng chính là hiện tượng "công – tư không phân minh" trong xã hội.

Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà tâm lý học tại Thái Lan nhận thấy cặp hiện tượng "ưu ái-phân biệt" này xuất hiện một cách tự nhiên (5). Cụ thể, gần 60 khách thể được chia thành 3 nhóm, với hai nhóm ủng hộ hai đảng phái chính trị khác nhau và một nhóm có quan điểm chính trị trung lập tại Thái Lan.


Mỗi nhóm được phát một số tiền lớn để các thành viên tự quyết định số tiền mà họ trao cho nhau. Kết quả cho thấy những thành viên cùng nhóm cho nhau số tiền cao hơn nhiều so với mức họ cho những thành viên ngoài nhóm. Đặc biệt, hai nhóm với quan điểm đối lập sẽ trao cho nhau số tiền ít hơn nhiều so với con số mà họ trao cho nhóm trung lập. Điều này cho thấy sự ưu ái cho người cùng nhóm và sự phân biệt đối xử với người ngoài nhóm đã tạo nên khoảnh vênh trong số tiền mà các cá nhân quyết định cho đối phương. Kết quả này có liên quan tới "Lý thuyết Xung đột Thực tế" (Realistic Conflict Theory) khi chúng ta có xu hướng phân biệt đối xử một nhóm với nhiều nguy cơ đe dọa hơn (5).


Cho nên việc bạn thi thoảng phân biệt đối xử với người lạ thì cũng là... chuyện thường thôi.

Đặc biệt, một số nhóm văn hóa nhất định sẽ có khuynh hướng thiên vị người cùng phe nhiều hơn. Thông thường, những người đến từ Hoa Kỳ hoặc Tây Âu có xu hướng đề cao tính cá nhân và ít bị ảnh hưởng bởi điểm tương đồng giữ những người "cùng nhóm". Trái lại, văn hóa Á Đông, đặc biệt là những nền văn hóa có truyền thống lâu đời, lại có xu hướng đánh giá cao những yếu tố như cùng quê, cùng tham gia một hội nhóm, cùng theo một tôn giáo (6).


Do đó, để duy trì những mối quan hệ trong sáng và đưa ra quyết định công tâm, độc giả có thể lưu ý một số điều LeLa Journal tổng hợp dưới đây.

  • Khi gặp một người lạ, bạn nên tìm một điểm chung khiến hai người trở nên gần gũi hơn và thường xuyên đề cập đến vấn đề đó. Thực tế là mọi người không giống nhau ở điểm này thì cũng giống ở điểm kia. Vậy nên, khi gặp người lạ, đừng ngần ngại bắt chuyện để hiểu thêm về họ, từ đó tìm ra những điểm tương đồng để dễ dàng đồng cảm, chẳng hạn như cách cảm nhận nghệ thuật hoặc cả hai từng có những trải nghiệm nào tương tự hay không... (7)

  • Đưa ra quyết định sau khi cân nhắc chu toàn mọi khía cạnh. Hãy tỉnh táo để không bị tâm lý "phe ta" làm mờ mắt. Ví dụ, nếu vì thiên vị một người bạn mà muốn trách mắng một người khác, hãy có thêm một bước cân nhắc xem liệu người kia có đáng phải chịu trách phạt như vậy hay không, hoặc họ có điểm chung gì với mình hay không...

  • Bồi đắp tình yêu thương dành cho mọi người bằng sự công tâm, ít kỳ thị lẫn phán xét. Vì dù sao, chúng ta đều là con người và tử tế là điều nhân văn nhất mà con người có thể trao cho nhau.

  • Tìm ra điểm giới hạn của sự ưu ái và thiên vị. Chẳng hạn, thi thoảng trong nhà "con hát mẹ khen hay" cũng là chuyện không ảnh hưởng tới ai. Tuy nhiên, nếu câu chuyện không còn gói gọn trong nhà mà trở thành trong làng ngoài xóm, thì chúng ta không thể yêu cầu tất cả mọi người đều phải ưu ái "khen hay" và nghe "con mình" hát suốt ngày.



Comments


bottom of page