top of page
Tìm kiếm

"Quân sư quạt mo": Những lời khuyên thảm họa trong chuyện yêu đương

Ngược lại với các chuyên gia tâm lý vốn được xem như "quân sư tình yêu" đã được đào tạo bài bản để giúp các cặp đôi vượt qua sóng gió, vẫn có rất nhiều "quân sư quạt mo" xung quanh chúng ta. Đó có thể là bạn bè tán gẫu, họ hàng hoặc đồng nghiệp. Xuất phát từ sự yêu quý và quan tâm, họ luôn mong muốn đưa ra những lời khuyên tốt đẹp, chỉ là hiệu quả thì... khác xa. Thử cùng LeLa Journal điểm qua một vài lời khuyên nghe thì có lý, mà ngẫm kỹ thì khá "vô tri".



"Đừng cãi nhau nữa, cứ im lặng cho qua chuyện đi"


Hãy cẩn thận khi nghe "quân sư quạt mo" tư vấn điều này. Bởi im lặng có thể là cách làm gián đoạn tạm thời những căng thẳng đang leo thang, nhưng đó chưa bao giờ là một giải pháp hiệu quả trong những tình huống xung đột. Trên thực tế, theo các chuyên gia trị liệu cặp đôi, một mối quan hệ trở nên yên ắng có thể là một mối quan hệ đang tiến tới hồi kết. Vì khi im lặng trở thành một xu hướng giải quyết xung đột thì "chiến tranh lạnh" (stonewalling) sẽ xảy ra, và đây chính là một trong tứ Kỵ sĩ Khải huyền của tình cảm - một nguyên nhân hàng đầu gây đổ vỡ mối quan hệ.


Khi những trận cãi vã nảy lửa xảy ra, phản ứng bình thường của cơ thể là sinh ra những trạng thái như khó thở, bế tắc hoặc choáng ngợp. Theo Giáo sư John Gottman, điều này có thể hiểu được, thế nhưng lựa chọn "im lặng" để giải quyết xung đột là điều mà các cặp đôi nên tránh chứ không phải như các "quân sư quạt mo" thường tư vấn.

Thay vào đó, liều thuốc tốt nhất lúc này theo Giáo sư John Gottman là đưa ra tín hiệu tạm thời dừng lại. Tuy nhiên, điều này khá khó để thực hiện vì có thể thúc đẩy thêm căng thẳng giữa hai người, đặc biệt là khi một người đột ngột rời khỏi cuộc nói chuyện hoặc từ chối đối thoại.


Vậy nên, những gì mà cả hai cần làm là thống nhất trước về cách dừng lại phù hợp và dễ nhận biết. Hãy nghĩ đến một tín hiệu trung lập mà hai người có thể sử dụng để cho nhau biết khi nào một trong hai sắp rơi vào tình trạng "giọt nước tràn ly". Đó có thể là một từ, một cụm từ, một chuyển động cơ thể hoặc đơn giản là giơ cả hai tay vào tư thế "dừng lại" hoặc "đầu hàng" (1).


Sau đó, chúng ta cần phải rời đi và tự làm điều gì đó nhẹ nhàng để ổn định lại tinh thần. Thời gian nghỉ này sẽ kéo dài ít nhất 20 phút vì cơ thể cần khoảng chừng đó thời gian để bình tĩnh về mặt sinh lý (1). Sau đó, hãy bắt đầu trở lại giải quyết những vấn đề tồn đọng, nếu đó là những vấn đề muôn thuở không giải quyết được, có thể tham khảo thêm bài viết mà LeLa Journal từng đề cập tại đây.



"Cứ nhận sai đi, kiểu gì người ấy cũng sẽ quên thôi"


Buông bỏ cái tôi của bản thân là một cách hay để cho người kia thấy chúng ta trân trọng mối quan hệ và hướng đến những điều tích cực. Thoạt đầu, lời khuyên này nghe qua thì cũng hợp lý, thế nhưng ngẫm kỹ thì không. Bởi vì không chỉ cần công nhận cảm xúc của người yêu, chúng ta cũng phải công nhận chính cảm xúc của bản thân nữa. Việc dập tắt những suy nghĩ và rối rắm của mình để hướng về những điều tích cực được "tô vẽ" hứa hẹn chỉ mang đến cái lợi trước mắt mà không hề tốt cho lâu dài. Đây được gọi là sự tích cực độc hại (toxic positivity) - tác nhân dẫn đến sự xa lánh và mất kết nối.


Một số nghiên cứu cho thấy những người tránh né những cảm xúc tiêu cực của chính mình sẽ cảm thấy tồi tệ hơn sau này (3).

Theo nhà tâm lý Tabitha Kirkland, Giáo sư thỉnh giảng tại khoa Tâm lý học thuộc Đại học Washington (Hoa Kỳ): "Sự tích cực độc hại là cách chúng ta phản ứng trước nỗi đau của bản thân hoặc của người khác và có thể bị xem như sự thiếu đồng cảm. Nó gạt bỏ cảm xúc thay vì nhìn nhận chúng, bởi lẽ những cảm giác ấy mang đến sự khó chịu. Bằng sự tích cực độc hại, chúng ta muốn làm cho ai đó cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng nó thường không mang lại hiệu quả như mong muốn mà lại khiến người khác im bặt, không còn muốn chia sẻ thêm nữa" (4).


"Tức nước vỡ bờ", đến một ngày, tất cả những tiếng nói kìm nén trong lòng và không được giãi bày sẽ quay trở lại "báo" chúng ta. Vậy nên, điều quan trọng là cặp đôi nhận ra được bản chất của vấn đề để có phương án đối thoại phù hợp.



"Ghen có nghĩa là yêu đó, không sao đâu"


Hoàn toàn không! Ghen tuông có thể là một biểu hiện dễ bắt gặp trong các mối quan hệ tình cảm lãng mạn, nhưng nó không được coi là một đặc điểm của tình yêu như nhiều người vẫn nhầm lẫn.


Ghen tuông không phải là tình yêu, ghen tuông là một hiện tượng phức tạp được định nghĩa là "nhận thức về sự đe dọa bị đánh mất mối quan hệ quý giá vào tay đối thủ thực sự hoặc tưởng tượng" (5). Mặt khác, tình yêu lại là một cảm xúc tích cực liên quan đến sự quan tâm và cảm tình của chúng ta dành cho ai đó.

Trong một nghiên cứu, các tác giả đã tiến hành đánh giá hơn 40 nghiên cứu, qua đó tìm ra hơn 30 nghiên cứu nêu lên những điểm tiêu cực từ việc ghen tuông trong khi chỉ có khoảng 8 nghiên cứu bàn về mặt tích cực của hành vi này (6). Trong đó, đa phần các mặt tiêu cực đều xảy ra khi ghen tuông trở nên quá đà và trở thành một biểu hiện của sự chiếm hữu - khác xa với đặc tính của tình yêu là chia sẻ và cảm thông. Ở một mức độ bình thường, hành vi này có thể chấp nhận được vì nó thuộc về bản năng. Thế nhưng, nếu để chính bản thân hoặc đối tác rơi vào tình trạng căng thẳng vì ghen tuông thì hãy cẩn thận, bởi đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ.


Để hiểu hơn về bản chất của ghen tuông và có những giải pháp xác đáng hơn, mời bạn đọc tham khảo bài viết Ghen tuông là biểu hiện của tình yêu: "Đúng nhận sai cãi" dưới góc nhìn khoa học trước khi lắng nghe lời khuyên của "quân sư quạt mo".



"Có chắc rằng hai người là một nửa của nhau?"


Thật tuyệt vời khi biết rằng mình là "một nửa" của ai đó và họ cũng xem mình là định mệnh của cuộc đời. Thế nhưng, không phải cặp đôi nào cũng may mắn tìm được "mảnh ghép vừa vặn" và nếu nghe theo lời khuyên này thì khả năng giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm sẽ bị giảm đi đáng kể. Vì khi đó, họ sẽ mặc định mọi cuộc cãi vã là minh chứng cho việc hai người không dành cho nhau, không phù hợp với nhau, thế nên tốt nhất là đường ai nấy đi.


Có niềm tin vào định mệnh (destiny belief) là tốt, thế nhưng để nuôi dưỡng tình yêu thì các tâm lý gia cho rằng chúng ta nên quan tâm thêm đến niềm tin vào sự phát triển (growth belief) - đó là tin vào việc các mối quan hệ sẽ phát triển mạnh mẽ khi các đối tác vượt qua thử thách cũng như trở ngại (7).

Để hiểu hơn về mối liên quan và sự tương tác giữa hai kiểu niềm tin có phần đối lập này, mời độc giả đọc thêm những kiến giải khoa học trong bài viết Đi tìm "một nửa định mệnh" trong tình yêu: Là mơ mộng viển vông hay vun vén thực tế?



"Tình yêu thì không thể thiếu tình dục"


Nhiều người cho rằng tình yêu mà thiếu tình dục thì chỉ như tình bạn hoặc tình... "đồng chí", vậy nên việc hòa hợp về tình dục là một tiêu chí quan trọng. Thế nhưng với các học giả, có tồn tại một loại tình yêu được gọi tên là tình yêu thuần khiết (platonic love). Theo Plato, tình yêu được chia ra làm hai loại chính là tình yêu lãng mạn (romantic love) và tình yêu thuần khiết (platonic love) với từ "platonic" được đặt theo tên của Plato (8).


Nói nôm na, đây là một tình cảm đơn thuần "ta yêu một người vì chính con người họ". Ở họ, ta tìm thấy sự đồng điệu về tâm hồn, đức tin và các giá trị trong cuộc sống và ngoài ra không có một kỳ vọng nào khác liên quan đến sự gắn bó và ràng buộc.

Mặc dù tình yêu thuần khiết khó kiếm và không dễ gặp trong thời hiện đại, nhưng nếu bạn vẫn thuộc tuýp người đề cao những giá trị khác trong chuyện tình cảm ngoài tình dục thì hãy yên tâm là vẫn có người phù hợp với mình. LeLa Journal đã có bài viết riêng về "platonic love" tại đây.



"Gặp rắc rối trong tình cảm thì cứ... đi xem bói"


Đi xem bói, coi bài tarot hay xem thần số học để giải quyết rắc rối tình cảm đang là lời khuyên được các "quân sư quạt mo" đưa ra nhiều trong thời gian gần đây. Việc tin vào tâm linh, chiêm tinh và áp dụng nó để tìm ra giải pháp phù hợp là sự tự do lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, những người đang trong giai đoạn căng thẳng và dễ tổn thương có lẽ phải cần nhiều hơn sự giúp đỡ và nâng dậy tinh thần từ những người có chuyên môn cao về điều trị tâm lý. Việc này sẽ giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như nhanh chóng lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống.


Vậy nên, tìm đến các chuyên gia tâm lý, chuyên gia trị liệu cặp đôi uy tín là điều mà chúng ta nên làm nếu đang gặp bế tắc trong mối quan hệ.

Comments


bottom of page