top of page
Tìm kiếm

Những phát hiện thú vị nhân Ngày Quốc tế Bia & Hangover (4-5/8/2023)

Ngày quốc tế Bia & Hangover đầu tiên được thành lập vào năm 2007 tại San Francisco bởi 4 người bạn có niềm đam mê bia bọt. Ban đầu, ngày này chỉ là một lễ hội nhỏ mang tính địa phương, nhưng vì tính lịch sử và niềm đam mê với bia đã được lan tỏa rộng khắp nên nó đã trở thành ngày hội quốc tế cho những người yêu thích món thức uống có cồn này.



Quốc tế Bia được tổ chức vào ngày thứ Sáu đầu tiên trong tháng 8 và ngày thứ Bảy ngay sau đó trở thành ngày Quốc tế Hangover (tạm dịch là chếnh choáng hậu bia rượu).

Ngoài ngày 4/8, nhiều ngày và lễ hội khác cũng được tổ chức ở nhiều nước, nhằm "uống mừng" thức uống lên men phổ biến này. Chẳng hạn, ở Iceland là ngày 1/3, lễ hội Oktoberfest tại Đức, Ngày Những người yêu Bia 7/9 tại Mỹ, lễ hội Ceský pivní của Cộng hòa Czech, Mondial de la Bière vào tháng 6 tại Canada, hay Thanh Đảo (Qingdao) vào tháng 8 tại Trung Quốc...


Sở dĩ có ngày quốc tế này là vì bia là thức uống lên men đầu tiên và đã chứng kiến bao thăng trầm của văn minh nhân loại. Để biết vì sao cả thế giới cả thế giới ca tụng món thức uống hơn 5.000 năm tuổi này, hãy cùng Lela Journal điểm qua một vài sự thật thú vị về bia nhé.



1. Bia là phát minh của phụ nữ đã có từ thuở hồng hoang


"Kẻ không biết đến bia thì nào biết điều tốt lành gì" - ngạn ngữ cổ từ nền văn minh Sumer (1).

Nhiều người tin rằng bia, rượu mật (mead) đã xuất hiện từ những ngày đầu phát triển nông nghiệp của nhân loại, khi con người vô tình làm ẩm tinh bột và lên men (2).


Bằng chứng xác đáng nhất về lịch sử ngành sản xuất bia chính là những thợ ủ bia đầu tiên - những phụ nữ người Sumer tại Mesopotamia 5.000 năm trước công nguyên (1), (2), dựa trên những di vật về bình vại, tranh điêu khắc và giai thoại về nữ thần đại diện cho thức uống này – Ninkasi.


2. Nâng cốc, cụng ly bia là biểu tượng của tình bạn


Không giống như thịt cá – những món mà mọi người có sở thích khác nhau về phần thịt - thì bia là món mà chúng ta có thể cùng thưởng thức trong cùng một cái vại. Hương vị bia đồng điệu từ đầu đến cuối và ai cũng có phần như nhau. Chính vì lý do đó mà người cổ đại từ lâu đã xem việc uống chung một ngụm bia từ cùng một cái vại là một phương thức để kết giao.


Ngày nay, tiếng leng keng của những ly bia va vào nhau mang hàm nghĩa họp mặt đủ đầy.



3. Bia từng được dùng kèm ống hút thay vì ly


Trước khi phát minh ra các bình gốm nhỏ, người cổ đại nấu bia trong những cái vại, chum lớn... nên người thưởng thức phải dùng ống hút. Trong hình là tranh điêu khắc ở các di chỉ cho thấy một nhóm người xách những chiếc vại và que cắm đi thưởng rượu trong buổi yến tiệc.



3. Bia từng là một dạng đơn vị tiền tệ để trả công


Trái với quan niệm thông thường, những công nhân xây dựng kim tự tháp không phải nô lệ mà được trả công hẳn hoi, với 10 panh (pint - 1 pint xấp xỉ 500ml) bia cho mỗi ngày công.



4. Xu hướng mới: Phục chế công thức bia cổ đại


Nhìn vào sự vĩ đại và đồ sộ của Kim tự tháp, người viết tin rằng bia Ai Cập cổ đại hẳn phải rất tuyệt thì những người công nhân mới có đủ động lực để dựng nên công trình trường tồn tới mức ấy.


Dựa trên những bài vè và ghi chép cổ, nhiều xưởng ủ tư nhân hiện đang có xu hướng tái hiện lại hương vị bia cổ đại. Một nghiên cứu sinh người Trung Quốc đã tái tạo lại hương vị bia cổ từ ngũ cốc, gồm hạt kê và lúa mạch, và thậm chí là ý dĩ (3); một nhóm thợ nấu bia khác thì sử dụng phương pháp nóng-lạnh kết hợp của người Ai Cập cổ để cho ra vị nguyên bản của bia thời kỳ đầu (4).



5. Phụ nữ và thầy tu (cả nữ tu) nấu bia ngon hơn


Sản xuất men bia và chưng cất vốn là công việc của nữ giới từ thời xa xưa từ trước đến giờ bằng cách lên men tinh bột. Cho đến khi hoa bia (hop) được đưa vào sản xuất bia, phụ nữ vẫn chiếm vai trò lớn từ làm chủ xưởng, phối trộn công thức cho đến chưng cất (5).


Đàn ông chỉ bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp bia vào cuối thế kỷ 18, khi muốn "chiếm dụng" nghề chưng cất của phụ nữ.


Đạo Công giáo đã góp phần mở ra những xưởng ủ bia ngon nhất châu Âu từ thời Trung Cổ. Các tu viện khi đó là nơi chứa lượng kiến thức đồ sộ và được tiếp cận với nhiều tài liệu kỹ thuật, nên các tu sĩ, mục sư là những người thợ ủ bia ngon nhất vào thời đó (và có lẽ là cả đến ngày nay).


6. Lệnh cấm bia đã tạo ra một công thức bia mới


Budweiser, một trong những dòng bia loãng

Trong giai đoạn bị cấm sản xuất và tiêu thụ tại Mỹ những năm 1920s, các nhà chưng cất, vì để cứu vãn cơ ngơi, đã pha loãng bia với nước để lách luật. Việc này đã tạo ra một công thức pha bia mới, tương tự như sự ra đời của Long Island - một món cocktail giống màu "trà đá", được pha từ rượu và Coca để tránh tai mắt của nhà cầm quyền.


7. Tận hưởng trọn vẹn ngày Quốc tế Bia cũng... tốn công phu



Điều thú vị cuối cùng về ngày Quốc tế Bia, như chúng ta đã nhắc tới, là việc ngay sau nó là ngày Quốc tế Chếnh choáng hậu bia rượu. Có vẻ như những người tổ chức rất tâm lý khi biết rõ rằng những "ma men" cần một ngày để hồi phục sau cơn say.

​Tất nhiên, LeLa Journal không khuyến khích bạn uống say quá độ, nhưng nếu đã quyết tâm tận hưởng cuối tuần này mà không muốn quá mệt mỏi hậu bia rượu, bạn hãy cân nhắc về một số loại thực phẩm trước, trong và sau khi uống (6), (7): - Trước khi uống:

  • Ăn trứng, chuối, đặc biệt là bơ hoặc một số thực phẩm chứa chất béo giúp "tráng" dạ dày trước khi hấp thụ chất cồn.

  • Tránh ăn các loại thực phẩm chứa nhiều muối và carb xấu.


- Trong khi uống:

  • Dù "bữa uống" rất vui, bạn cũng hãy chú ý tới tốc độ uống để không nạp đồ uống cồn vào người quá nhanh.

  • Tiếp tục giữ nước cho cơ thể bằng việc uống nước lọc xen kẽ.

  • Hạn chế uống các món pha với caffeine.


- Sau khi uống:

  • Hãy ngủ đủ để cơ thể được hồi phục.

  • Uống đủ nước lọc, hoặc sử dụng thêm nước dừa, nước chanh tươi (ít đường hoặc không đường).





コメント


bottom of page