Chẳng mấy ai lại thích chìm đắm mãi trong nỗi buồn, thế nhưng thả hồn chìm vào ca từ và giai điệu buồn bã thì lại là một "thú vui" khá... chill. Từ những ca khúc trầm buồn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho đến các bản bolero não nề đều đã trở thành "bài ruột" mà nhiều người thích nghe hoặc chọn hát karaoke. Chưa dừng lại ở đó, các bản hit thời nay trải khắp Youtube, Tiktok đa phần cũng là những điệu ballad da diết. Vậy tại sao chúng ta lại cứ thích đắm mình vào thứ âm nhạc phảng phất buồn thương, hãy cùng Lela Journal tìm lý giải từ các nghiên cứu khoa học, nhờ đó hiểu bản thân mình hơn thông qua nỗi buồn.
Nhạc buồn giúp cân bằng cảm xúc
Cảm giác "vui vẻ khi nghe nhạc buồn" tưởng chừng là một điều nghịch lý hóa ra đã được các nhà khoa học của Đại học Nghệ thuật Tokyo (Nhật Bản) lý giải qua một nghiên cứu mang tên "Nhạc buồn dẫn đến cảm xúc vui vẻ". Bằng cách phân chia cảm xúc lúc nghe nhạc thành cảm xúc nhận thức (perceived emotion) và cảm xúc trải nghiệm (felt emotion), trưởng nhóm nghiên cứu Ai Kawakami đã kết luận rằng:
"Cảm xúc nhận thức" và "cảm xúc trải nghiệm" có thể không trùng khớp với nhau trong trường hợp này. Nhạc buồn mang đến nhận thức về nỗi buồn, nhưng sau khi nghe nhạc buồn sẽ dẫn đến những trải nghiệm tích cực. Kết quả khảo sát trên 44 đối tượng cho thấy mặc dù nhạc buồn được người tham gia thừa nhận là "thú đau thương", nhưng việc nghe nó lại khiến họ cảm thấy lãng mạn và ít bất hạnh hơn (1).
Nỗi buồn thường được coi là một cảm xúc khó chịu mà mọi người muốn né tránh bởi chẳng ai mong gặp phải những điều bất như ý. Tuy nhiên, đôi khi người ta lại "tìm được chính mình” trong những âm thanh đẹp đẽ của bản nhạc buồn và thích thú với nó. Nhà soạn nhạc Beethoven trong một lá thư gửi người bạn của ông vào năm 1801 đã viết:
"Âm nhạc mà tôi yêu thích và mang đến cảm giác chữa lành chính là nhạc buồn bã, sầu bi. Đó là những thứ mang lại cho tôi niềm vui, vì chúng truyền cảm hứng về những điều cao cả, tốt đẹp và không cho phép tôi sa vào vực thẳm của hiện thực cuộc sống".
Nhạc buồn gợi cảm giác hoài niệm
Chúng ta từ bé đã lớn lên trong lời ru của mẹ, có người thì lại quen thuộc với câu dân ca, vọng cổ của ông bà, đây đều là những giai điệu đượm buồn tha thiết. Thế nên, trong tâm thức người Việt, những câu hò, điệu lý sẽ khiến nhiều người lâng lâng hoài niệm về một thời đã xa, mang đến cảm giác buồn vu vơ rất khó diễn tả thành lời.
Trong một nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về "Nghịch lý của nỗi buồn trong âm nhạc" vào năm 2014, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất giải thích tại sao chúng ta "nghiện" nhạc buồn là vì nó gợi lên sự hoài niệm.
Khảo sát trên 772 người, cả châu Âu lẫn châu Á, cho thấy sự hoài niệm chứ không phải nỗi buồn mới là cảm xúc thường xuyên nhất được gợi nên khi nghe những giai điệu u sầu (2).
Nhạc buồn đánh lừa não bộ
Tác nhân "lừa gạt" mà âm nhạc tạo ra ở đây chính là prolactin - một hormone có liên quan đến việc tiết nước mắt và giúp xoa dịu nỗi đau.
Nhạc buồn đánh lừa bộ não tham gia vào một phản ứng bù đắp đau thương bằng cách giải phóng ra prolactin. Chính cơ chế hình thành prolactin trong lúc này giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Ngay cả trong trường hợp không có chuyện buồn nào xảy ra trong đời thật, cơ thể vẫn có được hỗn hợp "thuốc giảm đau tinh thần" mang đến cảm giác lâng lâng nhờ hormone này tiết ra mỗi lần nghe các bản nhạc sầu thương (3).
Nói cách khác, khi nghe nhạc buồn, chúng ta đang tạo ra một thế giới cảm xúc tưởng tượng. Đó là một phương thức để tạm thời khắc phục nhu cầu trong tâm hồn của chúng ta về những thứ không có thật trong cuộc sống. Và bản chất của việc "nghiện" nhạc buồn là mang lại cho chúng ta niềm đau khổ để cảm nhận trong tưởng tượng, mà không cần phải đối diện nó một cách thực tiễn trong đời sống hằng ngày.
Vậy nên một điều mà chúng ta cần phải chú ý đó chính là không nên lạm dụng việc nghe nhạc buồn để đạt được cảm giác dễ chịu, đặc biệt là khi ta đang không thực sự có nỗi buồn nào cả. Bởi prolactin nếu được tiết ra quá nhiều một cách thường trực sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài, và việc chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của nhạc buồn cũng khiến ta xa rời những điều tốt đẹp đang diễn ra quanh mình.
Comments