top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTú-Anh Nguyễn

Quản lý trí tuệ cảm xúc khi trẻ sa đà vào mạng xã hội

Ngày nay, phần lớn những hoạt động Internet đều diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội (MXH). MXH giúp mọi người liên lạc, kết nối, và thậm chí là dõi theo mọi sự kiện đang diễn ra trên thế giới một cách dễ dàng hơn. Nhưng việc duy trì một đời sống tinh thần lành mạnh trên mạng cũng không phải đơn giản. Năng lực sử dụng trí tuệ cảm xúc (EQ) trên nền tảng mạng xã hội cũng vì thế mà trở nên thử thách và khó quản lý hơn. Vì cảm xúc là thật nhưng những yếu tố gây ảnh hưởng đến cảm xúc trên các MXH đôi khi lại không hề thật.



Năng lực cảm xúc hay trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence hay EQ) là khả năng một cá nhân có thể hiểu rõ về bản thân, có khả năng nhận biết tốt cảm xúc của chính mình, quản lý được hiệu quả cảm xúc và hành vi, có sự cảm thông cho cảm xúc và hoàn cảnh của người khác, cũng như có khả năng thiết lập và duy trì những mối quan hệ tình cảm tích cực, ý nghĩa.


Sự tự tin phụ thuộc vào nút "Like"


Khi bạn đăng hình hoặc một trạng thái nào đó lên MXH cá nhân, mọi người có thể thả tương tác như Love (Tim), hoặc Like (Thích). Điều này có nghĩa là nếu đăng bài mà chẳng ai “Like” thì thật là đau lòng, và việc ngồi đếm Like, đếm Love để đạt được một con số mong muốn cũng có thể gây ra một mức độ stress nhất định.


Cảm giác tốt đẹp về bản thân và sự tự tin của vài người có thể gắn liền với số “Likes” mà họ nhận được. Càng nhiều Likes thì mức độ tự tin của họ càng tăng cao, thế nên việc không có đủ lượng tương tác trên MXH có thể gây ảnh hưởng đến nhận định cá nhân và những vấn đề về sức khỏe tâm lý cho người sử dụng.


Dù rất dễ bị chìm đắm vào cảm giác thích thú đếm Like và lượt tương tác, người dùng cần nhớ rằng số Likes trên MXH "ảo" không có ý nghĩa rằng ta được nhiều người yêu quý hơn, hay làm gia tăng giá trị bản thân hơn trong đời sống thật. Giá trị thực sự của mỗi người đều nhiều hơn những cái Likes và những tấm ảnh.


Khoa học đằng sau những tương tác trên MXH


Ai cũng thích có nhiều “Likes”. Sự thật là việc các nội dung trên MXH nhận được nhiều tương tác cũng mang đến cho bộ não của người dùng cảm giác thích thú và được tưởng thưởng như thể khi ta được ăn ngon, được nhận tiền hay được khen ngợi.


Nhưng cơ chế tưởng thưởng này cũng có mặt trái là người dùng dễ sa ngã vào và nghiện cảm giác ấy, từ đó ngày càng mong muốn nhiều hơn. Các nhà khoa học nghĩ rằng nhiều người, đặc biệt là tuổi teen, rất nghiện việc nhận thật nhiều Likes và sẽ cảm thấy rất tệ khi không có đủ Likes trong một bài đăng. Mặt trái của việc này chính là cảm xúc đã bị ảnh hưởng và chi phối thật sự đáng kể bởi các tương tác không mấy giá trị và ý nghĩa trên nền tảng mạng xã hội.



Những bức hình hoàn hảo


Những hình ảnh và video chúng ta thấy người khác đăng tải lên MXH chỉ là một phần, thậm chí là rất nhỏ, trong cuộc sống của người đó. Những bộ quần áo rực rỡ, những bức hình check-in sang chảnh, những bữa ăn thịnh soạn và cả những ngày mà ngoại hình của họ hoàn hảo. Những gì mà chúng ta không nhìn thấy trên MXH là 90% còn lại của cuộc sống mỗi người - những cuộc cãi vã, những ngày tóc tai bơ phờ, những ngày họ cáu kỉnh và cả những ngày họ thất bại. Tất cả chúng ta ai cũng đều có những ngày như vậy.


Việc quá chìm đắm vào việc theo dõi cuộc sống của người khác và tự lấy đó làm tiêu chuẩn để so sánh với chính cuộc đời của bản thân là việc làm không lành mạnh và sẽ gây nên sự đau khổ. Vì phần lớn ta chỉ thấy những góc nhìn tốt đẹp và long lanh của người đăng tải.


Một định danh cá nhân trên nền tảng online


Trẻ em ở độ tuổi teen đang trong quá trình tìm kiếm và hình thành một định danh cá nhân riêng - đó là cách mà trẻ thể hiện bản thân với người khác trong cuộc sống. Điều tương tự cũng diễn ra trên nền tảng MXH. Trẻ em và cả người lớn đều có một khao khát chứng tỏ định danh cá nhân online bằng cách thể hiện cá tính/hình ảnh/phong cách trên Internet với mọi người quen lẫn không quen.


Chúng ta kiểm soát việc cho mọi người trên MXH nhìn thấy gì và không nhìn thấy gì ở mình. Từng chút một, tất cả những điều mà ta đăng tải trên MXH (hình ảnh, bài viết, trả lời tin nhắn, trả lời bình luận…) sẽ dần dần xây dựng lên một hình ảnh và định danh cá nhân trên mạng.


Hầu hết mọi người có thể có một định danh cá nhân tương tự như tính cách thật ở ngoài đời. Nhưng, thực tế là cũng có nhiều người có nhiều hơn một định danh cá nhân trên nền tảng online và các MXH. Họ có thể có những phiên bản (tài khoản ảo – nick clone) ghê gớm hơn, dữ dội hơn, tự tin hơn phiên bản của họ ở đời thực. Có người còn giả vờ làm một con người hoàn toàn khác hẳn với chính bản thân họ ở đời thực.



Giúp con quản lý tốt cảm xúc khi sử dụng MXH


Giai đoạn dậy thì là giai đoạn mà trẻ có nhiều cảm xúc khó đoán, khó quản lý và cách hành xử nhiều bộc phát. MXH có thể giúp trẻ trở nên tự tin hơn, nhưng cũng gây ra nhiều tình huống oái oăm khó xử cho trẻ. Chính trẻ có thể làm những việc ở trên MXH mà chắc chắn ngoài đời thực trẻ có thể không làm (như nói bậy, bình luận tiêu cực, đăng hình gợi cảm..)


Cha mẹ hãy đồng hành cùng con một cách nhẹ nhàng trên mọi hoạt động ở MXH. Đừng quên đưa ra nhắc nhở để con nhớ rằng mọi thứ khi đã đăng tải lên MHX, nó có thể tồn tại mãi mãi, dù cho con có xóa đi rồi. Vì vậy tốt nhất con đừng nên làm bất cứ việc gì có thể khiến con hối hận về sau.


Nếu cảm thấy con quá sa đà vào MXH, hãy nghĩ ra một vài ý tưởng cùng con “thải độc MXH” bằng cách lập ra một ngày nào đó trong tuần, cả nhà sẽ cùng tránh xa MXH và Internet để cùng làm những hoạt động lành mạnh mà cả nhà và con ưa thích.


Cha mẹ hãy nhớ hai điều quan trọng: MXH có thể là ảo, nhưng cảm xúc con có được từ MXH là thật. Internet và MXH đã ở đây và tồn tại, không thể ngăn chặn hay cấm đoán, thì hãy giúp con có được sự cân bằng và sử dụng lành mạnh.

Comments


bottom of page