top of page
Tìm kiếm

Phong tục ngày Tết: Những điều nên và không nên làm vào đầu năm

Quan niệm về việc “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vẫn len lỏi và tồn tại trong xã hội hiện đại ở nhiều nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, người Việt luôn có những phong tục cổ truyền được lưu giữ đến ngay nay với mong muốn rước lộc vào nhà và xua đuổi vận đen, để từ đó có niềm tin vào một năm mới thuận buồm xuôi gió.

Hãy cùng Lela Journal điểm qua những phong tục cổ truyền của ngày Tết Việt Nam để có cái nhìn toàn diện hơn về những truyền thống xa xưa vẫn được lưu giữ đến hôm nay.


Đường hoa Tết Quý Mão 2023

Chuẩn bị trước Tết, sắm sửa dọn nhà


1. Bày mâm ngũ quả


Bên cạnh mâm cao cỗ đầy thì năm loại hoa quả đã trở thành một thứ không bao giờ thiếu trên bàn thờ gia tiên kể từ đêm Giao thừa cho đến hết ba mùng Tết. Trong mâm ngũ quả, năm loại trái cây thể hiện những ước nguyện và mong cầu của gia chủ cho năm mới, tuy vậy mỗi vùng miền lại có những cách bài trí đặc trưng khác nhau.

  • Với miền Bắc, mâm ngũ quả tượng trưng cho ngũ hành: Nải chuối xanh tượng trưng cho hành mộc mang ý nghĩa che chở, đùm bọc được bày ở chính diện. Trái bưởi hoặc phật thủ màu vàng tượng trưng cho hành thổ. Trái ớt màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa. Trái đào hoặc lê là màu sắc đại diện cho hành kim. Cuối cùng, trái nho đen tượng trưng cho hành thủy. Số lượng bày biện cho mỗi loại trái cây thường là số lẻ và cách bài trí sẽ xen kẽ nhau để đảm bảo sự hài hòa về màu sắc.

  • Với người miền Trung, việc lựa chọn trái cây sẽ không quá cầu kỳ hay có một quy tắc nhất định vì đặc trưng khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên cây trái vùng này không được đa dạng. Vì lẽ đó, mâm ngũ quả sẽ khá đơn giản, không câu nệ hình thức, người dân có gì cúng nấy miễn thành tâm là được.

  • Mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ và xoài là các loại trái cây trên mâm ngũ quả miền Nam. Lý do bắt nguồn từ tên gọi và cách đọc trại đi của năm loại quả này khi kết hợp lại sẽ ra câu nói “Cầu sung túc vừa đủ xài”.



2. Mua muối trữ trong nhà


Mua muối đầu năm được coi là một tập tục lâu đời được ông bà xưa truyền lại từ câu nói "đầu năm mua muối cuối năm mua vôi". Theo quan niệm của người Việt cổ, muối có thể chống mùi xú uế, xua đuổi tà ma. Bên cạnh đó vị mặn mà của muối còn gợi lên liên tưởng về một gia đình mặn nồng, tình cảm khắng khít. Ca dao cũng từng có câu "Tay bưng dĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau".

Chính vì lẽ đó, việc mua muối đầu năm là một tập quán lâu đời để người Việt có thêm niềm tin vào một năm mới may mắn, vạn sự bình an, gia đạo viên mãn. Thông thường, "muối lộc" sẽ được người bán bỏ vào túi gấm đỏ hoặc những phong bao nhiều màu sắc. Người mua sẽ mang các phong bao đựng muối đặt lên bàn thờ hoặc ở quầy hàng kinh doanh, gửi gắm ước mong một năm làm ăn phát đạt. Những người thường xuyên đi xa thì đặt những túi gấm chứa "muối lộc" trên xe hoặc trong va-li để cầu mong bình an trên dặm đường thiên lý. Ngoài ra, một số đền chùa cũng phát lộc cho thiện nam tín nữ đi lễ đầu năm bằng các bao lì xì đựng muối gạo với ngụ ý ấm no, an lành.


3. Đi cắt tóc


Theo quan niệm xưa, “cái răng cái tóc là gốc con người” vì vậy nếu cắt tóc vào đầu năm mới sẽ ảnh hưởng xấu đến tài lộc và phước phần của người đó trong cả năm, thậm chí đem lại vận xui và nhiều trắc trở. Dẫu chỉ đơn thuần là một "câu chuyện tâm linh" được truyền miệng qua nhiều thế hệ, nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, thói quen của hầu hết mọi người chính là đi cắt tóc để có một vẻ ngoài gọn gàng và tươm tất nhất đón Xuân. Một số tăng ni, sư thầy khi giảng pháp thoại cũng từng nhắc nhở đại chúng rằng trước khi năm mới đến, mọi người cần gột bỏ những thứ còn vướng bận, bụi bặm trên người để đón Tết với lòng thanh tịnh.


4. Tân trang nhà cửa, sắm sửa đủ đầy


Cũng theo quan niệm người Việt xưa, đầu năm là lúc đón nhận niềm vui và "lộc lá", thế nên việc dọn dẹp nhà cửa đầu năm là điều không nên vì sẽ xua đuổi "lộc lá" ra khỏi nhà. Để nhà cửa sạch sẽ và khang trang đón Tết, người dân sẽ mua vôi rải xung quanh nhà như một cách tẩy sạch ố uế và xui rủi năm cũ. Bên cạnh đó, mọi người còn mua hoa chưng Tết, sắm sửa quần áo, thay mới những vật dụng cũ kỹ hoặc hư hỏng, cũng như dự trữ các loại thực phẩm để dư dả dùng trong ba mùng đầu năm… Việc chuẩn bị và sắm sửa mọi thứ đủ đầy chính là một thông điệp gửi gắm đến ơn trên, mong cầu một năm mới không còn phải bộn bề lo toan, mọi điều no đủ, trong ấm ngoài êm.



Ba mùng Tết: Nên làm gì, đi đâu?


1. Xông đất đầu năm


Xông đất, xông nhà hay đạp đất là một tập tục khá phổ biến ở cả ba miền vào ngày đầu năm mới. Theo đó, người xưa quan niệm rằng vị khách đầu tiên đến chúc Tết nếu hạp tuổi, hạp phong thủy với gia chủ thì sẽ mang lại nhiều may mắn và suôn sẻ trong mọi việc xuyên suốt năm. Việc xông đất diễn ra khá đơn giản và nhanh chóng, người được chọn xông nhà sẽ được mời đến nhà kèm theo đó là những bao lì xì, bánh mứt làm quà tặng. Việc chọn người xông đất sẽ dựa vào việc hợp tuổi hay không hợp với tuổi của gia chủ, tránh những tuổi thuộc “tứ hành xung” (những tuổi xung khắc nhau trong 12 con giáp), chọn những người khỏe mạnh, tốt tính và thành đạt trong cuộc sống.


Theo thời gian, tục xông đất cũng thay đổi để phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, đây vẫn là một phong tục không thể thiếu trong ngày đầu năm, dù rằng việc lựa chọn người xông đất cũng không còn quá đặt nặng về tuổi tác, giới tính hay gia cảnh, mà gia chủ chỉ xem người đầu tiên đến nhà là "lộc" đầu năm và khởi đầu cho mọi điều may mắn cả năm.


2. Đi lễ chùa


Không khó để bắt gặp hình ảnh người dân nô nức đi lễ chùa vào ba mùng Tết và đặc biệt là vào đêm Giao thừa. Trong văn hóa Á đông, việc đi chùa cầu an, cầu may đã trở thành một truyền thống không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Dù là xưa hay nay, chùa chiền luôn giữ vai trò quan trọng trong tâm linh người Việt và trong việc duy trì văn hóa tín ngưỡng nên tin chắc rằng việc đi lễ chùa đầu năm vẫn sẽ luôn là phong tục đẹp không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền.


3. Đi chúc Tết họ hàng


Tết là dịp đoàn viên, để họ hàng quyến thuộc cùng tề tựu đông đủ, gửi cho nhau những lời chúc sức khỏe. Chúc Tết đầu năm còn là dịp quây quần của nhiều thế hệ trong gia đình, giúp ôn lại những kỷ niệm trong quá khứ, giúp con trẻ không quên cội nguồn của mình, tạo được sự gắn kết thân tình giữa ông bà - cha mẹ - con cháu, cũng như để khởi đầu năm mới với nhiều niềm vui và tiếng cười sum họp.



4. Lì xì


Mặc dù Tết xưa và Tết nay đã có ít nhiều thay đổi nhưng lì xì vẫn là một nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết Nguyên đán. Có nhiều cách giải thích cho phong tục này nhưng đều mang ý nghĩa chung là lời cầu chúc cho những đứa trẻ tránh xa xui rủi và những điềm xấu.


Ý nghĩa của bao lì xì không nằm ở số tiền mừng tuổi, dù đó là số tiền nhỏ hay lớn, tiền chẵn hay tiền lẻ, tờ tiền cũ hay mới... Giá trị thực chất và nguyên sơ nhất của phong bao lì xì nằm ở tâm thiện chí cùng ý nghĩa tốt đẹp của hành động này giữa người cho và người nhận. Nhận được lì xì không nên mở phong bao trước mặt người cho, cũng đừng nên lựa chọn, so bì hay tị nạnh giữa những người được nhận lì xì với nhau.

Hãy giữ nét đẹp trao-nhận lì xì như một phong tục mang ý nghĩa "lời chúc cao hơn mâm cỗ", để mỗi người chúng ta luôn háo hức mỗi khi nhận những phong bì mừng tuổi này.


Những điều kiêng kỵ vào ngày Tết


Bên cạnh những việc thu hút tài lộc và may mắn, những việc kiêng kỵ cũng được ông bà xưa truyền miệng lại cho con cháu để đầu năm có kiêng có lành, cả năm hạn chế vận rủi.

  • Không quét nhà, đổ rác vào ngày mùng một Tết vì theo quan niệm đã nói ở trên, hành động này sẽ hốt bỏ hết "lộc lá" đầu năm. Nếu nhà cửa có bừa bộn thì cũng chỉ nên gom rác vào một góc hoặc quét bụi vào bên trong nhà, chứ không được hất đổ ra bên ngoài.

  • Không tranh cãi lớn tiếng hoặc than khóc đầu năm vì sẽ làm cho một năm gặp nhiều tai tiếng và không được suôn sẻ.

  • Không vay mượn đầu năm, vì quan niệm "đầu năm mượn nợ cả năm sẽ túng thiếu".

  • Không được đóng cửa, khóa cổng vào thời khắc Giao thừa (hoặc lúc cúng kiếng Giao thừa vào giữa đêm) vì khoảnh khắc này là lúc nghênh đón Thần tài, rước lộc vào nhà.

Một số phong tục và tín ngưỡng lễ Tết đã có từ lâu đời, dĩ nhiên, sẽ khó thể hoàn toàn phù hợp với lối sống tất bật và hiện đại ngày nay. Tuy vậy, hiểu biết một cách trọn vẹn về những lễ nghi tập quán của dân tộc là một điều cần tiếp tục duy trì, gìn giữ. Bởi lẽ, nó không chỉ giúp chúng ta sống tích cực và có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc dân tộc, hướng con người sống đúng với Chân-Thiện-Mỹ mà cha ông để lại.





Comments


bottom of page