top of page
Tìm kiếm

Sau chia tay thì chia... gì? 7 câu hỏi trước khi kết thúc mối quan hệ

Chia tay, dưới góc nhìn thực tiễn, cũng là một "quy trình" nan giải với nhiều vấn đề cần được xử lý ổn thỏa - cả về tình lẫn lý. Để đảm bảo tính "lành mạnh" cho mối quan hệ "hết tình còn nghĩa", đồng thời hạn chế những xung đột về sau, chúng ta nên trả lời được 7 câu hỏi sau đây - cũng chính là 7 vấn đề chung phải giải quyết triệt để trước khi "đường ai nấy đi".



Trước khi phân tích 7 câu hỏi "khó nhằn" này, chúng ta cần nhớ rằng thỏa thuận chia tay cần phải được đồng ý bởi đôi bên. Bởi lẽ, nếu không thống nhất mà chỉ có một người bỗng dưng biến mất, tức là chúng ta đang "ghosting" trong mối quan hệ.


1. Ai sẽ nuôi thú cưng?


Bên cạnh vấn đề phức tạp như là có con chung, thì chúng ta cũng cần tiến hành thảo luận kỹ lưỡng về quyền và trách nhiệm chăm thú cưng.


Phải làm sao khi bạn muốn nuôi em thú cưng nhưng bồ (sắp cũ) cũng muốn được… thi thoảng qua thăm?

Quyết định này có thể mất thời gian và cần sự thỏa thuận từ cả hai phía, nhưng quan trọng nhất vẫn là đặt lợi ích và sức khỏe của em thú cưng lên hàng đầu.


Tòa Phúc thẩm Newfoundland và Labrador (Canada) từng gặp phải vấn đề tương tự trong một vụ tranh chấp quyền sở hữu thú cưng là Baker v. Harmina. Vị thẩm phán đã đề xuất rằng khi tranh chấp, "các bên" nên xem xét một số yếu tố (1), (2). Trong đó, có 4 câu hỏi có thể trực tiếp hỗ trợ việc phân chia hay phân công trách nhiệm, cụ thể như sau:

  1. Ai đã mua và nuôi lớn thú cưng?

  2. Mối quan hệ của các bên tranh chấp vào thời điểm vật nuôi được mua là như thế nào?

  3. Ai là người chăm sóc chủ yếu?

  4. Ai phải chịu các chi phí liên quan, gồm thức ăn, hóa đơn thú y, đồ chơi… ?


Khi cả hai cùng ngồi lại và trả lời được những câu hỏi này thì cả hai cũng sẽ biết được ai là người phù hợp nhất để giữ nuôi thú cưng.


2. Có nên block nhau hay không?


Nhìn chung, việc tiếp tục theo dõi nhau trên mạng xã hội là hành động không lành mạnh cho việc chữa lành vết thương sau chia tay (3). Một nhà tâm lý trị liệu gia đình và hôn nhân tại Los Angeles là Tiến sĩ Gary Brown đã chia sẻ trên trang Elite Daily: "Đi qua cuộc chia tay là trải nghiệm đau đớn và theo dõi người yêu cũ là hành động kéo dài nỗi đau của bạn" (4).


Nếu sau chia tay, cả hai có mâu thuẫn và xung đột lớn, gây những ảnh hưởng tâm lý nhất định đến bạn thì block có thể là cách làm bảo vệ bản thân, giúp bạn tạo ra không gian riêng để tĩnh tâm và hồi phục. Tuy nhiên, việc block nhau sau chia tay cũng cần cân nhắc kỹ và không nên “cứng nhắc” theo một công thức nào cả. Bạn cần xem xét tác động của việc block nhau đối với cuộc sống hằng ngày, với công việc và với mối quan hệ khác.


Mặc dù đây không phải là quyết định vĩnh viễn vì bạn có thể "mở block" khi cả hai cảm thấy thoải mái hơn, nhưng nếu cả hai có quá nhiều người quen và hoạt động chung thì trước khi hành động, bạn vẫn nên suy tính kỹ.


3. Bạn bè và người quen chung thì phải làm sao?


Theo Lauren Frances - chuyên gia về mối quan hệ và huấn luyện viên hẹn hò - thì bạn nên có duy trì quy tắc là tránh đi chơi với bạn bè và những người quan trọng trong cuộc sống của người yêu cũ trong khoảng 6 tháng sau khi chia tay (5).


Frances giải thích rằng: "Đây [quy tắc sáu tháng] là phép lịch sự thông thường, sẽ giúp cả hai và mọi người không cảm thấy khó xử" (5).

Sau khi chia tay, mối quan hệ bạn bè chung cần dựa vào từng tình huống cụ thể và cảm xúc cá nhân của cả hai người. Nếu đôi bên có xung đột hoặc cảm thấy không thoải mái, hạn chế mối quan hệ bạn bè có thể là một lựa chọn để tránh xung đột "leo thang" không cần thiết. Nhưng tất nhiên, quy tắc sáu tháng kể trên cũng chỉ mang tính tương đối chứ không thể được áp dụng trong mọi trường hợp. Chẳng hạn, bạn rất khó để áp dụng quy tắc đó nếu người yêu cũ của bạn là người quen của một thành viên trong gia đình bạn.


Nếu không có xung đột lớn và cả hai bạn vẫn cảm thấy thoải mái, bạn có thể quyết định duy trì mối quan hệ bạn bè chung. Nhưng trên hết, nên tập trung vào việc "hồi phục" cho bản thân và đảm bảo rằng các mối quan hệ bạn bè là xung quanh là phù hợp và lành mạnh.



4. Kỷ vật thì phải thế nào?


Kỷ vật có thể là những hồi ức quý báu của thời gian bên nhau mà chúng ta không nhất thiết phải vứt bỏ. Nếu sự hiện diện của các kỷ vật không quá "gây tổn thương", bạn có thể tiếp tục giữ lại chúng. Nếu bạn muốn tạm thời không nhìn thấy các kỷ vật nhưng cũng không muốn vứt đi hoàn toàn, bạn có thể lưu trữ chúng ở một nơi an toàn như hộp đựng hoặc cất vào trong tủ. Nếu bạn và "người yêu cũ" cảm thấy thoải mái với việc chia sẻ các kỷ vật hoặc trả lại cho nhau thì đây cũng được xem là một cách để kết thúc mối quan hệ một cách văn minh và lịch sự.


Quan trọng nhất vẫn là cảm xúc và tình cảm cá nhân của bạn. Không có câu trả lời đúng hoặc sai về việc xử lý kỷ vật sau chia tay, chỉ cần đảm bảo rằng quyết định của bạn làm không làm cho đối phương và chính bản thân bạn bị tổn thương kéo dài.

Về điều này, mời độc giả tham khảo bài viết cùng chủ đề đã được đăng tải trên LeLa JournalẢnh người yêu cũ, không xoá thì giữ lại làm gì?



Tuy nhiên, có thể sẽ có khác biệt với những vật liên quan tới "giao kèo" đính hôn, cưới hỏi. Thông thường, đôi bên cùng đi đến thỏa thuận chung với những vật đính ước, cụ thể là nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới. Nhưng trong xã hội hiện đại, không thể phủ nhận là chúng ta có thể sở hữu những chiếc nhẫn đính hôn và nhẫn cưới giá trị lớn.


Nếu khi chia tay và hai bạn cảm thấy khó phân xử thì có thể tham khảo vụ Cohen v. Stellar với tranh chấp tương tự. Vị thẩm phán là McCardie J đã kết luận rằng có 3 nguyên tắc sau để xác định quyền sở hữu nhẫn đính hôn sau khi chia tay (6), (7), (8):

  • Nếu người nhận nhẫn đính hôn lại từ chối thực hiện các điều kiện của món quà [nhẫn đính hôn và quà tặng tương tự] mà không có cơ sở hợp pháp thì phải trả lại.

  • Nếu một người từ chối thực hiện lời hứa kết hôn mà không có cơ sở hợp pháp thì họ không thể yêu cầu trả lại chiếc nhẫn.

  • Nếu việc đính hôn bị hủy bỏ theo sự đồng ý của hai bên, mà không có thỏa thuận nào khác, thì nhẫn đính hôn và quà tặng tương tự phải được mỗi bên trả lại cho bên kia.


Nói chung, vấn đề liên quan tới những hiện vật có giá trị sẽ khá phức tạp, nên chúng ta hãy cố gắng "dàn xếp" ổn thỏa càng sớm càng tốt.


5. Làm gì với những thói quen sống khi ở bên nhau?


Phải làm sao khi bạn cùng người yêu vừa chuyển tới một chỗ mới rồi cả hai lại… chia tay.

Sau khi chia tay, các kế hoạch tương lai đã lên cùng nhau đòi hỏi sự điều chỉnh và định hình lại. Hãy ưu tiên cho những mục tiêu và kế hoạch của chính cá nhân bạn, bao gồm các khía cạnh sự nghiệp, các mối quan hệ, sở thích và nhiều thứ khác liên quan đến đời sống cá nhân.


Nếu bạn và "người yêu cũ" vẫn muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp và có ý muốn tiếp tục tương lai cùng nhau trong một vai trò mới, hoặc tiếp tục các kế hoạch sự nghiệp đã được lập trước đó, hãy thảo luận và đưa ra những quyết định này một cách công bằng dựa trên những mong muốn thỏa đáng của cả hai bên.


Chẳng hạn, nếu lúc còn yêu mà lỡ dùng chung tài khoản Netflix, Spotify, Youtube... và chia sẻ những list nhạc, phim chung thì phải chia thế nào cho vẹn cả đôi đường?


6. Phân chia tài chính và tài sản chung như thế nào?


Theo nghiên cứu mới của Experian, 47% những người đã kết thúc mối quan hệ không biết cách chia tài chính với người yêu cũ, mặc dù hơn một nửa (52%) tiết lộ rằng họ có chung tài khoản ngân hàng (9).


Ở nhiều nơi, việc hai người có chung một tài khoản ngân hàng có thể là lợi thế tài chính bởi nó chứng minh được rằng cả hai đều có nguồn thu và cùng đứng tên trên các hóa đơn quan trọng. Tuy nhiên, khi đã chia tay, đây có thể là một vướng mắc lớn cần giải quyết.

Khác với mối quan hệ hôn nhân thông thường, những cặp yêu nhau sẽ ít gặp ràng buộc về tài chính, trừ khi có các loại hợp đồng mua bán trao đổi nhất định. Nếu bạn ở trong tình huống này, hãy bắt đầu bằng việc thảo luận cởi mở với "người yêu sắp cũ" về tài sản chung, bao gồm việc xác định các tài sản (hoặc nợ nần chung, nếu có). Cả hai cần ngồi lại và lập danh sách chi tiết về tất cả các tài sản như bất động sản, tài khoản ngân hàng, tài sản đầu tư... Điều này giúp xác định giá trị tổng và đi đến thỏa thuận về cách phân chia một cách công bằng với các hướng giải quyết như bán tài sản, chuyển quyền sở hữu hoặc bất kỳ sự sắp xếp nào khác mà cả hai đều đồng ý.



7. Thời gian và lịch trình đã lên trước đó thì sao?


Nếu có kế hoạch đi du lịch từ trước, đôi bên cũng có thể quyết định… tiếp tục lịch trình đã lên trước đó. Ngược lại, nếu mối quan hệ của hai người đang rơi vào căng thẳng, hãy thảo luận về việc điều chỉnh lịch trình hoặc hủy bỏ các kế hoạch du lịch, hủy bỏ vé máy bay và khách sạn.


Nếu một trong hai không sẵn sàng, người còn lại có thể xem xét chuyển nhượng hoặc dời lại lịch khi cả hai sẵn sàng hơn để thích nghi với "tình hình mới". Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn lựa đi du lịch một mình mà không có đối phương. Việc đi du lịch một mình sau khi chia tay là cách thức biến nỗi đau thành hành trình khám phá bản thân với nhiều lợi ích cho thân tâm (10).


Điều này cũng được áp dụng nếu đó chỉ là những kế hoạch nhỏ như là đi concert, triển lãm… Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cũng có những trường hợp mà cả hai chia tay trong êm đẹp và sẵn sàng "bước tiếp", họ cũng có thể cùng những người đồng hành mới tham dự những buổi đó cùng nhau, tất nhiên là chỉ khi cả bốn bên đều "vui vẻ cả làng".


Nếu chia tay trong êm đẹp vì hết yêu, thì việc đi concert với người yêu mới của người yêu cũ cũng là một trải nghiệm đáng nhớ, phải không nào?


Cuối cùng thì, mỗi tình huống chia tay đều là một câu chuyện riêng biệt và quyết định cuối cùng nên dựa trên tình hình cụ thể của hai người. Không có mẫu số chung cho tất cả các cuộc tình sau khi chia tay, trong mọi trường hợp, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau luôn là yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến trình chia tay diễn ra một cách văn minh nhất có thể.


​Mời độc giả tham khảo bài viết "Chung nhà, chung giường" còn chung gì nữa? 5 vấn đề cần đồng thuận trước hôn nhân đã được đăng tải trên LeLa Journal.


Comments


bottom of page