top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảAn Trương

Sức mạnh của câu chữ: Viết lách ảnh hưởng tính cách, cải thiện sức khỏe thân-tâm

Đúng như cụm từ Latin "Calamus Gladio Fortior" (Ngòi bút mạnh hơn thanh kiếm), việc viết vốn ẩn chứa nhiều sức mạnh. Dù viết lách là hành động đa dạng với nhiều sự khác biệt về phong cách, mục đích... nhưng khoa học đã chứng minh được rằng những gì ta viết chính là sự phản ánh về những điều sâu thẳm nhất trong con người ta, bao gồm cả khuynh hướng tính cách. Và cũng từ đó, việc viết còn có thể hỗ trợ đời sống tinh thần của ta.



Viết và đời sống tinh thần


Tiến sĩ Tâm lý học Ronald T. Kellogg đã chỉ ra rằng con người bẩm sinh đã có mong muốn tạo ra các nội dung ý nghĩa ở dạng biểu tượng, thông qua bất kể là phương tiện nghệ thuật hay lời nói. Và viết chính là một phương tiện nghệ thuật thể hiện mong muốn đó (1). Tương tự như vậy, nhiều nhà khoa học nghiên cứu về siêu nhận thức (metacognition) cũng đưa ra định nghĩa tương tự, rằng hành động viết xuất phát từ việc suy nghĩ cho bản thân hoặc người khác, thông qua một tiến trình liên quan đến nhận thức. Khi ấy, chúng ta chuyển hóa những suy nghĩ đó thành một biểu tượng mang tính tượng trưng - ở đây là ngôn ngữ, hay còn gọi là hệ thống chữ viết (2).


Sự phát triển không ngừng của công nghệ và mạng xã hội cung cấp cho việc viết lách một sự đa dạng và linh hoạt hơn bao giờ hết. Viết blog, viết sách, viết kịch bản podcast... là những cách thức viết lách phổ biến trong thời đại 4.0.

Theo Giáo sư Robin Jeffrey, viết được chia làm bốn phong cách, lối viết chính như sau (3):

  • Lối viết bình luận/bình phẩm (expository writing) gồm các công thức nấu ăn, bài viết hướng dẫn, tin tức, các bài viết trong sách giáo khoa...

  • Lối viết mô tả (descriptive writing) gồm thơ ca, nhật ký, tiểu thuyết, kịch...

  • Lối viết thuyết phục (persuasive writing) gồm thư xin việc, bài báo xã luận, bài PR, thư giới thiệu...

  • Lối viết tự sự/tường thuật (narrative writing) gồm truyền thuyết, tiểu thuyết dài, trường ca, sử thi, truyện ngắn...


Mỗi phong cách viết trên được sử dụng cho một mục đích cụ thể. Mỗi cá nhân sẽ có những chọn lựa hình thức viết khác nhau tùy thuộc vào khả năng, nhu cầu biểu đạt và thậm chí là cách sử dụng ngôn ngữ giữa những người có khuynh hướng tính cách khác nhau.


Tính cách thường được định nghĩa là tập hợp các đặc điểm, thái độ, cảm xúc và hành vi nhất quán của một người. Việc phân tích ngôn ngữ để nghiên cứu tính cách con người có thể được thực hiện ở quy mô lớn và được áp dụng trong nhiều lĩnh vực.


Khoa học cũng đã chứng minh được rằng có mối liên hệ giữa việc viết lách và tính cách con người, không chỉ như vậy, việc viết biểu đạt/biểu cảm (expressive writing) cũng có thể hỗ trợ sức khỏe thân-tâm của chúng ta (4), (5).


Mối tương quan giữa viết lách và tính cách


Bạn có biết? Có sự khác biệt nhất định trong cách sử dụng ngôn ngữ viết của người hướng ngoại và hướng nội.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học VU (Amsterdam, Hà Lan) đứng đầu là Trợ lý Giáo sư Camiel Beukeboom, đã yêu cầu 40 tình nguyện viên quan sát các bức ảnh trong các ngữ cảnh khác nhau, sau đó mô tả về những gì đã diễn ra. Kết quả cho thấy ngôn ngữ và cách diễn đạt của người hướng ngoại có xu hướng trừu tượng và mơ hồ, trong khi những người hướng nội lại miêu tả bằng các thuật ngữ cụ thể hơn (6), (7).


Tương tự, Phó Giáo sư Jacob Hirsh và Giáo sư Jordan Peterson thuộc Trường Đại học Toronto đã yêu cầu 94 học sinh viết về trải nghiệm trong quá khứ và các mục tiêu tương lai. Kết quả sau đó là sự khác biệt giữa nhóm người hướng ngoại và hướng nội trong cách sử dụng từ loại (8). Bên cạnh đó, so với những người hướng nội, những người hướng ngoại có xu hướng sử dụng nhiều các từ ngữ mang tính xã giao, biểu thị cảm xúc tích cực và đại từ nhân xưng tập trung vào người khác hơn... (9)



Những người dễ tính thường ít hung hăng và dùng lời lẽ thô tục hơn

Bằng cách phân tích nội dung của gần 700 bài blog chứa tới hàng trăm nghìn từ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin đã nhận thấy những từ ngữ mà mọi người sử dụng phù hợp với cách họ tuyên bố về tính cách của mình, ví dụ như những người tự nhận mình là dễ tính thường ít văng tục và hạn chế sử dụng từ ngữ thể hiện sự hung hăng (10).



Tiền đề cho việc vận dụng viết lách vào tiến trình trị liệu


Một thử nghiệm lâm sàng được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá Thể chế Hệ thống Y tế Duke tại Durham (tiểu bang North California, Hoa Kỳ) mang tên Biến đổi cuộc sống của bạn: Viết để chữa lành đã chứng minh được những phát hiện ban đầu về tính hiệu quả của việc viết biểu đạt (bao gồm cả sáng tác thơ ca...) trong việc tăng khả năng phục hồi và giảm các triệu chứng trầm cảm, giảm sự căng thẳng trong nhận thức và suy ngẫm của các bệnh nhân từng có chấn thương tâm lý trong quá khứ (11).


Một nghiên cứu cũng đã chứng minh được những lợi ích của văn bản biểu cảm trong việc giảm các suy nghĩ nghiền ngẫm và các triệu chứng trầm cảm (12). Thông qua thể loại văn bản này, người viết sử dụng các yếu tố tình cảm, cảm xúc để bày tỏ tâm tư, cách nhìn nhận, đánh giá về một sự việc, hiện tượng hay các vấn đề trong cuộc sống.


Việc viết văn biểu cảm thường được sử dụng trong các môi trường trị liệu tâm lý là điều dễ hiểu, bởi đúng như tên gọi của loại văn bản này, người viết có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến một sự kiện căng thẳng trong hiện tại hoặc quá khứ, nhằm giúp họ đối diện với những vấn đề trong giai đoạn khó khăn.


Việc viết biểu cảm có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh các yếu tố gây căng thẳng (13). Thậm chí, thông qua cơ chế điều chỉnh cảm xúc, liệu pháp viết này còn được xem như một trong các phương thức chính thống của tiến trình trị liệu tâm lý (14). Thông qua việc "ngôn từ hóa" câu chuyện, chúng ta có thể chữa lành vết thương tình cảm, phát triển kỹ năng trong các mối quan hệ và thậm chí tăng cường hệ thống miễn dịch tinh thần của chính chúng ta (15).

Tự trị liệu bằng việc viết nhật ký


Chúng ta có thể hiện thực hóa ý tưởng viết chữa lành với bước đầu tiên là thực hành viết nhật ký. Bạn không cần quá lo ngại về mức độ chỉnh chu hay trau chuốt của văn bản bởi việc viết nhật ký thông thường cũng đã được chứng minh là giúp cải thiện nhận thức về cảm xúc và tư duy của cá nhân, cũng như cải thiện tình trạng căng thẳng tinh thần và sức khỏe ở những bệnh nhân nội khoa tổng quát có triệu chứng lo âu tăng cao (16), (17).


Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nghiên cứu này chỉ cung cấp cho chúng ta cái nhìn tổng quan về tiến trình viết. LeLa Journal cho rằng trước khi bắt đầu viết với mục đích chữa lành, độc giả cần cân nhắc kỹ và xin ý kiến chuyên gia, vì mỗi cách viết chữa lành có thể có các quy trình khác nhau để bảo đảm hiệu quả. Ví dụ, phương pháp viết chữa lành của Tiến sĩ James Whiting Pennebaker đặc biệt yêu cầu người viết phải tập trung viết thật nhiều trong 15-20 phút mỗi ngày và chỉ được viết trong 4 ngày liên tiếp (15).


Bạn có biết? Đối với J. K. Rowling, tác giả của series nổi tiếng Harry Potter, quãng thời gian từ năm 17 tuổi đến 30 tuổi là một quãng đời đen tối. Thế nhưng từ sau khi dồn hết tâm sức vào công việc mà bà giỏi nhất và đam mê nhất là viết lách, thì đến năm bà 31 tuổi, cuốn sách đầu tiên của bà đã được phát hành. Đó chính là "Harry Potter và Hòn Đá Phù Thủy" (Harry Potter and the Sorcerer's Stone) - tập truyện mở đầu cho hiện tượng xuất bản toàn cầu đã ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa đại chúng ngày nay. Vào năm bà 42 tuổi, sách của bà đã bán được 11 triệu bản chỉ trong ngày đầu tiên phát hành. Hiện tại, J. K. Rowling được xem như nhà văn đầu tiên trở thành tỷ phú.


Comments


bottom of page