Ăn vạ, la hét, quấy khóc đòi bằng được thứ mình muốn… là một loạt hành vi ở trẻ mà các bậc phụ huynh vẫn hay gọi chung là "khó dạy, mè nheo, được cưng chiều nên hư...", còn các nhà khoa học lại gọi bằng một thuật ngữ có tính chuyên môn hơn là "tantrum". Những hành vi này thường khiến phụ huynh hoàn toàn bất lực không biết làm sao để kiểm soát trẻ. Vậy tại sao trẻ lại "hư" như vậy và người lớn phải ứng xử thế nào trước những cơn "tantrum"?
"Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" hay tại "tantrum"?
Hiện nay vẫn chưa có một thuật ngữ tiếng Việt nào để diễn tả đủ ý nhất khái niệm "tantrum". Tantrum (hay "temper tantrum") khác với nóng giận thông thường và được các nhà khoa học định nghĩa là những hành vi cực đoan, khó chịu hoặc hung hăng trong giai đoạn ngắn để đáp lại sự thất vọng hoặc tức giận (1). Các hành vi "tantrum" thường khác nhau và không rõ ràng trong các tình huống. Ở trẻ mới biết đi, các hành vi này bao gồm khóc lóc, la hét, vùng vằng, quăng ném đồ vật, đánh đấm loạn xạ hoặc cắn (2).
Tantrum xảy ra trung bình mỗi ngày một lần, với thời gian trung bình là ba phút ở trẻ em từ 18 đến 60 tháng tuổi. Thời lượng phổ biến nhất là 0,5 đến 1 phút với sự giảm thiểu các hành vi giữa các đợt (3).
Mức độ nghiêm trọng, tần suất và thời gian của các hành vi “tantrum” sẽ giảm đi một cách tự nhiên khi trẻ lớn hơn. Đa phần, các hành vi này đều khá điển hình ở trẻ mới biết đi, nhưng cũng có khi cơn "tantrum" xuất hiện thất thường có thể là đặc điểm biểu hiện của sự rối loạn hành vi hoặc tâm thần (4).
Nguyên nhân của những cơn "làm mình làm mẩy" của trẻ đến từ:
Nhu cầu sinh lý thông thường như mệt mỏi, đói sữa hoặc bệnh sốt thường bắt gặp ở trẻ mới biết đi. Thất vọng với một điều gì đó cũng là một nguyên nhân phổ biến khác khiến trẻ "nổi loạn".
Trẻ mới biết đi thường có kiểu mâu thuẫn điển hình khi vừa muốn được cha mẹ chú ý, vừa muốn độc lập. Tuy nhiên, chúng lại chưa phát triển các kỹ năng đủ để quản lý những cảm xúc khi có mâu thuẫn phát sinh, dẫn đến hành vi xốc nổi.
Trẻ cũng dần thấy được rằng những cơn giận dữ là một cách hiệu quả để đạt được những gì chúng muốn hoặc chối từ, né tránh những điều không thích (5).
Những hiểu lầm về “tantrum” trong cách nuôi dạy trẻ của phụ huynh Việt Nam
1. Xem đây là hành vi hư hỏng
Thử tưởng tượng khi đang ở khu vui chơi đông người mà con bạn "nằm ăn vạ, giãy đành đạch" vì không chịu về nhà ăn cơm. Rõ ràng điều này rất khó chấp nhận trong văn hóa các nước Á đông khi nhiều bậc phụ huynh vẫn mặc định "Con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Thế nhưng, những hành vi như thế này lại diễn ra rất phổ biến ở trẻ, theo nghiên cứu của Michael Potegal và Richard Davidson. Cụ thể, cơn "tantrum" xảy ra ở 87% trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi, 91% ở trẻ từ 30 đến 36 tháng và 59% ở trẻ từ 42 đến 48 tháng. Không có sự khác biệt nào được ghi nhận về mức độ phổ biến của các cơn "tantrum" theo giới tính hoặc sắc tộc (6). Nếu chúng ta hiểu và thông cảm cho những vấn đề tâm lý của trẻ, đồng thời học cách bớt bận tâm đến những gì người khác nghĩ thì sẽ thông cảm cho việc "trẻ ăn vạ ở nơi công cộng" cũng như dễ chấp nhận và biết cách xử lý mềm mỏng hơn.
2. Luôn luôn trải năm giai đoạn
Khi tìm hiểu về "tantrum" bằng ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta sẽ tìm thấy trên hầu hết các tạp chí trong nước rằng khái niệm này luôn được chia thành năm giai đoạn đó là: Giận dữ, buồn bã, "đừng động vào con", "cần một cái ôm" và cuối cùng là cơn giận trôi qua, trẻ trở lại bình thường. Định nghĩa "năm giai đoạn" này được đề xuất bởi Michael Potegal, Giáo sư nghiên cứu tại Đại học Minnesota. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều cách hiểu về "tantrum" vì có rất nhiều nhà nghiên cứu đã đề xuất ra các hệ thống phân loại khác cũng như cách hiểu khác về cơ chế và nguyên nhân dẫn đến nhóm hành vi "trẻ hư" này.
3. Nghiêm khắc xử phạt sẽ "đàn áp" được sự hư hỏng
Lại đây má quất mấy roi Nằm khóc ăn vạ sao coi được trời? Con người không phải "con giời" Đánh cho quen trước, ra đời đỡ đau.
Đối phó với hành vi "tantrum" của trẻ bằng sự nghiêm khắc "thương cho roi cho vọt" là một sai lầm phổ biến trong nuôi dạy trẻ vì:
Không có tác dụng: Nguyên nhân dẫn đến hành vi này không phải là hư hỏng. Hư hỏng là biết hành vi của mình gây hại cho bản thân hoặc những người xung quanh nhưng vẫn cố chấp thực hiện. Còn việc trẻ nóng nảy, la hét hoặc ăn vạ thì lại xuất phát từ những lý do khác và hoàn toàn là một điều bình thường trong sự phát triển của trẻ. Khi ứng dụng giải pháp dựa trên hiểu biết về nguyên nhân sai thì rất dễ dẫn đến kết quả không bao giờ đúng. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh, việc này không giải quyết được vấn đề (7). Nếu như nguyên nhân của những hành động này đến từ chứng rối loạn hành vi hoặc tâm thần thì việc đánh mắng nghiêm khắc thậm chí còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn (8)
Không tốt cho sự phát triển của trẻ: Việc nghiêm khắc, la mắng hay thậm chí sử dụng bạo lực hoàn toàn không tốt đối với sự phát triển của trẻ. Có thể tìm hiểu kỹ hơn về điều này tại đây.
Các chiến lược để đối phó với "tantrum" của trẻ
Có rất nhiều phương pháp để đối phó với những hành vi "trẻ hư", trong đó có một nghiên cứu được đánh giá rất cao mang tên "Đánh giá, quản lý và ngăn ngừa tantrum ở trẻ em" của Giáo sư, Tiến sỹ Barbara Mandleco và Y tá Elizabeth Daniels tại Hệ thống Y tế Đại học Virginia. Lela Journal xin giới thiệu đến quý phụ huynh những ý chính để có thể trang bị cách thức xử lý hiệu quả trên hành trình nuôi dạy con cái.
1. Khi "tantrum" chỉ bao gồm những hành vi điển hình
Nếu nguyên nhân dẫn đến “tantrum” là tự nhiên thì hành vi đó sẽ bao gồm: Giận dữ, la hét ầm ĩ, lên giọng, khóc, cúi đầu xuống, liếc mắt, liên tục lặp lại lời đòi hỏi và phớt lờ yêu cầu của người lớn, ngồi xuống và chống đối ở nơi đông người…
Đối với những trường hợp này, phụ huynh không cần quá lo lắng vì nó là một phần của sự phát triển khỏe mạnh ở trẻ. Tuy nhiên để giảm thiểu căng thẳng thì phụ huynh cần nắm được những nguyên tắc sau:
Giữ bình tĩnh, cố gắng đánh lạc hướng trẻ nếu có thể: Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải giữ bình tĩnh trong những trường hợp như thế này để đưa ra giải pháp phù hợp. Trẻ em cần có một khoảng thời gian "nghỉ ngơi" hoặc "hạ nhiệt" để bình tĩnh lại. Tuy nhiên, tránh lạm dụng khoảng thời gian này quá thường xuyên vì có thể tạo ra thói quen không tốt cho trẻ. Tốt nhất là phụ huynh chỉ nên đặt ra "giới hạn bình tĩnh" trong khoảng một phút cho trẻ từ khoảng năm tuổi trở lên. Vì việc đối phó với các hành vi "làm mình làm mẩy" thường xuyên của con cái có thể dẫn đến căng thẳng cho người lớn nên phụ huynh cũng phải chú ý đến sức chịu đựng của bản thân.
Phớt lờ: Nhiều khi đứa trẻ sẽ nổi "cơn thịnh nộ" như một cơ chế để thu hút sự chú ý. Có thể do bình thường trẻ không nhận được sự quan tâm nên chúng đang cố gắng tìm cách để đạt được điều này. Do đó, ngoài việc dành thời gian nhiều hơn cho trẻ thì khuyến nghị tốt nhất dành cho cha mẹ trong tình huống này là phớt lờ hành vi của trẻ cho đến khi chúng bình tĩnh lại và "cơn thịnh nộ" biến mất, miễn là trẻ không gặp nguy hiểm hoặc không gây nguy hiểm cho bất kỳ ai khác. Điều này sẽ cho trẻ thấy rằng hành động gây rối và ăn vạ không gây được sự chú ý của cha mẹ, từ đó trẻ sẽ tự khắc giảm thiểu các hành vi tương tự trong tương lai.
Không nhượng bộ: Nhiều cơn "tantrum" xảy ra khi trẻ được yêu cầu làm điều gì đó mà chúng không muốn. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng tuyệt đối không nhượng bộ ngay cả khi cơn giận dữ của trẻ bùng phát, bởi vì điều này gây ra sự củng cố tiêu cực. Ví dụ, nếu trẻ bắt đầu tỏ vẻ nhăn nhó, quẫy đạp và khóc lóc vì không muốn đi ngủ, còn cha mẹ lại du di cho phép chúng nấn ná thức tiếp, trẻ sẽ học được rằng cha mẹ sẽ nhượng bộ trước các hành vi làm nũng của chúng và điều này cứ lặp lại thành thói quen.
Rời khỏi nơi trẻ đang "làm mình làm mẩy": Cách để giữ bình tĩnh cuối cùng là rời khỏi căn phòng nơi trẻ đang "ăn vạ" và chờ cho cơn "tantrum" qua đi. Tuy nhiên, nếu trẻ có hành vi đó ở nơi công cộng, chẳng hạn như siêu thị hoặc công viên, phụ huynh cần tìm cách dẫn trẻ rời khỏi nơi đó ngay để trẻ không "được nước lấn tới" ở chốn đông người.
2. Khi "tantrum" có dấu hiệu bất thường
Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra trẻ mẫu giáo có biểu hiện "tantrum" thái quá, họ phát hiện ra rằng 52% trong số chúng có các vấn đề khác nghiêm trọng hơn về hành vi và cảm xúc. Một số các hành vi không điển hình và có thể gây lo ngại đó là: Đánh người, ném đồ vật, phá vỡ đồ vật, tự đánh mình, đập đầu, nín thở, tự cắn mình hoặc cắn người khác, đập vào tường… Ngược lại, những đứa trẻ khỏe mạnh về mặt cảm xúc ít thể hiện những hành vi nguy hiểm hơn (9).
Ngoài mức độ nghiêm trọng của các hành vi kể trên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những đứa trẻ thường xuyên nổi cơn "tantrum" có nhiều khả năng mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn. Thời gian kéo dài của những hành vi này có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác, cơn "tantrum" kéo dài từ 25 phút trở lên có thể là biểu hiện của những vấn đề nghiêm trọng hơn (10).
Yorumlar