top of page
Tìm kiếm

Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Trong tuần qua, vụ nổ tàu lặn Titan trong lúc thám hiểm xác tàu Titanic đã làm năm người trên tàu thiệt mạng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ nhất về nó là thay vì nhận được nhận được sự cảm thông từ cộng đồng, các nạn nhân lại bị chế nhạo bởi nhiều những hình ảnh hài hước (meme) xuất hiện trên hàng loạt nền tảng bao gồm cả Twitter, TikTokInstagram. Vì đâu lại như vậy?


Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Tai nạn đã thu hút sự chú ý bởi mức độ nghiêm trọng và những mâu thuẫn kỳ lạ của nó: Những người tử nạn đều giàu có, thậm chí có người là tỷ phú đô-la và tất cả đều chịu chi 250.000 USD để tham gia chuyến thám hiểm trong con tàu lặn được cảnh báo nhiều lần về mức độ an toàn.


David Pogue, một nhà báo của CBS đã từng tham gia chuyến thăm xác tàu Titanic năm 2021, cho biết tàu Titan được lái bằng một tay cầm chơi game và sử dụng "ống chì gỉ sét từ ngành xây dựng làm vật liệu dằn tàu" (1). Sự tương phản giữa giá vé đắt đỏ và chiếc tàu ngầm với trang thiết bị rẻ tiền là nội dung xuất hiện nhiều nhất trong làn sóng chế giễu trên mạng xã hội.


Xét theo chiều dài lịch sử, Plato và các triết gia Hy Lạp cổ đại khác từng khám phá được rằng con người thấy hài hước trước những phiên bản mông muội chưa tiến hóa của mình, cũng như hả hê trước những bất hạnh của người khác vì cảm thấy bản thân vượt trội (2). Tuy nhiên, chúng ta không thể chối bỏ rằng việc cười cợt trước cái chết của người khác là một hành vi vượt quá phạm trù đạo đức con người.


Yếu tố khiến một số người đang đùa cợt về thảm kịch của các nạn nhân tàu ngầm Titan chính là Schadenfreude - một từ nguyên gốc tiếng Đức mang nghĩa "niềm vui trên nỗi đau của người khác" (3).

Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Schadenfreude - cười trên nỗi đau - từ đâu mà có?


Từ "Schadenfreude" được kết hợp bởi từ "schaden" (gây hại)"freude" (niềm vui), nghĩa là một "niềm vui gây tổn hại" cho người khác. Từ này đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII, cho thấy xu hướng "vui vẻ trên nỗi đau của người khác" đã có từ lâu.


Hiện tượng Schadenfreude đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà khoa học và tâm lý. Trong đó, Shengsheng Wang, Scott. O. Lilienfield và Phillippe Rochat đã đề xuất ba thành tố của Schadenfreude là sự tự đánh giá bản thân (self-evaluation), bản dạng xã hội (social identity) và ý niệm về công bằng (justice). Chúng tạo nên chiếc "kiềng ba chân" kích hoạt Schadenfreude, mà trong tiến trình đó, các nạn nhân trải qua bị "vật hóa", không được nhìn nhận như con người và tai nạn của họ bỗng biến thành một dạng phần thưởng trong xã hội (4).


Chẳng hạn, đứng trước một tình huống đau khổ của một đối tượng, chúng ta có xu hướng tự đánh giá bản thân rằng mình thuộc một nhóm người cụ thể trong xã hội, còn đối tượng kia thuộc về nhóm khác, từ đó có sự đánh giá và nhận định về sự công bằng giữa các nhóm. Khi cảm thấy giữa các nhóm có sự thiếu công bằng, chúng ta có xu hướng để mặc cho hiện tượng tâm lý Schadenfreude diễn ra.

Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Cụ thể hơn, tương ứng với từng thành tố sẽ có những hiện tượng Schadenfreude khác nhau:

  • Tác nhân chính là ý niệm về công bằng xã hội sẽ khiến hiện tượng "Schadenfreude công lý" xuất hiện, trong đó nạn nhân bị trừng phạt vì ác cảm của mọi người trong xã hội.

  • Nếu xuất phát từ sự đánh giá cá nhân, sẽ xuất hiện dạng "Schadenfreude thù địch", trong đó những nạn nhân sẽ luôn bị lợi dụng, đánh giá và thậm chí là bị tố giác nếu có cơ hội.

  • Cuối cùng là "Schadenfreude gây hấn" xuất hiện từ tác nhân bản dạng xã hội, trong đó những những người thực hiện hành vi Schadenfreude sẽ bắt tay cùng nhau để tẩy chay và gây hấn với nạn nhân - người bị xem là kẻ lạc loài, không trong cùng cộng đồng.


Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"


Những nạn nhân của tàu ngầm Titan đã "chịu gấp đôi khổ đau"


Từ mô hình trên, chúng ta có thể nhận định rằng những nạn nhân của tàu ngầm Titan có thể đã phải hứng chịu "bia miệng" từ hai hình thái "Schadenfreude gây hấn" và "Schadenfreude công lý". Họ đã "chết hai lần", một lần là trong con tàu Titan và lần thứ hai là khi họ bị "phi nhân hóa" - không được nhìn nhận như những con người bình thường trong xã hội hoặc những nạn nhân xấu số của những tai nạn thảm khốc khác.


Hiện tượng "Schadenfreude gây hấn" có thể thấy rõ trong làn sóng chế giễu vụ tai nạn khi video Tiktok với nội dung "Chúng ta chỉ còn 30 tiếng để cười nhạo những người trên tàu Titan" được đăng tải trước khi khí oxy trên tàu được cho là sẽ cạn kiệt, nhận được hơn 1,4 triệu lượt xem và hơn 1.000 bình luận đồng tình (5).

Những con người cùng bàn tán và giễu cợt vụ tai nạn là một cộng đồng - họ liên kết và đồng tình với nhau về cái kết bi thảm của con tàu mất tích. Từ đây, đối với họ, những người đi trên tàu Titan không còn là "con người" và số phận của những người ấy, theo một góc nhìn nào đó, là không đáng thương xót.


Chất keo kết dính những con người trong cộng đồng giễu cợt đó nằm ở bản dạng xã hội của họ. Nếu các nạn nhân đều là những hình mẫu được xem là lý tưởng, "sinh ra ở vạch đích" - chẳng hạn như doanh nhân khởi nghiệp, nhà thám hiểm, tỷ phú, con trai tỷ phú - thì những người chế nhạo là những con người bình thường trong xã hội, cảm thấy choáng ngợp trước giá vé 250.000 USD và hẳn sẽ không bao giờ bỏ ra chừng ấy số tiền cho một chuyến khám phá đại dương thiếu an toàn.


Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Khi đó, hiện tượng "Schadenfreude công lý" xuất hiện. Những người bình thường nhìn nhận họ là "phe ta" (ingroup) và nhóm còn lại là "phe chúng" (outgroup).


Trong thời kỳ kinh tế khó khăn vì đại dịch COVID-19 và nhiều biến động địa chính trị khó lường, người lao động buộc phải "thắt lưng buộc bụng", chấp nhận những công việc với trình độ và thù lao thấp hơn (6) thì những tỷ phú tham gia chuyến hành trình vẫn có thể bỏ ra một khoản phí đắt đỏ cho việc thám hiểm xác tàu Titanic. Sự chênh lệch này có thể khiến những người tham gia chế giễu các nạn nhân tin rằng vụ tai nạn là sự tái thiết lập công bằng cho xã hội.


Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Và những biến thể của Schadenfreude…


Đứng từ góc độ tâm lý học, không thể phủ nhận rằng Schadenfreude còn có nhiều tác động tích cực như củng cố sự gắn kết trong cộng đồng, tạo ra các cảm xúc tích cực (7) nhưng cũng có thể làm con người đánh mất lòng vị tha và đồng cảm. Hiện tượng tâm lý phức tạp, vi tế và rất "con người" này vẫn đang là đề tài thu hút nhiều khai thác nghiên cứu.

Từ vụ nổ tàu lặn Titan, nghĩ về hiện tượng tâm lý "Schadenfreude: Cười trên nỗi đau người khác"

Schadenfreude cũng có liên hệ gần với trào lưu "Ăn" đám người giàu (eat the rich) ở chỗ đều trải qua quá trình phi nhân hóa - tước đoạt bản dạng "con người" của người giàu (5). Những bộ phim nổi tiếng như The Menu (2022), Us (2019), Snowpierce (2013) đều đề cập đến tình huống những con người nghèo khổ "vùng lên" chiến đấu với tầng lớp thượng lưu và xem họ như những món ăn hoặc chiến lợi phẩm theo nghĩa đen.



Mặt khác, nếu xét về bản chất thì Schadenfreude cũng có liên hệ với sự tương phản khoái lạc khi đều cổ vũ những phản ứng trái ngược trong tương quan so sánh với người khác.


Comentários


bottom of page