top of page
Tìm kiếm
Trọng Nghĩa

Tác giả Nguyễn Thùy Dung (Ngày ngày viết chữ): Cái hay cái đẹp của phương ngữ trong tiếng Việt

Tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của chúng ta - có mặt ở khắp mọi nơi, trong thơ ca, phim ảnh và đời sống hằng ngày. Tiếng Việt len lỏi vào từng con tim của những người sống trên dải đất hình chữ S và cả những kiều bào xa xứ. Vậy cái hay, cái đẹp của tiếng Việt trong đời sống hiện đại đã được duy trì và tiếp nối ra sao? Trong chủ đề lần này, LeLa Journal xin gửi đến bạn cuộc trò chuyện nhỏ với tác giả Nguyễn Thùy Dung (admin page Ngày ngày viết chữ và tác giả sách) về tiếng Việt nhé.


Chị Nguyễn Thuỳ Dung. (Ảnh: NVCC)
Chị Nguyễn Thùy Dung. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thùy Dung, sinh năm 1990, là người sáng lập Ngày ngày viết chữ (NNVC - cũng là viết tắt của "Ngôn ngữ vi chỉ", với các trang ngayngayvietchu.com, facebookinstagram) để kể những mẩu chuyện be bé về tiếng Việt và nỗ lực giúp mọi người viết tốt hơn đôi chút. Chị Dung là tác giả của nhiều đầu sách về tiếng Việt và kỹ năng viết như Từ vay hay dùng (2019), Chữ xưa còn một chút này (2021), Hôm nay phải mở mang (2021) và gần đây nhất là trong tháng 9/2023 là cuốn Cổ mỹ từ.

Hình bìa một số cuốn sách của chị Nguyễn Thùy Dung. (Ảnh: NVCC)


Không cần mỹ từ thì thơ ca tiếng Việt vẫn đẹp và xúc động


Để mở đầu cuộc trò chuyện, chị nghĩ một người Việt như chị cảm thấy ngôn ngữ của chúng ta – tiếng Việt như thế nào?


Rất thú vị và logic. Chúng ta hay nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" mỗi khi gặp những tình huống khó lý giải của tiếng Việt. Tuy nhiên, càng đi sâu tìm hiểu, mình càng thấy tiếng Việt rất logic. Đành rằng cũng có nhiều chỗ mình chưa hiểu thấu đáo, nhưng chỗ nào hiểu được rồi thì đều phải gật gù tấm tắc khen hay.


Trong quá trình nghiên cứu về tiếng Việt, chị thấy cái hay và cái khó trong ngôn ngữ của chúng ta là gì?


Trước hết, mình không dám nhận là "nghiên cứu". Dùng từ này nghe hơi áp lực. Về cái hay cũng như cái khó của tiếng Việt thì hẳn là không ít, nhưng ở đây mình chỉ xin nói một điểm be bé thế này:


Tiếng Việt khó vì có nhiều từ đồng âm mà khác nghĩa, khiến chúng ta dễ hiểu sai, hiểu lầm, nhưng cũng nhờ hiện tượng đồng âm khác nghĩa đó mà chúng ta dễ chơi chữ.

Chúng ta có rất nhiều câu thơ, câu đối theo lối này, chẳng hạn: "Trồng môn trước cửa, Bắt ốc sau nhà", "Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc; Ngư là cá, cá lội ngắc ngư". Đây là một điểm rất thú vị. Ngoài ra còn rất nhiều điểm thú vị khác nữa mà càng tìm hiểu, chúng ta sẽ càng thấy xúc động với tiếng mẹ đẻ của mình.



Được biết chị sắp sửa ra mắt sách Cổ mỹ từ, vậy chị có ý kiến thế nào về việc "cổ mỹ từ" chú trọng tìm về với những giá trị ngôn ngữ cổ của người Việt, trong khi "tân mỹ từ" lại tập trung "khơi nguồn" những cái đẹp, cái hay đang tồn tại và đang trên đà phát triển?


Thật ra, "cổ mỹ từ" chỉ là tên mình đặt cho một nhóm những từ có sắc thái cổ, có ý nghĩa đẹp, âm thanh đọc lên nghe cũng đẹp và thường xuất hiện trong thơ văn trung đại. Đó không phải là khái niệm "từ cổ" đúng nghĩa của ngôn ngữ học là những từ bị đẩy ra ngoài hệ thống từ vựng hiện nay, hoàn toàn không được sử dụng nữa. Về điều này, mình đã có nói rõ khi giới thiệu "cổ mỹ từ" với bạn đọc.


Mình thấy rằng, ở thời nào thì chúng ta cũng cần sử dụng mỹ từ – để đặt tên, để sáng tác thi ca... Khi tìm hiểu và giới thiệu "cổ mỹ từ", mình cũng không có mục đích hay ý định gì phức tạp. Mình đọc thơ văn trung đại, bắt gặp những từ đẹp đẽ, giàu cảm xúc thì giới thiệu cho bạn đọc của mình cùng biết mà thôi.


Thật vui vì các bạn cũng yêu thích những mỹ từ có sắc thái cổ kính đó.

Thư tay bạn đọc gửi chị Dung. (Ảnh: NVCC)
Thư tay bạn đọc gửi chị Nguyễn Thùy Dung. (Ảnh: NVCC)

Thế nào là sự "giàu đẹp" trong tiếng Việt hiện đại và dòng chảy của nó là gì? Theo chị, liệu "cổ mỹ từ" và "tân mỹ từ" đang đi theo hai dòng chảy riêng hay cùng nhau kết hợp?


Với mình, sự giàu đẹp của tiếng Việt thể hiện ở chỗ chúng ta hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt để nói và viết bất cứ điều gì chúng ta muốn. Đó có thể là những bài thơ, những áng văn xuôi, những bản tình ca, những lời ru, những điệu lý, cả những bức thư điện tử, những văn bản luật, những bài báo mỗi ngày mỗi khác.


Muôn đời nay, tiếng Việt vẫn luôn chuyên chở mọi điều chúng ta muốn diễn đạt. Đó chính là giàu đẹp. Mỹ từ, dù cũ hay mới, cũng là một phần trong sự giàu đẹp ấy. Nhưng chúng ta cũng không cần phải đặt nặng vấn đề là phải có thật nhiều mỹ từ thì mới giàu và đẹp.


"Nào hay nước chảy hoa trôi, Nào hay phận bạc như vôi thế này." (trích Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

Những câu thơ giản dị này nào có mỹ từ gì nhưng vẫn đẹp, vẫn gây xúc động cho người đọc.


Trang sách về từ "thủy chung" thuộc cuốn "Chữ xưa còn một chút này" của chị Nguyễn Thuỳ Dung. (Ảnh: NVCC)
Trang sách về từ "thủy chung" thuộc cuốn "Chữ xưa còn một chút này" của chị Nguyễn Thùy Dung. (Ảnh: NVCC)

May mắn khi bạn đọc yêu mến những từ tiếng Việt vừa đẹp vừa giàu chất thơ


Liệu những từ có sắc thái cổ khi được đưa vào bối cảnh/hoàn cảnh hiện đại thì có phù hợp không? (Ví dụ, từ "hiểu yên" nên được dùng trong trường hợp nào?)


Từ cổ thực sự thì khó mà dùng được trong bối cảnh hiện đại, vì chúng ta không hiểu và quan trọng là có nhiều từ hiện đại dễ hiểu hơn thay thế.

Chẳng hạn như một số từ: bui (chỉ), khứng (chịu), mảng (nghe), chỉn (chỉ, vẫn), mựa (đừng, chớ)... Những từ này ngày nay hầu như không còn dùng hoặc dùng rất hạn chế.



"Cổ mỹ từ" trong sách của mình là những từ của thơ ca, như là "hiểu yên" (sương khói buổi sớm), "hồng quân" (chỉ tạo hoá, cuộc vận hành của vũ trụ)... vẫn có thể được sử dụng.


Như Phan Huy Chú trong bài Túc Tương âm kỳ 2 có dùng từ "hiểu yên" rằng: "Hàn vũ đinh châu tán hiểu yên, Thương giang nhất vọng thuỷ liên thiên" (Mưa lạnh trên bãi sông xua sương khói ban mai, Nhìn dòng sông xanh tiếp nối với bầu trời). Hay như đại thi hào Nguyễn Du có viết trong Truyện Kiều rằng: "Hồng quân với khách hồng quần, Đã xoay đến thế, còn vần chưa tha" (1).


Ít nhất thì bạn có thể dùng để đặt tên cho nhân vật trong các tác phẩm văn chương.



Với lại, mình thấy là, nếu có thể hiểu thêm chút chữ nghĩa xưa cũ, chúng ta cũng tiện bề tiếp cận thơ ca xưa hơn, đọc thơ Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu... thấy dễ thấm hơn.

Từ ý kiến cá nhân, chị thấy có cách nào để các "cổ mỹ từ" được "phổ cập" hơn?


Thật ra, khi làm Cổ mỹ từ, mình không dám mong có thể làm sống lại một lớp từ cổ kính, chỉ hy vọng có thể mang đến cho quý bạn đọc chút niềm hân hoan khi cảm thụ những từ ngữ nhiều sắc thái biểu cảm trong tiếng Việt. Nhưng có lẽ, vì những từ này rất đẹp, lại giàu chất thơ, nên may mắn được nhiều bạn đọc yêu thích.


Vì lòng yêu thích đó của bạn đọc mà mình đã tập hợp "cổ mỹ từ" thành sách, có tranh minh họa sinh động, như vậy có lẽ các "cổ mỹ từ" sẽ càng được nhiều bạn đọc biết đến hơn.



Khả năng phổ quát của phương ngữ cũng là một sự vận động trong tiếng Việt


Bên cạnh từ toàn dân, tiếng Việt còn có phương ngữ, chị nhìn nhận thế nào về phương ngữ trong tiếng Việt?


Rất phong phú và sinh động. Mình rất thích tìm hiểu phương ngữ. Chẳng hạn mình có biết một số vùng ở miền Trung dùng từ "trữa" thay vì "giữa" ("trữa cươi" là "giữa sân"). Lúc mới nghe thì mình thấy lạ, ngẫm nghĩ giây lát thì mình cũng hiểu ra, "trữa" với "giữa" cũng giống như "trời" với "giời", "giăng" với "trăng", "gio" với "tro", "giai" với "trai" vậy. Thật thú vị.



Theo chị, các phương ngữ và từ toàn dân hiện nay tương tác với nhau như thế nào?


Mình thấy là có khá nhiều từ thuộc một phương ngữ đang lan rộng và dần trở thành từ toàn dân. Điều này có thể do sức ảnh hưởng và lan tỏa của truyền thông đại chúng và mạng xã hội nói chung. Ví dụ, từ "xéo xắt" vốn được dùng từ rất lâu ở Nam Bộ, mấy năm trước lại rộ lên khắp "cõi mạng".


Đây là một sự vận động mà mình rất thích quan sát.

Góc nhìn của chị về việc sử dụng phương ngữ trong sáng tác nói chung là gì?


Cá nhân mình rất ủng hộ việc sử dụng phương ngữ trong sáng tác văn nghệ và văn chương. Bản thân mình khi viết, trong một chừng mực có thể chấp nhận được, vẫn dùng phương ngữ Nam Bộ.


Thỉnh thoảng cũng có bạn đọc thắc mắc, như lần mình dùng từ "hẳn hòi", có bạn đọc hỏi: "Sao không phải là hẳn hoi mà lại là hẳn hòi?"



Tuy nhiên, nói chung, mình hy vọng có thể dùng tiếng nói địa phương để sáng tác, nhất là trong các văn bản phi hành chính, phi khoa học.


Đó có lẽ cũng là một cách để thể hiện một đất nước Việt Nam thống nhất mà đa dạng.

Chị muốn lan toả tiếng Việt và niềm đam mê học hỏi tiếng Việt đến với các bạn trẻ ngày nay như thế nào nhất?


Những năm qua, mình vẫn kiên trì kể những "mẩu chuyện be bé" về tiếng Việt, cụ thể là về từ, ngữ, âm, câu cú. Chẳng hạn, ý nghĩa tên cầu Thê Húc là "nơi ánh mặt trời sớm mai đậu xuống", hoặc cách người Việt dùng từ "ngắt" trong các tổ hợp "tẻ ngắt", "vắng ngắt", "xanh ngắt", "lạnh ngắt", "vắng ngắt"… để chỉ một điều gì đó ở mức độ cao và thuần chất.


Mỗi bài, mình đều cố gắng viết ngắn gọn, vừa đủ thôi, từng chút từng chút một như thế, cho bạn đọc dễ cảm. Mưa dầm thấm đất, mình thấy là rất nhiều bạn đọc của mình ngày càng yêu thích việc tìm hiểu tiếng Việt và dùng tiếng Việt đúng đắn hơn, chỉn chu hơn.


Hình ảnh cuốn "Cổ mỹ từ" được phát hành vào tháng 9/2023 của chị Nguyễn Thùy Dung. (Ảnh: NVCC)


Trong bối cảnh hiện nay, các bạn trẻ có xu hướng học nhiều ngôn ngữ nhưng sử dụng không được "chắc" tiếng Việt, thậm chí sử dụng những từ như "đỉnh lưu", "soái ca"... trong đời sống thường ngày. Vậy chị có "mẹo" (giải pháp cụ thể) nào cho các bạn để các bạn có thể phân biệt và sử dụng tốt hơn các "cổ mỹ từ" và từ Hán Việt không ạ?


Có lẽ đúng là có nhiều bạn "sử dụng không được 'chắc' tiếng Việt" thật, nhưng mà mình cũng gặp không ít bạn trẻ mày mò đọc sách, tham gia các buổi trò chuyện, các buổi học nhỏ về tiếng Việt để biết cách dùng tiếng Việt cho "chắc" hơn. Còn việc sử dụng những từ ngữ "không được Việt Nam cho lắm" thì mình nghĩ đó cũng là một biểu hiện của việc giao lưu, tiếp xúc với nhiều văn hoá và ngôn ngữ.


Điều này âu cũng là một lẽ thường vì chúng ta đang sống trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển. Quan trọng là chúng ta chú ý điều chỉnh, sử dụng cho phù hợp, tránh lạm dụng.

Hình ảnh chị Nguyễn Thùy Dung trong một số buổi giao lưu với bạn đọc. (Ảnh: NVCC)


Riêng chuyện phân biệt và sử dụng tốt "cổ mỹ từ" và rộng hơn là từ Hán Việt, mình nghĩ cái này trước hết là tuỳ nhu cầu của mỗi người, thấy cần thì sử dụng. Còn nếu muốn sử dụng mà không biết bắt đầu từ đâu thì các bạn có thể dùng ngay một công cụ cực kỳ hữu ích là tự điển/từ điển Hán Việt.


Chẳng hạn như tự điển/từ điển của Đào Duy Anh, của Thiều Chửu, của Trần Văn Chánh...

Các sách ấy rất tốt, sử dụng một thời gian các bạn sẽ thấy trình độ Hán Việt của mình được nâng cao đáng kể. Ngoài ra, các bạn cũng có thể đọc các tác phẩm thi ca xưa, trong sách Cổ mỹ từ, mình có giới thiệu rất nhiều tác phẩm, các bạn có thể tham khảo.


Xin cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi trò chuyện với LeLa Journal!


​Vào ngày 8/10/2023, Công ty Sách Du Bút đã chính thức ra mắt và phát hành cuốn sách Cổ mỹ từ - một tựa sách về những từ đẹp mà nay ít dùng của tác giả Nguyễn Thùy Dung. Để tìm đọc những từ này, độc giả có thể tìm mua trên Shopee, trang của Du Bút cũng như tại các đại lý trên toàn quốc.


Comments


bottom of page