top of page
Tìm kiếm

Sang chấn tâm lý ở trẻ em: Hiểu đúng để can thiệp kịp thời

Ngày nay, dù nhận thức của chúng ta về sang chấn tâm lý hay PTSD (rối loạn tinh thần hậu sang chấn) đã được nâng cao đáng kể, nhưng thái độ của phần lớn mọi người đối với những hiện tượng trên vẫn còn khá mơ hồ. Chúng ta không hình dung được rằng mình hoặc con mình có thể đang mắc phải các chứng rối loạn đó.


Một trong những lý do là vì nhiều người vẫn cho rằng sang chấn chỉ xảy ra với những sự kiện bất thường hay những tai họa thật sự lớn như chiến tranh, chứng kiến một vụ giết người, bị bắt cóc, bị bạo lực học đường, bị xâm hại, chị cha mẹ bỏ rơi… Song, sự thật là, trẻ có thể bị chấn thương tâm lý với những sự kiện mà người lớn cho là chẳng đáng kể như bị té ngã, bị phỏng, đi khám bệnh, chó cắn, chứng kiến cha mẹ cãi nhau, chuyển nhà, thú cưng đột ngột qua đời… Để một sự kiện gây căng thẳng thông thường không để lại những vết thương vĩnh viễn cho trẻ, cha mẹ cần hiểu rõ và hiểu đúng về sang chấn tuổi thơ để có cách “sơ cứu” thích hợp cho con.



Nhận diện những biến cố trong đời con


Rất nhiều bậc cha mẹ đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến cố chỉ dựa trên việc nó gây ra cho đứa trẻ tổn thương nhiều hay ít về mặt vật lý. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc họ không thể xác định được sự kiện gây ra cho con những chấn thương về mặt tâm lý. Một vết xước do va quệt được một số người coi là nghiêm trọng hơn một sự thay đổi lớn về chỗ ở. Cha mẹ hốt hoảng một cách không cần thiết khi thấy con trượt ngã trên sàn, nhưng đồng thời không nhìn thấy nguy cơ sang chấn tiềm tàng của những sự kiện tưởng chừng vô hại như chuyển nhà, cha mẹ bất hòa, đi nhổ răng, chứng kiến người khác bị hành hung…


Theo trang The National Child Traumatic Stress Network, có 5 nhân tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng mà sự kiện gây sang chấn có thể tác động lên trẻ (1):

  1. Mức độ nghiêm trọng của sự kiện: Con chỉ bị ngã trên sàn hay là ngã từ mấy bậc cầu thang? Mẹ chỉ đi bệnh viện một chút rồi về hay mẹ nằm trong bệnh viện nhiều ngày? Có xe cấp cứu đến tận nhà không? Có cảnh sát đến không?

  2. Mức độ tiếp xúc với sự kiện: Con tận mắt chứng kiến thấy bố bị xe tông hay con chỉ nghe người nhà kể lại? Con nhìn thấy người chị hàng xóm bị chó cắn hay chính con là nạn nhân?

  3. Phản ứng của người chăm sóc: Gia đình có phản ứng như thế nào trước sự kiện? Cha mẹ có hét lớn và gào khóc không, hay cha mẹ nói với con rằng mọi việc sẽ ổn? Cha mẹ cảm thấy như thế nào về sự kiện chuyển nhà – hào hứng hay tồi tệ? Người chăm sóc trực tiếp của trẻ có nói chuyện về những điều trẻ đang cảm thấy không?

  4. Tiền sử chấn thương: Trẻ có xu hướng phát triển các phản ứng căng thẳng nếu trước đó đã tiếp xúc nhiều với các sự kiện sang chấn.

  5. Yếu tố gia đình và cộng đồng: Cộng đồng nơi trẻ sống có hỗ trợ chữa lành những sang chấn tuổi thơ? Gia đình có nhận thức đúng đắn về sang chấn hay không? Trẻ có đang sống trong một phông văn hóa nơi trẻ cảm thấy hoàn toàn yên tâm và tin cậy để nói ra các vấn đề của mình?

Ngoài ra, tiến sĩ Bruce D. Perry bổ sung thêm yếu tố độ tuổi khi trẻ tiếp xúc với sự kiện. Theo tiến sĩ, trẻ càng nhỏ thì càng dễ bị tổn thương, vì hệ thần kinh của trẻ vẫn chưa phát triển. Một sự kiện sang chấn sẽ để lại vết thương sâu sắc cho một đứa trẻ 2 tháng tuổi, đến nỗi đứa trẻ ấy khó có khả năng bình phục dù sau đó đã được cách ly khỏi môi trường sang chấn và được quan tâm đúng cách.




Cơ thể con không thể quên


Vậy, tại sao một sự kiện nhỏ nhoi có thể gây ảnh hưởng lâu dài? Cơ chế của căng thẳng sau sang chấn là gì?


Trong cuốn sách Trauma-proofing your kids (Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý), các tác giả đã làm rõ rằng, phản ứng chấn thương tâm lý thực chất là một món quà mà tổ tiên ta đã để lại. Nhờ có phản ứng này mà chúng ta sống sót khỏi những tình huống nguy cấp.

Nói một cách dễ hiểu thì bộ não của chúng ta được chia thành 4 phần, theo thứ tự từ trong ra ngoài là: thân não, não trung gian, hệ viền, vỏ não. Trong đó, phần thân não (mà chúng ta thường gọi là phần não bò sát) chịu trách nhiệm điều hòa nhiệt độ, hô hấp, tim mạch; trong khi các phần khác đảm nhiệm những chức năng “cao cấp” hơn như tưởng tượng, ngôn ngữ, tư duy, cảm xúc, ký ức…


Khi sự kiện sang chấn diễn ra, tất cả các phần não khác đều bị tê liệt, chỉ có phần thân não là còn hoạt động. Đó là lý do mà khi đối mặt với một tình huống nguy hiểm, chúng ta thường có phản ứng đổ mồ hôi, tim đập nhanh, mắt nhìn rõ hơn (vì tập trung tối đa để đánh giá tình huống), các cơ tích tụ năng lượng (để chuẩn bị cho việc chạy thoát). Chúng ta hầu như mất khả năng diễn tả, nói chuyện, tư duy, tưởng tượng, vì toàn bộ năng lượng đều dồn về để tập trung cho nhiệm vụ sinh tồn trước mắt. Phản ứng sang chấn dường như là vô cùng thiết yếu đảm bảo giống loài ta tồn tại. Khi có phản ứng sang chấn, cơ thể chúng ta làm được những điều phi thường mà trong trạng thái bình thường ta không thể làm được.


Song, vấn đề lại nằm ở chỗ, những phản ứng này không dừng lại khi con đã thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Trong 4 phần não đã được nhắc đến ở trên, vỏ não chịu trách nhiệm về thời gian – nghĩa là, nhờ phần não này mà ta nhận biết được thời gian, biết được đâu là quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo tiến sĩ Bruce Perry, mỗi khi đối mặt với một dấu hiệu gợi nhắc về biến cố, phần vỏ não này sẽ bị tê liệt. Do đó, trẻ không phân biệt được sự kiện sang chấn đã lùi về quá khứ. Trẻ sẽ vẫn có những phản ứng như đang ở trong tâm chấn của sự kiện, như là hoảng sợ, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, mất khả năng nói, muốn bỏ chạy…


Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn bệnh tật, những dấu hiệu tồn tại của căng thẳng sau sang chấn ở trẻ có thể là (2):

  • Sự kiện sang chấn thường xuyên “sống lại” (có thể là trong ý nghĩ hoặc phản ứng ra bên ngoài).

  • Trẻ gặp ác mộng và các vấn đề về giấc ngủ.

  • Trẻ trở nên cáu gắt, mất bình tĩnh khi chạm trán điều gì đó gợi ký ức về sự kiện.

  • Thiếu cảm xúc tích cực.

  • Sợ hãi hoặc buồn bã liên tục.

  • Khó chịu và bộc phát giận dữ.

  • Dễ bị giật mình.

  • Hành động bất lực, luôn cảm thấy vô vọng hoặc thoái lui.

  • Phủ nhận rằng sự kiện đã xảy ra hoặc cảm thấy tê liệt.

  • Tránh né những địa điểm hoặc những người liên quan đến sự kiện.



Cha mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua sự kiện sang chấn?


Đầu tiên, các bậc cha mẹ cần xác định được nhiệm vụ chính của mình trong việc giúp con phòng tránh cũng như hỗ trợ con vượt qua căng thẳng sau sang chấn (3). Chúng ta cần hiểu rằng đối nghịch với chấn thương tâm lý là sự tự chủ: tự chủ trong phản ứng của cơ thể, tự chủ để nhận diện được rằng sự kiện đó đã qua đi.


Sang chấn là do vô thức, như vậy, nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là giúp con lấy lại phần ý thức của mình.
  • Sự bình tĩnh của cha mẹ: Theo tiến sĩ Peter A. Levine và chuyên gia tâm lý học đường Maggie Kline, trẻ sẽ nhìn phản ứng của người lớn để xác định mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vì thế, khi trẻ đang trải qua sự kiện căng thẳng, ta không nên thể hiện bất cứ điều gì để gia tăng những cảm xúc tiêu cực đã tồn tại ngay lúc đó trong trẻ – sợ hãi, buồn tủi, bối rối, tội lỗi, lo lắng… Phản ứng thái quá của cha mẹ có thể khiến trải nghiệm sang chấn kinh hoàng hơn.

  • Nói chuyện: Hãy cùng con trẻ nói về trải nghiệm đó và khuyến khích con nói ra những cảm xúc, suy nghĩ của con. Giúp con diễn giải được sự việc bằng ngôn ngữ nghĩa là chúng ta đã thành công trong việc đưa ý thức trở lại với con. Song, nếu trẻ đang trong trạng thái hoảng loạn, hãy giúp trẻ lấy lại bình tĩnh bằng cách cùng con thực hiện hít thở sâu thay vì ép con phải dùng từ ngữ để diễn tả trạng thái của mình.

  • Giúp con hiểu vấn đề: Đây cũng là bước giúp lấy lại phần não ý thức cho trẻ. Hãy nói cho con biết bản chất của vấn đề, cho con biết rằng sự việc đó đã qua đi, con đang an toàn và được bảo vệ tuyệt đối. Hãy điều chỉnh những điều mà con đã hiểu sai về sự kiện thông qua quá trình trò chuyện với con đã đề cập ở trên.

  • Giúp con lấy lại “nhịp điệu”: Trong cuốn sách What happened to you? (Chữa lành những sang chấn tuổi thơ), tiến sĩ Bruce Perry đã đề cập đến vai trò của "nhịp điệu" trong việc chữa lành vết thương do sang chấn gây ra, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của "nhịp điệu" trong đời sống. Với trẻ, và ngay cả với người lớn chúng ta, nhịp điệu là dấu hiệu của sự cân bằng và an toàn. Ta cảm thấy thoải mái và an tâm trong những nhịp điệu lặp đi lặp lại và có thể đoán trước, ví dụ như một bài hát, một điệu nhảy, một trò chơi, bơi lội, vẽ… Vì xét theo nhiều khía cạnh thì sang chấn chính là một sự kiện đột ngột, bất thường, khiến trẻ mất đi nhịp điệu vốn có. Để giúp con thoát khỏi ký ức đó, ta cần tạo lập một nhịp sinh hoạt đều đặn cho con và cố gắng giữ sự nhất quán. Khi con cảm nhận được nhịp sinh hoạt thường nhật đã quay trở lại, con sẽ lấy lại sự bình tĩnh. Ngoài ra, các hoạt động mang tính nhịp điệu như hát, chơi đàn, nhảy múa… cũng sẽ giúp ích trong quá trình này.

Comments


bottom of page