top of page
Tìm kiếm

Nam giới cũng bị rối loạn ăn uống: Khi hình thể lý tưởng trở thành "gánh nặng" tâm lý

Nhắc đến các chứng rối loạn ăn uống, chúng ta thường nghĩ đến nữ giới, đặc biệt là các cô gái tuổi teen quá tập trung vào ngoại hình và cân nặng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy hiện có khoảng ¼ số người mắc chứng rối loạn ăn uống là nam giới (1).



Rối loạn ăn uống (eating disorders) là các chứng bệnh có nguồn gốc tâm lý, biểu hiện bằng việc người bệnh tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, dẫn đến những tác hại tới sức khỏe thể chất và tinh thần.

Một số chứng rối loạn ăn uống phổ biến gồm (2):

  • Chứng chán ăn tâm thần – cố gắng kiểm soát cân nặng của bạn bằng cách không ăn đủ thức ăn, tập thể dục quá nhiều hoặc làm cả hai.

  • Rối loạn ăn uống vô độ – ăn nhiều thức ăn cho đến khi bạn cảm thấy no một cách khó chịu.

  • Chứng cuồng ăn – mất kiểm soát đối với việc bạn ăn bao nhiêu và sau đó hành động quyết liệt để không tăng cân.

  • Rối loạn né tránh/hạn chế tiếp nhận thức ăn - rối loạn ăn uống do không hứng thú với việc ăn uống hoặc chán ghét chán ghét một số mùi vị, màu sắc, kết cấu hoặc nhiệt độ của thức ăn.

  • Bên cạnh đó, một hành vi rối loạn phổ biến là ăn rồi nôn mửa.

Theo nghiên cứu năm 2007, báo cáo rằng 25% trường hợp chán ăn và ăn vô độ là nam giới (3). Tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống ở nam giới đang gia tăng, cụ thể từ năm 1999 đến 2009 nam giới nhập viện vì rối loạn ăn uống đã tăng 53% (4). Theo Hiệp hội Rối loạn Ăn uống Quốc gia (tại Hoa Kỳ), cứ ba người thì có một người đang phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống là nam giới và ước tính có khoảng 10 triệu nam giới sẽ phải vật lộn với chứng rối loạn ăn uống vào một thời điểm nào đó trong đời (5), nhưng dường như xã hội và ngay cả giới khoa học cũng đã bỏ quên nhóm đối tượng nam giới khi nhắc tới các căn bệnh này.


Hình ảnh người đàn ông dành nhiều thời gian tập luyện và đo đếm lượng protein nạp vào đã quá quen thuộc trong xã hội ngày nay, vậy theo định nghĩa trên, đó có được coi là rối loạn ăn uống không?


Rối loạn ăn uống ở nam giới đang bị xem nhẹ


Các nhà nghiên cứu ngày nay đã nhận định rằng nam giới đang đối mặt với nguy cơ mắc rối loạn ăn uống cao hơn và theo hai hướng trái ngược nhau. Cụ thể, một nhóm chuộng hình dáng cơ thể gầy và mỏng như một số người mẫu nam trên sàn diễn, từ đó mắc các chứng rối loạn chán ăn tâm thần hoặc có hành vi ăn rồi nôn mửa; nhóm còn lại thì có xu hướng quá chú ý tới những khiếm khuyết cơ thể lẫn việc phát triển cơ bắp, dẫn tới thói quen tập tạ nặng quá độ và thậm chí là sử dụng chất kích thích hormone nam (steroid hormone) (6), (7).












Những hình ảnh cơ thể "tiêu chuẩn" thường xuất hiện trên mạng xã hội và từ đó, hình thành quan điểm về những "hình thể đẹp" một cách tiêu cực.


Vào năm 2021, Frances Haugen - người từng giữ vị trí quản lý sản phẩm của Facebook - đã công khai lên tiếng, cáo buộc Facebook là gây ra thiệt hại sẽ ám ảnh cả một thế hệ, khi những hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội đã khiến thanh thiếu niên ngày nay cảm thấy nghi ngờ và bất an ngay cả khi soi gương.

Ở góc độ khách quan, mọi người thường thấy việc nam giới trưởng thành ăn ít, tập luyện quá độ vì chắc hẳn họ muốn có một thân hình săn chắc, hoặc việc họ ăn quá nhiều đến mức mất kiểm soát cân nặng là chuyện bình thường… Điều này khiến chính những người bị rối loạn ăn uống cũng không nhận thức được rằng mình đang mắc bệnh, hoặc tệ hơn nữa là những hành vi rối loạn ngày càng được ủng hộ và vun vén thành niềm tin sai lệch trong lòng họ (8). Như vậy, một số người có thể mất vài tháng hoặc vài năm để thừa nhận họ bị mắc chứng rối loạn ăn uống. Điều này dẫn đến trì hoãn việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia, khiến căn bệnh càng trở nên trầm trọng. Thêm vào đó, khi họ tìm đến sự trợ giúp từ chuyên gia, bác sĩ thì chỉ có khoảng 1% nghiên cứu về chủ đề rối loạn ăn uống ở nam giới (9). Tức là chính giới khoa học cũng chưa nhìn nhận vấn đề này một cách đúng đắn để phát triển các nghiên cứu (8).


Đối với nhiều người, rối loạn ăn uống từ lâu thường được xem như một loại bệnh của riêng nữ giới (7).

Bên cạnh thực tế đó, nam giới thường che giấu việc bản thân bị rối loạn ăn uống. Các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định rằng không như nữ giới, nam giới bắt đầu mắc các rối loạn ăn uống ở độ tuổi muộn hơn, thường là khi họ đã trưởng thành. Đây là một trở ngại lớn, khiến nam giới khó nhận thức được đầy đủ rằng bản thân đang có vấn đề. Niềm tin chủ quan cho rằng chỉ có "nhi nữ thường tình" mới mắc chứng rối loạn ăn uống chính là nguyên nhân đẩy nam giới đến sự kỳ thị và xem nhẹ căn bệnh này (9).



Phái mạnh nên làm gì khi rối loạn ăn uống?


Đáng mừng là nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu đang trở nên cởi mở và có cách nhìn nhận khách quan hơn về chủ đề này (8). Ngoài ra, các tổ chức cộng đồng và xã hội cũng đang thúc đẩy hỗ trợ nam giới nhiều hơn, như là ANAD, NEDA


Khi đã nhận thức được vấn đề rối loạn ăn uống của bản thân, cánh mày râu có thể tìm tới một số liệu pháp sau:

  • Trị liệu nhóm: Các nhóm trị liệu toàn nam giới sẽ giảm thiểu sự e ngại cũng như tổn thương khi đối mặt với thức ăn, hình thể và cân nặng. Liệu phát này có hiệu quả hơn khi giúp nam giới thảo luận về quan điểm của họ về chứng rối loạn ăn uống hơn là chỉ tập trung vào thực phẩm và cách ăn uống (10).

  • Trị liệu hành vi nhận thức (cognitive behavioral therapy): Một hình thức trị liệu tâm lý tập trung vào vai trò của nhận thức trong việc thể hiện cảm xúc và hành vi, đã được chứng minh là có hiệu quả đối với nhiều vấn đề bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống….. Liệu pháp này giúp thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực về việc ăn uống vô độ tăng cơ bắp hay chán ăn (11).

  • Liệu pháp gia đình: Đối với các thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống cần có cha mẹ hoặc người thân bên cạnh để giám sát lượng thức ăn, tần suất và thời gian tập luyện của trẻ. Cha mẹ được hướng dẫn từ các chuyên gia để hỗ trợ kiểm soát chứng rối loạn ăn uống của trẻ một cách tốt nhất.



Có thể nói việc nhận thức đúng đắn về các rối loạn ăn uống ở nam giới vẫn còn là một tiến trình dài của các nhà nghiên cứu lẫn của xã hội. Không chỉ là vấn đề định kiến giới, điều chúng ta thật sự cần lưu tâm vẫn là sức khỏe thân-tâm của từng cá nhân nhỏ bé, bất kể người đó là nam hay nữ.


Comments


bottom of page