Mỗi dịp cuối năm cận kề, suy nghĩ về những khả năng chi trả có thể khiến nhiều người mắc phải “financial trauma” - chấn thương tâm lý do tài chính. Đặc biệt là sau hơn hai năm gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, nhiều người vẫn đang lo lắng cho túi tiền vì mọi thứ đều tăng từ tiền nhà, xăng, điện, nước, duy chỉ có lương thưởng là vẫn giậm chân tại chỗ.
Không chỉ tại Việt Nam mà hầu hết ở mọi nơi trên thế giới, cuối năm luôn là giai đoạn chúng ta phải “chạy deadline” cho rất nhiều sự kiện lớn nhỏ - và tất cả đều tốn bộn chi phí. Từ việc mua sắm quà cáp cho lễ Giáng sinh, chuẩn bị tiệc tùng cho lễ Tạ Ơn, mâm cúng cho đêm Giao thừa, đến việc sắm sửa quần áo mới để đón Tết cổ truyền, cân đối tài chính để thu xếp sẵn những phong bao lì xì mừng tuổi bố mẹ, người thân… Nếu không khéo chi tiêu thì rất dễ rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau, khiến nhiều người căng thẳng, lo lắng và áp lực khi cận kề ngày lễ.
Hội chứng tổn thương tâm lý tài chính là gì?
Theo một cuộc khảo sát của Credit Karma, có tới 52% người trưởng thành tại Mỹ nói rằng cuộc sống của họ đã bị xáo trộn chỉ vì chi tiêu quá mức (1). Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) thì trong năm 2022 có tới 90% người trưởng thành nói rằng việc mất cân bằng tài chính ảnh hưởng rất lớn đến sự khỏe mạnh về tinh thần của họ. Báo cáo cũng nói thêm trong số họ thường xuyên lo lắng, bất an và rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài chỉ vì áp lực chuyện tiền nong (2).
Những âu lo về tài chính không hẳn chỉ xuất phát từ nội tâm mỗi người, mà có thể mang tính thế hệ, xã hội hoặc hệ thống. Chẳng hạn, một người khắt khe trong chi tiêu bắt nguồn từ việc họ được bố mẹ dạy dỗ tiết kiệm từ sớm hoặc đơn giản hơn, họ chịu áp lực xã hội về cân đối thu chi. Hoặc một người thường xuyên có cảm giác kém cỏi so với bạn bè, thua thiệt những người xung quanh, chịu áp lực đồng trang lứa cũng thường xuyên “vung tay quá trán” như một cách để chứng tỏ bản thân.
Bất kể nguồn gốc như thế nào, chấn thương tâm lý do tài chính vẫn mang tác động tiêu cực lên cách mỗi người sử dụng tiền bạc. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu thêm những gợi ý để có thể giải quyết vấn đề chi tiêu trước khi ngày lễ gõ cửa nhé.
Đối diện với thực tại
Trốn tránh đối mặt với tiền bạc là một trong những cách chúng ta chạy khỏi những rắc rối, nhưng chính vì thế mà hệ quả càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn thường xuyên bỏ qua việc kiểm tra các hóa đơn, không đụng tới sổ sách và tài liệu kế toán hay chỉ đơn giản không muốn bàn tới bất cứ vấn đề nào liên quan tới tài chính. Hành vi lảng tránh và thờ ơ xuất hiện ở những người thường xuyên cảm thấy sợ hãi hoặc bất an mỗi khi nghĩ đến việc cân đối chi tiêu (3).
Bạn phải biết bản thân đang ngốn tiền vào đâu nhiều nhất thì mới có thể kiểm soát được tình hình. Nếu không được giải quyết kịp thời, không chủ động kiểm soát chi tiêu thì về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả khiến tình hình tài chính cá nhân trở nên bất ổn.
Chú trọng tính ứng dụng và thiết thực khi mua sắm
Càng bước vào dịp cuối năm, tại các siêu thị, cửa hàng thời trang hay các sàn thương mại điện tử đều có chương trình giảm giá hàng loạt các sản phẩm. Nếu ham rẻ mà quên đi tính ứng dụng của sản phẩm (như là nó có phù hợp với bản thân hay không, có thể sử dụng thiết thực được không, hoặc mua về để làm gì…) thì bạn chỉ mang thêm những món đồ không cần thiết về nhà. Vừa không có hiệu quả kinh tế vừa choáng chỗ chật nhà, và mỗi khi nghĩ tới số tiền đã tiêu tốn thì trong lòng lại dâng trào cảm xúc tiếc rẻ. Để tránh trường hợp đó xảy ra, bạn nên ghi chép lại những món đồ thực sự cần thiết trước khi mua và so sánh giá cả trên các gian hàng được khuyến mãi, như vậy sẽ tránh được việc vung tay quá trán.
Bên cạnh đó, Giáng sinh cũng là dịp phố phường thay màu áo mới và nhiều nơi bắt đầu bày bán những vật phẩm trang trí Noel. Cũng chính vì sự lung linh, đẹp đẽ của cây thông, vòng hoa, hay những ngọn đèn sáng lấp lánh mà nhiều người không ngần ngại mua về dù chỉ sử dụng những món đồ trang trí ấy trong một thời gian ngắn rồi bỏ xó đến năm sau mới dùng lại, hoặc thậm chí vứt đi do không còn chỗ chứa. Thói quen không kiểm soát được chi tiêu sẽ phải khiến bạn vật lộn ít nhiều với những hóa đơn cuối năm, nên trước khi quyết định "chốt đơn", hãy viết ra 3 lý do thực sự mình cần mua sắm. Đồng thời, bạn cũng nên xem xét nếu như không mua món đồ ấy thì có ảnh hưởng gì tới cuộc sống hiện tại hay không. Đừng để thị giác đánh lừa rằng bạn cần chúng mà không cân nhắc lại túi tiền.
Đừng sợ người khác đánh giá
Đừng tự gây áp lực cho bản thân bởi những giá trị bên ngoài. Không phải cứ có đôi cao gót xịn, một chiếc đồng hồ đắt tiền là sẽ được người khác tôn trọng. Hạnh phúc tới từ những điều nhỏ nhặt, là quá trình khiến cho mình cảm thấy “đủ” mỗi ngày. Không hiếm những bạn trẻ dành một tuần lương để mua một chiếc váy mình yêu thích và sau đó chỉ mặc một lần. Bởi vì chỉ đăng hình chụp với chiếc váy lên mạng xã hội là sẽ trở thành đồ cũ ngay.
Hãy để những món đồ trở về đúng giá trị thật của nó. Hãy mua và tiêu đúng trong khả năng, không cần phải gượng ép rằng mùa lễ này phải mua quần áo mới để chụp hình "check-in" với cây thông Noel, hoặc ngày Tết về quê phải lì xì người thân một phong bao dày cộm. Nếu không có nhiều khả năng, cứ chấp nhận không đủ. Như vậy thì không cần phải cố gồng mình lên để trả các khoản nợ sau đó nữa.
Tìm lời khuyên ở những người có chuyên môn
Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia trị liệu tâm lý, hoặc những người có chuyên môn về hoạch định tài chính, họ có thể tư vấn, giúp đỡ bạn vượt qua phần nào các khó khăn (4).
Ngoài ra, giảm bớt nỗi hổ thẹn hay tự ti xung quanh các hành vi tài chính cũng là một phương pháp hiệu quả. Thay vì đổ lỗi và hà khắc với bản thân, bạn hãy nhớ rằng mình xứng đáng với những điều tích cực và những khủng hoảng tâm lý xảy ra chỉ là do bạn chưa tìm được "đúng thầy, đúng thuốc" mà thôi.
Comentários