top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHạnh Nhân

Tại sao gấu trúc tăng cân mặc dù chỉ ăn cây cỏ?


Trong số những loài vật "đô con", gấu trúc là loài hiếm hoi có chế độ ăn uống thuần chay, nhưng chưa bao giờ có thể giảm cân. LeLa Journal quyết đi tìm hiểu nguyên do vì sao gấu trúc cả đời "béo phì" dù chỉ toàn ăn lá cây?



Không chỉ được xem là báu vật quốc gia của Trung Quốc, gấu trúc còn là loài động vật được mọi người trên toàn thế giới yêu quý. Tuổi thọ trung bình của gấu trúc sống trong tự nhiên là 18-19 tuổi, gấu trúc nuôi là 25 tuổi. Gấu trúc có tuổi thọ cao nhất được ghi nhận là 34 tuổi. Được biết, 1 tuổi của gấu trúc tương đương 3,5 tuổi của người (1).


Gấu trúc trong tự nhiên không có đối thủ và ưa sống một mình. Một con gấu trúc trưởng thành có cân nặng từ 90- 120kg, trong khi lúc chào đời chỉ nặng khoảng 120g (2).


Trung bình một con gấu trúc sẽ ăn 25-40kg trúc mỗi ngày .

Đầu năm 2022, tạp chí Cell Reporte đã công bố vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân chính giúp gấu trúc tích mỡ mặc dù chỉ ăn lá cây (3).


Tiến sĩ Guangping Huang (làm việc tại Viện Động vật học Trung Quốc) cho biết: “Cấu trúc các vi sinh vật đường ruột của gấu trúc sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào môi trường. Mùa xuân, hè thì gấu trúc sẽ dễ tăng cân hơn so với hai mùa thu, đông”.



Cùng với nhận định trên, các nhà nghiên cứu cho biết rằng chính vi khuẩn có tên là Clostridium butyricum khiến gấu trúc tăng cân và tích trữ chất béo. Loại vi khuẩn này tạo ra một loại axit béo được gọi là butyrate, là một trong những nhóm hợp chất được sử dụng để tạo ra chất béo, giúp bù đắp lượng dinh dưỡng mà gấu trúc bị thiếu hụt vào những mùa chỉ có lá tre để ăn (thay vì măng).


“Lượng vi khuẩn đường ruột dao động theo mùa là phổ biến ở các động vật hoang dã vì các món ăn ưa thích của chúng có thể chỉ có sẵn vào những thời điểm nhất định trong năm. Vi khuẩn đường ruột giúp động vật hoang dã tự bảo vệ trước các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Trong trường hợp của gấu trúc, nó giúp chúng tích trữ dinh dưỡng từ măng tre trước thời điểm không có gì để ăn, đảm bảo số cân nặng của gấu trúc luôn ổn định theo từng năm”.


Để làm rõ hơn về nghiên cứu, Viện Động vật học Trung Quốc cũng đã kiểm tra tác động của sự thay đổi đường ruột đối với sự trao đổi chất của gấu trúc, họ đã tiến hành cấy ghép phân của gấu trúc thu thập được trong tự nhiên sang những con chuột không mang vi sinh vật bên trong. Kết quả cho thấy, những con chuột được ăn măng tre trong 3 tuần sau đó tăng cân nhiều hơn và có nhiều chất béo hơn trong cơ thể.


Hiện nay, các nhà khoa học cũng ghi nhận butyrate là một chất bổ sung lợi khuẩn ở người. Tuy nhiên tính an toàn của việc tiêu thụ nó vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.



Comentarios


bottom of page