top of page
Tìm kiếm

Suy thoái không phải là chuyện trên tivi, suy thoái là chuyện trong túi tiền của chúng ta

Lạm phát, lãi suất tăng, ngân hàng phá sản… những dấu hiệu đang núp dưới "bóng đen" của cuộc suy thoái. Tác động từ chúng sẽ tiếp tục lấy đi công việc, đục khoét túi tiền và bào mòn cuộc sống của bạn dù bạn muốn đối mặt hay không.


Chỉ tính riêng hồi đầu năm đến nay, cụm từ suy thoái (recession) đã bị chỉnh sửa đến 34 lần trên trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hầu hết đều ở phần định nghĩa (1). Nói như vậy để thấy rằng dường như không có định nghĩa xác đáng, đồng thuận nào cho từ này và càng không có cách gì để biết liệu chúng ta đã bước vào suy thoái hay chưa.


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt

Tuy việc xác định suy thoái có thể gặp khó khăn nhưng những ảnh hưởng của chúng tới cuộc sống hằng ngày lại xuất hiện từ rất sớm. Dù là một người nội trợ, một nhân viên cần mẫn, một sinh viên hay một nhà đầu tư nhỏ lẻ… suy thoái vẫn sẽ tìm thấy bạn và khuấy đảo mọi thứ.

Bạn có thể bị sa thải và giảm lương


Suy thoái kinh tế thường đi đôi với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Khi thị trường có chiều hướng xấu, các công ty bắt đầu cắt giảm quy mô nhân sự và kể cả nếu bạn vượt qua được "cơn bão" sa thải, doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách giảm lương. Một cuộc khảo sát vào năm 1997 tiết lộ các nhà quản lý ở 184 công ty tin rằng nếu lương bị cắt giảm 10% thì nỗ lực của nhân viên cũng sẽ giảm xuống tương ứng 10% (2). Thế nhưng, tình thế cấp bách buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp chi phí và chuyện giảm thu nhập nhân viên là điều không thể tránh khỏi.


Thực tế, trong tháng 2 vừa qua, công ty TNHH PouYuen Việt Nam - doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP.HCM - đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng với 3.000 người (chiếm hơn 5% số lao động tại công ty này) do tình hình kinh tế khó khăn (3).


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt

Khi thị trường việc làm bị ảnh hưởng, hàng ngàn người lao động phải đứng giữa những ngã rẽ trong công việc, hoặc phải từ bỏ công việc quen thuộc và đổi hướng một ngành mới, hoặc phải xây dựng lại sự nghiệp từ đầu. Với những ai còn giữ lại được vị trí của mình, việc tăng lương hay lên chức trở nên khó khăn hơn. Một loạt dự định tương lai như kết hôn, sinh con, mua nhà có thể sẽ phải gác lại khi công việc của họ lao dốc.


Thu nhập cá nhân từ đồng lương bị ảnh hưởng chỉ là cái thúc đầu tiên cho những "cú ngã domino" tiếp theo khi mà chất lượng cuộc sống của bạn bị suy giảm, gánh nặng chi phí liên tục đè nặng lên gia đình.

Chi phí sinh hoạt tăng cao


Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa vẫn đang tiếp tục leo thang. So với cùng thời điểm quý I năm ngoái, các mặt hàng thực phẩm đã tăng 4.41%, giá điện tăng 2.71% và giá gạo tăng 2.24%. Cá biệt, học phí ở các trường cao hơn năm trước đến 10.3%. Ngoài ra, vật liệu xây dựng tăng cũng kéo theo giá thuê nhà (4). Từ những con số sơ lược trên, có thể thấy tầng lớp sinh viên, người lao động nghèo sẽ bị tác động nhiều nhất khi các nhu yếu phẩm bị đội giá.


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt

Trong thời kỳ suy thoái, hầu hết mọi người sẽ tìm cách thắt lưng buộc bụng và giảm chi tiêu. Thế nhưng, giá cả tăng đồng nghĩa với việc họ không thể đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Để trang trải cuộc sống, nhiều người phải phụ thuộc vào thẻ tín dụng để chi trả các sinh hoạt cơ bản, dù biết lãi suất của chúng và các khoản phạt nợ quá hạn rất cao.


Một khi mất khả năng kiểm soát trước các khoản nợ tín dụng ngày càng tăng, để "lãi mẹ sinh lãi con", bạn có thể vào danh sách "đen" của các ngân hàng và gặp khó khăn khi vay vốn kinh doanh, mua nhà sau này.


Giá trị các khoản đầu tư bị suy giảm


Các hoạt động đầu tư sẽ gặp nhiều biến động theo diễn biến nền kinh tế. Cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh trong suy thoái và các nhà đầu tư sẽ rút chân ra khỏi các công ty yếu kém ngay khi chúng phát ra tín hiệu xấu. Thế nhưng, "hiệu ứng bầy đàn" có thể khiến cho cổ phiếu của những công ty đang hoạt động tốt cũng bị lao dốc. Đó là lý do vì sao nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang bị định giá thấp hơn so với giá trị thực (5).


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt

Trong thời kỳ suy thoái, nhiều người sẽ chuyển qua trái phiếu, một loại hình đầu tư ít rủi ro hơn. Trái phiếu của các công ty có tài chính ổn định và tài sản bảo đảm thường sẽ tạo ra sự an tâm cho các nhà đầu tư, nhưng mặt khác, bạn cũng không thể trông đợi vào việc trái phiếu sẽ mang đến lợi nhuận cao như trong thời kỳ ổn định.


Suy thoái cũng là giai đoạn vô cùng khó khăn với những ai đang đầu tư vào bất động sản từ nguồn vốn vay ngân hàng. Lãi suất tăng cao khi lương giảm và công việc của bạn đang bấp bênh sẽ càng gia tăng áp lực trả nợ hàng tháng.


Bằng nhiều cách hoặc nhờ… may mắn, chúng ta có thể sống sót qua cơn bão suy thoái nhưng khi nhìn vào khối tài sản bị cuốn bay đi, khoản tiền tiết kiệm bấy lâu bị hao hụt, ta mới cảm nhận rõ ràng những "vết sẹo" chúng để lại cho mình.

Liệu tình hình có khởi sắc không?


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt

Câu trả lời là có. Suy thoái là một giai đoạn của chu kỳ kinh tế, có nghĩa rằng khi đã chạm mức đỉnh điểm, tình hình ảm đạm sẽ đi qua và nền kinh tế dần hồi phục. Điều mà chúng ta có thể làm bây giờ là hạn chế những tổn thương kinh tế mà suy thoái tạo ra, giúp bản thân có một đòn bẩy tốt hơn khi nền kinh tế quay lại nhịp tăng trưởng.


Khi nhìn thấy một số dấu hiệu của cuộc suy thoái, hãy chuẩn bị tài chính cá nhân thật ổn định và suy nghĩ cẩn thận trước khi muốn nhảy việc. Bạn nên thanh toán các khoản nợ tín dụng để phòng trường hợp lãi suất tăng quá cao. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khoản tiết kiệm cũng đóng vai trò như một "chiếc khiên" giúp bạn chống đỡ những thay đổi chóng mặt của nền kinh tế. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là hãy chuẩn bị tâm lý để đương đầu với suy thoái một cách thông minh.


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt
Tỷ phú Richard Branson trên hòn đảo của mình - Ảnh: Take Aim Photography

Nếu bạn là một nhà đầu tư, hãy đảm bảo bạn có đủ tiền mặt để trụ lại trên thị trường. Năm 2020, để có tiền tiếp tế cho hãng hàng không Virgin Australia đang bên bờ vực sụp đổ, tỷ phú Richard Branson đã đề nghị thế chấp hòn đảo của mình cho chính phủ Anh để vay 100 triệu USD. Đương nhiên, đó không phải là số tiền lớn nếu so với khối tài sản khổng lồ của vị tỷ phú này (hơn 5 tỷ USD). Thế nhưng, hầu hết tiền của ông đã được đổ vào nhiều công ty, bất động sản, bộ sưu tập khác nhau nên khó lòng xoay trở trước tình thế cấp bách. Cuối cùng, kế hoạch giải cứu đã thất bại và hãng bay phải phá sản (6).


Đây là bài học cho những ai phân bổ các tài sản không đồng đều. Các tài sản lớn thường kém thanh khoản, mất nhiều thời gian để rao bán. Hãy tưởng tượng, bạn cần trả tiền viện phí gấp trong ngày mai nhưng hôm nay vẫn đang phải loay hoay bán mảnh đất của mình. Lẽ tất yếu, bạn phải bán rẻ, bán lỗ để có được tiền mặt tức khắc. Suy thoái cũng là thời điểm mà người ta thường xem "cash is king" (tiền mặt là vua), có tiền mặt nghĩa là bạn vẫn còn cơ hội để lùng sục các loại tài sản bị định giá thấp và vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng.


suy thoái, khủng hoảng, kinh tế, domino, thất nghiệp, sa thải, chi phí, đầu tư, cổ phiếu, trái phiếu, sinh hoạt

Không ai nói trước được một cuộc suy thoái sẽ kéo dài trong bao lâu. Chúng ta có cơ sở để lo lắng về những thời điểm thậm chí còn khó khăn hơn sẽ xảy đến. Đó là điều không ai muốn và phần nào không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là chúng ta có sự chuẩn bị trước để đảm bảo nền tảng tài chính ổn định và tinh thần vững vàng. LeLa Journal mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn được những thông tin cần thiết cho đời sống tài chính của mình.

Comments


bottom of page