Chúng ta đang sống giữa kỷ nguyên của công nghệ thông tin nơi sự cập nhật dữ liệu diễn ra liên tục hằng giờ. Đứng trước cám dỗ về lợi ích to lớn khi nắm quyền kiểm soát và định hướng hành vi người tiêu dùng, thì tin giả - "đứa con ngoại lai" phát sinh từ lợi ích cá nhân của thiểu số - lại đang được đa số người đọc "cưng chiều" hết cỡ. Vấn đề nhức nhối của việc thật giả trong thông tin vẫn đang còn chưa được giải quyết thì hiện nay, việc đưa tin giả "đội lốt khoa học" lại càng nan giải hơn, không chỉ gây nguy hiểm cho cộng đồng mà còn là thách thức đối với những người làm truyền thông chân chính.
Tại sao tin giả khoa học lại hấp dẫn và lan truyền chóng mặt?
Thông tin sai lệch và tốc độ lan truyền của nó đã có lịch sử tồn tại từ rất lâu. Tin giả ra đời khi con người nhận ra được lợi ích của việc cung cấp thông tin không trung thực, thiếu chính xác hoặc thêu dệt. Các ví dụ có thể kể đến như bài báo "Sự sống trên Mặt Trăng" của tờ New York Sun đăng ngày 25/8/1983 như một chiêu trò thu hút độc giả, cho đến những vụ để lại hậu quả nghiêm trọng như vụ xả súng ở tiệm pizza Comet Ping Pong từ một dòng tweet bịa đặt, vu khống. Lela Journal cũng đã có một bài về "Nỗi oan của đậu nành" mà tác hại của nó cũng đến từ việc đưa tin thiếu kiểm chứng.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tin giả lan tràn đó là:
1. Lợi ích cá nhân, ảnh hưởng truyền thông: Điểm khác biệt của tin giả hay thông tin sai lệch trong thời đại ngày nay là về tốc độ, khả năng lan truyền (Niklewicz, 2017) (1), quy mô, độ phức tạp của vấn đề và sự bàn luận quá mức (Blumler, 2015) (2). Sự phát triển của Internet cũng góp phần lan truyền tin giả thông qua các nền tảng thông tin mạng, với những mục đích trục lợi về mặt kinh tế hoặc chính trị, dựng nên những học thuyết âm mưu võ đoán hoặc gây xung đột lợi ích, sắc tộc, niềm tin, tôn giáo.
Hãy hình dung một câu chuyện như thế này: Một sớm hôm bạn tình cờ đọc được báo cáo khoa học (sau này mới biết là nghiên cứu "dỏm") được chia sẻ, trích dẫn lại trên rất nhiều bản tin về việc vaccine ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella có khả năng gây ra rối loạn tự kỷ. Cho dù sau đó rất nhiều nhà khoa học đính chính bằng cách đưa ra hàng loạt dẫn chứng về hiệu quả của vaccine trong việc phòng bệnh, nhưng sức "hấp dẫn" của tin giả ngay từ đầu cộng với khả năng thiếu tư duy đối chứng của một nhóm người khiến mọi chuyện trở nên ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả sau đó là số ca mới mắc bệnh sởi đã tăng cao kỷ lục và thái độ hoài nghi võ đoán của đại đa số người dẫn đến phong trào chống đối vaccine (anti-vax). Tiếc thay, đây lại là một sự kiện có thật đã diễn ra tại châu Âu vào 2018.
2. Do chính chúng ta đang tiếp tay cho điều đó: Thông tin vô căn cứ thường có ba tính chất điển hình là không chính xác, sai lệch và gây hiểu lầm (3).
Những người tin vào thuyết âm mưu thường có chung những đặc trưng tính cách và tâm lý như bảo thủ, khả năng tư duy phản biện kém, tin vào thuyết vô định, có xu hướng chấp nhận bằng chứng không thuyết phục, niềm tin sai lệch dẫn đến tiếp nhận thông tin theo những giả thuyết bịa đặt (4).
Thời gian gần đây, việc dẫn chứng các nghiên cứu khoa học vào bài viết đã giúp cho một số tờ báo nhận về lượt hưởng ứng và quan tâm đông đảo từ dư luận, vì nhiều người cho rằng "nói có sách, mách có chứng", thông tin khoa học đầy đủ thì chắc chắn là đáng tin. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với điều này.
Liệu mọi nghiên cứu khoa học đều đáng tin cậy?
Câu trả lời là "không hề".
Vấn đề về "ngụy khoa học" (pseudo science), "khoa học rởm" (bad science) đã tồn tại từ lâu. Đây là một cụm từ ám chỉ những nghiên cứu hoặc bài đăng không có đủ bằng chứng thuyết phục hoặc bị đặt nghi vấn về phương pháp nghiên cứu. Cùng với sự phát triển nở rộ của các tạp chí "lá cải" lại khiến tình trạng tin giả và thông tin sai lệch càng nghiêm trọng và khó phát hiện hơn.
Nếu bạn là một người thích ăn chocolate thì vào năm 2015, hẳn bạn từng nghe hoặc xem qua những mẩu tin được chia sẻ rằng chocolate có tác dụng giảm cân mạnh mẽ. Đây là một tin vịt, hay chính xác hơn, là thử nghiệm của Johannes Bohannon về việc "khoa học rởm" có thể khiến độc giả dễ dàng rơi vào bẫy như thế nào. Chỉ việc dựng lên một câu hỏi mang tính thiên kiến và đầy chủ quan của Bohannon (trong trường hợp này là vạch ra những sai lầm của các nghiên cứu trước đây về ăn kiêng), một bản tin "ngụy khoa học" ra đời và mọi người tin sái cổ về tác dụng giảm cân của chocolate (5).
Chúng ta cần chuẩn bị gì để bảo vệ bản thân và cộng đồng
Bên cạnh việc không dành thời gian quan tâm "tin vịt" hoặc báo cáo nội dung sai lệch từ các nguồn không chính thống, bạn có thể sử dụng các cách sau đây để chắt lọc sự thật trong những bản tin “trông có vẻ uy tín”:
1. Sự khiêm cung về trí tuệ: Các học giả cho rằng một trí tuệ khiêm cung, đáng tin cậy sẽ bao gồm ba chiều kích là liên nhân cách (tôn trọng quan điểm khác biệt, khách quan và trung lập khi tiếp nhận thông tin mới), nội quán (khả năng tư duy phản biện, năng lực nhận thức, thái độ cởi mở, cũng như khả năng chấp nhận thông tin chưa kiểm chứng) và cảm xúc. Theo Shauna M. Bowes, Arber Tasimi (2022), những người khiêm tốn về mặt trí tuệ có thường ít tin vào thuyết âm mưu và có thể dự đoán được thông tin gây "nhiễu", chỉ nhằm mục đích "giựt tít, câu view" (6).
2. Nâng cao khả năng tư duy số và hướng đến thay đổi về mặt cấu trúc của các nền tảng số: Kiểm tra tính xác thực của thông tin là nền tảng của khả năng tư duy số (digital literacy). Chúng ta có thể dự đoán về tính chuẩn xác của tin tức dựa theo khung tham chiếu mà Eleni Kapantai và cộng sự đã đề xuất trong một nghiên cứu vào năm 2020 (7):
Kiện tính (facticity): Kiểm tra lại thông tin được nêu trong nội dung từ nguồn trích dẫn, hoặc tìm trên các nguồn uy tín và đối chiếu về tính thống nhất.
Khả năng có thể kiểm nghiệm (verifiability): Nghĩa là chúng ta cần trả lời được các câu hỏi như: "Liệu nghiên cứu đó có khả năng tái hiện ngoài đời thật?", "Liệu chúng ta có thể kiểm chứng được thông tin?", "Có ví dụ phản nghiệm thông tin vừa nêu chăng?"
Động cơ đằng sau (motive): Việc đăng tin giả hoặc đăng tin giấu đi một phần sự thật, dù cố tình hay hữu ý, đều có động cơ đằng sau. Bạn cần tỉnh táo xem thử bài viết đang cố nhắm đến đối tượng nào, để đạt được điều gì trong nhận thức của nhóm đối tượng đó (tuyên truyền một thông tin sai lệch hoặc "tẩy trắng" thông tin xấu đã phát tán trước đó) cũng như bên nào sẽ hưởng lợi từ thông tin đó nếu chúng được lan truyền. Có thể tạm chia thành các nhóm động cơ tâm lý, động cơ lợi ích và các động cơ mờ ám khác.
Phân loại thông tin sai lệch thành những nội dung riêng để dễ dàng nhận biết: Tin đồn, câu view (clickbaits), lừa đảo, chơi khăm, tin vịt, tin phiến diện, tin bị định hướng... sẽ có biểu hiện chung về hình thức cho dù nội dung có khác nhau ra sao. Khi đã có cho riêng mình "mắt thần" dự đoán về tính trung thực, bạn dễ dàng "gạn đục khơi trong" để bỏ qua những tin giả, "ngụy khoa học".
Comentários