top of page
Tìm kiếm

Tâm lý học kiến trúc: Thiết kế không gian sống chữa lành

Chúng ta dành phần lớn cuộc sống của mình ở nhà và được bao quanh bởi những món đồ nội thất, màu sắc, ánh sáng, âm thanh, các hình dạng thiết kế và cấu trúc căn nhà, thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, những yếu tố trong môi trường này có tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chính mình?


Làm sao để thiết kế một không gian hạnh phúc và thư giãn hơn? Nên sắp xếp nhà ở như thế nào nếu bạn cảm thấy căng thẳng, thường xuyên lo âu? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu về khoa học đằng sau mối liên hệ giữa nhà cửa và cảm xúc.


Ảnh: Jon Nathon Stebb.

Tiến sĩ Harald Deinsberger-Deinsweger của Viện Tâm lý Kiến trúc và Dân cư ở Áo cho rằng, kiến trúc thiếu khoa học và kém chất lượng kết hợp với các yếu tố khác có thể tạo căng thẳng, kiệt sức, gây ra các triệu chứng tâm thần và sự khó chịu về thể chất (1). Những tác động này không diễn ra rõ ràng ngay lập tức, mà thường xuất hiện sau khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm. Trong khi đó, kiến trúc khoa học được xem là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho quá trình chữa bệnh và thúc đẩy hạnh phúc của con người.


Bệnh viện Littenheid ở Thụy Sĩ đã phát triển một ý tưởng thiết kế nội thất mang tên “Lino Castle” để cải thiện việc điều trị nội trú trong khoa tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên. Họ nhận thấy các cải tiến về kiến trúc có thể làm giảm việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế và những hành vi hung hăng gây nguy hiểm, đồng thời tạo ra thay đổi về tần suất dùng thuốc của bệnh nhân. Với dự án Lino Castle, bệnh viện đã kết hợp màu sắc, vật liệu, đồ họa, đồ nội thất và chia làm các phòng riêng lẻ đại diện cho từng rối loạn, trạng thái cảm xúc khác nhau để tạo ra một môi trường có lợi cho việc chữa bệnh và giảm lo lắng. Họ nhận thấy tỷ lệ lưu trú và nhập viện giảm đi, các bệnh nhân cũng có sự cam kết cao hơn, ít hành động hung hăng cùng với đó là sự hài lòng của nhân viên.



Lino Castle đặc trưng với nhiều khu vực thư giãn được thiết kế dễ thương, được bổ sung các yếu tố phòng tương tác và một số khu vực chung sinh động luôn đón chào những bệnh nhân nhỏ tuổi. Với thiết kế vui tươi, hấp dẫn, dự án khác xa màu trắng ảm đạm thông thường của phần lớn bệnh viện. Và như KTS Michael Murphy từng nói "Kiến trúc vĩ đại sẽ cho chúng ta hy vọng và chữa lành những vết thương", Lino Castle đã mang đến cho các em và cha mẹ của chúng cảm giác an toàn và được thấu hiểu. Không dừng lại ở đó, cách tiếp cận khéo léo này cũng cho phép Bệnh viện Littenheid định vị tốt hơn trong thị trường chăm sóc sức khỏe tại Thụy Sĩ.


Tâm lý học môi trường - một ngành nghiên cứu về sức ảnh hưởng của không gian sống đối với trạng thái tinh thần của con người - cũng chỉ ra rằng mọi thứ xung quanh bạn, từ cách bài trí đồ đạc đến lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà, đều có những tác động không nhỏ lên tâm trạng của bạn.

Lindsay T. Graham, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Môi trường Xây dựng tại Đại học California cho rằng: “Ngôi nhà là công cụ cực kỳ quan trọng để định hình trải nghiệm hàng ngày của chúng ta. Tùy vào cách trang trí và sắp xếp, nhà ở của bạn sẽ gợi lên những cảm giác khác nhau” (2).


Khi mọi thứ ngăn nắp, bạn sẽ tập trung hơn



Không gian lộn xộn sẽ khiến tâm trí ta trở nên lộn xộn và làm bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng. Ngày càng nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế và chuyên gia tâm lý học môi trường tin rằng không gian sống có liên hệ chặt chẽ với chất lượng giấc ngủ, chế độ ăn uống và tinh thần của chúng ta. Nhà cửa bừa bộn có thể khiến bạn mất tập trung, không hài lòng với cuộc sống và ảnh hưởng cả về mặt sinh học như gia tăng lượng cortisol, một loại hormone căng thẳng (3).


Giữ cho nhà ở sạch sẽ và có tổ chức sẽ giúp bạn cân bằng cảm xúc và có một trạng thái tinh thần an tĩnh, rõ ràng hơn.

Một số cách dọn dẹp lại ngôi nhà của mình đó là:

  • Nhìn xung quanh và tìm các khu vực lộn xộn, dọn dẹp và sắp xếp đồ vật vào đúng vị trí của chúng.

  • Tối ưu hóa không gian như sử dụng khoảng trống dưới cầu thang, dưới gầm giường để lưu trữ.

  • Loại bỏ, quyên góp hoặc tái chế các vật dụng không dùng đến và không phục vụ cho bất kì mục đích nào.

  • Để ít đồ đạc trên bàn làm việc nhất có thể để tạo khoảng trống cho tâm trí.

  • Chú ý đến những quần áo bạn không mặc trong nhiều tháng và cân nhắc xem bạn có thật sự cần chúng.

  • Lấy cảm hứng từ phong cách sống tối giản (minimalism) để tiết kiệm tối đa, cảm thấy hạnh phúc hơn.


Tạo không gian sống giảm thiểu căng thẳng


Sử dụng các thiết kế hình cong. Nghiên cứu chỉ ra rằng các thiết kế đường cong có thể mang lại cảm giác hài lòng mạnh hơn đáng kể so với đường thẳng, cụ thể là gợi ra các cảm xúc dễ chịu như cảm giác thư thái, yên bình và bình tĩnh (4). Trong khi đó, những cảm xúc không tích cực như căng thẳng, tức giận, khó chịu lại được liên kết với những kiến trúc đường thẳng. Thiết kế ngôi nhà hoặc chọn đồ dùng nội thất theo dạng tròn, cong sẽ giúp bạn có cảm giác nhẹ nhàng và dễ dàng thư giãn hơn khi ở nhà.



Thêm cây xanh giúp chúng ta bình tĩnh. Ngoài công dụng trang trí cho nhà cửa thêm xanh mát và bắt mắt, cây cảnh sẽ khiến ngôi nhà của bạn trong lành và sạch hơn nhờ khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ các khí độc. Chúng cũng giúp tâm trí chúng ta cảm thấy thoải mái. Việc tương tác với cây trồng như tưới nước, ngửi mùi hương hay chạm vào cây sẽ giúp con người giải tỏa stress và bình tĩnh hơn (5). Điều này cũng tương tự với việc tập sống chậm lại và cảm nhận thiên nhiên ngay tại nơi bạn ở.


Gợi ý các loại cây giúp giảm căng thẳng và lo âu hiệu quả:

  • Cây bạc hà

  • Cây hoa nhài

  • Cây nha đam

  • Cây húng quế

  • Cây lưỡi hổ


Ảnh: Huy Phan

Tô điểm với màu xanh da trời. Những màu rực rỡ và đa dạng có thể rất đẹp và sáng tạo, nhưng chúng cũng khiến mức độ lo âu của ta tăng lên khi ở nhà. Trong khi đó, màu xanh biển lại giúp mọi người chìm vào giấc ngủ sâu dễ hơn và cảm thấy bình yên hơn. Sơn tường màu xanh da trời có thể có cả những lợi ích về mặt thể chất như ổn định nhịp tim, giảm huyết áp cao và cải thiện chất lượng giấc ngủ.



Lưu ý về các thiết bị điện tử. Sự ồn ào gia tăng sẽ tạo ra những căng thẳng không đáng có. Dùng máy tính, ti vi và điện thoại hàng giờ có thể gây mệt mỏi do não bộ chúng ta bị kích thích liên tục và quá mức. Để giúp tâm trí tĩnh lặng hơn, chúng ta nên giữ giới hạn về mức sử dụng các thiết bị công nghệ bằng cách sắp đặt chúng ở một không gian nhất định và chừa chỗ cho những nơi cần được yên tĩnh thư giãn. Ngoài ra, bạn có thể phủ một tấm khăn che ti vi lại để tránh vô thức mở lên khi không cần thiết.


Mở cửa sổ thường xuyên. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thiên nhiên luôn là một lựa chọn đúng đắn cho những ai cảm thấy mệt mỏi sau ngày dài làm việc. Nên hạn chế sử dụng rèm cửa ở những nơi không quá cần sự riêng tư để ánh sáng có thể lọt vào và tỏa khắp căn phòng của bạn. Thiếu ánh nắng từ mặt trời có thể làm gián đoạn đồng hồ sinh học, từ đó làm trầm trọng thêm mức độ căng thẳng và lo âu. Trên thực tế, thiết kế ngôi nhà sao cho gần gũi với thiên nhiên nhất sẽ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe tinh thần rất nhiều, đặc biệt là với những người hay gặp rối loạn lo âu.



Không nên đánh giá thấp mức độ ảnh hưởng của những yếu tố nhỏ làm nên môi trường sống của bạn. Chúng góp phần nào đó trong việc định hình cảm xúc và cả con người chúng ta. Hãy nhớ rằng không gian sống như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, bạn có thể lựa chọn và tạo ra một môi trường lý tưởng và phù hợp nhất với bạn, để giúp ích cho sự phát triển và hạnh phúc của chính mình.

Comments


bottom of page